Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát trong điều tra các vụ án ma túy
Ngày đăng : 08:00, 13/08/2022
1. Căn cứ pháp lý của quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra
Quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra (CQĐT) với Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) được dựa trên nền tảng Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Luật tổ chức CQĐT hình sự, Luật tổ chức VKSND. Đặc biệt, sau khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực, hàng loạt các văn bản hướng dẫn thực hiện đã được liên ngành tư pháp trung ương ban hành là căn cứ pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện quan hệ phối hợp giữa CQĐT với VKSND trong giải quyết án hình sự nói chung, trong điều tra án ma túy nói riêng.
Theo quy định của Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 và Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BCA ngày 19/11/2018 của Bộ Công an quy định về phân công Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT, thẩm quyền điều tra hình sự trong Công an nhân dân và các đội điều tra thuộc cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện thì lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy ở Bộ Công an (C04), Công an cấp tỉnh (PC04) và Công an cấp huyện (Đội điều tra án ma túy) có chức năng điều tra tội phạm về ma túy cũng là cơ quan phối hợp với VKSND trong điều tra, truy tố tội phạm về ma túy.
Theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014 thì cơ quan có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra là VKSND. Ở VKSND tối cao có Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy (Vụ 4); VKSND cấp tỉnh có Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh, ma tuý (hoặc Phòng kiểm sát điều tra trật tự an toàn xã hội - an ninh, ma tuý...); ở VKSND cấp huyện có tổ án hình sự.
Từ năm 2017 đến nay, liên ngành tư pháp trung ương đã ban hành 03 thông tư liên tịch về quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, là căn cứ pháp lý để thực hiện quan hệ phối hợp giữa VKSND với cơ quan Cảnh sát điều tra trong giải quyết vụ án hình sự nói chung, trong điều tra án ma túy nói riêng, bao gồm: Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC (Thông tư liên tịch số 01/2017) ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VKSND tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (đã được Bộ Công an hợp nhất với Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 01/2017 vào Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-BCA ngày 30/12/2021); Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 29/12/2017 của VKSND tối cao, Bộ Công an và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của VKSND tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa CQĐT và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS (Thông tư liên tịch số 04/2018).
Về cơ bản, quan hệ phối hợp giữa hai cơ quan chặt chẽ, kịp thời. Tuy nhiên, bên cạnh các quy định tạo điều kiện cho CQĐT cũng như VKSND thực hiện đúng BLTTHS năm 2015 thì TTLT số 04/2018 còn một số nội dung chưa rõ, dễ gây nhầm lẫn như:
Trường hợp đã kết thúc điều tra chuyển sang giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát thấy cần tiếp tục áp dụng biện pháp bảo lĩnh đối với bị can thì Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh. Thời hạn bảo lĩnh không quá thời hạn truy tố, tính từ ngày kế tiếp của ngày cuối cùng ghi trong quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh của CQĐT (Điều 21). Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn, trong đó có bảo lĩnh, không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử. Tuy nhiên, Điều 21 TTLT số 04/2018 quy định thời hạn bảo lĩnh trong quyết định của Viện kiểm sát không quá thời hạn truy tố, tính từ ngày kế tiếp của ngày cuối cùng ghi trong quyết định của CQĐT là chưa rõ.
Ví dụ: Cơ quan điều tra tiến hành điều tra vụ án ít nghiêm trọng, có thời hạn điều tra là 02 tháng (từ ngày 01/9/2018 đến 01/11/2018); quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh có thời hạn 02 tháng (từ ngày 01/9/2018 đến 01/11/2018). Ngày 15/10/2018, CQĐT kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát. Khi đó, thời hạn quyết định việc truy tố của Viện kiểm sát là 20 ngày (từ ngày 15/10/2018 đến 04/11/2018). Nếu Viện kiểm sát thấy cần tiếp tục áp dụng biện pháp bảo lĩnh, thì ghi thời hạn như thế nào trong quyết định bảo lĩnh?
Theo tác giả, cần bổ sung nội dung vào khoản 6 Điều 21 TTLT số 04/2018 là: “Nếu thời hạn bảo lĩnh trong quyết định của CQĐT còn nhưng không đủ để hoàn thành việc truy tố thì Viện kiểm sát ra quyết định mới, thời hạn bảo lĩnh còn lại và thời hạn bảo lĩnh mới không quá thời hạn quyết định việc truy tố”.
Khoản 2 Điều 23 TTLT số 04/2018 quy định: Khi gia hạn điều tra, nếu thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh, bảo lĩnh, đặt tiền để đảm bảo của CQĐT vẫn còn mà bằng hoặc dài hơn thời hạn quyết định việc truy tố, xét thấy cần tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn đó thì Viện kiểm sát tiếp tục sử dụng lệnh, quyết định của CQĐT. Quy định này chưa phù hợp với tinh thần BLTTHS năm 2015: Thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử; đồng thời, không phù hợp với khoản 6 các điều 21, 22 TTLT này.
Quy định giữa Điều 21 (áp dụng biện pháp bảo lĩnh), Điều 22 (áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm) và Điều 23 (áp dụng một số biện pháp ngăn chặn khi gia hạn thời hạn điều tra, gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố) của TTLT số 04/2018 chỉ khác nhau ở trường hợp gia hạn điều tra; vụ án đều đã kết thúc điều tra chuyển sang giai đoạn truy tố nhưng ở các điều 21, 22 thì quy định Viện kiểm sát ra quyết định mới; Điều 23 lại quy định Viện kiểm sát tiếp tục sử dụng lệnh, quyết định của CQĐT.
Đoạn 2 khoản 2 Điều 23 TTLT số 04/2018 quy định nếu thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn nêu trên của CQĐT vẫn còn nhưng không đủ để hoàn thành việc truy tố, mà xét thấy cần tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn đó thì chậm nhất 05 ngày trước khi hết thời hạn được ghi trong lệnh, quyết định, Viện kiểm sát ra lệnh, quyết định mới. Nội dung này chưa nêu rõ cách tính thời hạn trong lệnh, quyết định của Viện kiểm sát là từ thời điểm nào (từ ngày kế tiếp của ngày cuối cùng ghi trong lệnh của CQĐT như quy định tại các điều 21, 22 TTLT số 04/2018 hay từ ngày Viện kiểm sát nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra).
Trên thực tế, quá trình phối hợp điều tra án ma túy còn một số tồn tại, hạn chế như sau:
Có lúc, có nơi hai cơ quan chưa thật sự chủ động trong quan hệ phối hợp về trao đổi thông tin giữa Điều tra viên với Kiểm sát viên nên Kiểm sát viên không nắm được đầy đủ về vụ án, bị lúng túng, dẫn đến bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Cơ sở pháp lý của quan hệ phối hợp giải quyết án hình sự nói chung, án ma tuý nói riêng không rõ phạm vi, giới hạn phối hợp, nên dẫn đến một số vụ án có sự ỉ lại, giảm tính chủ động của mỗi ngành, làm chậm tiến độ giải quyết vụ án hoặc việc phối hợp có khi chưa đúng mức, dẫn đến vi phạm tính độc lập của mỗi cơ quan.
Các vụ án khó xác định tội danh, có quan điểm khác nhau về đánh giá chứng cứ, mỗi cơ quan đều bảo vệ quan điểm của mình, thiếu sự phối hợp, lắng nghe, tiếp thu lẫn nhau, dẫn đến vụ án kéo dài.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do nhận thức của một số Điều tra viên, Kiểm sát viên về quan hệ phối hợp chưa đúng mức, chưa làm hết trách nhiệm; còn những cách hiểu và vận dụng khác nhau về quy định pháp luật; tội phạm ma tuý ngày càng phức tạp trong khi biên chế, chế độ đãi ngộ cán bộ, kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu...
2. Đề xuất, kiến nghị
Xác định tầm quan trọng của quan hệ phối hợp trong giải quyết án ma túy, ngày 27/10/2010, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy VKSND tối cao và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an đã ký Quy chế phối hợp công tác giữa hai đơn vị (cập nhật bổ sung ngày 12/12/2017). Nhiều VKSND địa phương cũng đã ký Quy chế phối hợp với Cơ quan điều tra cùng cấp trong đấu tranh phòng, chống ma túy hoặc trong phối hợp giải quyết án ma túy.
Tuy nhiên, trước yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới, để đảm bảo hiệu quả cho hoạt động điều tra các vụ án về ma túy, cần tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy với các lực lượng ngoài ngành, đặc biệt là Viện kiểm sát, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, thu thập thông tin. Cụ thể cần tiến hành các công việc sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò của mối quan hệ phối hợp: Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phải nhận thức được tầm quan trọng của công tác phối hợp và tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ đơn vị mình. Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an cần phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng quy định cụ thể về trách nhiệm trong quan hệ phối hợp. Các quy định này cần chỉ rõ các hình thức khen thưởng đối với những cá nhân, đơn vị làm tốt công tác phối hợp. Đồng thời, có hình thức phê bình, nhắc nhở, kỷ luật đối với cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm trong công tác phối hợp điều tra các vụ án về ma túy. Lãnh đạo lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở kịp thời các cá nhân, đơn vị có nhận thức không đúng hoặc thiếu trách nhiệm; kịp thời phát hiện, khắc phục những hiện tượng cục bộ, đề cao vai trò của cá nhân hoặc của đơn vị mình mà coi nhẹ quan hệ phối hợp.
Thứ hai, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin hiệu quả phục vụ công tác điều tra cơ bản hệ loại đối tượng: Tính chất điều tra nghiên cứu rộng, toàn diện là đặc trưng nổi bật của điều tra các vụ án về ma túy. Thông thường, thông tin phục vụ điều tra các vụ án về ma túy đều từ các nguồn dễ khai thác, địa chỉ rõ ràng nhưng lại dễ dẫn đến lượng thông tin nhiều, đa dạng, gây khó khăn cho công tác thu thập cũng như hệ thống, phân tích và đánh giá. Do đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cần chủ trì nghiên cứu đổi mới cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin để tăng cường tính thuận tiện và hiệu quả. Hệ thống trao đổi thông tin phục vụ điều tra cơ bản từ cấp trung ương đến cấp huyện được củng cố hoàn thiện, tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng, thường xuyên. Thông tin được trao đổi hai chiều cần kế thừa hệ thống thông tin phục vụ công tác báo cáo thống kê, công tác nghiệp vụ cơ bản hiện đang vận hành của đơn vị Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy các cấp. Trên cơ sở đó, củng cố, hoàn thiện phục vụ công tác điều tra cơ bản nói chung và điều tra cơ bản hệ loại nói riêng. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống thông tin cơ bản địa bàn về ma tuý từ cấp xã, phường một cách thống nhất; đổi mới, hoàn thiện hệ thống biểu mẫu hồ sơ điều tra cơ bản hệ loại đối tượng thuận tiện cho việc phản ánh thông tin định kỳ phục vụ điều tra các vụ án về ma túy. Cách thức, nội dung thông tin trao đổi cần được xây dựng một cách hợp lý, quy định rõ thời gian trao đổi thông tin. Nội dung thông tin thu thập phải được thiết kế toàn diện, hợp lý nhưng vẫn đảm bảo tính cụ thể, ổn định, tránh tình trạng liên tục thay đổi.
Thứ ba, tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện quan hệ phối hợp giữa CQĐT với VKSND, giữa các lực lượng trong điều tra các vụ án ma túy:
Nội dung trao đổi thông tin, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong từng nội dung phối hợp. Đồng thời, đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhằm tăng cường hiệu quả quan hệ phối hợp trong thời gian tới. Quá trình thực hiện điều tra các vụ án ma túy phải chú ý huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia, tiến hành đồng bộ theo một kế hoạch và quy trình thống nhất. Ngoài sự phối hợp giữa các lực lượng trong ngành Công an (như lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính, lực lượng hồ sơ nghiệp vụ, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, lực lượng xuất nhập cảnh...), còn phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng ngoài ngành như ngành Lao động thương binh và xã hội, Y tế, Cảnh sát biển, Hải quan, An ninh hàng không, Bộ đội biên phòng... Trên cơ sở đó, các thông tin, tài liệu thu thập được qua điều tra các vụ án về ma túy mới đảm bảo đầy đủ, chính xác, khách quan, toàn diện./.