Quốc hội thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
Ngày đăng : 08:05, 16/06/2022
Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm 8 chương 96 điều quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thi đua, khen thưởng. Luật này áp dụng đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình người Việt Nam; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cá nhân, tập thể người nước ngoài.
Việc khen thưởng được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây: Chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời; Bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được; Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó; Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng.
Các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). |
Cụ thể, Luật quy định theo hướng xác định tiêu chuẩn khung xét tặng danh hiệu thi đua, không quy định về tỷ lệ khen thưởng mà thực hiện theo nguyên tắc “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó”.
Luật thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng: Bổ sung quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”, “Lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến”; bổ sung quy định cụ thể thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, ban, ngành tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc ủy quyền công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở” cho cá nhân, tập thể thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, ban, ngành không có tư cách pháp nhân; bổ sung quy định về thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công tham mưu, giúp về thi đua, khen thưởng; bổ sung trách nhiệm Người đứng đầu phát hiện cá nhân, tập thể có thành tích để khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng, Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng; phân cấp cho Bộ, ban, ngành, tỉnh theo hướng Luật sẽ quy định tiêu chuẩn chung đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; đồng thời giao bộ, ban, ngành, tỉnh trên cơ sở quy định chung của Luật, căn cứ đặc điểm, tình hình của từng đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề để quy định cụ thể một số nội dung được giao trong Luật, phù hợp với từng vùng miền, ngành nghề lĩnh vực.
Luật bổ sung danh hiệu “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu; sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua; bổ sung tiêu chuẩn xét tặng Cờ thi đua của Chính phủ đối với tập thể dẫn đầu cụm, khối thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức; tập thể dẫn đầu phong trào thi đua chuyên đề ở cấp toàn quốc và cấp bộ, cấp tỉnh khi sơ kết, tổng kết.
Đáng chú ý, Luật bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang. Theo đó, quy định: Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến được thực hiện như sau:
Nhà nước tiếp tục xem xét, thực hiện, hoàn thành khen thưởng thành tích kháng chiến trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đối với cá nhân, tập thể, gia đình đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Thực hiện tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng, có thời gian tại ngũ từ 02 năm trở lên. Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đã được công nhận liệt sĩ thì được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.
Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; hướng dẫn việc thực hiện khoản 1 và khoản 2 Điều này./.