Nâng cao hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án xâm hại và bóc lột trẻ em

Ngày đăng : 18:18, 16/06/2022

(Kiemsat.vn) - Sáng ngày 16/6, tại Hà Nội, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự VKSND tối cao phối hợp cùng Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn "Nâng cao hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em".

Đồng chí Lại Viết Quang, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự VKSND tối cao và bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam đồng chủ trì chương trình Tập huấn.

Cùng tham dự có các đồng chí: Nguyễn Đức Hạnh, Phó Chánh Văn phòng VKSND tối cao; Nguyễn Xuân Hưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao; Phạm Văn An, Nguyễn Đăng Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự VKSND tối cao; đại diện của VKSND cấp cao tại Hà Nội, VKSND thành phố Hà Nội, VKSND các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Lại Viết Quang, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự VKSND tối cao nhận định, tại Việt Nam, bảo vệ trẻ em luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của các tổ chức xã hội, Ban, Ngành, Đoàn thể và của mỗi cá nhân. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào năm 1990.

Đồng chí Lại Viết Quang, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự VKSND tối cao đánh giá, hiện nay, những nỗ lực bảo vệ trẻ em ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em đang ở mức báo động. 

Trước thực trạng phức tạp trên, các cơ quan chức năng Việt Nam, trong đó có VKSND và Cơ quan phòng chống tội phạm và ma tuý của Liên hợp quốc (UNODC) đã nỗ lực phối hợp để những vụ việc liên quan đến xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em được điều tra, truy tố, xét xử nhanh chóng, đúng quy định, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được của công tác này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các vụ án xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. 

Nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống các hành vi xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em, trên cơ sở hợp tác giữa VKSND tối cao và UNODC, đồng chí Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự VKSND tối cao Lại Viết Quang mong rằng, các Kiểm sát viên tham dự khoá tập huấn sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận nhằm đưa ra những góc nhìn đa dạng và phương hướng giải quyết cho các vụ án xâm hại và bóc lột trẻ em. Đồng thời, cùng nhau chia sẻ về những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trên thực tế trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án này. 

Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam cho rằng thực trạng xâm hại tình dục trẻ em hiện nay là vấn nạn toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam. Trong những ngày gần đây, dư luận trong nước cũng đã và đang lên tiếng rất nhiều về các hiện tượng xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ở nhiều nơi. Trong bối cảnh dịch Covid-19, bên cạnh các hiện tượng xâm hại tình dục trẻ em truyền thống thì tình hình xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng cũng có những diến biến rất phức tạp. 

Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam nêu rõ, chương trình Tập huấn là hoạt động quan trọng trong mối quan hệ đối tác giữa UNODC và VKSND tối cao trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em với mục tiêu nâng cao năng lực cho các cán bộ ngành Kiểm sát về thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời mong rằng, chương trình Tập huấn lần này sẽ đóng góp hiệu quả trong công cuộc đấu tranh chống xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam trong thời gian tới. 

Các đại biểu tham gia chương trình Tập huấn.

Với các chuyên đề chuyên sâu về hệ thống pháp luật quốc tế và quốc gia liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em; thực trạng công tác đấu tranh, phòng ngừa các tội phạm liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em thông qua chức năng của VKSND; kỹ năng của Kiểm sát viên trong các giai đoạn tố tụng đối với các vụ án liên quan đến lạm dụng, bóc lột tình dục trẻ em, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn cũng như học hỏi thêm những kiến thức, kỹ năng mới trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các vụ án xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em./.

Khánh Linh