Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp tục lấy ý kiến về dự án Luật Dầu khí

Ngày đăng : 18:43, 03/08/2022

(Kiemsat.vn) - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 tới.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thông tin về việc sửa đổi Luật Dầu khí.

Tại Hội thảo, Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Luật Dầu khí ban hành năm 1993 là cơ sở pháp lý để ngành Dầu khí hoạt động. Đây cũng là một trong những Luật chuyên ngành, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng, đặc quyền kinh tế, chủ quyền biển đảo; phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế, luật hóa những quy định cần thiết trong văn bản dưới luật, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Hiện nay, có nhiều bất cập cần sửa đổi để phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập. Vì vậy, Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ hoàn thiện khung pháp lý, đồng bộ, nhằm thúc đẩy, phát triển hoạt động dầu khí. Đặc biệt khôi phục tính hấp dẫn cho trong môi trường đầu tư và đảm bảo được chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo… Dự thảo gồm 11 Chương và 64 Điều quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế tham dự Hội thảo đánh giá, ngành Dầu khí hiện nay được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với khoa học công nghệ, quan hệ quốc tế, nên dự thảo sửa đổi Luật Dầu khí sẽ tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư cùng tham gia, tạo điều kiện cho ngành Dầu khí phát triển.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đề xuất xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung, vấn đề trong đó nổi bật liên quan đến hoạt động cung cấp hàng hoá, liên quan đến việc sử dụng thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác đã được lắp đặt, đầu tư ở hợp đồng dầu khí đã hết hạn; về việc tiếp nhận mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí từ nhà thầu khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn; về việc thực hiện thu dọn công trình dầu khí; về ưu đãi trong hoạt động dầu khí; về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán đối với hoạt động dầu khí; về xử lý các chi phí của PVN... Trong đó, về việc PVN thực hiện các nghĩa vụ tài chính từ doanh thu của việc bán sản phẩm dầu, khí lãi của nước chủ nhà tại hợp đồng dầu khí trước khi xác định lãi được chia cho nước chủ nhà nộp ngân sách nhà nước thì đề nghị cho phép PVN căn cứ vào phần thu của nước chủ nhà đối với toàn bộ các hợp đồng dầu khí để thanh toán chi phí, nghĩa vụ với vai trò là đại diện nước chủ nhà hoặc với vai trò, chi phí giám sát hợp đồng dầu khí, chi phí duy trì hợp đồng dầu khí... (không xử lý riêng cho từng hợp đồng) để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý toàn bộ các hợp đồng dầu khí.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV cũng đã xem xét và cho ý kiến về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Chiều cùng ngày các đại biểu tham dự Hội thảo đã đến Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi để khảo sát thực tế và tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) để chuẩn bị báo cáo Ủy ban Thường vụ của Quốc hội tại phiên họp thứ 14 (tháng 8/2022) và trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Luật này tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).  

Thy Anh