Hội thảo về giải pháp an toàn chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu nâng cao chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp
Ngày đăng : 15:00, 21/07/2022
Ông Phạm Văn Thọ - Giám đốc CN Trung tâm Công nghệ chống hàng gia Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo |
Tham dự Hội thảo có PGS.TS Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp phép lưu hành thuốc; ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục ghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng Cục quản lý thị trường; PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh; ông Ngô Văn Nhơn, Chủ tịch Hội Chất lượng TP. Hồ Chí Minh; ông Phạm Văn Thọ, Giám đốc CN Trung tâm Công nghệ chống hàng gia Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh; cùng tham dự còn có đại diện các cơ quan chức năng đến từ các sở, ban, ngành; các cơ quan thông tấn báo chí và các doanh nghiệp.
Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam nói riêng và trên thị trường quốc tế nói chung đang phải đối mặt trước những thách thức và rủi ro về vấn nạn thuốc giả; thực phẩm và các sản phẩm thuốc hỗ trợ chức năng đã và đang hiện diện ở khắp mọi nơi trên thế giới và diễn ra đặc biệt nghiêm trọng ở các nước đang phát triển, các kênh phân phối “phi chính thức phát triển rất mạnh và không an toàn, thách thức đối với tất cả các quốc gia, càng nghiêm trọng với sự phát triển các “hiệu thuốc trực tuyến” giả mạo, thường xuyên bán ra thị trường khối lượng lớn thuốc giả, thuốc và sản phẩm bảo vệ sức khỏe kém chất lượng với giá rất rẻ so với giá đã được niêm yết.
PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch hội đồng tư vấn cấp phép lưu hành thuốc trình bày tham luận về vấn nạn thuốc giả và hàng giả trong đại dịch Covid-19 |
Tại Việt Nam, ngoài sản xuất dược phẩm thì thị trường tiêu thụ các sản phẩm bảo vệ sức khỏe cũng tăng vọt do mô hình bệnh tật của Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình các bệnh mạn tính, do tuổi thọ tăng, cùng với thu nhập của người dân tăng và khuynh hướng bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe để phòng chống dịch bệnh ngày càng cao. Khiến cho sức hút của thị trường biến động làm cho số nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe tăng vọt. Ngay trước khi xảy ra đại dịch Covid 19, đã bùng nổ tình trạng kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe và dược phẩm online được quảng cáo bằng hình thức thông qua mạng xã hội, internet hoặc tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, ứng dụng công nghệ..., chuyển hàng qua bưu điện, hoặc qua người vận chuyển.
Đại diện Ban quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận các nghị định xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm |
Với hình thức kinh doanh không tốn chi phí đầu tư này người kinh doanh không cần phải công khai nơi trưng bày, bảo quản hàng hóa và thường giao hàng với số lượng ít theo đơn đặt hàng của khách hàng bằng điện thoại gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh, phòng ngừa sản xuất, kinh doanh sản phẩm không bảo đảm chất lượng và an toàn. Việc giả danh bác sỹ, dược sỹ để tư vấn qua điện thoại và sử dụng hình ảnh các nhân vật nổi tiếng (chuyên gia y dược, nghệ sĩ...) nhằm quảng cáo không đúng sự thật về sản phẩm cũng bùng nổ theo sự phát triển công nghệ nghe, nhìn và các phương tiện truyền thông đại chúng.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh phổ biến các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm… |
Người tiêu dùng cũng không nhận thức được đâu là hàng thật, hàng nhái, kém chất lượng và không quan tâm đến hậu quả nghiêm trọng khi mua trực tuyến và sử dụng thuốc, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả hoặc kém chất lượng. Sự thiếu hụt, khan hiếm dược phẩm và trang thiết bị, dụng cụ y tế còn trầm trọng hơn do tâm lý người dân mua sắm hoảng loạn trong mùa đại dịch. Người tiêu dùng tích trữ số lượng lớn thuốc men, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe quá mức cần thiết, đặc biệt là các loại thuốc điều trị các bệnh mãn tính như: Cao huyết áp, tiểu đường,...
Qua đó, để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc và thực phẩm chức năng nắm vững các quy trình đăng kí của doanh nghiệp, sự quản lý của nhà nước và các quy định xử lý khi doanh nghiệp không thực hiện đúng quy trình, quy định của nhà nước, Chi nhánh Trung tâm Công nghệ chống hàng gia Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh tổ chức buổi hội thảo “Thuốc - Thực phẩm chứng năng - Giải pháp an toàn thực phẩm và bảo vệ thương hiệu nâng cao chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp”.
Các chuyên gia là PGS.TS về lĩnh vực đầu ngành cùng trao đổi, góp ý và lắng nghe ý kiến, câu hỏi đến từ các doanh nghiệp có mặt tại Hội thảo |
Cũng tại buổi Hội thảo, các doanh nghiệp đã được nghe nhiều ý kiến, góp ý của các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực như: Một số quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; các bài tham luận về tác hại của thuốc giả, quy trình kiểm tra, xử lý hàng nhái, hàng giả, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào giải pháp an toàn thực phẩm và dược phẩm. Trong bối cảnh hiện nay, các nhà sản xuất chân chính cần đầu tư vào các giải pháp khoa học - công nghệ để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý nhận diện được thương hiệu, truy xuất ra nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất và sản phẩm, chống giả mạo trên thị trường…
Thông qua nội dung mà các chuyên gia đã trình bày, thảo luận tại Hội thảo lần này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nhiều kiến thức hữu ích trong việc quản lý, điều hành cũng như cách thức bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp mình khi phải đối mặt với nhiều tổ chức tội phạm buôn lậu và hàng giả mang tới nguồn lợi nhuận cao của các hoạt động này mà không ngần ngại đầu tư sử dụng công nghệ cao trong sản xuất và buôn bán hàng giả, đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe và dược phẩm. Nếu như các nhà quản lý và doanh nghiệp không sử dụng các giải pháp công nghệ cao hơn thì cuộc chiến chống lại hàng giả khó mà giành được kết quả mong muốn để bảo vệ người tiêu dùng.
Toàn cảnh Hội thảo |
Vì vậy, trong buổi Hội thảo lần này CN Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã giới thiệu về các giải pháp chống hàng giả như: Giải pháp công nghệ chống giả ACT và giải pháp chống giả của Truedata. Nhằm giúp cho doanh nghiệp hiểu rõ được tầm quan trọng và cần bảo vệ sản phẩm của chính mình không bị làm giả và sự đồng hành của các cơ quan chức năng, chính quyền khi phát hiện hàng hóa của doanh nghiệp bị làm giả và sự trao đổi giữa doanh nghiệp và các chuyên gia nhằm làm sáng tỏ những thắc mắc những câu hỏi, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp.