Trọng tâm ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2021 – 2030

Ngày đăng : 08:00, 07/08/2022

(Kiemsat.vn) - Để tạo bước chuyển biến tích cực trong việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành KSND, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế, theo lộ trình tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo xây dựng Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin của ngành KSND giai đoạn 2021-2030”, trong đó nêu rõ những tư tưởng chỉ đạo và những định hướng lớn về ứng dụng công nghệ thông tin.

1. Nội dung trọng tâm về ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2021 - 2030

Trong những năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành: Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã ban hành Chỉ thị về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thúc đẩy chuyển đổi số. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để VKSND tối cao phát triển Viện kiểm sát điện tử hướng đến Viện kiểm sát số nhằm ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2021 - 2030. Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng các chương trình, kế hoạch, quy hoạch để phát triển ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 phù hợp với định hướng của quốc gia; đồng thời, đề xuất một số giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân, trong đó, trọng tâm là tạo ra được một kho cơ sở dữ liệu đồng bộ, khoa học, được số hóa, hệ thống hóa, quản lý tập trung thống nhất, có thể chia sẻ theo nguyên tắc phân cấp, phân quyền, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, dữ liệu phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành và các hoạt động nghiệp vụ của Ngành.

Mục tiêu chung là xây dựng một hệ thống thông tin ngành Kiểm sát nhân dân hiện đại trên cơ sở các quy trình nghiệp vụ và cơ cấu tổ chức hợp lý, đưa CNTT trở thành một yếu tố nền tảng trong hệ thống các quy trình nghiệp vụ kiểm sát hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu tác nghiệp nghiệp vụ, xử lý, cung cấp các thông tin phục vụ quản lý, điều hành. Các mục tiêu cụ thể: 100% công chức, viên chức, người lao động trong ngành sử dụng thành thạo các ứng dụng, trang thiết bị CNTT xử lý công việc; đẩy mạnh hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ đảm bảo 100% hoạt động của Viện kiểm sát được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất và tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tăng lên rất nhiều so với các năm trước đó. Khoảng 90% hồ sơ công việc tại VKSND tối cao, 80% hồ sơ công việc tại VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh và 60% hồ sơ công việc tại VKSND cấp quận, huyện được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Các văn bản đi, đến (trừ văn bản mật) đều được xử lý trên môi trường mạng, dự thảo văn bản được sử dụng theo quy trình khép kín, các văn bản gửi/nhận đều được ký số cơ quan và ký số cá nhân lãnh đạo, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý và điều hành; cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản (100%); 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng chuyên sâu về phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.

Các báo cáo, thống kê được thực hiện dưới dạng điện tử 100%; 80% các cuộc họp được thực hiện bằng hình thức trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tuyến và truyền thống. Các cuộc họp được thực hiện trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp đạt 80%; 100% cán bộ trong Ngành có tài khoản họp trực tuyến với chất lượng hình ảnh các cuộc họp đạt chuẩn độ nét cao (Full HD); 100% các điểm cầu cho phép họp trên các thiết bị di động thông minh (máy tính bảng, điện thoại, máy tính xách tay).

Tại VKSND tối cao và VKSND cấp tỉnh có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; mỗi học viên, sinh viên đều có hồ sơ số về việc học tập cá nhân; mỗi cơ sở đào tạo đều triển khai hoạt động quản lý dạy và học trên môi trường số. Triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt, học liệu số. Triển khai đại học số là quốc gia số thu nhỏ, thay đổi mô hình dạy và học để tối ưu hóa vận hành các cơ sở đào tạo đại học, tối ưu hóa trải nghiệm học tập của sinh viên và khuyến khích các mô hình đào tạo mới; tái cấu trúc các quy trình, thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong toàn ngành, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Ngành, quản lý thống nhất và tổ chức sử dụng có hiệu quả trang thiết bị CNTT phục vụ các hoạt động của Ngành.

Xây dựng ứng dụng định danh số cho toàn bộ công chức, đơn vị trong Ngành - đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc chuyển đổi số. Mỗi cán bộ, đơn vị trong Ngành sẽ có một định danh số cho phép tích hợp vào tất cả các ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng quản lý, tăng cường tính minh bạch, giảm thiểu chi phí, đảm bảo an toàn, thuận tiện cho việc tích hợp và liên thông,…

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cung cấp dịch vụ theo kiến trúc Viện kiểm sát điện tử; kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan và các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tạo nền tảng phát triển Viện kiểm sát điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trên quy mô toàn Ngành, tạo lập môi trường chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan trên cơ sở khung kiến trúc Viện kiểm sát điện tử. Đảm bảo an toàn, an ninh và bảo mật tuyệt đối cho hệ thống thông tin điện tử của VKSND tối cao. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành xây dựng Viện kiểm sát điện tử với đặc trưng là tất cả các hoạt động, lĩnh vực công tác được tin học hóa, ứng dụng CNTT ở mức cao nhất và hoàn thành chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện đối với các lĩnh vực hoạt động của VKSND. Đến năm 2030, trên cơ sở nền tảng Viện kiểm sát điện tử, từng bước chuyển các hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân lên môi trường số (Viện kiểm sát số).

2. Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện

Để thực hiện các mục tiêu trên cần thực hiện tốt 07 nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, hoàn thiện môi trường pháp lý, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn nghiệp vụ; các đề án, dự án về CNTT, như: Tham mưu cho Viện trưởng VKSND tối cao ban hành một số văn bản chỉ đạo có tính chất nền tảng, quan trọng, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về ứng dụng CNTT. Xác định việc tăng cường ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số trong Ngành là khâu đột phá, trọng tâm của năm 2022 và các năm tiếp theo để tập trung chỉ đạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đổi mới bộ máy tổ chức, tăng cường nguồn nhân lực, hạ tầng CNTT cho Cục 2 với vai trò là đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của VKSND tối cao. Xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về ứng dụng CNTT trong ngành Kiểm sát nhân dân trên cơ sở các quy định của Chính phủ và xây dựng, ban hành các quy chế, quy định về quản lý, vận hành các hệ thống CNTT tại VKSND tối cao.

Thứ hai, phát triển hạ tầng kỹ thuật, mục tiêu là kế thừa và tiếp tục hoàn thiện hạ tầng CNTT sẵn có, Trung tâm dữ liệu của VKSND tối cao theo mô hình quản lý tập trung, sử dụng giải pháp công nghệ ảo hóa, điện toán đám mây, dữ liệu lớn (Big Data),…; xây dựng mạng diện rộng kết nối giữa VKSND tối cao và các đơn vị trực thuộc; giữa VKSND tối cao với các VKSND địa phương; nâng cấp, trang bị thêm máy chủ mới, nâng cấp các thiết bị trong Trung tâm dữ liệu của VKSND tối cao, cài đặt các phần mềm hệ thống mới, các phần mềm đảm bảo an toàn thông tin cho các máy chủ tại Trung tâm dữ liệu của VKSND tối cao; trang bị thiết bị cho Trung tâm dữ liệu (Data Center) của VKSND tối cao phục vụ cho các hệ thống như: Báo cáo tiến độ công việc, phòng họp không giấy tờ,...; nâng cấp đường truyền, mua mới máy tính, máy in, sửa chữa và bảo dưỡng định kỳ các thiết bị, đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức trong trụ sở VKSND tối cao được trang bị máy vi tính cấu hình phù hợp có kết nối đường truyền mạng Internet tốc độ cao; ứng dụng chữ ký số để trao đổi thông tin với các cơ quan bên ngoài; hạ tầng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, trong đó trang bị thêm máy chủ và các thiết bị khác, nâng cấp mạng cục bộ được bảo vệ bởi hệ thống tường lửa, hệ thống phát hiện, phòng và chống truy cập trái phép; về hệ thống thư điện tử được trang bị phần mềm quét virus, lọc thư rác như MailScanner…; mua sắm các phần mềm diệt virus cho hệ thống máy chủ và máy trạm của VKSND tối cao; đảm bảo kỹ thuật và công nghệ về hạ tầng CNTT khi kết nối hệ thống thông tin của VKSND tối cao vào mạng quốc gia theo mô hình thống nhất; cung cấp các hạ tầng tri thức, tính toán, xử lý, khai phá dữ liệu,… gắn với đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng phục vụ xây dựng Viện kiểm sát điện tử; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, hệ thống phần mềm mới theo kiến trúc Viện kiểm sát điện tử và các quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao, kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan và các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng Trung tâm Giám sát an toàn thông tin (SOC) của VKSND tối cao; duy trì vận hành, mở rộng hạ tầng, đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT của VKSND tối cao theo lộ trình.

Xây dựng nền tảng đám mây (Cloud) nội bộ kết hợp Hybrid Cloud và bổ sung, nâng cấp hạ tầng mạng, bảo mật của Trung tâm dữ liệu đáp ứng nhu cầu phát triển dữ liệu theo xu hướng tích hợp, chia sẻ; dịch chuyển các hệ thống hạ tầng thông tin sang vận hành trên nền tảng Cloud, cung cấp kết nối, chia sẻ dữ liệu cho tất cả các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao và ngành Kiểm sát. Dịch chuyển hạ tầng máy chủ, lưu trữ sang công nghệ ảo hóa để tiết kiệm tài nguyên phần cứng và làm nền tảng xây dựng Cloud nội bộ; xây dựng trục tích hợp dữ liệu (LGSP) của VKSND tối cao, thực hiện kết nối liên thông, đồng bộ, chia sẻ các dịch vụ dùng chung, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo kiến trúc Viện kiểm sát điện tử phiên bản mới nhất.

Thứ ba, phát triển các hệ thống nền tảng cho phát triển Viện kiểm sát điện tử, Viện kiểm sát số, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của VKSND tối cao, gồm: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin điện tử, kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia thông qua cơ chế đăng nhập một lần từ Cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành do VKSND tối cao cung cấp, kết nối liên thông, chia sẻ với Hệ thống thông tin điện tử của quốc gia; triển khai xây dựng Trục liên thông văn bản nội bộ của VKSND tối cao, kết nối, liên thông gửi nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai xây dựng nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của VKSND tối cao (LGSP) kết nối, liên thông với NGSP; triển khai hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Viện kiểm sát; phát triển các hệ thống nền tảng đặc thù, dùng chung cho các ứng dụng của lĩnh vực: Quản lý, chỉ đạo và điều hành; nghiệp vụ kiểm sát; văn thư - lưu trữ - khai thác dữ liệu; thông tin tội phạm, vi phạm; thi đua - khen thưởng,…

Xây dựng khai thác vận hành hệ thống thông tin, báo cáo, VKSND tối cao, VKSND các cấp kết nối với hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ; tiếp tục triển khai, đưa vào vận hành khai thác các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu có tính chất nền tảng, liên ngành, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đáp ứng nhu cầu chuyên môn nghiệp vụ.

Thứ tư, phát triển các cơ sở dữ liệu, quản lý, vận hành duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu chuyên ngành tại VKSND tối cao; xây dựng, triển khai Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2021 - 2030:

Xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của VKSND tối cao (cơ sở dữ liệu quản lý, chỉ đạo điều hành; cơ sở dữ liệu về nghiệp vụ kiểm sát; cơ sở dữ liệu về lưu trữ, khai thác dữ diệu; cơ sở dữ liệu về thông tin tội phạm, vi phạm; cơ sở dữ liệu về pháp luật, quy chế, quy định, quy trình nghiệp vụ…); tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Ứng dụng CNTT trong ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2020 - 2025”, Đề án “Cơ sở vật chất, kỹ thuật thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của BLTTHS năm 2015”…

Xây dựng Đề án “Thành lập Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số thuộc Cục thống kê tội phạm và công nghệ thông tin” hoàn thành năm 2022; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai và hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu về các nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát…

Thứ năm, phát triển các ứng dụng, dịch vụ, 100% các văn bản đi, đến (trừ văn bản mật) đều được xử lý trên môi trường mạng, dự thảo văn bản được sử dụng theo quy trình khép kín, các văn bản gửi/nhận đều được ký số cơ quan và ký số cá nhân lãnh đạo, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý và điều hành; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng chữ ký số tại VKSND tối cao và các đơn vị trực thuộc; sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số cho văn bản điện tử trao đổi trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành của VKSND tối cao; đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật sẵn sàng để hồ sơ quản lý cán bộ, công chức các đơn vị thuộc và trực thuộc VKSND tối cao được quản lý bằng cơ sở dữ liệu điện tử; triển khai thực hiện Đề án “Ứng dụng CNTT trong ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2020 - 2025”; tăng cường khai thác hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin hiện có; đầu tư nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của VKSND tối cao bảo đảm hiện đại, tiên tiến, đồng bộ; đảm bảo an toàn, an ninh và bảo mật tuyệt đối cho hệ thống thông tin điện tử của VKSND tối cao; nâng cao trình độ, kiến thức về CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của VKSND tối cao.

Thứ sáu, bảo đảm an toàn thông tin, thường xuyên rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các kế hoạch, quy chế, quy định về bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của VKSND tối cao; thường xuyên rà soát, cập nhật và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; rà soát hiện trạng, tăng cường đầu tư trang thiết bị và thuê dịch vụ chuyên nghiệp nhằm nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin, phòng chống mã độc theo mô hình tập trung, ưu tiên cho các hệ thống cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp và hệ thống các cơ sở dữ liệu; định kỳ, đột xuất thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin theo quy định của pháp luật; xây dựng và triển khai kế hoạch dự phòng, sao lưu dữ liệu, bảo đảm hoạt động liên tục của cơ quan, đơn vị; sẵn sàng khôi phục hoạt động bình thường của hệ thống sau khi gặp sự cố mất an toàn thông tin mạng; Cử cán bộ chuyên trách/phụ trách về an toàn thông tin/công nghệ thông tin tham gia các khóa đào tạo về quản lý, kỹ thuật về an toàn thông tin, sự cố thông tin; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của VKSND tối cao; tổ chức các chương trình diễn tập, tập huấn bảo đảm an toàn thông tin mạng với các phương án, kịch bản phù hợp thực tế cho cán bộ chuyên trách/phụ trách về an toàn thông tin của VKSND tối cao.

Thứ bảy, phát triển nguồn nhân lực, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đòi hỏi những thay đổi trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo VKSND tối cao. Do đó, cần đẩy mạnh các hoạt động về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về CNTT cho cán bộ chuyên trách về CNTT: Quản trị, vận hành, an toàn, an ninh và bảo mật… cũng như việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng và khai thác ứng dụng CNTT đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại VKSND tối cao.

Đào tạo kỹ năng số cho công chức, viên chức, người lao động của VKSND tối cao, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng các yêu cầu trong môi trường làm việc hiện đại, chủ động tiếp cận và bắt kịp với xu thế cuộc cách mạng công nghệ 4.0; cử cán bộ chuyên trách/phụ trách về CNTT tham gia các khóa đào tạo nâng cao; nghiên cứu, đề xuất các phương án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ; các cơ chế, chính sách thu hút, chính sách đãi ngộ trong việc tuyển dụng nhân lực chuyên ngành an toàn thông tin về các đơn vị chuyên trách về CNTT của VKSND tối cao làm hạt nhân phát triển đội ngũ nhân lực an toàn thông tin tại chỗ.

Các giải pháp cần thực hiện là:

Một là, để tạo nguồn nhân lực ứng dụng CNTT đảm bảo về chất lượng và số lượng cần tăng cường công tác đào tạo, tuyên truyền về Viện kiểm sát điện tử, Viện kiểm sát số kết hợp với an toàn, an ninh mạng không chỉ cho cán bộ chuyên trách về CNTT mà còn cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại VKSND tối cao để bắt kịp với xu thế đổi mới nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hai là, nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ số phục vụ công tác quản lý, điều hành của VKSND tối cao. Phối hợp chặt chẽ, toàn diện với Bộ Thông tin và Truyền thông; phối hợp đối tác với các đơn vị, doanh nghiêp, cá nhân về phát triển, chuyển giao ứng dụng CNTT.

Ba là, thu hút nguồn lực CNTT để tạo nguồn nhân lực ứng dụng CNTT đảm bảo về chất lượng và số lượng cần: Tổ chức đào tạo, học hỏi kinh nghiệm, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức, viên chức của VKSND tối cao trong việc ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc. Đào tạo, tập huấn đội ngũ chuyên trách CNTT của các đơn vị có khả năng quản trị hệ thống mạng, các cơ sở dữ liệu, ứng dụng chuyên ngành của từng đơn vị… Đảm bảo các chế độ, chính sách, điều kiện làm việc cho đội ngũ này (như được tham gia học, thi, nâng ngạch, bổ nhiệm; có cơ chế thù lao, bồi dưỡng thông qua các hợp đồng bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, máy móc,…).

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế, bao gồm các hoạt động hợp tác quốc tế trong phát triển công nghệ, Viện kiểm sát điện tử/Viện kiểm sát số và bảo đảm an toàn thông tin mạng (thăm quan, học tập, chia sẻ); thúc đẩy hợp tác quốc tế liên quan đến lĩnh vực CNTT và Viện kiểm sát điện tử; phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học công nghệ, Văn phòng Chính phủ trong hỗ trợ, đảm bảo các điều kiện, nguồn lực, kinh phí; phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Ban Cơ yếu Chính phủ, Tổng cục Thống kê,… trong thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về CNTT, trong nghiên cứu ứng dụng CNTT.

Các cơ quan, đơn vị chủ trì các dự án có trách nhiệm tổ chức xây dựng, trình phê duyệt và triển khai các dự án, nhiệm vụ này theo quy định, bảo đảm sự lồng ghép về nội dung, kinh phí với các chương trình, kế hoạch, dự án chuyên ngành đang triển khai (nếu có), tránh trùng lặp, lãng phí.

Năm là, kiện toàn đơn vị chuyên trách về CNTT của ngành Kiểm sát nhân dân có con dấu, tài khoản riêng theo đúng quy định của pháp luật, trở thành đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số, tham mưu, thực thi, dẫn dắt chuyển đổi số trong Ngành./.

Nhiếp Văn Ngọc, Phạm Tiến Thắng