Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Ngày đăng : 14:00, 17/09/2022

(Kiemsat.vn) - Từ thực tiễn công tác của ngành Kiểm sát nhân dân trong kiểm sát điều tra, truy tố và xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, bài viết đưa ra một số giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Một số kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6/2021, các cơ quan tố tụng đã khởi tố mới 1.356 vụ án/3.471 bị can về tội tham nhũng, chức vụ; Viện kiểm sát đã truy tố 1.268 vụ án/3.410 bị can; Tòa án đã xét xử 1.195 vụ án/3.231 bị cáo. Tội phạm tham nhũng được phát hiện trong hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Các cơ quan tố tụng đã phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng gây hậu quả thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn với số tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đất đai, đầu tư dự án, y tế, giáo dục… như: Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản xảy ra tại Công ty xây lắp dầu khí và dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỉ đồng; vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm trọng tại Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ gây thiệt hại cho Nhà nước trên 500 tỉ đồng; vụ án Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về Tội nhận hối lộ số tiền 3,2 triệu đô la xảy ra tại AVG; các bị can Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Văn Hữu Chiến, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cùng Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi trái pháp luật trong việc bán nhà công sản, giao đất dự án... thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 19.000 tỉ đồng; bị can Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương bị xử lý về Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí...

Bên cạnh đó, có những vụ án tham nhũng số tiền chiếm đoạt không lớn nhưng có tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng, gây bất bình trong nhân dân, tạo dư luận xấu trong xã hội, điển hình như: 03 vụ án liên quan đến kỳ thi quốc gia năm 2018 xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Thời gian gần đây, nhiều vụ án liên quan đến lĩnh vực y tế đã được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử như: Vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội (do lợi dụng việc mua sắm các thiết bị phòng chống dịch Covid- 19, các bị can đã có các hành vi trái pháp luật trong hoạt động đấu thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 04 tỉ đồng); vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai; vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh…

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao luôn xác định công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là trách nhiệm chính trị của ngành Kiểm sát nhân dân trước Đảng, trước Nhân dân. Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã đạt được một số kết quả nổi bật, công tác phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao từng bước được nâng tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao để lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương xử lý kịp thời các nguồn tin tội phạm, các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các nguồn tin tội phạm, các vụ án tham nhũng trong những năm qua được nâng cao, từng bước khắc phục hạn chế, thiếu sót: Đã thực hành quyền công tố, kiểm sát chặt chẽ 100% các vụ án tham nhũng ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Kiểm sát viên đã tăng cường trách nhiệm công tố, tham gia sớm hơn và ngay từ giai đoạn đầu của hoạt động điều tra, xác minh của Cơ quan điều tra đối với các vụ việc, nguồn tin có dấu hiệu tội phạm tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; chủ động phối hợp, định hướng hoạt động điều tra; chủ động theo sát tiến độ điều tra vụ án để ban hành yêu cầu điều tra nhằm làm rõ hành vi phạm tội cũng như yêu cầu xác minh làm rõ, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; yêu cầu Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp ngăn chặn như bắt tạm giam đối với những bị can có vai trò chính, chủ mưu hoặc cấm xuất cảnh đối với các đối tượng liên quan ngay từ giai đoạn xác minh, giải quyết tin báo; áp dụng kê biên, phong tỏa tài sản để ngăn chặn các đối tượng bỏ trốn, che giấu, tẩu tán tài sản. Ví dụ: (1) Vụ án Trần Văn Minh, Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm xảy ra tại thành phố Đà Nẵng, thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đã ban hành 08 yêu cầu điều tra, yêu cầu và đôn đốc Cơ quan điều tra ban hành 08 lệnh kê biên, phong tỏa tài sản có giá trị gần 3.000 tỉ đồng và 34.812 m2 đất, Viện kiểm sát trực tiếp ra lệnh kê biên tài sản trong giai đoạn truy tố tài sản trị giá 717 tỉ đồng; (2) Vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO), Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra ban hành 16 lệnh kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản của các bị can có giá trị 138 tỉ đồng. Việc phê chuẩn các lệnh, quyết định tố tụng theo đề nghị của Cơ quan điều tra bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, không để xảy ra việc lạm dụng bắt khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam; không để xảy ra bắt, tạm giữ hình sự chuyển xử lý hành chính; kiên quyết không phê chuẩn các lệnh, quyết định tố tụng không đúng pháp luật; kiên quyết yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can khi có căn cứ pháp luật để không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Để đạt được những kết quả trên, cùng với sự quyết tâm chính trị của Đảng, các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng luôn nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các nguồn tin tội phạm, các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế lớn; tăng cường trách nhiệm công tố, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, đánh giá chứng cứ, thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát. Đặc biệt, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng của ngành Kiểm sát được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hàng năm, trong các Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao đều nhấn mạnh yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp, Thủ trưởng các đơn vị đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, phải trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc giải quyết án tham nhũng cũng như công tác PCTN trong nội bộ cơ quan, đơn vị; quan tâm củng cố bộ máy và đội ngũ cán bộ đơn vị chuyên trách giải quyết các vụ án tham nhũng. Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao đã chủ động điều động, bổ sung kịp thời những Kiểm sát viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, trình độ, kinh nghiệm công tác để thực hiện nhiệm vụ này. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTN cũng như công tác giải quyết các vụ án tham nhũng lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; quan tâm công tác đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ lãnh đạo, Kiểm sát viên yêu nghề, giỏi nghiệp vụ; tạo động lực phấn đấu, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức để đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Khó khăn, vướng mắc, hạn chế

Những năm trước đây, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt, nguyên nhân chủ yếu là do sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt, nhất là của người đứng đầu một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị; vẫn còn có tư tưởng né tránh, nể nang, ngại va chạm. Do đó, một số địa phương chưa phát hiện và xử lý được vụ án tham nhũng nào, trong khi không phải là địa phương đó không có tham nhũng xảy ra.

Công tác phát hiện nguồn tin về tội phạm tham nhũng, công tác điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã có nhiều chuyển biến mang tính đột phá, nhưng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án chưa đạt yêu cầu, còn để kéo dài, chậm tiến độ do phụ thuộc vào công tác giám định xác định hành vi sai phạm và hậu quả thiệt hại. Thậm chí Giám định viên có biểu hiện né tránh, từ chối thực hiện giám định do ngại va chạm hoặc do phải kết luận sai phạm của chính ngành mình.

Hầu hết các nguồn tin tội phạm, vụ án về tham nhũng, chức vụ đều có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhiều nhóm đối tượng, phạm vi rộng, kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm; đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, thủ đoạn phạm tội tinh vi nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ, xác minh, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát gặp rất nhiều khó khăn.

Trong công tác phối hợp giải quyết nguồn tin về tội phạm, vẫn còn có vụ việc cơ quan có liên quan chậm chuyển tài liệu kèm theo kiến nghị khởi tố; kết luận thanh tra vụ việc sai phạm chung chung, khi chuyển sang Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để đánh giá chứng cứ làm căn cứ khởi tố vụ án yếu, nhiều vụ việc không đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự.

Ngoài ra, các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, hoặc quy định không rõ ràng dẫn đến quan điểm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, xác định thiệt hại trong một số vụ án chưa thống nhất, thậm chí có trường hợp trái ngược quan điểm, dẫn đến tiến độ giải quyết vụ án chậm. Quy định của pháp luật trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời, tạo sơ hở cho các hành vi vi phạm pháp luật. Hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự còn vướng mắc, chậm trễ, nhiều vụ việc chậm hoặc không có kết quả tương trợ tư pháp, nên việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt được kết quả mong muốn.

Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Để làm tốt công tác xử lý tội phạm tham nhũng, trong thời gian qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đã nắm và quản lý chặt chẽ việc tiếp nhận, thụ lý kiểm tra, xác minh đối với các nguồn tin về tội phạm tham nhũng, chức vụ của Cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; tiếp nhận kịp thời các nguồn tin tội phạm từ kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng; các nguồn tin từ cơ quan truyền thông, báo chí… Đảm bảo 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm khi xác minh có đủ căn cứ phải được khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Đã nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, kiểm sát thi hành án các vụ án tham nhũng, bảo đảm giải quyết toàn diện, triệt để, đúng pháp luật, đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, áp dụng các biện pháp bảo đảm thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, bị thất thoát của Nhà nước.

Từ thực tiễn công tác của ngành Kiểm sát nhân dân trong kiểm sát điều tra, truy tố và xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tác giả đưa ra một số giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay như sau:

Một là, thường xuyên quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng về đấu tranh PCTN. Các cấp ủy đảng phải thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều tra, xử lý các nguồn tin tội phạm về tham nhũng, các vụ án tham nhũng; chấp hành nghiêm sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, tiếp tục phát huy sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Viện kiểm sát các cấp với cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xét xử, thi hành án trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành. Các việc khó khăn, vướng mắc thì báo cáo cấp có thẩm quyền chủ trì họp để thống nhất về đường lối giải quyết.

Hai là, chú trọng rà soát, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN.

Ba là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác PCTN. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo PCTN phải nhạy bén, sáng tạo, kiên quyết, kiên trì; chú trọng thực hiện công tác phòng ngừa, coi việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình là nhiệm vụ, biện pháp quan trọng hàng đầu, quyết định hiệu quả công tác PCTN; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, chủ động phát hiện với xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong đấu tranh PCTN, ở đâu để xảy ra tham nhũng, che giấu tham nhũng, xử lý không đúng với tính chất mức độ hành vi tham nhũng thì người đứng đầu ở đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm về đảng, về chính quyền và về pháp luật.

Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động; phát huy sức mạnh của toàn dân, dư luận xã hội và báo chí trong phòng ngừa và xử lý tham nhũng, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về kết quả phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Năm là, các cơ quan chuyên trách đấu tranh PCTN và các cơ quan có thẩm quyền trong đấu tranh PCTN cần chủ động trong công tác phối hợp quản lý, nắm tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong phát hiện và xử lý vi phạm, tội phạm tham nhũng; bảo đảm việc phát hiện, kiến nghị xử lý phải kịp thời, nghiêm minh, công bằng, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Cần xây dựng quy chế phối hợp theo hướng Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tham gia phối hợp ngay từ đầu với Cơ quan kiểm tra, Thanh tra, Kiểm toán khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng để sớm phát hiện hành vi tham nhũng của đối tượng được kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Sáu là, cần quan tâm đầu tư về nguồn lực con người, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ quan, đơn vị phục vụ nhiệm vụ PCTN; có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác PCTN; chú ý đề cao tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, nhất là người đứng đầu trong cơ quan đấu tranh PCTN.

Bảy là, có cơ chế phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, khắc phục tình trạng chậm trễ, không kịp thời, làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý nguồn tin tội phạm, vụ án tham nhũng.

Tám là, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự trong giải quyết án tham nhũng, nhất là trong việc dẫn độ, cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh tội phạm và thu hồi tài sản tham nhũng./.

Ths. Phạm Văn Dũng