Thực trạng lộ lọt thông tin cá nhân rất đáng báo động
Ngày đăng : 14:17, 10/08/2022
Đang điều tra đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân
Sáng 10/8, tiếp tục chương hình phiên họp thứ 14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai), đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu thực trạng tình trạng thông tin cá nhân đang được rao bán trên các hội, nhóm trên nền tảng mạng xã hội đang diễn biến phức tạp. Mặc dù, thời gian qua công an các địa phương đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều đối tượng đang hoạt động và chưa bị phát hiện, xử lý.
“Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết những giải pháp mà Bộ sẽ triển khai trong thời gian tới để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả vấn đề này để cho người dân an tâm về thông tin cá nhân của mình sẽ không bị trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội?”- đại biểu Thuỷ nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn). |
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thực trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân ở Việt Nam và thế giới rất đáng báo động trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, ý thức của người dân để bảo vệ thông tin chưa cao.
Để hạn chế tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã triển khai một số các giải pháp. Thứ nhất xây dựng và hoàn thiện hàng lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân thì đang tiến hành trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ đã 10 lần trình rồi, tới đây sẽ ban hành Nghị định này để có căn cứ pháp lý để bảo vệ dữ liệu cá nhân. Dự kiến năm 2024 sẽ nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ trình ra Quốc hội để ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trên thế giới có nhiều nước đã ban hành luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hiện nay, Nghị định về bảo vệ cá nhân trong thời gian tới sẽ được ban hành trong thời gian tới là căn cứ pháp lý, có cơ sở. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là khi tham gia trên môi trường mạng. Điều tra xử lý nghiêm trường hợp làm lộ lọt, rao bán dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.
“Hiện chúng tôi đang điều tra vụ đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân được cho là lấy nguồn gốc từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, và một số cơ sở dữ liệu từ các ngành khác như y tế cũng có nguy cơ lộ lọt, sẽ tập trung xử lý những vụ việc này để hoàn thiện trong quá trình bảo vệ dữ liệu cá nhân”- người đứng đầu ngành công an cho hay.
Về cơ sở dữ liệu cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ xác định dữ liệu này là tài nguyên của quốc gia, phải được bảo đảm và và tổ chức triển khai từ đầu, rất nghiêm ngặt. Trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì Bộ thực hiện đúng các điều kiện về bảo đảm an ninh, an toàn ở mức độ 4 của quốc gia và cũng đang được rà soát, rất an toàn. Đồng thời, thực hiện nghiêm ngặt quy trình thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư cùng với sự phân cấp, phân quyền chặt chẽ từ Trung ương tới các cơ sở. “Chúng tôi coi như đây cũng là mệnh lệnh trong lực lượng vũ trang để quản lý để làm những việc này”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Liên quan đến nội dung này, trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, Bộ Công an cho biết, dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số Việt Nam đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng.
Chỉ trong 2 năm từ năm 2019 đến năm 2020, Bộ Công an phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới gần 1.300 GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.
Trang bị kiến thức cần thiết để miễn dịch” với những thông tin xấu, độc
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (đoàn Long An) nhấn mạnh, hiện nay thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, các thế lực thù địch đăng tải nhiều thông tin bịa đặt, mạo danh các cơ quan nhà nước, các cá nhân lãnh đạo Đảng và Nhà nước tung tin những nội dung không đúng sự thật, chưa được kiểm duyệt, gây hoang mang trong Đảng viên và quần chúng nhân dân. Từ thực tế trên, đại biểu yêu cầu Bộ trưởng cho biết những giải pháp để tăng cường đấu tranh, ngăn chặn và xử lý hiệu quả đối tượng tội phạm này, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trên môi trường mạng?
Giải trình ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội đáng báo động và đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận xã hội.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. |
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau: Chủ động rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng internet, mạng xã hội, báo chí. Đấu tranh, xử lý, xử phạt nghiêm minh với những hành vi cố tình đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật lên mạng xã hội, hành vi xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước; đồng thời tuyên truyền cảnh báo định hướng dư luận.
Cùng với đó, chủ động đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, vô hiệu hóa thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật. Giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận diện, tự phòng chống các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời "miễn dịch" với những thông tin xấu, độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội.
Đồng thời, Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet quản lý chặt chẽ thông tin trên không gian mạng; thực hiện chức năng quản lý nhà nước, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ, chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam trên lĩnh vực đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng.
Sẽ xem xét nghiên cứu bổ sung nơi sinh vào hộ chiếu
Trước phản ánh của ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng, hiện nhiều nước không chấp nhận hộ chiếu mới của Việt Nam vậy trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp nào để khắc phục?, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, hộ chiếu mới phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nhiều nước trên thế giới đều sử dụng mẫu này, và đều không có “nơi sinh”.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hộ chiếu mới được thực hiện theo đúng quy định của Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2019. Tất cả các chi tiết in trên hộ chiếu là thực hiện đúng theo luật. Hộ chiếu mới phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nhiều nước trên thế giới đều sử dụng mẫu này, và đều không có “nơi sinh”. Bản thân hộ chiếu của chúng ta đưa ra được đa số các nước trên thế giới chấp thuận. Vừa qua có 3 nước Đức, Séc, Tây Ban Nha không chấp nhận hộ chiếu mới, thì gần đây Tây Ban Nha đã chấp thuận hộ chiếu của chúng ta.
Bộ trưởng cho hay, hiện nhiều nước cũng vướng phải tình trạng như ta. Theo Bộ trưởng, quá trình thực hiện theo đúng căn cứ của pháp luật. Còn một số nước phản ứng, gây khó khăn vì có lý do. Họ muốn tìm hiểu xem nguồn gốc của công dân vào nước họ ở những địa phương cụ thể nào?.
Cho rằng đây là vấn đề kỹ thuật, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết đã có những giải pháp khắc phục, với những người đã được cấp hộ chiếu, công dân thấy rằng cần bổ sung nơi sinh thì đã bàn với các cơ quan sẵn sàng bổ sung vào phần bị chú để tạo thuận lợi. Còn về lâu dài nếu cần bổ sung nơi sinh vào hộ chiếu nữa thì sẽ báo cáo với Chính phủ, thống nhất với các cơ quan và báo cáo Quốc hội về việc sửa Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
“Về trách nhiệm, Bộ Công an là nơi chủ trì làm việc này nên cũng xin nhận trách nhiệm về việc này, và cũng đã có giải pháp để khắc phục", Bộ trưởng nói./.