Vướng mắc trong thụ lý, giải quyết các vụ vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Ngày đăng : 08:00, 01/08/2022

(Kiemsat.vn) - Thực tiễn giải quyết các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ còn gặp một số vướng mắc trong việc áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư số 63/2020/TT-BCA về quy trình thụ lý, tiếp nhận nguồn tin, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; vấn đề bồi thường thiệt hại đối với các vụ án tai nạn giao thông có yếu tố nước ngoài…

1. Vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật

Ngày 19/06/2020, Bộ Công an ban hành Thông tư số 63/2020/TT-BCA quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông (Thông tư số 63), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

Theo khoản 5 Điều 5; khoản 4 Điều 6; khoản 7 Điều 7 và khoản 1, 2  Điều 9 Thông tư số 63 thì trường hợp nếu phát hiện vụ tai nạn giao thông có một trong các dấu hiệu về hậu quả như: Có người chết tại hiện trường; chết trên đường đi cấp cứu; đang cấp cứu mà chết; có người bị thương dập, nát, đứt, rời tay, chân, bị mù hai mắt; vỡ nền sọ; có từ 03 người bị thương gãy tay, chân trở lên hoặc có căn cứ thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện báo cáo Trưởng Công an cấp huyện phân công Cảnh sát điều tra tiếp nhận điều tra, giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Trong trường hợp này, Cơ quan điều tra (CQĐT) phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên, cùng Điều tra viên khám nghiệm hiện trường theo quy định của BLTTHS.

Các vụ tai nạn giao thông như va chạm hoặc không có thương tích nặng, hoặc ban đầu xảy ra chưa xác định được có người chết hay không hoặc ba người bị thương trở lên hoặc trị giá thiệt hại về tài sản dưới 100 triệu đồng thì thuộc trường hợp giải quyết của Cảnh sát giao thông, không thuộc thẩm quyền giải quyết của CQĐT. Thông tư số 63 không quy định bắt buộc Cảnh sát giao thông phải báo cáo cho Trưởng Công an cấp huyện để phân công Cảnh sát điều tra tiếp nhận giải quyết, cho nên rất nhiều vụ tại nạn giao thông khi xảy ra, ban đầu chưa xác định được thương tích hoặc thiệt hại về tài sản dẫn đến Cảnh sát giao thông trực tiếp tiến hành khám nghiệm hiện trường và thụ lý giải quyết. Do vậy, biên bản khám nghiệm hiện trường không có Điều tra viên và Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm.

Trên thực tế, nhiều nạn nhân ngã do tai nạn giao thông bị bầm tụ máu não chưa có biểu hiện về chấn thương sọ não, nhưng sau một thời gian điều trị mới phát hiện bị chấn thương sọ não dẫn đến tử vong. Nhưng do ban đầu chưa xác định được thương tích và thiệt hại về tài sản nên Cảnh sát giao thông trực tiếp khám nghiệm hiện trường, mà không có Điều tra viên và Kiểm sát viên tham gia. (Theo quy định của BLTTHS khi khám nghiệm hiện trường Điều tra viên chủ trì tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường). Từ đó, dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông không có Điều tra viên và Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm hiện trường.

Vấn đề đặt ra là biên bản khám nghiệm hiện trường theo quy định của BLTTHS không có Điều tra viên và Kiểm sát viên tham gia nên không có giá trị pháp lý để đưa vào thủ tục tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm. Thực tiễn cho thấy, phần lớn các vụ tai nạn giao thông xảy ra ban đầu không có người chết mà chỉ bị thương tích và thiệt hại về tài sản, nhưng chưa xác định được thương tích là bao nhiêu phần trăm và tài sản bị thiệt hại, muốn xác định được tỉ lệ thương tích, thiệt hại về tài sản thì phải trưng cầu giám định thương tích và yêu cầu cơ quan định giá tài sản, mới có cơ sở để xem xét có dấu hiệu tội phạm xảy ra hay không. Điều đó, dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông sau khi xác định được thương tích, thiệt hại về tài sản, có dấu hiệu của tội phạm, Cảnh sát giao thông chuyển hồ sơ cho CQĐT thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thì việc khám nghiệm hiện trường không có Điều tra viên và Kiểm sát viên tham gia nên không có giá trị pháp lý.

 Hiện nay, các vụ tai nạn giao thông mà tỉ lệ thương tích nhẹ, tài sản bị thiệt hại dưới 100 triệu đồng chỉ xử lý về dân sự và hành chính. Đối với các vụ tai nạn mà các đương sự tự thỏa thuận bồi thường thiệt hại về thương tích và tài sản thì Cảnh sát giao thông lập biên bản thỏa thuận, sau đó chuyển hồ sơ để xử lý hành chính.

Tuy nhiên, nhiều vụ việc tỉ lệ thương tích và thiệt hại về tài sản tuy không đủ định lượng để xử lý về hình sự nhưng các bên (người gây tai nạn, người bị tai nạn) không thỏa thuận được với nhau về phần bồi thường dân sự. Vì vậy đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, khi thụ lý giải quyết các vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Tòa án phải xem xét đơn khởi kiện trước khi thụ lý. Đối với các vụ tai nạn giao thông thì sau khi thụ lý, Tòa án phải có công văn yêu cầu cơ quan Công an đã thụ lý ban đầu chuyển hồ sơ để Tòa án xem xét, xác định lỗi, xác định thương tích cũng như thiệt hại về tài sản. Để đảm bảo việc giải quyết vụ án dân sự đúng quy định của pháp luật thì CQĐT phải có kết luận sơ bộ ban đầu, xác định ai là người có lỗi, thiệt hại xảy ra như thế nào và căn cứ vào điều khoản nào của BLHS, BLTTHS xác định không có dấu hiệu tội phạm để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, từ đó Tòa án mới có căn cứ để giải quyết vụ án theo thủ tục dân sự, hành chính.

Khoản 1 Điều 147 BLTTHS năm 2015 quy định:

“1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự”.

Như vậy, nếu CQĐT ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự do hành vi không cấu thành tội phạm thì phải áp dụng các thủ tục thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, từ đó mới có căn cứ để ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Muốn có căn cứ để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định của BLTTHS thì CQĐT phải trưng cầu giám định và yêu cầu định giá tài sản.

Tóm lại, theo quy định của BLTTHS thì muốn xác định được tỉ lệ thương tích và thiệt hại về tài sản thì CQĐT phải thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, từ đó mới có căn cứ để ra quyết định trưng cầu giám định để xác định tỉ lệ thương tích (khoản 4 Điều 206) và yêu cầu cơ quan chuyên môn xác định giá trị thiệt hại về tài sản. Đồng thời, nếu các bên không thỏa thuận được về bồi thường dân sự, mà khởi kiện ra Tòa án, thì phải có quyết định không khởi tố vụ án làm cơ sở để Tòa án thụ lý. Thực tiễn hiện nay, khi thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về các hành vi vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ theo đúng quy trình của BLTTHS, thì các quy định của Thông tư số 63 là chưa phù hợp.

2. Về bồi thường thiệt hại đối với các vụ tai nạn giao thông có yếu tố nước ngoài

Khoản 1 Điều 25 Thông tư số 63 quy định: “1. Khi xảy ra vụ tai nạn giao thông liên quan đến người và phương tiện giao thông đường bộ của nước ngoài thì thực hiện theo Chương II Thông tư này; đồng thời, áp dụng Thông tư liên ngành số 01/TTLN-KS-NV-TP-NG ngày 08/9/1988 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc điều tra, xử lý các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do người, phương tiện giao thông nước ngoài gây ra hoặc áp dụng theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc có quy định khác”.

Tại điểm a khoản 2 Phần III của Thông tư liên ngành số 01/TTLN-KS-NV-TP-NG nêu trên quy định: “Nếu mức độ thiệt hại về người và của không lớn thì Công an cấp tỉnh, thành sẽ hướng dẫn việc bồi thường thiệt hại giữa hai bên và lập biên bản về việc bồi thường đó; đồng thời phải kịp thời thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Trường hợp hai bên đương sự bất đồng về mức độ bồi thường thiệt hại thì Công an cấp tỉnh, thành chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp nghiên cứu xử lý theo trình tự tố tụng dân sự. Viện kiểm sát nhân dân khởi tố vụ án dân sự chuyển hồ sơ với những tài liệu chứng cứ cần thiết đến Tòa án nhân dân cùng cấp để xét xử về dân sự.”

Như vậy, trong trường hợp vụ tai giao thông đường bộ do người, phương tiện giao thông nước ngoài gây ra thì trình tự tiếp nhận, xử lý tin báo và giải quyết ban đầu theo hướng dẫn tại Chương II Thông tư số 63. Đối với phần thiệt hại bồi thường dân sự thì theo Thông tư số 01/TTLN-KS-NV-TP-NG, nếu mức độ thiệt hại về người và tài sản không lớn thì Công an cấp tỉnh sẽ hướng dẫn việc bồi thường thiệt hại giữa hai bên và lập biên bản về việc bồi thường đó, đồng thời phải kịp thời thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp hai bên đương sự bất đồng về mức độ bồi thường thiệt hại thì Công an cấp tỉnh chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu xử lý theo trình tự tố tụng dân sự, Viện kiểm sát khởi tố vụ án dân sự chuyển hồ sơ cùng với những tài liệu chứng cứ cần thiết đến Toà án cùng cấp để xét xử về dân sự.

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 25 Thông tư số 63 quy định về phần bồi thường dân sự do người và phương tiện giao thông nước ngoài gây ra nếu trong trường hợp hai bên đương sự bất đồng về mức độ bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với các quy định của BLTTDS năm 2015. Do Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và BLTTDS năm 2015 quy định Viện kiểm sát không còn chức năng khởi tố vụ án dân sự. Đây cũng là vướng mắc trong thực tiễn áp dụng cần phải có văn bản mới hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, số lượng các vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà người vi phạm không có giấy phép lái xe tương đối nhiều. Tuy nhiên, quá trình điều tra ban đầu không thể làm rõ được hành vi vi phạm của người tham gia giao thông. Việc chưa xác định được tư cách tham gia tố tụng trong các vụ án vừa có thiệt hại về tính mạng, vừa có thiệt hại về sức khỏe ngay từ ban đầu khi xảy ra tai nạn không tuân theo trình tự, thủ tục của BLTTHS năm 2015, mà chỉ theo thủ tục của Thông tư số 63, dẫn đến khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm thì một số chứng cứ ban đầu không được thu thập theo đúng trình tự nên không xử lý được, hoặc làm kéo dài thời gian giải quyết.

Vì vậy, tác giả kiến nghị cần có văn bản hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục đối với vấn đề bồi thường dân sự đối với các vụ tai nạn giao thông do người, phương tiện giao thông có yếu tố nước ngoài gây ra cho phù hợp với  BLTTDS năm 2015./.

Ths. Lê Văn Quang, Nguyễn Thị Thanh Huyền