Một số bất cập về công nhận con nuôi trong vụ án tranh chấp quyền thừa kế di sản
Ngày đăng : 17:51, 10/09/2022
1. Quy định của pháp luật về nuôi con nuôi
Điều 50 (Điều khoản chuyển tiếp) Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định như sau:
“1. Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;
b) Đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;
c) Giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.
2. Sau khi được đăng ký, quan hệ nuôi con nuôi quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị pháp lý kể từ thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi.
3. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục đăng ký nuôi con nuôi quy định tại Điều này bảo đảm thuận lợi và phù hợp với điều kiện thực tế của nhân dân ở các vùng, miền”.
Qua đó cho thấy, Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định việc nuôi con nuôi phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên những trường hợp nuôi con nuôi trước ngày Luật này có hiệu lực pháp luật mà cha nuôi, mẹ nuôi đã chết thì con nuôi không thể hưởng di sản thừa kế của cha nuôi, mẹ nuôi thực tế theo quy định tại các điều 651, 652, 653 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015.
Như vậy, để có căn cứ chứng minh con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi thì phải đăng ký việc nuôi con nuôi theo Điều 22 Luật nuôi con nuôi năm 2010:
“1. Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của những người quy định tại Điều 21 của Luật này.
2. Trường hợp UBND cấp xã từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và nêu rõ lý do trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có ý kiến của những người quy định tại Điều 21 của Luật này.
3. Giấy chứng nhận nuôi con nuôi được gửi UBND cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi”.
Giấy chứng nhận nuôi con nuôi là chứng cứ để chứng minh con nuôi trong vụ án tranh chấp quyền thừa kế theo pháp luật đối với di sản do người chết để lại theo quy định của BLDS năm 2015.
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Theo đó, con nuôi được hưởng thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Như vậy, muốn hưởng thừa kế di sản do cha nuôi, mẹ nuôi để lại theo hàng thừa kế thứ nhất thì con nuôi phải cung cấp chứng cứ là giấy chứng nhận nuôi con nuôi của cha nuôi, mẹ nuôi cho Tòa án để chứng minh.
2. Nội dung vụ án
Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định: Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi; cha nuôi, mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký; con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký. Trong thực tiễn, nhiều trường hợp có đủ điều kiện về con nuôi, cha nuôi, mẹ nuôi nhưng vì Luật nuôi con nuôi năm 2010 không công nhận con nuôi thực tế nên một số người con nuôi được nhận nuôi trước ngày 01/01/2011, mà cha nuôi, mẹ nuôi qua đời nên con nuôi không thể làm thủ tục theo quy định của pháp luật. Do đó, họ không được cấp giấy chứng nhận nuôi con nuôi để được hưởng di sản trong vụ án tranh chấp quyền thừa kế của cha nuôi, mẹ nuôi. Nói cách khác, quy định không hợp lý của Luật nuôi con nuôi năm 2010 đã làm người con nuôi không được hưởng quyền lợi chính đáng của họ.
Ví dụ: Vụ án tranh chấp quyền thừa kế của nguyên đơn Nguyễn Thị G với bị đơn Huỳnh Văn N về việc tranh chấp di sản thừa kế của bà Nguyễn Thị T (chị ruột của bà G) chết để lại.
Ông Huỳnh Đ và bà Nguyễn Thị G sinh được 01 người con là Huỳnh Văn N (sinh năm 1962). Ông Huỳnh Đ hy sinh năm 1964 (khi N 02 tuổi). Cuối năm 1964, bà G gửi con (N) cho chị ruột của mình là bà Nguyễn Thị T nuôi dưỡng, làm con nuôi, bà G đi lấy chồng khác là Trần Văn H. Ông N ở với bác ruột Nguyễn Thị T như con nuôi từ cuối năm 1964 tại ngôi nhà 400m2, tại thôn V, xã M, huyện P, tỉnh B; được bà T lập gia đình và ở cùng bà T. Vợ chồng ông N sinh được 07 người con. Ông N ở chung và phụng dưỡng bà T từ lúc bà T nuôi N (năm 1964). Năm 2010, bà T qua đời, ông N lo mai táng, xây mồ và hương khói, cúng giỗ bà T tại ngôi nhà đó. Năm 2014, bà Nguyễn Thị G có đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện P tranh chấp thừa kế di sản là nhà đất của bà Nguyễn Thị T (chị ruột bà G) chết để lại gồm ngôi nhà trên thửa đất số 1, tờ bản đồ số 2, diện tích 400m2 tọa lạc tại thôn V, xã M, huyện P, tỉnh B. Theo đó, bà G yêu cầu Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế của bà T chết để lại cho bà, vì tại thời điểm khởi kiện chỉ có duy nhất bà G được hưởng thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ hai.
Ông Huỳnh Văn N xác định ông là con nuôi của bà T, ông ở với bà T từ lúc 02 tuổi đến khi bà T mất, bà T lo xây dựng gia đình cho ông và ông ở chung một nhà với bà T, ông phụng dưỡng bà T như mẹ nuôi. Khi bà T qua đời, ông N là người trực tiếp lo hậu sự và hương khói thờ cúng, xây mồ mả cho bà T, nên ông là con nuôi của bà T; do đó, ông là người duy nhất được hưởng di sản của bà T chết để lại. Bởi vì, bà T nhận ông làm con nuôi khi chiến tranh loạn lạc, nên không thể làm thủ tục nuôi con nuôi. Ngày 01/01/2011, Luật nuôi con nuôi năm 2010 có hiệu lực thi hành thì mẹ nuôi của ông (bà T) đã qua đời (năm 2010), ông không thể làm thủ tục con nuôi được, nên không có chứng cứ cung cấp cho Tòa án để bảo vệ quyền lợi của ông.
Kết quả xét xử sơ thẩm, phúc thẩm không công nhận ông Huỳnh Văn N là con nuôi của bà T, vì ông N không cung cấp chứng cứ là giấy chứng nhận con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi năm 2010. Do đó, Tòa án hai cấp đã chấp nhận đơn khởi kiện của bà G, buộc ông N giao lại toàn bộ di sản thừa kế là nhà đất của bà T cho bà G; không chấp nhận yêu cầu của ông N được hưởng thừa kế của bà T, bởi ông N không có chứng cứ chứng minh ông là con nuôi của bà T.
Ông N có đơn yêu cầu xem xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng Tòa án nhân dân cấp cao thông báo không có căn cứ xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
3. Đề xuất, kiến nghị
Luật nuôi con nuôi năm 2010 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2011; theo đó, trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi chết trước ngày Luật này có hiệu lực pháp luật thì con nuôi thực tế không thể tự làm giấy chứng nhận nuôi con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi năm 2010, Nghị định số 114/2016/NĐ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ về quy định lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, lệ phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài và Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi để cung cấp chứng cứ cho Tòa án. Tức là, con nuôi không thể chứng minh mình là con nuôi để được hưởng di sản thừa kế của cha nuôi, mẹ nuôi chết để lại. Do đó, trong vụ án chia di sản thừa kế có con nuôi thực tế mà cha nuôi, mẹ nuôi chết trước ngày Luật nuôi con nuôi năm 2010 có hiệu lực thi hành thì họ bị thiệt thòi, mất quyền hưởng thừa kế như trường hợp ông Huỳnh Văn N đã viện dẫn ở trên.
Do vậy, qua bài viết này, tác giả kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật nuôi con nuôi năm 2010 theo hướng: Công nhận việc nuôi con nuôi thực tế (không cần đăng ký, chỉ cần cần cung cấp các chứng cứ khác trong trường hợp cần chứng minh) đối với trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi chết trước khi Luật nuôi con nuôi năm 2010 có hiệu lực thi hành, nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của những người con nuôi thực tế./.