Bắc Giang: Cần đảm bảo quyền và lợi ích người lao động tại các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách

Ngày đăng : 10:50, 28/06/2022

(Kiemsat.vn) - Thời gian qua, Bắc Giang đã và đang khẩn trương hoàn thành xây dựng các dự án, công trình về y tế, trường học, bệnh viện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nhiều công trình trong lúc thi công chưa đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo đúng các quy định của pháp luật.

Trong bài viết trước, Kiểm sát Online đã phản ánh hoạt động thi công xây dựng công trình chưa đảm bảo quy định về an toàn lao động, vệ sinh môi trường đảm bảo quyền lợi của các công nhân đang thi công tại các công trình Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng, Trung tâm Y tế huyện Việt Yên, và Bệnh viện Ung Bướu tỉnh Bắc Giang. Vậy, trách nhiệm của Chủ đầu tư, Nhà thầu thi công trong việc mua bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường được pháp luật quy định như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hoàng Văn Tùng (Văn phòng Luật sư Trung Hòa) về vấn đề này.

Luật sư Hoàng Văn Tùng, Văn phòng Luật sư Trung Hòa.

Phóng viên: Thưa Luật sư, trước thực trạng Nhà thầu thi công công trình không mua bảo hiểm cho người lao động đang diễn ra tại một số công trình xây dựng, điều này dẫn đến nhiều trường hợp đau lòng khi tai nạn xảy ra mà quyền lợi người lao động không được đảm bảo hoặc người nhà nạn nhân chỉ nhận một khoản tiền đền bù chưa thỏa đáng. Theo Luật sư, hiện pháp luật đã có các quy định như thế nào về vấn đề mua bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường?

Luật sư Hoàng Văn Tùng: Cá nhân tôi cũng đã theo dõi một số vụ kiện dân sự hành vi bỏ mặc hoặc đền bù không thỏa đáng quyền lợi của người lao động khi xảy ra tai nạn trên công trường. Rất đau lòng là phần thiệt thòi luôn thuộc về người lao động vì hai bên khi ra Tòa thì thực tế Chủ thầu không ký Hợp đồng lao động ngắn hạn và người lao động không được mua bảo hiểm.

Pháp luật có rất nhiều các quy định về vấn đề này để đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, cụ thể là Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và Thông tư số 329/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Chúng ta cần lưu ý trong quá trình làm việc trên công trường, người lao động thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm, tai nạn ngoài ý muốn. Chính vì vậy, để giảm thiểu đi những lo lắng và chi phí tài chính thì bảo hiểm công nhân xây dựng là không thể thiếu đối với mỗi người lao động. Đối tượng được mua bảo hiểm là người lao động làm việc theo hợp đồng không cố định thời hạn và người làm việc có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên hoặc hợp đồng trong khoảng từ 1 - 3 tháng.

Một điều đáng mừng là Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 20/2022/NĐ-CP ngày 10/3/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 119/2015/NĐ-CP ban hành ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Cụ thể, về đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 như sau: Nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.

Đồng thời, Nghị định bổ sung quy định về thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào hợp đồng xây dựng và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.

Nghị định cũng bổ sung điểm d khoản 1 Điều 6 về phạm vi bảo hiểm, loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Theo đó, đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba: Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba đối với những thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng, tài sản phát sinh trực tiếp trong quá trình thi công xây dựng và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

Tôi xin nhắc lại là: Việc mua bảo hiểm tai nạn cho công xây dựng là trách nhiệm bắt buộc của Nhà thầu thi công đối với người lao động. Bởi bảo hiểm công nhân xây dựng không chỉ giúp đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động mà còn giúp giảm thiểu rủi ro tài chính, các rắc rối pháp lý cho doanh nghiệp và nhà thầu nếu không may xảy ra tai nạn lao động.

Môi trường làm việc trên cao thiếu trang thiết bị bảo hộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn lao động.

Phóng viên: Luật sư có thể cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, thì ai sẽ phải chi trả các chi phí mua bảo hiểm cho công nhân lao động?

Luật sư Hoàng Văn Tùng: Nghị định số 20/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm c khoản 4 Điều 3 như sau: Đối với bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba: Phí bảo hiểm được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, khoản 3 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung quy định về việc Nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.

Phóng viên: Như vậy có thể hiểu, đối với công trình thuộc đối tượng bắt buộc phải mua bảo hiểm thì việc mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng do chủ đầu tư thực hiện, trường hợp phí bảo hiểm công trình xây dựng được tính trong giá hợp đồng với nhà thầu thi công xây dựng thì việc mua bảo hiểm công trình do nhà thầu thực hiện phù hợp với nội dung hợp đồng đã ký kết và các quy định của pháp luật có liên quan. Theo đó, Nhà thầu thi công sẽ phải sử dụng khoản kinh phí trên đúng mục đích; trường hợp Nhà thầu thi công không mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng sẽ căn cứ vào mức độ có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật, hiểu như vậy có chính xác không thưa Luật sư?

Luật sư Hoàng Văn Tùng: Nghị định số 20/2022/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ban hành quy tắc, điều khoản bảo hiểm, mức phí bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc sau: Bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng; Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng; Bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường; Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba”.

Như vậy, việc mua bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng là bắt buộc, trường hợp Nhà thầu thi công thực hiện hành vi không mua bảo hiểm công trình theo quy định thì có thể áp dụng theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở thì phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không mua bảo hiểm công trình theo quy định.

Ngoài ra, còn buộc tổ chức mua bảo hiểm công trình theo quy định tại điểm k khoản 6 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.

Phóng viên: Xin cảm ơn Luật sư về nội dung trao đổi ngày hôm nay!

Như vậy, pháp luật đã có nhiều quy định nêu rõ: Nhà thầu thi công phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Đây là quy định bắt buộc, hơn nữa, khoản chi này đã được phê duyệt dự toán và sẽ được Chủ đầu tư chi trả. Mọi hành vi gian dối, sử dụng sai mục đích khoản tiền này là hành vi vi phạm pháp luật, căn cứ vào mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến xử lý hình sự.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang sớm vào cuộc để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động cũng như đảm bảo minh bạch, rõ ràng các khoản chi ngân sách nhà nước.

PV