Bắc Giang: Cần chấn chỉnh các hoạt động thi công xây dựng công trình y tế

Ngày đăng : 20:58, 09/06/2022

(Kiemsat.vn) - UBND tỉnh Bắc Giang đã đầu tư cho 13 công trình y tế với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách và từ Quỹ đầu tư phát triển sự nghiệp của các đơn vị y tế. Tuy nhiên, 3 công trình y tế đang được thi công gần đây đã bộc lộ nhiều dấu hiệu bất cập trong việc đảm bảo an toàn lao động, tiến độ và chất lượng công trình.

Theo phản ánh của người dân, Phóng viên (PV) đã ghi nhận thực tế tại 3 công trình y tế đang được xây dựng tại tỉnh Bắc Giang là Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng, Trung tâm Y tế huyện Việt Yên, và Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang.

Được biết, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng quy mô giường bệnh Bệnh viện Ung bướu với mục tiêu đầu tư xây dựng khối nhà các khoa của Bệnh viện Ung bướu nhằm đảm bảo tiêu chuẩn quy mô 267 giường bệnh vào năm 2023, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, khắc phục tình trạng quá tải của bệnh viện....

Dự án có tổng mức đầu tư 149,4 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách của tỉnh Bắc Giang với quy mô gồm khối nhà trung tâm (8 tầng và 1 tum với tổng diện tích sàn khoảng 8.450m2); nhà trạm khí y tế; nhà cầu, sân, đường nội bộ; bể nước ngầm, nhà trạm bơm; bể chứa nước thải sinh hoạt bệnh nhân xạ trị; trạm biến áp và các hạng mục phụ trợ khác. Dự án được xây dựng trong khuôn viên của Bệnh viện Ung bướu tại xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang; thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2023; đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty Xây dựng Lam Sơn.

Hàng chục công nhân không trang bị bảo hộ lao động khi làm việc trên cao tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn lao động.

Theo ghi nhận của PV tại công trường xây dựng, hầu hết các công nhân đang thi công tại đây đều không có trang bị đồ bảo hộ an toàn lao động theo quy định của pháp luật cũng như biện pháp thi công được duyệt.

Cụ thể, tại khu vực thi công tầng 9, trong quá trình làm việc, các công nhân không có dây bảo hiểm khi làm việc trên cao; không mang đồ bảo hộ, xung quanh công trình không có lưới bao che; nguy cơ mất an toàn lao động là rất lớn, đồng thời làm phát tán bụi ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm môi trường.

Điều đáng nói, với một công trình có quy mô, tính chất lớn như vậy nhưng tại hiện trường chỉ có một Kỹ sư xây dựng trực, không có Chỉ huy trưởng công trình, còn Cán bộ giám sát công trình thì theo lời công nhân ở đây cho biết: “Hôm thì có mặt, có khi cả tuần cũng không có người xuống” (?)

Trả lời PV, chị L, công nhân xây dựng cho biết chị đã làm tại Công ty Lam Sơn 4 năm nhưng không được Công ty đóng bảo hiểm vì đã trên 40 tuổi, có nhiều nữ công nhân đang tham gia xây dựng ở đây cũng không có bảo hiểm (thậm chí có người đã làm 11 năm). Công nhân ở đây chỉ có ít người là của Lam Sơn, còn lại là lao động tự do được các cai thầu phụ mang đến. “Họ thì làm gì có bảo hiểm, hợp đồng lao động hay thiết bị an toàn gì” - chị L cho biết thêm.

PV tiếp tục ghi nhận thực tế tại hai công trình khác là Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng và Trung tâm Y tế huyện Việt Yên; tình trạng này cũng diễn ra tương tự; dấy lên những lo ngại về nguy cơ xảy ra mất an toàn lao động.

Công trình cao tầng không lưới che bụi nằm giữa Khu dân cư mới Mỹ Độ, thành phố Bắc Giang.

Ông Trần Văn Quỳnh, Chỉ huy trưởng công trình Trung tâm Y tế huyện Việt Yên cho biết: “Theo Hợp đồng đã ký với Chủ đầu tư, Công ty Hà Đô 23 chúng tôi dự kiến thời gian bàn giao công trình cho UBND tỉnh Bắc Giang vào tháng 6/2023 nhưng do nhu cầu thực tế nên Công ty đang đẩy nhanh tiến độ, cố gắng bàn giao Công trình vào trước Tết âm lịch, khoảng tháng 2/2023”.

Sau khi xem các tài liệu PV cung cấp về hiện trường công trình xây dựng, ông Quỳnh cho biết: “Công ty Hà Đô 23 cũng rất cố gắng kiểm soát công nhân ra vào công trường để tăng mức độ an toàn lao động nhưng một số công nhân qua khỏi khu vực kiểm tra lại tự ý bỏ đồ bảo hộ ra, do họ làm trên cao nên Giám sát cũng chưa kiểm soát hết được” (?)

Thừa nhận thực trạng Hà Đô 23 phải lấy lao động thuê tại chỗ từ các cai thầu theo dạng thời vụ, ông Quỳnh cho rằng: “Việc có kí hợp đồng lao động, bảo hiểm cho các công nhân hay không thì đó là việc của các cai thầu, chúng tôi không quan tâm việc đó”.

Có thể thấy, trách nhiệm đảm bảo chất lượng công trình, an toàn lao động, vệ sinh môi trường thuộc về nhà thầu thi công trong tổ chức, quản lý, giám sát nhằm mục tiêu để đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ thời gian, đạt chỉ tiêu về chất lượng. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bắc Giang cần phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo tính hiệu quả, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành và tính khả thi của dự án.

Để ghi nhận thêm thông tin, PV đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Ban Quản lý dự đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bắc Giang, tuy nhiên đại diện Lãnh đạo Ban cho biết vẫn chưa thể lên lịch làm việc cho phóng viên với lý do Giám đốc Ban “bận họp liên tục”.

PV đã liên hệ và phản ánh tới UBND tỉnh Bắc Giang, sau khi tiếp nhận thông tin từ PV, đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ngay lập tức chỉ đạo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bắc Giang kiểm tra, chấn chỉnh; đồng thời tổ chức Đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra công trình dự án.

Sự vào cuộc quyết liệt và đầy trách nhiệm của UBND tỉnh Bắc Giang đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những bất cập tại các công trường trên; các công nhân đã được trang bị đồ bảo hộ an toàn lao động, tổ chức quây lưới bao che công trình và kiểm soát người ra vào chặt chẽ…

PV