Thu hồi tài sản tham nhũng ở Hàn Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam

Ngày đăng : 08:00, 14/06/2022

(Kiemsat.vn) - Việc tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng được coi là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Hàn Quốc trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chính vì vậy, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc - một quốc gia có nhiều đặc điểm văn hóa tương đồng với Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam.

Tham nhũng đã và đang trở thành  mối quan tâm hàng đầu và Hàn Quốc không là ngoại lệ khi quốc gia này liên tiếp xảy ra những vụ bê bối liên quan đến Chính phủ và các tập đoàn lớn có sức ảnh hưởng đến nền kinh tế Hàn Quốc.

Kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhậm chức (2017) với tuyên bố nỗ lực tạo ra “một xã hội minh bạch và trong sạch hơn”, Hàn Quốc đã trải qua quá trình cải cách, đấu tranh quyết liệt trong việc phòng, chống tham nhũng. Đến nay, Hàn Quốc được đánh giá là quốc gia đã có sự cải thiện vượt bậc về chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) từ vị trí thứ 52 lên vị trí thứ 33/180 quốc gia (2020).

1. Pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng ở Hàn Quốc

Hàn Quốc xây dựng nền móng pháp lý cho phòng, chống tham nhũng qua việc ban hành hàng loạt đạo luật, đặc biệt là Luật chống tham nhũng từ năm 2001, đây là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất để tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đối với tài sản tham nhũng, luật pháp Hàn Quốc nghiêm cấm hành vi ngụy tạo tài sản thu được từ tội phạm một cách bất hợp pháp hoặc che giấu tài sản thu được (rửa tiền) và quy định về thu hồi tài sản tham nhũng dựa trên các luật hiện hành như:

Bộ luật Hình sự (BLHS) Hàn quốc năm 2013 (Điều 48) và Luật về quy định và hình phạt đối với việc che giấu tài sản có nguồn gốc từ tội phạm năm 2014 (các điều 8 - 10) quy định chung về tịch thu số tiền phạm tội, cũng như tài sản, thiết bị và dụng cụ được sử dụng hoặc dự định sử dụng trong các tội tham nhũng, đảm bảo bảo vệ quyền lợi của các bên thứ ba ngay tình. Trong đó, Điều 48 BLHS năm 2013 quy định việc tịch thu “tài sản (toàn bộ hoặc một phần) được sử dụng hoặc tìm cách sử dụng để phạm tội, được tạo ra hoặc có được từ hành vi phạm tội, hoặc từ việc trao đổi lợi ích”. Tuy nhiên, các luật khác nhau mở rộng phạm vi tịch thu bao gồm cả tài sản thu được từ tội phạm hoặc tài sản thu được là lợi nhuận của tài sản phạm tội. Điều 49 BLHS năm 2013 quy định về tịch thu tài sản ngay cả khi chưa bị kết án khi các điều kiện tịch thu trong Điều 48 đã được đáp ứng.

Ngoài ra, có các điều khoản tịch thu trong Luật về quy định và hình phạt đối với việc che giấu tài sản có nguồn gốc từ tội phạm năm 2014 (các điều 3 - 6) và Luật đặc biệt về tịch thu tài sản liên quan đến vi phạm pháp luật của công chức năm 2013 (các điều 3 - 6). Tài sản thu được từ tội phạm bao gồm thu nhập có được từ tài sản đó. Cũng có thể tịch thu tài sản tham nhũng dựa trên giá trị của tài sản, được xác định bởi Tòa án dựa trên bằng chứng được cung cấp bởi Cơ quan công tố.

- Luật về quy định và hình phạt đối với việc che giấu tài sản có nguồn gốc từ tội phạm năm 2014: Luật được ban hành nhằm mục đích nhắm vào các hoạt động rửa tiền liên quan đến các tội danh như hối lộ, tham ô hoặc vi phạm tội phạm về trách nhiệm ủy thác. Tài sản có được từ bất kỳ tội phạm nào  cũng như tài sản có được từ hoạt động rửa tiền có thể bị tịch thu.

- Luật đặc biệt về tịch thu tài sản liên quan đến vi phạm pháp luật của công chức năm 2013, sửa đổi, bổ sung  năm 2017 (gọi tắt là Luật tịch thu tài sản phạm tội của công chức): Phạm vi điều chỉnh của Luật này là tất cả các cán bộ, công chức nhà nước, các tổ chức công cộng, công ty nhà nước… có tài sản bất hợp pháp sẽ bị tịch thu và truy tố. Điều 2 quy định về “làm giàu bất chính” của công chức nhà nước, tức là tài sản mà công chức nhà nước có được do thực hiện một hành vi phạm tội được xếp vào loại tội cụ thể.

Để xác minh tài sản bất hợp pháp, Điều 4 Luật này quy định: Trường hợp giá trị tài sản mà người phạm tội có được sau khi thực hiện một hành vi phạm tội cụ thể của một công chức là cao đáng kể theo điều kiện đầu tư tài sản của họ hoặc điều kiện nhận tiền theo quy định của luật và các quy chế dưới luật,... tại thời điểm anh ta/cô ta có được tài sản, và có khả năng đáng kể là tài sản đã được tích lũy từ hành vi làm giàu bất chính xuất phát từ một hành vi phạm tội cụ thể của một công chức trong mọi trường hợp, chẳng hạn như số tiền làm giàu bất chính và thời điểm có được tài sản,... việc làm giàu bất chính là hành vi phạm tội cụ thể của công chức để có thu từ tài sản đó. Như vậy, pháp luật Hàn Quốc đã quy định về “làm giàu bất chính” đối với đối tượng là cán bộ, công chức trong Nhà nước, tổ chức công cộng, công ty nhà nước,… nếu phát hiện tài sản tăng thêm đáng kể của công chức sau khi thực hiện hành vi phạm tội cụ thể.

- Luật về các trường hợp đặc biệt tịch thu tài sản và tịch thu tài sản có được từ hành vi tham nhũng: Căn cứ vào Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), Hàn Quốc đã ban hành Luật này vào năm 2008. Theo đó, các hành vi tham nhũng khác nhau, chẳng hạn như hối lộ, tham ô và hình sự vi phạm nghĩa vụ ủy thác là “tội phạm tham nhũng”. Ngoài ra, luật định nghĩa “tài sản có được từ tội phạm” là tài sản thu được từ “tội phạm tham nhũng” hoặc tài sản bồi thường cho hành vi tham nhũng hay hậu quả của tham nhũng.

Theo quy định của Luật này, bất kỳ tài sản thu được từ tội phạm nào cũng có thể bị tịch thu. Ngoài ra, tài sản thu được từ tội phạm được chuyển cho bên thứ ba cũng có thể bị tịch thu nếu bên thứ ba biết về tội phạm tại thời điểm đó. Luật cũng mở rộng phạm vi tịch thu bao gồm các khoản tiền thu được và tài sản thứ cấp được chuyển giao cho bên thứ ba (ví dụ như thừa kế hoặc quà tặng) trong trường hợp bên thứ ba không biết về tội phạm tham nhũng đó. Đồng thời, quy định các biện pháp thúc đẩy tương trợ tư pháp với nước ngoài liên quan đến việc trả lại tài sản hoặc thu hồi tài sản có được từ tội phạm tham nhũng.

- Chế định hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng: Hàn Quốc tăng cường hợp tác quốc tế trong việc tịch thu tài sản bằng cách tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003 (UNCAC), Công ước về chống hối lộ của OECD,…; kí hiệp ước MLA song phương với 30 quốc gia trên thế giới và gia nhập Công ước của Hội đồng châu Âu về tương trợ tư pháp trong các vấn đề hình sự, hình thành mạng lưới tương trợ tư pháp với 74 quốc gia. Ngoài ra, Hàn Quốc đã nội luật hoá khá đầy đủ chế định hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng trong quá trình thu thập thông tin, bằng chứng, truy tìm, kê biên và thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài và hỗ trợ thu hồi tài sản tham nhũng của quốc gia khác bị tẩu tán ở Hàn Quốc thông qua Luật tương trợ tư pháp quốc tế trong lĩnh vực hình sự.

2. Các cơ quan có thẩm quyền thu hồi tài sản tham nhũng ở Hàn Quốc

Hàn Quốc có một hệ thống các cơ quan chức năng có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Ủy ban độc lập chống tham nhũng (KICAC) - thành lập năm 2002 sau đó đổi thành Ủy ban chống tham nhũng và quyền công dân Hàn Quốc - ACRC. Đây là cơ quan trực thuộc Tổng thống, người đứng đầu do Tổng thống chỉ định; có vị trí quan trọng, được trao quyền rất lớn và hoạt động độc lập. Ủy ban được quyền thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để phòng, chống tham nhũng.

Đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, năm 2006, Văn phòng công tố tối cao (SPO) đã thành lập Đội đặc nhiệm về điều tra rửa tiền và cưỡng đoạt tài sản, để truy tìm và thu hồi tài sản hiệu quả; đến năm 2010 mở rộng thành “Trung tâm tịch thu tài sản phạm tội”. Trong SPO, Ban thu hồi tài sản hình sự (CARD) được thành lập vào năm 2018 và hoạt động ở cấp quốc gia. Các công tố viên trong các đơn vị này chịu trách nhiệm thu hồi tài sản tham nhũng, điều tra và truy tố các hành vi rửa tiền, giám sát điều tra và hỗ trợ điều tra tài chính đối với các hành vi phạm tội thu lợi nhuận bất chính.

Bên cạnh đó, cơ quan đầu mối về thu hồi tài sản trong khuôn khổ UNCAC của Hàn Quốc được thông báo cho Ban thư ký Công ước là Phòng các vụ việc hình sự quốc tế (International Criminal Affrairs Division) có nhiệm vụ thu hồi tài sản và hỗ trợ các cơ quan điều tra phối hợp với các đối tác ở quốc gia khác. Đây là đơn vị chuyên môn thuộc Cục hình sự - Bộ Tư pháp Hàn Quốc. Đơn vị này thực hiện nhiệm vụ Cơ quan trung ương của Hàn Quốc trong tất cả các vấn đề thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự. Ngoài việc là Cơ quan đầu mối về thu hồi tài sản trong khuôn khổ UNCAC, đơn vị này còn đảm nhận vai trò Cơ quan trung ương của Hàn Quốc trong các lĩnh vực tương trợ tư pháp, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt.

Cơ quan tình báo tài chính Hàn Quốc (KoFIU) cung cấp cho Cơ quan điều tra hồ sơ tài chính về tham nhũng và tham gia vào hoạt động hỗ trợ pháp lý quốc tế. Hơn nữa, vào tháng 6/2018, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm thu hồi tài sản bất hợp pháp ở nước ngoài để tịch thu tiền thu được từ tội phạm thuế ở nước ngoài. Lực lượng đặc nhiệm bao gồm các Công tố viên, cũng như các Điều tra viên từ Cơ quan thuế quốc gia, Cơ quan Hải quan và Dịch vụ giám sát tài chính, thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, đặc biệt là tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài.

3. Kinh nghiệm cho Việt Nam trong thu hồi tài sản tham nhũng

Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ vẫn còn nhiều hạn chế, tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng tăng còn thấp so với tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát và chưa thực sự có các biện pháp hữu hiệu để thu hồi tài sản của người phải thi hành án bị che giấu nguồn gốc.

Qua việc nghiên cứu các quy định của Hàn Quốc trong việc đấu tranh với tội phạm tham nhũng, cũng như thực tiễn thu hồi tài sản tham nhũng của Hàn Quốc, có thể rút ra một số kinh nghiệm có giá trị tham khảo để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, về hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng:

- Cần nghiên cứu thu hồi tài sản tham nhũng dựa trên “giá trị tài sản”, tránh trường hợp tài sản bất chính được hòa trộn với tài sản hợp pháp, hoặc bị tẩu tán không thể thu hồi được. Theo đó, có thể sửa đổi khái niệm tài sản tham nhũng tại khoản 1 Điều 2 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 theo hướng mở rộng: “Tài sản tham nhũng là bất cứ tài sản nào được pháp luật xác định do tham nhũng mà có”. Từ đó, mở rộng việc tịch thu tài sản (toàn bộ hoặc một phần) được sử dụng hoặc có ý định sử dụng để phạm tội, tài sản được tạo ra hoặc có được từ hành vi phạm tội, hoặc từ việc trao đổi lợi ích, tài sản phát sinh từ tài sản phạm tội mà có.

- Quy định các biện pháp điều tra, truy tìm tài sản tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra; theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về người bị buộc tội có hành vi tham nhũng như hồ sơ ngân hàng, tài chính,… và có quyền thu giữ thông tin, tài liệu để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử...

- Trên cơ sở tham khảo quy định xác định tài sản tăng thêm đáng kể và “làm giàu bất chính” trong Luật tịch thu tài sản phạm tội của công chức của Hàn Quốc, tác giả đề xuất bổ sung quy định về việc tịch thu tài sản trong trường hợp cán bộ, công chức nhà nước có tài sản tăng lên bất thường và bị tình nghi có hành vi làm giàu bất chính hoặc liên quan đến tham nhũng nhưng không chứng minh được nguồn gốc tài sản.

- Xây dựng Luật tương trợ tư pháp về hình sự nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả tương trợ tư pháp trong thu hồi tài sản tham nhũng, theo hướng: Bổ sung các quy định về thu hồi tài sản và xác định rõ vấn đề thu hồi tài sản do phạm tội mà có thuộc phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự; tăng cường hợp tác quốc tế trong xác minh, phong tỏa, kê biên, chuyển giao tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ Việt Nam ở nước ngoài về cho Nhà nước Việt Nam; thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài về xác minh, phong tỏa, thu giữ, tịch thu tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ nước ngoài; xác lập cơ chế chia sẻ thông tin, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trong việc thực hiện thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài; quy định rõ đầu mối tương trợ tư pháp (Viện kiểm sát nhân dân tối cao) có trách nhiệm phối hợp thực hiện, cung cấp thông tin của các cơ quan liên quan.

Thứ hai, hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền trong thu hồi tài sản tham nhũng:

Cần nghiên cứu mô hình cơ quan phòng, chống tham nhũng hoạt động độc lập, có thẩm quyền xử lý ban đầu đối với hành vi tham nhũng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những quyết định xử lý của mình, tham khảo từ mô hình Ủy ban chống tham nhũng và quyền công dân Hàn Quốc, nhằm hạn chế sự chi phối của các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền đối với tính minh bạch trong điều tra chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã thành lập cơ quan chuyên môn về tình báo tài chính -(KoFIU) theo khuyến nghị của Công ước UNCAC để chia sẻ thông tin giao dịch đáng ngờ nhằm phòng, chống việc chuyển dịch tài sản tham nhũng. Việt Nam có thể nghiên cứu thành lập cơ quan này nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc chuyển dịch tài sản tham nhũng vốn thường được thực hiện thông qua các giao dịch ngân hàng; đồng thời là kênh thu thập thông tin hiệu quả trong hoạt động xác minh, điều tra ban đầu phục vụ cho các giai đoạn tố tụng tiếp theo. 

Đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài, cần nghiên cứu thành lập đơn vị chuyên trách tham mưu thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối về thu hồi tài sản tham nhũng trong khuôn khổ UNCAC. Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, đơn vị chuyên trách có thể thực hiện được nhiệm vụ này là đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, có nghiệp vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng và hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này./.

Ths. Đoàn Trúc Phương