Vai trò của ngành Kiểm sát nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng : 08:00, 04/08/2022

(Kiemsat.vn) - Đấu tranh phòng, chống tham nhũng được xem là nhiệm vụ quan trọng liên quan tới sự tồn vong của chế độ, sự hưng suy của đất nước. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng công cuộc đấu tranh diệt trừ tham nhũng ở Việt Nam. Tư tưởng của Người không những “là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá”, mà còn là kim chỉ nam cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của ngành Kiểm sát nhân dân.

Tham nhũng là một vấn nạn mang tính toàn cầu. Ở nước ta, tham nhũng tàn phá tiến trình hoạt động bình thường của hệ thống chính trị và việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm xói mòn đạo đức và tinh thần xã hội.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng

Chủ nghĩa cá nhân - mầm mống đẻ ra tham nhũng.

Bệnh tham nhũng trong cán bộ, đảng viên được Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt trong một thuật ngữ chung nhất là tham ô. Người chỉ rõ bản chất của tham ô là hành vi “lấy của công làm của tư, là gian lận, tham lam”, “tham ô là trộm cướp”. “Của công” chính là tài sản của Nhân dân, do Nhân dân đóng góp, phục vụ mục đích chung là giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Bất cứ hành vi nào lấy “của công” làm “của tư” cũng đều là hành vi tham ô... Trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, Người cảnh báo và lên án hành vi “lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức...”. Bằng nhãn quan chính trị đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện ra chủ nghĩa cá nhân chính là mầm mống “đẻ ra trăm thứ bệnh con nguy hiểm”; “là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm khác”. Người quan niệm: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể, miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Trong số những căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân gây ra, tham nhũng là căn bệnh nguy hiểm nhất, là “hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất”. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trộm cắp tiền bạc của Nhân dân, tổn hại kinh tế của Chính phủ, cũng là mật thám, phản quốc, nếu không phải là tệ hơn nữa”. Những cảnh báo trên được phát đi từ người đứng đầu Đảng và Nhà nước như là sự khởi đầu cho việc hình thành một lối sống văn hóa trong Đảng, một tập quán chính trị tiến bộ và là tiêu chí quan trọng của một đảng “là đạo đức, là văn minh” - đã là cán bộ, đảng viên phải trong sạch, phải nói không với tham nhũng. Trên cơ sở nhận diện đúng nguyên nhân nảy sinh tham nhũng, Hồ Chí Minh đã chỉ ra đúng “phác đồ điều trị” để phòng, chống tham nhũng.

Tự phê bình và phê bình - “thang thuốc hay nhất” để phòng, chống tham nhũng.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta không tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những sai lầm, khuyết điểm của Đảng là có thể khắc phục, sửa chữa được, vì Đảng có chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường, xác định rõ tôn chỉ, mục đích là phục vụ Nhân dân, đặc biệt là có phê bình và tự phê bình. Tự phê bình và phê bình giống như chiếc gương soi, như người bạn đồng hành, soi đường, chỉ lối cho mỗi cán bộ, đảng viên trong mỗi bước đi để tránh “vết xe đổ” của chính mình và của người khác. Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra quy luật ấy và nhiều lần khẳng định mục đích tự phê bình và phê bình là để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, giữ gìn đoàn kết và thống nhất trong nội bộ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình chính là “thang thuốc hay nhất”, “thang thuốc thánh” để phòng, chống tham nhũng. Để tự phê bình và phê bình đem lại kết quả, phải “khéo dùng cái vũ khí sắc bén” để không bị kẻ xấu lợi dụng vào việc công kích, nói xấu, triệt hạ nhau. Khi gặp khó khăn thì tự phê bình và phê bình để thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động, dũng cảm vượt qua khó khăn. Khi thuận lợi thì tự phê bình và phê bình để nhận rõ thách thức ở phía trước, không chủ quan “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Khi mắc khuyết điểm, sai lầm, kể cả tội lỗi xấu xa, đê tiện nhất thì “phê bình và tự phê bình như uống thuốc xổ. Xổ rồi thì phải uống thuốc bổ. Tháo xe đạp ra chùi cho sạch bụi, lúc lắp vào phải cho dầu mỡ, xe mới chạy được”. Tự phê bình và phê bình là một vấn đề rất nhạy cảm, ảnh hưởng đến từng cá nhân và tổ chức. Tâm lý của con người là thích được khen hơn bị chê. Điều này dễ liên lụy đến uy tín, chức tước, địa vị và thứ bậc nghề nghiệp, vì “người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị”. Vì vậy, Hồ Chí Minh cho rằng muốn tự phê bình và phê bình căn bệnh tham ô đòi hỏi phải có hai yếu tố đặc biệt quan trọng đó là thái độ và phương pháp đúng.

Thứ nhất, thái độ đúng là yếu tố rất quan trọng giúp ngăn ngừa tham nhũng ngay từ khi nó còn trong trứng nước, thể hiện ở tinh thần cầu thị, lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, dũng cảm, kiên trì đấu tranh trên tình đồng chí thương yêu, giúp đỡ nhau. Do đó, tự phê bình và phê bình “phải ráo riết, và phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó phải đi đôi với nhau”.

Thứ hai, phương pháp đúng là vấn đề mấu chốt nhất cần phải có. Theo Hồ Chí Minh, phương pháp hiệu quả nhất là phải được duy trì thường xuyên và trên cơ sở đề cao trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong bài “Tự phê bình”, Hồ Chí Minh căn dặn: “Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm”. Trong sinh hoạt, mỗi cán bộ, đảng viên phải chỉ ra cho đồng chí mình những tác hại, nguyên nhân dẫn đến khuyết điểm sai lầm. Đồng thời, phải thường xuyên quan tâm hướng dẫn, động viên, kiểm tra, theo dõi quá trình sửa chữa khuyết điểm, sai lầm của đồng chí, đồng nghiệp.

Kiểm soát quyền lực - “thanh bảo kiếm nhiệm màu” phòng, chống tham nhũng.

Theo Hồ Chí Minh, nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có “ngọn đèn pha”, bao nhiêu tình hình, ưu điểm và khuyết điểm, cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”. Theo đó, muốn kiểm soát quyền lực phải có hai điều: “Một là, việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường xuyên làm. Hai là, người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”.

Để kiểm soát quyền lực thì việc lựa chọn cán bộ phụ trách kiểm tra, giám sát, kiểm soát là yêu cầu quan trọng bậc nhất. Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải chú trọng lựa chọn những người biết đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, phải có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” và “ít lòng tham muốn vật chất”, không vì cảnh nghèo mà thay lòng đổi dạ sinh ra bất liêm. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Song song với việc lựa chọn cán bộ phải có phương pháp kiểm soát quyền lực đúng, nghĩa là kiểm soát phải có hệ thống và sát thực tiễn. Mục đích của việc kiểm tra, kiểm soát quyền lực nói chung, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng là “để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”.

2. Phát huy vai trò của ngành Kiểm sát nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Một là, Viện kiểm sát nhân dân là vũ khí sắc bén trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Theo Hồ Chí Minh, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ dùng “đức trị” mà cần đặc biệt chú trọng “pháp trị”. Người coi pháp luật chính là công cụ sắc bén để diệt trừ tham nhũng. Đồng thời, để bảo đảm tính nghiêm minh, nghiêm khắc của pháp luật, Hồ Chí Minh rất chú trọng xây dựng hệ thống các cơ quan tư pháp vững mạnh. Bởi vì, “tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền”, là cơ sở để giữ vững sự ổn định và phát triển của xã hội, là vũ khí sắc bén để diệt trừ tham nhũng. Hệ thống các cơ quan tư pháp nói chung, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân phải đảm bảo việc thực thi pháp luật được nghiêm minh; “phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”, “thẳng tay trừng trị những tên Việt gian đầu sỏ đã bán nước buôn dân”...

Sứ mệnh của ngành Kiểm sát nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được thể chế hóa trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật như: Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018... Tại Điều 83 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định rõ: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao có đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng…”. Tuy nhiên, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ phụ thuộc vào hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ mà cốt yếu nhất là việc thực thi pháp luật. Xét đến cùng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là vấn đề sửa đổi tổ chức và con người. Do đó, trong điều kiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng ngày càng được hoàn thiện như hiện nay, để thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong phòng, chống tham nhũng, nhiệm vụ “then chốt của then chốt” là phải xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ.

Hai là, đề cao trách nhiệm nêu gương “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Trong thực thi quyền lực nhà nước, nhất là trong xử lý hành vi tham nhũng, đòi hỏi cán bộ Kiểm sát phải đề cao trách nhiệm nêu gương “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đây cũng chính là phẩm chất, nhân cách đặc thù của người cán bộ Kiểm sát, nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch, ngay thẳng, sáng suốt trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Theo đó, công minh phải là gốc, thể hiện ở tinh thần “dĩ công vi thượng”, là đặt việc công lên trên hết, đặt lợi ích của nước, của dân, của Đảng lên trên hết; là đem lòng chí công, vô tư mà đối với người, đối với việc, không vì tư lợi, hay quyền lợi cá nhân mà không dám đấu tranh bảo vệ công lý hoặc lợi dụng có thẩm quyền xử lý công việc để trục lợi, làm sai lệch bản chất của vụ án, nhất là án tham nhũng.

Thực tiễn cho thấy, việc điều tra, truy tố các hành vi tham nhũng, người cán bộ Kiểm sát phải đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực, thậm chí có những “áp lực tự thân” trong “xét rõ công - tội”, “tình - lý” để luận tội. Nếu một người không biết đặt lợi ích chung lên trên hết sẽ rất dễ dẫn đến oan sai, thậm chí suy thoái, tiêu cực: Tội nhẹ thành nặng, tội to thành nhỏ. Đồng thời, phải có tinh thần “thận trọng, khiêm tốn” để bảo đảm sự cân bằng, khắc phục sự máy móc, rập khuân, là phần “thấu tình” trong công tác. Đây là đức tính mà Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ Kiểm sát phải tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên, bền bỉ. Có khiêm tốn mới có đủ tỉnh táo để nhận thức chân lý một cách đúng đắn, khách quan, đồng thời có được sự ủng hộ của Nhân dân. Để rèn luyện đức tính khiêm tốn, đòi hỏi phải đánh giá đúng về bản thân mình, không kiêu căng, tự mãn, cầu thị học hỏi để ngày càng tiến bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn thì một chút nước cũng đầy tràn vì độ lượng nó hẹp. Người mà tự kiêu, tự mãn cũng như cái chén, cái đĩa cạn”.

Cũng cần thấy rằng, những phẩm chất này chỉ được hình thành trên những chuẩn mực đạo đức chung của người cán bộ cách mạng đó là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Nghĩa là, không có đạo đức cách mạng thì không thể có nhân cách của người cán bộ làm công tác kiểm sát và nếu có thì sẽ dễ dẫn đến sai lầm, thậm chí sa ngã trong thực thi công vụ. Chính quy luật hình thành nhân cách đó đòi hỏi công tác tuyển chọn cán bộ Kiểm sát phải hết sức cụ thể, tỉ mỉ, khách quan hơn bất cứ ngành nghề nào. Đồng thời, đòi hỏi cán bộ làm công tác kiểm sát phải thực hành tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời, với ý chí quyết tâm sắt đá, luôn kiên quyết, kiên trì “cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Ba là, cán bộ Kiểm sát cũng như cán bộ nói chung phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng.

Từ thực tiễn hoạt động cách mạng sôi nổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút vấn đề có tính quy luật: “Khi Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Dựa vào quần chúng nhân dân để phòng, chống tham nhũng còn là bài học kinh nghiệm quý báu của ngành tư pháp nói chung, của ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng. Tai mắt của quần chúng giúp phát hiện mọi hành vi tham nhũng. Muốn phát huy vai trò của nhân dân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ làm công tác kiểm sát phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Tại Hội nghị học tập của cán bộ tư pháp toàn quốc năm 1950 và Hội nghị tư pháp toàn quốc năm 1957, Người nói: “... các chú phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Hồ Chí Minh luôn đề cao trí tuệ của Nhân dân trong mọi nhiệm vụ cách mạng. Bởi vì, “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”. Trọng trách của người làm công tác kiểm sát là phải bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tuyệt đối không được bỏ lọt hoặc truy tố oan, sai. Nghĩa là nó liên quan mật thiết tới sự sống chết của con người, uy tín, danh dự, nhân phẩm và tiền đồ của cán bộ, đảng viên và nhân dân nên càng phải thận trọng, khách quan, công tâm. Trong khi đó, các hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp không dựa vào tai mắt của dân sẽ dẫn đến những khó khăn, bế tắc, thậm chí những sai sót nghiêm trọng trong công tác điều tra, xử lý. Đại hội XIII của Đảng đề ra giải pháp là phải “bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Đây là quan điểm đúng đắn nhằm khơi nguồn sức mạnh vô địch của Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Muốn vậy, cán bộ Kiểm sát ngoài việc nắm chắc hệ thống luật pháp, tinh thông nghiệp vụ còn đòi hỏi phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phong cách gần dân, trọng dân. Bởi vì, xét đến cùng “sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.

Bốn là, cần thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm đẩy lùi tham nhũng.

Nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nâng cao hiệu quả thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với tội phạm tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chỉ khi hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng được thực thi nghiêm túc, việc điều tra, truy tố hành vi tham nhũng bảo đảm tính khách quan, công minh, đúng người, đúng tội thì mới tạo được sức răn đe, cảnh tỉnh đối với cán bộ, công chức trong hệ thống công quyền.

Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước đạt được những thành tựu to lớn, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy nhiên, đất nước ta đang đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Tình trạng “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, từ chỗ chỉ là “một bộ phận” đã lây lan sang “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên; làm xói mòn niềm tin của Nhân dân đối với Đảng… Quyết tâm của Đảng ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thể hiện rõ: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, trái lại rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Đó cũng chính là quyết tâm của ngành Kiểm sát nhân dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của toàn lực lượng trong cuộc chiến đấu diệt trừ tham nhũng./.

Ths. Nguyễn Văn Vinh