Vị trí, vai trò, hình ảnh của Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân ngày càng được khẳng định rõ nét
Ngày đăng : 15:31, 11/07/2022
Theo đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao, ngày 16/8/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa 13) đã ban hành Nghị quyết số 522d/NQ-UBTVQH13 phê duyệt việc điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ và đổi tên một số đơn vị thuộc bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong đó có việc đổi tên Ban Thanh tra thành Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao. |
Ngày 13/7/1987 đánh dấu sự ra đời của Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân sau khi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 15/QĐ-TC về việc thành lập Ban Thanh tra là đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Quán triệt các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước, hằng năm, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành kế hoạch, chương trình trọng tâm công tác tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân, trong đó, đặc biệt chú trọng đến nội dung: Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những cán bộ, Kiểm sát viên vi phạm kỷ luật và pháp luật, nhất là vi phạm pháp luật trong việc giải quyết các vụ án, gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân, ngày 27/01/2010, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký Quyết định số 68/QĐ-VKSTC ban hành kèm theo Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra. Theo đó, vị trí, chức trách, nhiệm vụ của Ban Thanh tra được quy định là đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, có chức năng kiểm tra, xác minh, kết luận đơn tố cáo liên quan đến cán bộ công chức ngành Kiểm sát nhân dân; thanh tra một số hoạt động nghiệp vụ trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp và thực hiện những việc khác khi được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao.
Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới và tăng cường công tác thanh tra, tên gọi Ban thanh tra không còn phù hợp với vị trí, chức trách, nhiệm vụ của công tác thanh tra và không còn phù hợp với tên gọi chung của cơ quan thanh tra thuộc các bộ, ngành được quy định trong Luật Thanh tra năm 2010. Do vậy, theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ngày 16/8/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa 13) đã ban hành Nghị quyết số 522d/NQ-UBTVQH13 phê duyệt việc điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ và đổi tên một số đơn vị thuộc bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong đó có việc đổi tên Ban Thanh tra thành Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Tổ chức bộ máy và biên chế cán bộ của Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân từng bước được củng cố, kiện toàn. Sau 35 năm xây dựng và phát triển, từ 05 cán bộ ở độ tuổi trên 55 vào những ngày đầu thành lập, đến nay Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân đã hình thành hệ thống gồm: Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh với tổng số 317 công chức, với độ tuổi đảm bảo tính kế thừa giữa người nhiều tuổi, có kinh nghiệm với những người trẻ tuổi, được đào tạo kiến thức pháp luật cơ bản.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành 04 Chỉ thị về công tác thanh tra và 07 văn bản quan trọng làm nền tảng pháp lý cho hoạt động thanh tra của ngành Kiểm sát nhân dân. Tổ chức thanh tra không ngừng lớn mạnh, vị trí, vai trò, hình ảnh của thanh tra ngày càng được khẳng định. Có thể nói, công tác thanh tra không ngừng đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng, chất lượng được nâng lên đáp ứng yêu cầu công tác quản lý.
Đồng chí Mai Thị Nam, Chánh Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, trong 35 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua các thời kỳ, mặc dù tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy có khác nhau nhưng Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân luôn không ngừng phấn đấu vươn lên, ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật, góp phần tích cực vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng thời, tin tưởng, toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp trong 35 năm qua, nỗ lực phấn đấu, chủ động, sáng tạo, đoàn kết, nhất trí để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Ngành giao phó... |
Mỗi năm, Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã tiến hành hàng trăm cuộc thanh tra dưới nhiều hình thức; đáp ứng công tác quản lý của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Công tác thanh tra đã phát hiện kịp thời những thiếu sót, vi phạm và đề xuất với lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp những giải pháp chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, vi phạm trong hoạt động nghiệp vụ, quản lý tài chính, tài sản công, quản lý công chức, viên chức và người lao động, tham mưu với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật và của Ngành, góp phần tích cực trong việc nâng cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Ghi nhận những đóng góp của đơn vị đối với ngành Kiểm sát nhân dân, Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước, Chính phủ và của Ngành như: Huân chương Lao động Hạng Ba (năm 2009), Huân chương Lao động Hạng Nhì (năm 2015), Huân chương Lao động Hạng Nhất (năm 2020); Cờ Thi đua của Chính phủ năm 2017, 2018; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007, 2013; Cờ Thi đua cho đơn vị dẫn đầu Khối của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao các năm 2010, 2011, 2012, 2014, 2015, 2016, 2019, 2021; nhiều cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được công nhận đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Chiến sĩ thi đua Ngành”, Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Công đoàn viên chức Việt Nam và nhiều Bằng khen của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng các danh hiệu thi đua khác... |
Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân đã không ngừng phấn đấu, từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong các cơ quan của Viện kiểm sát nhân dân, được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ghi nhận, giao thêm những nhiệm vụ mới. Đến nay, nhiệm vụ của Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân đã được khẳng định đầy đủ tại Quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân, bao gồm: Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, của Viện kiểm sát nhân dân trong lĩnh vực thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, của Viện kiểm sát nhân dân về công tác tổ chức cán bộ, thi đua, khen thưởng, đạo đức, văn hóa giao tiếp khi thi hành công vụ và các công tác hành chính nội vụ khác; thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, của Viện kiểm sát nhân dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác tài chính, kế toán, đầu tư, xây dựng cơ bản trong Viện kiểm sát nhân dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; và theo dõi, đôn đốc, thanh tra việc thực hiện các kết luận, quyết định, kiến nghị thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Ngoài ra, từ năm 2019 đến nay, Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tin tưởng, giao tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn gửi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao là kênh thông tin chính xác giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nắm bắt kịp thời tình hình đang diễn ra trong Ngành, những vấn đề phát sinh để nhanh chóng có biện pháp giải quyết; tìm ra giải pháp khắc phục những sơ hở trong cơ chế quản lý, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý ngành Kiểm sát nhân dân trên tất cả các mặt công tác./.