Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Ngày đăng : 08:00, 05/07/2022
1. Quá trình xây dựng và phát triển của Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân
Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân được hình thành sau khi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao ban hành Quyết định số 15/QĐ-TC ngày 13/7/1987 về việc thành lập Ban thanh tra là đơn vị trực thuộc VKSND tối cao. Quán triệt các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về cải cách tư pháp, hằng năm, Ban cán sự Đảng VKSND tối cao đã ban hành kế hoạch, chương trình trọng tâm công tác tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân, trong đó, đặc biệt chú trọng đến nội dung: Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những cán bộ, Kiểm sát viên vi phạm kỷ luật và pháp luật, nhất là vi phạm pháp luật trong việc giải quyết các vụ án, gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân, ngày 27/01/2010, Viện trưởng VKSND tối cao đã ký Quyết định số 68/QĐ-VKSTC ban hành kèm theo Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra (sửa đổi, bổ sung Quy chế số 08). Theo đó, vị trí, chức trách, nhiệm vụ của Ban thanh tra được quy định là đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, có chức năng kiểm tra, xác minh, kết luận đơn tố cáo liên quan đến cán bộ công chức ngành Kiểm sát nhân dân; thanh tra một số hoạt động nghiệp vụ trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; thực hiện những việc khác khi được Viện trưởng VKSND tối cao giao.
Trước yêu cầu đổi mới và tăng cường công tác thanh tra, tên gọi Ban thanh tra không còn phù hợp với vị trí, chức trách, nhiệm vụ của công tác thanh tra và không phù hợp với tên gọi chung của cơ quan thanh tra thuộc các bộ, ngành được quy định trong Luật thanh tra năm 2010. Theo đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao, ngày 16/8/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa 13) đã ban hành Nghị quyết số 522d/NQ-UBTVQH13 phê duyệt việc điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ và đổi tên một số đơn vị thuộc bộ máy làm việc của VKSND tối cao, trong đó có việc đổi tên gọi “Ban thanh tra” thành “Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.
Tổ chức bộ máy và biên chế cán bộ của Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân từng bước được củng cố, kiện toàn. Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành 04 Chỉ thị về công tác thanh tra và 07 văn bản quan trọng làm nền tảng pháp lý cho hoạt động thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân. Tổ chức thanh tra không ngừng lớn mạnh, vị trí, vai trò, hình ảnh của Thanh tra ngày càng được khẳng định. Có thể nói, công tác thanh tra không ngừng đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng, chất lượng được nâng lên đáp ứng yêu cầu công tác quản lý.
Năm 2021, công tác thanh tra tập trung định hướng: Quá trình thanh tra cần lắng nghe ý kiến giải trình của đơn vị được thanh tra để có đánh giá, kết luận thuyết phục; chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân cũng như những khó khăn, vướng mắc để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, rút kinh nghiệm; làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra thiếu sót, vi phạm (nếu có); đề xuất biện pháp xử lý thấu tình, đạt lý, có sức thuyết phục và nhân văn...
Năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng nhiều bởi tình hình dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo VKSND tối cao; sự gương mẫu, sáng tạo, đồng lòng, quyết tâm của tập thể lãnh đạo, công chức, công tác thanh tra của ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng.
2. Một số kết quả nổi bật của Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân năm 2021
Hoạt động của Thanh tra VKSND trong thời gian qua đã đáp ứng tốt yêu cầu công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo VKSND. Thực hiện chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao, Thanh tra VKSND các cấp đã tập trung triển khai thanh tra toàn diện các mặt công tác: Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; công tác tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng và công tác hành chính nội vụ khác; công tác tài chính, đầu tư... Công tác thanh tra đã kịp thời ghi nhận những ưu điểm, kết quả đạt được của các đơn vị, đồng thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong hoạt động nghiệp vụ, công vụ và trật tự nội vụ, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Qua đó, chấn chỉnh, khắc phục và phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu quả các mặt công tác. Công tác thanh tra cũng làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật, xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh.
Đồng thời, qua công tác thanh tra đã nhận được những phản hồi về hiệu quả công tác; phát hiện những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; góp phần bảo đảm đánh giá chính xác, khách quan những kết quả đạt được. Từ đó, kiến nghị cấp có thẩm quyền thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những bất cập trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Thanh tra VKSND tối cao đã tham mưu Viện trưởng VKSND tối cao ký ban hành 06 kết luận thanh tra. Trên cơ sở kết quả thanh tra, đã yêu cầu các tập thể, cá nhân có sai phạm tổ chức kiểm điểm, làm rõ và xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm đối với 38 cá nhân có vi phạm; yêu cầu kiểm tra, xem xét phục hồi một số vụ án đình chỉ không đúng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, đảm bảo việc xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, qua thanh tra việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại 01 VKSND cấp tỉnh, Thanh tra VKSND tối cao đã phát hiện việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh không đúng quy định pháp luật; yêu cầu đối tượng thanh tra khắc phục vi phạm và yêu cầu các đơn vị chuyên môn tham mưu đề xuất Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện quy định của pháp luật về thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Qua đó, đã thể hiện vai trò của công tác thanh tra trong phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Trên cơ sở thông tin phản ánh vụ việc có liên quan đến vi phạm của công chức thuộc VKSND cấp huyện, Thanh tra VKSND tối cao đã kịp thời yêu cầu VKSND cấp tỉnh tiến hành thanh tra đột xuất; làm rõ và xem xét xử lý trách nhiệm, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 08 công chức, người lao động.
Công tác theo dõi, kiểm tra sau thanh tra được tăng cường; năm 2021 đã tham mưu ban hành yêu cầu và thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 1 tỉ đồng do chi tiêu không đúng quy định.
Công tác phân loại, xử lý và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo được thực hiện kịp thời, bảo đảm đúng quy định, trong đó, đã phân loại, xử lý 10.421đơn/10.431 đơn gửi đến Viện trưởng VKSND tối cao (đạt 99,9%); phân loại, xử lý 351 đơn/357 đơn gửi đến Thanh tra VKSND tối cao (đạt 98,3%); tham mưu ban hành 02 kết luận nội dung tố cáo, góp phần ổn định tình hình nội bộ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong ngành.
Ngoài ra, đã tiến hành 111 cuộc kiểm tra việc chấp hành kỷ luật nội vụ và phòng, chống dịch Covid-19; ban hành thông báo rút kinh nghiệm trong toàn ngành, qua đó, nâng cao ý thức của công chức, viên chức, người lao động.
Với trách nhiệm là đầu mối tham mưu công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành Kiểm sát nhân dân, Thanh tra VKSND tối cao tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành; thực hiện tốt việc xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về hành vi tham nhũng; theo dõi, đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về minh bạch tài sản, thu nhập; đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng...
Năm 2021, Thanh tra VKSND cấp cao và cấp tỉnh đã tiến hành 50 cuộc thanh tra toàn diện việc thực hiện Chỉ thị công tác năm của Viện trưởng VKSND tối cao, 98 cuộc thanh tra công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; 39 cuộc thanh tra hành chính; 74 cuộc thanh tra đột xuất công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và việc chấp hành pháp luật trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; 109 cuộc kiểm tra sau thanh tra; 27 cuộc kiểm tra về phòng, chống tham nhũng và 68 cuộc kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ tại các đơn vị trực thuộc; 2.822 cuộc kiểm tra việc chấp hành kỷ luật nội vụ, giải quyết 19 đơn khiếu nại, tố cáo...
3. Một số khó khăn, vướng mắc
Hoạt động của Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân còn một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể là:
Thứ nhất, Điều 6 Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định các công tác của VKSND, tuy nhiên, chưa quy định về công tác thanh tra trong ngành Kiểm sát nhân dân. Trong khi thực tiễn, công tác thanh tra trong Ngành là cần thiết và hiệu quả, các đơn vị Thanh tra được thành lập tại VKSND tối cao, cấp cao và cấp tỉnh đã phát huy vai trò quan trọng trong phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành; nắm bắt thông tin, phát hiện và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, thiếu sót trong quản lý, chỉ đạo điều hành.
Thứ hai, Luật thanh tra quy định về thời hạn của cuộc thanh tra chưa phù hợp; chưa quy định cụ thể các biện pháp thu thập tài liệu Đoàn thanh tra được phép tiến hành; chưa quy định về chuyển hồ sơ cho cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng để tiến hành kiểm tra và xem xét xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức Đảng, đảng viên có vi phạm được phát hiện qua thanh tra và trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Bên cạnh đó, Luật thanh tra năm 2010 chưa quy định địa vị pháp lý của Thanh tra VKSND, người đứng đầu Cơ quan thanh tra VKSND (tương đương Thanh tra cấp nào trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước), dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng các quy định về quyền hạn của Trưởng đoàn, thành viên Đoàn thanh tra, thời hạn cuộc thanh tra, thẩm quyền ký quyết định, kết luận thanh tra…
Thứ ba, về tính hiệu lực pháp lý của các đề nghị, yêu cầu cung cấp chứng cứ, kiểm tra xác minh của Thanh tra VKSND đối với tổ chức và cá nhân ngoài ngành Kiểm sát nhân dân. Hoạt động thẩm tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm làm rõ nội dung thanh tra, phục vụ kết luận thanh tra một cách khách quan, đúng pháp luật; tuy nhiên, hoạt động đó không chỉ dừng lại trong phạm vi các tổ chức và cá nhân trong hệ thống cơ quan VKSND mà còn mở rộng đến các tổ chức, cá nhân ngoài Ngành. Theo Điều 76 Luật thanh tra năm 2010 thì Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo hoạt động thanh tra trong ngành Kiểm sát, nên sẽ là khó khăn cho hoạt động thanh tra nếu các tổ chức, cá nhân ngoài Ngành không thực hiện yêu cầu của Đoàn thanh tra VKSND, bởi không có căn cứ pháp lý ràng buộc và do đó, khó áp dụng biện pháp xử lý.
Thứ tư, về hình thức thanh tra. Theo Điều 37 Luật thanh tra năm 2010, có 03 hình thức thanh tra, gồm: Thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất. Tuy nhiên, pháp luật hiện chưa quy định cụ thể về tính chất, mức độ vi phạm pháp luật làm căn cứ tiến hành thanh tra dẫn đến những khó khăn, vướng mắc nhất định khi áp dụng quy định về thanh tra đột xuất.
Thứ năm, về thời hạn báo cáo kết quả, ban hành kết luận thanh tra. Theo Luật thanh tra năm 2010 thì: “Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải có văn bản báo cáo kết quả thanh tra và gửi tới người ra quyết định thanh tra...”; “Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ra văn bản kết luận thanh tra...”. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi kết thúc thanh tra, Đoàn thanh tra phải có thời gian để đối chiếu quy định, xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, báo cáo người ra quyết định thanh tra; xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, lấy ý kiến của các cơ quan chức năng, ý kiến giải trình của đối tượng thanh tra để hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra. Người ký kết luận thanh tra cũng cần có thời gian để nghiên cứu, do đó, thời hạn như Luật quy định chưa phù hợp.
Ngoài ra, Luật thanh tra năm 2010 còn một số bất cập khác như: Yêu cầu công khai kết luận thanh tra với Đoàn thanh tra chuyên ngành (trong ngành Kiểm sát, một số vụ việc cần giữ bí mật như các vụ án liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật công tác, thuần phong mỹ tục…); chưa quy định chế tài xử lý khi đối tượng thanh tra không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đầy đủ theo quy định pháp luật...
Bên cạnh đó, còn một số khó khăn, hạn chế khác liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành, nhân sự, cơ chế như: Lãnh đạo một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác thanh tra nên chưa tổ chức triển khai, chỉ đạo quyết liệt để phát huy hiệu quả; chưa bố trí, sắp xếp cán bộ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trách nhiệm và bảo đảm tính ổn định để đảm nhận công tác thanh tra. Nhiều công chức Thanh tra VKSND chưa được đào tạo về nghiệp vụ thanh tra, nghiệp vụ tài chính, kế toán, đầu tư, xây dựng cơ bản... Thanh tra là khâu công tác đặc thù, tuy nhiên, đến nay chưa có chính sách ưu tiên, chế độ đãi ngộ phù hợp cho công chức làm công tác này...
4. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác thanh tra trong ngành Kiểm sát nhân dân
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới, công tác thanh tra cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện quy định của pháp luật, quy định của Ngành liên quan đến hoạt động thanh tra. Để có căn cứ pháp lý vững chắc cho hoạt động thanh tra trong ngành Kiểm sát nhân dân, cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức VKSND năm 2014, trong đó quy định cụ thể về công tác thanh tra trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Đối với Luật thanh tra năm 2010: (1) Cần bổ sung các quy định cụ thể đối với cơ quan thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân bên cạnh hệ thống các cơ quan thanh tra thuộc bộ máy cơ quan hành chính nhà nước; đặc biệt, ghi nhận vị trí pháp lý của Thanh tra VKSND; (2) Quy định rõ thời hạn cuộc thanh tra áp dụng đối với Thanh tra VKSND; (3) Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan Thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra VKSND; (4) Quy định cụ thể về căn cứ ban hành quyết định thanh tra đột xuất (theo hướng dựa trên tính chất, mức độ vi phạm pháp luật làm căn cứ tiến hành thanh tra); (5) Sửa đổi thời hạn xây dựng báo cáo kết quả thanh tra và ban hành kết luận thanh tra theo hướng tăng thời gian xây dựng báo cáo và ban hành kết luận thanh tra, trừ các trường hợp thanh tra đột xuất, thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc thanh tra phục vụ các yêu cầu cấp bách theo yêu cầu quản lý; (6) Bổ sung quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với đối tượng thanh tra không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận thanh tra; (7) Bổ sung quy định về chuyển hồ sơ cho cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng để tiến hành kiểm tra và xem xét xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức Đảng, đảng viên có vi phạm được phát hiện qua công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Hai là, tăng cường đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo VKSND các cấp đối với tổ chức và hoạt động của Thanh tra. Thanh tra thực hiện nhiệm vụ đặc thù; đối với nhiều lĩnh vực, nhiều mặt công tác, trong đó có công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; công tác điều tra, giám định tư pháp thuộc nhiệm vụ của Ngành. Đối tượng của Thanh tra là các đơn vị ngang cấp và cấp dưới, các cá nhân, bao gồm Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Điều tra viên các ngạch. Để đảm bảo địa vị pháp lý khi thực hiện nhiệm vụ, Trưởng đoàn thanh tra cần có các chức danh tư pháp ít nhất bằng chức danh tư pháp của đối tượng thanh tra. Vì vậy, cần quan tâm chỉ tiêu biên chế cho Thanh tra, ưu tiên phân bổ chỉ tiêu chức danh tư pháp các ngạch cho Thanh tra; khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có chế độ đãi ngộ đặc thù cho những người có thâm niên công tác, khen thưởng kịp thời đối với những người có thành tích, cống hiến cho hoạt động thanh tra của Ngành.
Nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của Trưởng đoàn thanh tra và chất lượng công chức làm công tác thanh tra. Đặc điểm, tính chất của hoạt động thanh tra đòi hỏi người tiến hành thanh tra phải có phẩm chất, đạo đức trong sáng, phải lường trước mọi sự “cám dỗ”, thách thức để vượt qua và xử lý hiệu quả sự “phản kháng” của đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Người tiến hành thanh tra, đặc biệt là Trưởng đoàn thanh tra phải am hiểu chính sách, pháp luật, thành thạo kỹ năng xem xét, đánh giá và có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng liên quan đến nội dung thanh tra; phải đủ bản lĩnh, kinh nghiệm và năng lực.
Để nâng cao chất lượng công tác thanh tra nói riêng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra nói chung, việc bồi dưỡng, tăng cường năng lực tổng thể cho những người tiến hành thanh tra là yêu cầu luôn phải đặt ra. Lãnh đạo VKSND các cấp cần quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho công chức làm công tác thanh tra tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp lý, nghiệp vụ thanh tra. Công chức làm công tác thanh tra phải tự nghiên cứu, học tập, cập nhật, bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ. Đồng thời, tăng cường trao đổi kỹ năng nghề nghiệp trong hệ thống Thanh tra Ngành; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tính tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của công chức Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân; kỷ luật nghiêm minh đối với những cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, lợi dụng quyền hạn để có hành vi tham nhũng, tiêu cực hoặc sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho tập thể, cá nhân là đối tượng thanh tra.
Ba là, đổi mới nội dung hoạt động thanh tra. Hoạt động thanh tra luôn gắn liền với hoạt động quản lý, vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc thanh tra theo kế hoạch công tác năm, thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm và theo yêu cầu của Viện trưởng VKSND, Thanh tra VKSND các cấp cần tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, thường xảy ra vi phạm để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh và giáo dục phòng ngừa. Đồng thời, tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tập trung giải quyết dứt điểm đối với khiếu nại, tố cáo kéo dài theo chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND tối cao.
Bốn là, tăng cường sự phối hợp trong hoạt động thanh tra. Khi tiến hành hoạt động thanh tra; nhất là thanh tra hoạt động nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, thanh tra về công tác quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản được cấp phải có biện pháp phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các cơ quan, đơn vị hữu quan. Nội dung thanh tra phải cụ thể để xác định mối quan hệ phối hợp cho phù hợp như: Phối hợp trong việc cử thành viên tham gia hoặc giúp việc cho các đoàn thanh tra, cung cấp hồ sơ tài liệu, chứng cứ, thông tin… có liên quan đến nội dung thanh tra, hoặc trong việc nhận xét, đánh giá về vi phạm thuộc nội dung thanh tra trước khi kết luận thanh tra.
Năm là, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc và chế độ, chính sách đãi ngộ đối với công chức làm công tác thanh tra VKSND. Hoạt động thanh tra là một hoạt động công vụ và thường được tiến hành ngoài công sở của cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra. Để bảo đảm tuân thủ nguyên tắc chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời, ngoài việc thu thập, nghiên cứu, đối chiếu, so sánh hồ sơ, tài liệu, thông tin, vật chứng, hoạt động thanh tra còn phải tiến hành kiểm tra, xác minh tại chỗ việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra để đưa ra những đánh giá, nhận xét, bảo đảm tính chính xác, khách quan. Nếu vẫn chưa đủ tin cậy thì người ra quyết định thanh tra còn có thể thông qua trưng cầu giám định để bảo đảm kết luận thanh tra đáp ứng đầy đủ các yêu cầu được pháp luật quy định./.