Sự công bằng giữa các chủ thể khi hòa giải tranh chấp thương mại tại tòa án

Ngày đăng : 08:10, 11/06/2022

(Kiemsat.vn) - Trong thực tiễn xét xử, có trường hợp Tòa án đã tiến hành hòa giải, công nhận sự thỏa thuận của các bên, nhưng vẫn bị kháng nghị giám đốc thẩm hủy án. Điều đáng nói ở đây không phải Tòa án vi phạm quy định của pháp luật tố tụng về hòa giải khi giải quyết trong cùng vụ án mà vi phạm sự công bằng đối với chủ thể của vụ án khác. Tác giả đưa ra vụ án cụ thể để làm rõ vấn đề.

1. Quy định của pháp luật về sự công bằng giữa các chủ thể khi tham gia hòa giải vụ án kinh doanh thương mại

Chủ thể của các quan hệ tranh chấp kinh doanh thương mại là các thương nhân, những chủ thể này có tâm lý mong muốn xác định quan hệ ổn định, lâu dài trên cơ sở hợp tác, tin cậy lẫn nhau khi tham gia hoạt động kinh doanh thương mại. Theo đó, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể luôn tương xứng với nhau trên cơ sở thỏa thuận, bình đẳng với mục đích tối đa là lợi ích kinh tế. Vì vậy, các tranh chấp phát sinh sẽ có nguy cơ đe dọa và ảnh hưởng xấu đến quyền, lợi ích của các bên.

Theo Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 thì mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản. Khi chủ thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Mục đích của việc giải quyết tranh chấp nhằm khôi phục lại trạng thái cân bằng ban đầu trước khi bị xâm phạm, do đó, yếu tố công bằng là vấn đề cốt lõi trong quá trình giải quyết tranh chấp. Khoản 2 Điều 6 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng.” Như vậy, lẽ công bằng cũng được áp dụng để giải quyết vụ án trong trường hợp luật không có quy định thì Tòa án cũng có thể áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết vụ án nhằm mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự.

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định về nguyên tắc và trình tự, thủ tục hòa giải vụ án kinh doanh thương mại khá đầy đủ, nhằm góp phần giải quyết vụ án được nhanh chóng và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.

Khi các bên đương sự đã tìm được tiếng nói chung và thống nhất được phương pháp giải quyết vụ án kinh doanh thương mại trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, không vi phạm điều cấm của luật cũng như đạo đức xã hội thì căn cứ Điều 213 BLTTDS năm 2015; quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự sẽ có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quy định như trên là có cơ sở, bởi lẽ, trong suốt quá trình xem xét giải quyết, các bên liên quan đã trao đổi và hiểu được ý định, tâm tư nguyện vọng của nhau, cũng như thiện chí giải quyết trên tinh thần tự nguyện. Hơn nữa, trước khi Tòa án ra quyết định công nhận, các bên đương sự cũng có khoảng thời gian 07 ngày (khoản 1 Điều 212 BLTTDS năm 2015) để cân nhắc lại những nội dung đã cam kết, thống nhất trước đó. Mặt khác, trong suốt quá trình giải quyết có thể nhận định rằng, cơ chế giám sát của đại diện các bên liên quan cũng được quy định khá chi tiết. Vì thế, việc quy định quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực ngay, theo tác giả là phù hợp. Để phòng trường hợp có sai lầm hay vi phạm xảy ra trong quá trình xem xét thỏa thuận, khoản 2 Điều 213 BLTTDS năm 2015 quy định quyết định này chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

2. Thực tiễn áp dụng pháp luật về sự công bằng giữa các chủ thể khi tham gia hòa giải vụ án kinh doanh thương mại và kiến nghị

Trong thực tiễn xét xử, có những trường hợp Tòa án đã tiến hành hòa giải, công nhận sự thỏa thuận của các bên nhưng vẫn bị kháng nghị giám đốc thẩm hủy án. Điều đáng nói ở đây là không phải Tòa án vi phạm quy định của pháp luật tố tụng về hòa giải khi giải quyết trong cùng vụ án mà vi phạm sự công bằng đối với chủ thể của vụ án khác. Tác giả đưa ra vụ án cụ thể để làm rõ vấn đề.

Nội dung vụ án: Ngày 17/6/2013, bà H và vợ chồng ông Phan Văn N, bà Trương Thị K ký kết “Hợp đồng mua bán sắn lát”, số 01/HĐMB-2013, với nội dung vợ chồng bà K sẽ bán cho bà H 200 tấn sắn lát giá 2.800 đồng/kg, thành tiền là 560 triệu đồng, thời gian giao hàng từ ngày 10/12/2013 đến ngày 10/01/2014. Ngày 16/7/2013, vợ chồng bà K đã nhận đủ số tiền là 560 triệu đồng, nhưng đến hạn thì không có sắn lát để giao và cũng không trả lại tiền cho bà H. Do đó, bà H khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông N, bà K thanh toán cho bà trị giá 200 tấn sắn lát với đơn giá hiện tại là 4.000 đồng/kg, thành tiền là 800 triệu đồng và phạt vi phạm hợp đồng 8% là 64 triệu đồng, tổng cộng là 864 triệu đồng.

Tại phiên hòa giải ngày 18/3/2014, bà H và bà K, ông N hòa giải được về việc giải quyết toàn bộ vụ án nên Tòa án huyện Y ban hành biên bản hòa giải thành. Hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày hòa giải thành không có đương sự nào thay đổi ý kiến, Tòa án cấp sơ thẩm ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 02/2014/QĐST-KDTM ngày 26/3/2014.

Ngày 17/11/2014, bà Lê Thị Kim C có đơn đề nghị làm rõ lý do vì sao bà C khởi kiện bà K yêu cầu thanh toán số tiền mua bán cà phê được Tòa án nhân dân huyện Y thụ lý trước (sau đó tạm đình chỉ để ủy thác thu thập lời khai của bà K vì bà K xin tạm vắng ở nơi cư trú đi chữa bệnh ở thành phố H); còn bà H khởi kiện vợ chồng ông N, bà K sau khi bà C khởi kiện, nhưng thời điểm đó, bà K lại có mặt tại nơi cư trú và được Tòa án huyện Y tổ chức hòa giải trước và toàn bộ tài sản của ông N, bà K thỏa thuận giao hết cho bà H nên đến khi giải quyết vụ án của bà C thì ông N, bà K không còn tài sản để thi hành án. Sau đó, Quyết định giám đốc thẩm số 04/2019/KDTM-GĐT ngày 26/4/2019 của Tòa án cấp phúc thẩm đã hủy toàn bộ Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 02/2014/QĐST-KDTM ngày 26/3/2014 của Tòa án huyện Y.

Tòa án cấp giám đốc thẩm nhận định hai vụ án nêu trên cùng bị đơn, cùng một Tòa án giải quyết, nhưng vụ án của bà C thụ lý trước thì Tòa án lại ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết do bà K không có ở nơi cư trú cần ủy thác thu thập chứng cứ; vụ án của bà H thụ lý sau thì lại giải quyết trước và công nhận sự thỏa thuận chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của vợ chồng ông N, bà K cho bà H. Hậu quả là vụ án của bà C khi được giải quyết thì không còn tài sản để thi hành. Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 BLDS năm 2015, căn cứ để Tòa án cấp giám đốc thẩm hủy án là do không đảm bảo nguyên tắc “lẽ công bằng” làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà C. Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng lẻ thì có thể thấy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 02/2014/QĐST-KDTM ngày 26/3/2014 của Tòa án huyện Y không vi phạm thủ tục khi hòa giải nhưng nếu xét trong mối tương quan tổng thể thì có sự thiếu công bằng giữa các chủ thể.

Tác giả đồng tình với lập luận của Tòa án cấp giám đốc thẩm về việc công nhận sự thỏa thuận của Tòa án cấp sơ thẩm trong trường hợp trên là chưa hợp lý, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể khác. Bởi lẽ, một Tòa án thụ lý hai vụ án cùng một bị đơn, vụ án thụ lý sau lại được giải quyết trước và thi hành trước. Theo khoản 2 Điều 213 BLTTDS năm 2015 thì: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Như vậy, không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với trường hợp sự thỏa thuận đó không đảm bảo lẽ công bằng đối với chủ thể khác.

Mở rộng vấn đề đối với trường hợp trên, nếu vụ việc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết ở hai Tòa án khác nhau thì liệu Tòa án cấp giám đốc thẩm có hủy án hay không? Tác giả cho rằng, nếu vụ việc trên được thụ lý giải quyết ở hai Tòa án độc lập thì khó có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm hủy án, không thể căn cứ vào thời gian giải quyết vụ án để kháng nghị hủy án sơ thẩm. Trong trường hợp này, nếu bà C cho rằng có dấu hiệu tẩu tản tài sản thì chỉ có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản, còn đối với việc thỏa thuận nghĩa vụ trả nợ thì không thể hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Việc hòa giải phải thực hiện theo nguyên tắc công bằng, phải tôn trọng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, các chủ thể khác và Nhà nước khi có chứng cứ rõ ràng chứng minh các đương sự thỏa thuận có sự không công bằng. Nếu không bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác và lợi ích của Nhà nước thì quyết định công nhận sự thỏa thuận đó không có hiệu lực pháp luật.

Do đó, tác giả kiến nghị bổ sung vào BLTTDS năm 2015 nội dung sau: “Việc hòa giải phải thực hiện theo nguyên tắc công bằng, phải tôn trọng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác và lợi ích của Nhà nước” (khoản 2 Điều 205) và “Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội hoặc không đảm bảo sự công bằng ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác và lợi ích của Nhà nước” (khoản 3 Điều 213)./.    

Ths. Lý Văn Toán