Hình phạt thích đáng cho đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm
Ngày đăng : 19:22, 21/07/2022
Theo Cáo trạng truy tố của VKSND TP. Hải Dương, từ năm 2019 đến năm 2020, Trần Thị Mừng là Giám đốc Kinh doanh Công ty CIO, kiêm Phó Giám đốc Nhà máy sản xuất thực phẩm CIO (có địa chỉ tại số 1/12 đường Nhị Châu, khu 3, P. Nhị Châu, TP. Hải Dương) đã nghiên cứu công thức để trộn nguyên liệu cho các sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt. Sau đó, làm thủ tục đăng ký công bố chỉ tiêu chất lượng sản phẩm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Hải Dương rồi trực tiếp chỉ đạo công nhân Nhà máy sản xuất thực phẩm CIO pha trộn nguyên liệu để sản xuất ra các sản phẩm với mục đích đưa ra thị trường để tiêu thụ.
Tại hiện trường, Cơ quan chức năng thu giữ được 51.577 sản phẩm, trong đó đều có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng đạt mức dưới 70% hoặc không có thành phần chất so với tiêu chuẩn chất lượng mà Mừng đã đăng ký, công bố áp dụng vào sản xuất và so với chỉ tiêu chất lượng ghi trên nhãn hàng thành phẩm. Tổng giá trị các sản phẩm thu giữ là 1.681.178.000 đồng.
Căn cứ điểm b khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐCP của Chính phủ (nay là điểm b khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐCP của Chính phủ) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hàng hóa do Trần Thị Mừng sản xuất, buôn bán là hàng giả.
Toàn cảnh phiên tòa. |
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã chủ động tham gia xét hỏi, làm rõ nội dung vụ án. Bản luận tội của Kiểm sát viên đã phân tích tính chất và hậu quả của hành vi phạm tội cũng như làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm của bị cáo.
Sau khi đánh giá, phân tích tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân và đề nghị mức hình phạt của Kiểm sát viên với từng tội danh mà bị cáo đã thực hiện. Trên cơ sở diễn biến phiên tòa và đề nghị về hình phạt của đại diện VKSND TP. Hải Dương, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Thị Mừng 7 năm tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Kết thúc phiên tòa, VKSND TP. Hải Dương đã tổ chức họp rút kinh nghiệm đánh giá ưu điểm, hạn chế của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử cũng như tác phong, kỹ năng xét hỏi, cách xử lý tình huống, cách đặt câu hỏi với bị cáo... Việc thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm là hình thức đào tạo tại chỗ nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên khi tham gia xét xử tại phiên tòa. Qua đó, giúp Kiểm tra viên, chuyên viên trong đơn vị học hỏi, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay./.