Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu
Ngày đăng : 14:37, 15/06/2022
Dự án QIPEDC do Ban Quản lý các dự án Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ban QLCDA) quản lý, đang được thực hiện tại 20 tỉnh thành.
Thực hiện Kế hoạch giám sát, hỗ trợ kỹ thuật năm 2022 của Dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu” của Ban QLCDA, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã thực hiện kế hoạch giám sát, hỗ trợ kỹ thuật tại nhiều địa phương trên cả nước. Hoạt động này nhằm giám sát thực hiện các hoạt động của dự nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện dự án để từ đó có các giải pháp nhằm thực hiện dự án hiệu quả hơn.
Đoàn công tác của dự án QIPEDC đã có buổi làm việc tại Trường PTCS Xã Đàn. |
Tại Trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội) là một trong những cơ sở giáo dục chuyên biệt tham gia rất tích cực cho dự án. Theo báo cáo của trường, có 12 giáo viên và 1 cán bộ quản lý tham gia dự án, ngoài ra còn có 3 nhân viên hỗ trợ và 11 người lớn điếc, tất cả cả đều được tham gia tập huấn. Trong năm học 2021 - 2022 toàn trường có 124 em tham gia dự án và sau khi kết thúc học kỳ I tất cả đều đạt 100%. Tổ dự án cũng tham gia dự giờ hai buổi học ở hai môn Toán và tiếng Việt và một hoạt động hỗ trợ học sinh điếc với sự tham gia của nhân viên hỗ trợ và người lớn điếc. Các giáo viên của trường cũng đưa ra rất nhiều ý kiến quý báu dựa trên thực tế giảng dạy tại trường. Đồng tình với phương pháp giảng dạy của nhà trường ông Tạ Hữu Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GDĐT chia sẻ: “Việc không đặt nặng kiến thức trong giảng dạy các em học sinh điếc là rất cần thiết để đảm bảo sự thoải mái trong học tập, như vậy sẽ giúp kích thích lòng ham mê, tìm hiểu của các em”.
Trường PTCS Xã Đàn là một trong những cơ sở giáo dục chuyên biệt tham gia rất tích cực cho dự án. |
Bà Vương Hồng Tâm, chuyên gia giáo dục đặc biệt của dự án nhận xét: “Một trong những điểm mạnh nhất của giáo viên ở trường là những năng lượng và sự sáng tạo trong bài giảng, đồng thời không chỉ thể hiện ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) chính xác, giáo viên của trường còn có khả năng truyền đạt và giao tiếp rất tốt bằng NNKH cho học sinh.
Đoàn công tác của dự án QIPEDC đã có những chuyến thăm để Giám sát và hỗ trợ kỹ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Tại các trường Hy Vọng Quận 6, trường Tiểu học Lam Sơn (trường hòa nhập), trường Hy Vọng Quận 8, đoàn công tác của dự án rất ấn tượng với việc áp dụng các hình thức giảng dạy mới lạ, thú vị, trực quan sinh động và sự hỗ trợ của nhiều giáo cụ, học cụ đa phương tiện. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi để các trường sử dụng các video bài giảng, học liệu từ thư viện bài giảng Toán và tiếng Việt thông qua NNKH. Sau những tiết dự giờ, Đoàn công tác và nhà trường cũng đã có những trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ sâu để rút kinh nghiệm từ thực tế và để giáo viên có những hỗ trợ kỹ thuật tốt nhất từ dự án để nâng cao chất lượng bài giảng và tích hợp hiệu quả nhất học liệu của dự án vào các tiết học.
Đoàn công tác của dự án QIPEDC đã có những chuyến thăm để Giám sát và hỗ trợ kỹ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh. |
Cùng những chuyến dự giờ và khảo sát thực tế tại các trường, đoàn cũng có buổi làm việc với Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM và Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, hai đơn vị cùng phối hợp triển khai dự án trên điạ bàn để lắng nghe những góp ý, trăn trở, vướng mắc, đồng thời cũng đưa ra các giải pháp để xử lý dựa trên tình hình thực tế. Các buổi làm việc này đều có sự tham gia của Ban giám hiệu các trường của dự án nên cũng là cơ hội tiếp nối để có thể thảo luận sâu về các phương pháp giáo dục, cách sử dụng học liệu, phát huy tối đa hiệu quả nguồn tư liệu của dự án. Ngoài ra Đoàn công tác cũng đề xuất thêm nhiều nhóm hoạt động hơn nữa tại nhà trường như các hoạt động sinh hoạt người điếc tại trường, lồng ghép các sản phẩm truyền thông về Chống xâm hại tình dục và Bạo lực đối với trẻ điếc trong các tiết sinh hoạt và ngoại khoá của trường.
Đoàn công tác cũng đã khảo sát điạ điểm khác nhau tại các tỉnh thành trên cả nước, điều đọng lại không chỉ là lửa nhiệt huyết của công tác giáo dục trẻ khiếm thính đang diễn ra rộng khắp mà còn là những hình ảnh đầy lạc quan đến từ các em. Với sự tự tin, chia sẻ của dự án chắc chắn sẽ đem đến cho các em một công cụ, một cơ hội để tiếp cận kiến thức và hoà nhập trong tương lai.