Một số đề xuất hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án xâm phạm trật tự xã hội

Ngày đăng : 14:19, 12/09/2022

(Kiemsat.vn) - Trong bài viết này, Ths. Trần Đình Hải nêu ra những đặc điểm chủ yếu; phân tích những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn và đề xuất một số định hướng nhằm hoàn thiện pháp luật, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án xâm phạm trật tự xã hội.

1. Đặc điểm hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án xâm phạm trật tự xã hội

Tội xâm phạm trật tự xã hội (TTXH) là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự (BLHS), do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và quyền của con người, của công dân, xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính của nhà nước, xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội.

Theo quy định của BLHS hiện hành, các tội phạm này có phạm vi rất rộng, bao gồm nhiều nhóm: (1) Nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm danh dự của con người (chương XIV); (2) nhóm tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân (chương XV); (3) nhóm tội xâm phạm sở hữu (chương XVI); (4) nhóm tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình (chương XVII); (5) nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (chương XXI); (6) nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính (chương XXII); (7) nhóm tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình (chương XXIV).

Hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết các vụ án xâm phạm TTXH có những đặc điểm sau đây:

Một là, xâm phạm TTXH là nhóm tội mang tính “hình sự” đặc thù nhất, xâm phạm đến quyền sống, quyền được bảo hộ về sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, gây ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt ổn định của cộng đồng, đe dọa hoặc phá vỡ trật tự, kỷ cương. Tội phạm còn gây hoang mang, lo sợ, phẫn nộ trong nhân dân, xâm phạm đến những giá trị xã hội, chuẩn mực đạo đức, làm xáo trộn TTXH do đó các vụ án này nói chung và công tác THQCT, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết vụ án được bị hại, gia đình và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Hai là, hoạt động THQCT thường phải tiến hành từ rất sớm để xác định dấu hiệu tội phạm. Bên cạnh đó, kiểm sát viên phải thường xuyên tiến hành các nhiệm vụ liên quan đến các biện pháp thu thập chứng cứ đặc thù như trưng cầu giám định (nguyên nhân chết, tỉ lệ thương tích, pháp y tình dục, pháp y tâm thần, ADN, cơ chế hình thành dấu vết, chữ viết...) hoặc kết luận định giá tài sản, xác định quyền sở hữu của tài sản bị chiếm đoạt và hoạt động thu thập chứng cứ đặc thù khác như xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra...

 Ba là, nhiều tội danh có hành vi khách quan gần giống nhau dễ gây nhầm lẫn. Cùng với đó là hệ thống quy phạm liên quan đến các tình tiết định khung tăng nặng, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định dày đặc, nhiều tình tiết chưa được hướng dẫn cụ thể. Nhiều tội phạm có dấu hiệu định tội liên quan đến đặc điểm nhân thân đã bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó. Điều này đòi hỏi quá trình THQCT Kiểm sát viên cần xem xét, đánh giá toàn diện cả về hành vi khách quan, ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội, nghiên cứu nhiều hệ thống pháp luật khác nhau (cả hành chính, dân sự, hình sự...) để xác định đúng tội danh và khung hình phạt.

Bốn là, tội phạm về TTXH xảy ra trên thực tiễn với nhiều cách thức, thủ đoạn khác nhau. Nhiều hành vi khó phân biệt giữa vi phạm hành chính và tội phạm. Yêu cầu xác minh tuổi của người tham gia tố tụng, nhất là với các chủ thể dao động mức tuổi trên 14 - dưới 14, từ 14 đến 16, trên 16 - dưới 16, trên 18 - dưới 18...cũng thường xuyên phải tiến hành hơn nhiều so với các nhóm tội khác. Tất cả những yếu tố trên đòi hỏi quá trình THQCT, Kiểm sát viên phải thường xuyên phải trao đổi nghiệp vụ, cùng nhau thống nhất với Điều tra viên trong việc đánh giá chứng cứ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Năm là, BLTTHS quy định một số chế định đặc biệt đối với nhóm tội về TTXH như khởi tố theo yêu cầu người bị hại, đình chỉ do bị hại và người đại diện rút đơn, các chế định liên quan đến tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, các thủ tục đặc biệt đối với người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi…. Hoặc bản thân các vụ án xâm phạm TTXH thường xuyên gặp tình huống bị can và gia đình bị hại tự thỏa thuận việc bồi thường dẫn đến bị can phản cung, chối tội…. Do đó để THQCT hiệu quả, Kiểm sát viên phải không ngừng nghiên cứu , vận dụng đúng cũng như thực hiện việc phối hợp tốt với các cơ quan có thẩm quyền để áp dụng đúng các quy định của pháp luật.

Sáu là, do sự đa dạng của các quan hệ xã hội bị xâm hại, số lượng vụ việc, vụ phải giải quyết lớn nhất trong các nhóm tội phạm được quy định trong BLHS lại xảy ra ở nhiều thời kì khác nhau. Điều này đặt ra yêu cầu trong thực tiễn các cơ quan tiến hành tố tụng phải thường xuyên áp dụng pháp luật nội dung (BLHS và các văn bản hướng dẫn thi hành) được ban hành từ những giai đoạn trước luật hình sự hiện hành. Đều này đặt ra thách thức trong công tác THQCT khi tình huống không thống nhất được nhận thức pháp luật và phương pháp tiến hành trình tự, thủ tục về tố tụng thường xuyên xảy ra.

Bảy là, quá trình THQCT, kiểm sát điều tra các vụ án xâm phạm TTXH gặp những thách thức đặc trưng sau:

   + Hiện nay, các đơn thư, tài liệu gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra thường là không đủ ngay các yếu tố, các căn cứ để đánh giá phân loại được là có dấu hiệu hình sự hay không. Có nhiều trường hợp lợi dụng tố giác để được giải quyết dân sự theo thủ tục tố tụng hình sự vì người dân có tâm lý cơ quan Công an sẽ giải quyết nhanh hơn hoặc tránh việc phải tự thu thập chứng cứ và cung cấp cho cơ quan tố tụng.

+ Những tin báo, tố giác về tội phạm có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều địa bàn, nhiều cơ quan tổ chức khác nhau nên quá trình kiểm tra, xác minh còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với những vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức hụi.

+  Nhiều vụ việc có tính chất vụ án phức tạp, có nhiều đối tượng tham gia, các bị can không khai nhận hành vi phạm tội, bị hại không hợp tác với Cơ quan điều tra, người làm chứng lo sợ liên lụy nên không khai báo... nên việc điều tra gặp nhiều khó khăn do thời gian bị giới hạn; một số vụ việc thường xuyên phát sinh tình tiết mới trong quá trình giải quyết tin báo nên việc giải quyết bị kéo dài…

+ Nhiều vụ việc cố ý gây thương tích, bị hại đến cơ quan Công an trình báo sau đó bỏ đi khỏi địa phương, không phối hợp trong việc giám định tỷ lệ thương tật nên phải tạm đình chỉ;  Một số vụ việc liên quan đến tín dụng đen đều có tính chất phức tạp để xử lý được là rất khó khăn vì người vay và chủ nợ tự thỏa thuận tiền lãi với nhau, không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh. Nhiều trường hợp bị hại không hợp tác, không cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm...nên không có căn cứ xử lý; Các hành vi xâm hại phụ nữ, trẻ em đều tố giác muộn nên khó thu thập dấu vết sinh học hoặc không đủ điều kiện để giám định. Tính chất nhạy cảm của vụ việc khiến tâm lý gia đình nạn nhân, người bị hại thường không phản ứng kịp thời nên xảy ra tình trạng muộn tố giác; Một số vụ việc phức tạp, phạm vi xác minh rộng nên hết thời hạn giải quyết tin báo nhưng chưa thu thập đầy đủ tài liệu buộc phải tạm đình chỉ việc giải quyết. Nhiều vụ việc thời gian chờ kết quả giám định, định giá dài hơn thời gian giải quyết tin báo.

+ Đối với các nguồn tin tội phạm liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao như: sử dụng các ứng dụng Zalo, Facebook…để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản thường gặp khó khăn trong việc xác minh, xác định đối tượng thực hiện hành vi phạm tội (đối tượng thường ở các địa phương khác nhau).

+ Tình hình tội phạm gia tăng về mức độ, diễn biến phức tạp, nhiều loại tội phạm mới phát sinh với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, gây khó khăn trong việc xác minh, xử lý; nhiều trường hợp Viện kiểm sát cấp dưới phải họp liên ngành hoặc xin ý kiến thỉnh thị của cấp trên nên dẫn đến một số vụ việc không thể ra quyết định giải quyết đúng thời hạn theo quy định của BLTTHS...

(còn nữa)

Ths. Trần Đình Hải