Tính pháp lý của tiền mã hóa tại Việt Nam hiện nay

Ngày đăng : 07:00, 24/09/2022

(Kiemsat.vn) - Pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định điều chỉnh tiền mã hóa hay thừa nhận tính pháp lý của tiền mã hóa, trong khi các giao dịch liên quan ngày càng gia tăng dẫn tới việc xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc thu thuế, thi hành án, định tội danh đối với các hành vi liên quan đến tiền mã hóa… Do đó, cần sớm có cơ chế rõ ràng, minh bạch dựa trên kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nhận diện tiền mã hóa

Trên thế giới hiện chưa có định nghĩa thống nhất về tài sản ảo (virtual assets), tiền ảo (virtual currency), do vậy, các khái niệm như “tiền ảo”, “tiền mã hóa”, “tiền điện tử” và “tài sản ảo” được dùng một cách không thống nhất. Thuật ngữ “tiền ảo”, “tiền mã hóa” đang được một số quốc gia, trong đó có Việt Nam sử dụng đồng thời và có thể thay thế cho nhau. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, trước đây, dữ liệu nói chung hay tài sản ảo nói riêng thường được lưu trữ trong các hệ thống máy tính tập trung; dữ liệu nằm ở một “sổ cái” duy nhất, gọi là máy tính/sổ cái trung tâm. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, ứng dụng “sổ cái phân tán” mà điển hình là công nghệ chuỗi khối (blockchain) thì hình thức lưu trữ dữ liệu thay đổi, cụ thể, không có một hệ thống nằm ở trung tâm, dữ liệu ở tất cả hệ thống đều liên thông với nhau, mỗi một nơi đều có một bản “sổ cái” copy giống hệt nhau. Do vậy, dữ liệu có thể được lưu trữ, quản lý bởi tất cả mọi người tham gia hệ thống, đảm bảo tính chính xác, minh bạch. Một số loại tài sản ảo được tạo lập trên cơ sở công nghệ này thường được gọi là tài sản mã hóa (crypto assets) hay tiền mã hóa (crypto currencies). Chính vì vậy, theo chúng tôi, “tài sản ảo”, “tiền ảo” là khái niệm rộng hơn, bao trùm khái niệm “tài sản mã hóa”, “tiền mã hóa”.

Tiền mã hóa hay còn được gọi là “tiền thuật toán” là một cơ sở dữ liệu thông tin được mã hóa, tồn tại trong không gian kỹ thuật số, hoạt động thông qua công nghệ “sổ cái phân tán” (blockchain), sử dụng mật mã để bảo vệ hồ sơ giao dịch, kiểm tra và xác minh giao dịch một cách an toàn. Tiền mã hóa không tồn tại ở dạng vật chất (như tiền giấy, kim loại) và hiện tại không được phát hành, kiểm soát tập trung bởi cơ quan trung ương (Một số đồng tiền mã hóa như: Bitcoin, Ethereum, Binance Coin, Dogecoin, Near, Libra...).

Các loại tài sản mã hóa, tiền mã hóa có thể được tạo ra thông qua hai cách thông dụng: “Đào” hoặc “phát hành” (ICO - Initial Coin Offering). ICO là hình thức kêu gọi vốn bằng cách phát hành tiền theo công nghệ blockchain nhằm tài trợ cho các dự án trong lĩnh vực tiền mã hóa và các ngành công nghiệp blockchain. Theo đó, mỗi đợt ICO, công ty sẽ chào bán một số lượng nhất định đồng tiền mã hóa cho nhà đầu tư dưới dạng phát hành token (mật mã) để đổi lấy các đồng tiền mã hóa khác đang được chấp nhận thanh toán rộng rãi trên thị trường. Thông thường, những đợt chào bán này diễn ra trong khoảng 01 tháng, đến khi đạt được số lượng đặt ra, đồng tiền mã hóa sẽ được niêm yết lên các sàn giao dịch, nơi người dùng có thể mua bán, trao đổi với nhau.

Thực trạng về tiền mã hóa tại Việt Nam hiện nay

Pháp luật Việt Nam hiện chưa quy định về tiền ảo nói chung, tiền mã hóa nói riêng. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), tại Việt Nam, chỉ riêng trên sàn giao dịch tiền ảo Remitano, khối lượng giao dịch hằng ngày giữa tiền mã hóa và tiền Việt Nam đồng vào thời kỳ cao điểm có thể lên tới 300 - 400 tỉ đồng/ngày, cùng với đó là những tranh chấp liên quan đến tiền mã hóa ngày càng gia tăng dẫn tới vướng mắc trong việc xử lý của cơ quan chức năng. Ví dụ muốn chuyển tiền ra nước ngoài, có thể thông qua đơn vị chuyển tiền quốc tế (MoneyGram, Western Union…) hoặc chuyển tiền thông qua tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, đối với cả hai phương thức nói trên, người chuyển tiền hoặc người nhận tiền phải chịu các mức phí nhất định và cũng nằm trong những trường hợp được cho phép chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài. Thực tế có nhiều trường hợp, vì các mục đích khác nhau, có thể là tránh kê khai nguồn tiền, người chuyển tiền ở Việt Nam và người nhận tiền ở nước ngoài cùng mở tài khoản trên một sàn giao dịch, thực hiện trao đổi đồng tiền mã hóa với nhau mà không thông qua tài khoản sàn, kết quả là người ở nước ngoài có thể nhận được đồng tiền mã hóa mà không mất chi phí, không phải chịu điều tra nguồn tiền, cuối cùng tham gia vào thị trường tiền mã hóa tại quốc gia đó và chuyển đổi ra đồng tiền ngoại tệ.

Bên cạnh bất cập trên, còn có vướng mắc liên quan đến việc thi hành các bản án về dân sự. Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: “Có điều kiện thi hành án là trường hợp người phải thi hành án có tài sản, thu nhập để thi hành nghĩa vụ về tài sản; tự mình hoặc thông qua người khác thực hiện nghĩa vụ thi hành án”. Một trong những căn cứ để Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án là khi người phải thi hành án không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu. Trong khi đó, tiền mã hóa là loại tiền không gắn với thực thể trong thế giới thật, mà chỉ gắn với địa chỉ ví. Tuy chủ sở hữu địa chỉ tiền mã hóa không được xác định rõ ràng, nhưng các giao dịch lại được công khai. Mặc dù vậy, không dễ dàng để xác định địa chỉ tiền mã hóa nào gắn với người nào. Do vậy, người phải thi hành án hoàn toàn có thể thông qua việc đầu tư vào tiền mã hóa để trốn tránh việc thi hành án, dẫn tới việc thi hành án kéo dài, ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.

Ngoài ra, không thể tiến hành thu thuế đối với các hành vi liên quan đến tiền mã hóa. Một trường hợp điển hình có liên quan đến pháp luật về thuế là vụ kiện thu thuế ở tỉnh Bến Tre năm 2017. Liên quan đến cá nhân C tham gia trao đổi tiền mã hóa trên mạng internet và đã bị truy thu thuế đối với hành vi mua bán này. Cơ quan thuế cho rằng tiền mã hóa là tài sản và là hàng hóa, do vậy, “hoạt động mua, bán tiền mã hóa là hoạt động mua, bán hàng hóa và xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh thương mại”. Không đồng ý với các quyết định giải quyết khiếu nại, ông C đã khởi kiện. Theo bản án sơ thẩm, Tòa án đã hủy các quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan. Trong vụ án này, vấn đề cần làm rõ là liệu có cơ sở để cơ quan thuế ban hành quyết định truy thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với khoản doanh số mua bán tiền ảo của ông C hay không? Muốn trả lời được câu hỏi này thì cần làm rõ: Liệu tiền mã hóa có phải là đối tượng chịu thuế hay không?

Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật thương mại năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019), Luật chứng khoán năm 2019, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật phá sản năm 2014... chưa có quy định phân loại và định danh rõ ràng các loại tiền mã hóa thuộc loại hình nào trong các khái niệm pháp lý như: Chứng khoán, hàng hóa, tài sản. Bởi vậy, hiện tại, tiền mã hóa không được coi là tài sản theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và cũng không được coi là hàng hóa theo quy định của pháp luật thương mại; bản thân các đồng tiền mã hóa, và hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền mã hóa cũng sẽ không làm phát sinh nghĩa vụ nộp thuế của các chủ thể có liên quan. Điều này dẫn đến hiện có rất nhiều chủ thể tham gia trao đổi, đầu tư, mua bán tiền mã hóa và thu được lợi nhuận đáng kể từ hoạt động này mà không phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ thuế nào đối với Nhà nước.

Ngoài ra, gần đây phát sinh vấn đề đáng lo ngại đối với các đợt ICO của các dự án công nghệ, game. Hiện nay, do việc gây quỹ từ các đồng tiền ảo quá dễ dàng với số vốn huy động khá lớn; quy trình thành lập, đăng ký thành lập, cấp mã số thuế, trách nhiệm, hoạt động, chế tài liên quan đến tiền ảo pháp luật vẫn còn “bỏ ngỏ”, cũng như chưa có cơ chế phù hợp để giải quyết các tranh chấp liên quan đến các hoạt động này nên các dự án ICO thời gian qua chủ yếu là lừa đảo.

Một vụ việc khác có liên quan đến tiền mã hóa, chính là hình thức nhiều nhà đầu tư có thể cùng kết nối, mua chung một căn hộ, nền đất tiền tỉ khi chỉ cần vài triệu đồng bằng công nghệ blockchain. Cụ thể, trong trường hợp này, một bất động sản có thể chia nhỏ thành nhiều phần, khách hàng có thể mua một hoặc nhiều phần và khi đó, họ có thể sở hữu một phần của bất động sản tùy vào năng lực tài chính của mình. Khi mua chung, các nhà đầu tư có thể bán “cổ phần” cho nhau nếu muốn chốt lời. Khi đã “chốt” mua, khách hàng sẽ được cấp một tài khoản để quản lý, theo dõi khoản đầu tư của mình. Nói tóm lại, hình thức này có thể coi là một dạng của mô hình mã hóa tài sản bằng công nghệ blockchain để mời gọi vốn kiểu mới. Cách làm là mã hóa giá trị nhà đất bằng công nghệ blockchain và sử dụng mã token (chữ ký số được mã hóa) để tiến hành giao dịch gọi vốn.

Một số khuyến nghị

Dưới góc độ pháp lý, một quốc gia luôn ghi nhận các chế độ sở hữu đối với tài sản khác nhau; thông thường là 03 loại tài sản: Tài sản được sở hữu tự do (hợp pháp), tài sản hạn chế sở hữu và tài sản cấm sở hữu. Việc tiền mã hóa chưa được quy định rõ ràng theo hướng “cấm” hay “thừa nhận” đang làm tăng những nguy cơ bất ổn trong đời sống thực tế và trong quá trình giải quyết những tranh chấp có liên quan. Do vậy, cần sớm ban hành một cơ chế điều chỉnh rõ ràng, minh bạch hơn. Trước mắt, theo tác giả, cần chú ý những vấn đề sau:

Một là, đưa ra chính sách rõ ràng đối với tiền mã hóa và định nghĩa về tiền ảo nói chung, tiền mã hóa nói riêng. Đây là khó khăn chung của các nước, tuy nhiên, nếu như vì khó khăn mà đưa ra các thông tin mập mờ và không chính thức, sẽ có những tác động tiêu cực tới thị trường. Do vậy, các nhà lập pháp Việt Nam cần nhanh chóng có quan điểm rõ ràng đối với tiền mã hóa dựa trên kinh nghiệm các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong trường hợp thừa nhận “tiền mã hóa”, thiết nghĩ việc đầu tiên khi xây dựng khung pháp luật về tiền mã hóa là cần phải đưa ra một định nghĩa về tiền mã hóa để làm rõ được phạm vi, đối tượng tiền mã hóa được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam để làm cơ sở cho việc xây dựng các quy định pháp luật khác có liên quan.

Hai là, xác định bản chất pháp lý của tiền mã hóa. Tác giả cho rằng, cần nghiên cứu, xây dựng để thống nhất tài sản mã hóa, tiền mã hóa thuộc phạm trù tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 105). Thực tế việc chấp nhận tiền mã hóa là phương tiện thanh toán nếu có sẽ ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ ở Việt Nam, đặt ra những thách thức nhất định đối với hệ thống tài chính, ngân hàng. Ngoài ra, theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 thì trong lương lai gần Việt Nam sẽ có đồng tiền kỹ thuật số pháp định thay thế dần đồng tiền giấy truyền thống. Do vậy, thiết nghĩ trước mắt cần xem xét tính ổn định và những vấn đề phát sinh của đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng trung ương trước khi tính đến việc xem xét tiền mã hóa có là một phương tiện thanh toán hay không.

Ba là, về mặt nguyên tắc, không thể xác định được danh tính của người sở hữu và người tham gia các giao dịch về tiền mã hóa nếu bản thân họ không tự lộ diện. Chỉ trong trường hợp đặc biệt, các chủ thể xác lập giao dịch liên quan đến tiền mã hóa mới phải công khai danh tính. Điều này có thể đến từ quy định của pháp luật quốc gia tạo ra và công nhận tiền mã hóa hoặc quốc gia thừa nhận và quy định cụ thể về các giao dịch tiền mã hóa. Ví dụ, một số đồng tiền mã hóa được tạo ra đòi hỏi chủ thể phải công khai danh tính khi sở hữu, sử dụng hoặc một số quốc gia (như Nhật Bản) đòi hỏi việc giao dịch tiền mã hóa phải được thực hiện qua sàn giao dịch có đăng ký và chủ thể giao dịch phải công khai danh tính. Việc quy định để có thể định danh được chủ sở hữu của đồng tiền mã hóa, cho phép thành lập và kiểm soát các sàn giao dịch tiền mã hóa sẽ giải quyết tận gốc những vấn đề liên quan về chuyển tiền quốc tế, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.

Bốn là, như đã phân tích ở trên, việc không chính thức công nhận hoặc ngăn cấm đối với tiền mã hóa, dẫn đến Việt Nam không thể tiến hành thu thuế, thi hành án, định tội danh đối với các hành vi liên quan đến tiền mã hóa. Điều này làm giảm thiểu một nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước; ảnh hưởng đến hiệu lực của bản án, quyết định; không xử lý được hành vi phạm tội. Theo tác giả, trước khi thừa nhận đồng tiền mã hóa nói chung, tiền ảo nói riêng, có thể xây dựng cơ chế thử nghiệm để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tiền mã hóa trong đời sống thực tại, và đánh giá để có thể ban hành chính thức trên phạm vi toàn xã hội.

Năm là, để đảm bảo tính an toàn về mặt pháp lý cho nhà đầu tư, giảm các tác động tiêu cực tới xã hội, cần có văn bản điều chỉnh về hoạt động huy động vốn qua phát hành tài sản mã hóa (ICO) và quản lý sàn giao dịch tài sản mã hóa là chứng khoán theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế và yêu cầu của thực tiễn. Cụ thể, hoàn thiện cơ chế để loại hình huy động vốn này phù hợp với sự phát triển của công nghệ và các loại hình đầu tư gắn liền với thị trường chứng khoán, đồng thời đề phòng được nguy cơ lừa đảo theo hình thức đa cấp, nguy cơ tham nhũng, rửa tiền./.

Ths. Nguyễn Thị Dung