Những lưu ý khi kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế tại tòa án cấp sơ thẩm
Ngày đăng : 08:00, 21/05/2022
Tranh chấp thừa kế nói chung và tranh chấp chia di sản thừa kế nói riêng ở nước ta là loại án dân sự phổ biến, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật về thừa kế, về sở hữu, về hôn nhân, gia đình, đất đai. Qua kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế cho thấy, Tòa án cấp sơ thẩm còn thiếu sót về tố tụng, việc xác minh, thu thập chứng cứ chưa triệt để, nên bị cấp phúc thẩm sửa, hủy án; có vụ án bị kéo dài, xét xử nhiều lần ở nhiều cấp Tòa án. Do đó, khi kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế tại cấp sơ thẩm, Kiểm sát viên cần chú ý những vấn đề sau:
Về pháp luật tố tụng
Khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế, Kiểm sát viên thực hiện theo quy định tại Điều 21, Điều 57, Điều 58, Điều 59 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, các quy định khác của BLTTDS; các văn bản hướng dẫn thi hành BLTTDS về thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục sơ thẩm và Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm (ban hành kèm theo Quyết định số 458/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao). Ngoài ra, cần chú ý một số vấn đề sau:
- Kiểm sát về thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
Theo quy định tại Điều 35, Điều 37 BLTTDS năm 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về chia di sản thừa kế nếu tranh chấp đó không có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài, không cần phải thực hiện ủy thác tư pháp; Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp chia di sản thừa kế nếu tranh chấp đó có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải thực hiện ủy thác tư pháp; giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện nhưng Tòa án cấp tỉnh lấy lên để giải quyết.
Về nội dung này, cần lưu ý, tranh chấp chia di sản thừa kế là bất động sản (theo Điều 39 BLTTDS năm 2015) thì Tòa án nơi có bất động sản giải quyết và không phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục hòa giải theo quy định của BLTTDS.
- Kiểm sát về thời hiệu khởi kiện:
Theo Điều 184 BLTTDS năm 2015, khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án.
Trường hợp thời hiệu khởi kiện không còn, nhưng một hoặc các bên đương sự không yêu cầu áp dụng thời hiệu hoặc đưa ra yêu cầu không phù hợp quy định của pháp luật thì Tòa án có thẩm quyền vẫn tiếp tục giải quyết vụ án.
Trường hợp đương sự yêu cầu áp dụng thời hiệu (đưa ra yêu cầu trước khi Tòa sơ thẩm ra bản án, quyết định về việc giải quyết vụ án) thì cần làm rõ thời điểm mở thừa kế (thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện) và ngày khởi kiện để xác định còn hay đã hết thời hiệu khởi kiện.
Trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện theo quy định của BLDS năm 2015.
Bên cạnh đó, để xác định thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, cần nắm vững quy định về thời hiệu khởi kiện tại Điều 184 BLTTDS năm 2015, Điều 149 và Điều 623 BLDS năm 2015, Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và tham khảo Mục 1, 2 Phần III Giải đáp thắc mắc số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 và Phần I Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
Một số thời điểm cần lưu ý để kiểm sát việc giải quyết loại án này, đó là: Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế với bất động sản là 30 năm (tính từ ngày 10/9/1990) theo quy định tại Điều 36 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 và Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh thừa kế.
Đối với trường hợp thừa kế mở từ ngày 10/9/1990 đến ngày 01/01/2017 (ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực), thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm tính từ thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp thừa kế không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia được quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 thì thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 (ngày Nghị quyết số 58/1998 có hiệu lực) không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Trường hợp thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia được quy định tại khoản 2 Điều 39 Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/02/2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia thì thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/9/2006 (ngày Nghị quyết số 1037/2006 có hiệu lực) không tính vào thời hiệu khởi kiện.
- Kiểm sát việc thu thập, đánh giá chứng cứ:
Trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án, Kiểm sát viên cần xem xét tính hợp pháp, tính đầy đủ của chứng cứ, cụ thể: Xem xét nguồn chứng cứ, trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ có tuân thủ đúng quy định của pháp luật không? Chứng cứ mà các bên đương sự cung cấp hay do Tòa án thu thập theo yêu cầu của các bên đương sự phải đảm bảo tính hợp pháp, tính khách quan và tính liên quan đến nội dung yêu cầu của đương sự, đáp ứng quy định tại các điều 93, 94, 95 BLTTDS năm 2015.
Theo BLTTDS năm 2015, đương sự cung cấp, giao nộp chứng cứ (khoản 5 Điều 96) và Tòa án có nghĩa vụ phải thông báo về việc thu thập chứng cứ (khoản 5 Điều 97) cho đương sự. Vì vậy, chứng cứ được coi là hợp pháp khi nguồn chứng cứ, thủ tục thu thập hợp pháp và người thu thập, cung cấp chứng cứ phải thông báo đầy đủ, đúng quy định pháp luật cho đương sự khác. Khi xem xét chứng cứ cần làm rõ đương sự đã được thông báo về việc thu thập chứng cứ, được tiếp cận, sao chép, sao chụp chứng cứ hay không? Thẩm phán có tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo đúng quy định của BLTTDS năm 2015 không? (thông qua việc kiểm tra tại biên bản phiên họp)... Đồng thời, xác định những vấn đề cần chứng minh trong vụ án thừa kế (di sản của người chết để lại, giá trị và hiện trạng tài sản, những người được hưởng thừa kế, thời hiệu yêu cầu chia thừa kế…), đối chiếu với chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để xác định việc thu thập chứng cứ và dựa vào những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để kiểm sát việc giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật.
Về pháp luật nội dung
- Xác định thời điểm mở thừa kế:
Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Việc xác định thời điểm mở thừa kế có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định di sản của người chết để lại, xác định người được hưởng thừa kế và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp về thừa kế... Cần nghiên cứu kỹ Điều 611 BLDS năm 2015, Điều 633 BLDS năm 2005, Điều 636 BLDS năm 1995, Án lệ số 05/2016, Án lệ số 06/2016, Án lệ số 24/2018 và các văn bản hướng dẫn để xác định thời điểm mở thừa kế. Thời điểm mở thừa kế giúp xác định thời điểm người thừa kế có các quyền và nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại. Thời điểm mở thừa kế cũng giúp xác định đúng thời hiệu đối với những vấn đề của thừa kế như: Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác định quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác. Thời điểm mở thừa kế cũng là thời điểm di chúc của người để lại di sản có hiệu lực.
- Xác định khối di sản thừa kế, giá trị di sản:
Để giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế, cần xác định rõ di sản thừa kế gồm những gì? Nguồn gốc, quá trình biến đổi và thực trạng từng loại di sản, nghĩa vụ dân sự của người chết trước khi để lại di sản; công sức của người duy trì phát triển tài sản là di sản; công sức của người chăm sóc người để lại di sản; việc ma chay, giỗ, tết… liên quan đến người để lại di sản… Cần xác định được giá trị và thực trạng tài sản có tranh chấp; xác định thực tế khối tài sản hiện đang được sử dụng như thế nào và xem xét các yêu cầu của đương sự để phân chia di sản cho phù hợp. Cần chú ý các tài liệu, chứng cứ liên quan đến hiện trạng tài sản như: Biên bản thẩm định tại chỗ, biên bản xác định hiện trạng tài sản, biên bản định giá... Với mỗi dạng tranh chấp có những nội dung, kỹ năng mà Kiểm sát viên phải nắm vững, cụ thể:
Thứ nhất, đối với tranh chấp di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, phải xác định loại đất là di sản thừa kế là đất thổ cư hay đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp… Diện tích đất đó đã được Nhà nước giao cho người khác, đưa vào tập đoàn, hợp tác xã… trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa trước đây chưa? Đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa? Nếu đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định diện tích được cấp và diện tích thực tế đang sử dụng. Nếu chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có các loại giấy tờ theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 100 Luật đất đai năm 2013 hay không? Đối với di sản là nhà, cần xác định nhà đã được cấp quyền sở hữu chưa; nếu chưa được cấp quyền sở hữu thì tài liệu nào chứng minh nhà đó thuộc quyền sở hữu của người chết?
Trường hợp tranh chấp di sản thừa kế quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng, một bên vợ hoặc chồng chết trước và thời hiệu khởi kiện để chia di sản thừa kế của người này đã hết, còn người vợ hoặc chồng chết sau vẫn còn thời hiệu khởi kiện, Tòa án chỉ chia phần di sản của người chết sau còn thời hiệu và công nhận di sản của người chết trước thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai; nếu không có người đang chiếm hữu thì di sản thuộc về Nhà nước. Trường hợp thứ hai, một bên vợ hoặc chồng chết trước, đến nay đã hết thời hiệu khởi kiện, còn một bên vợ hoặc chồng vẫn đang quản lý toàn bộ quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng thì Tòa án công nhận di sản thuộc quyền sở hữu của người vợ hoặc chồng đang quản lý.
Thứ hai, đối với tranh chấp chia di sản thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp cấp cho hộ gia đình, BLDS năm 1995 có quy định về điều kiện được thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản là có nhu cầu sử dụng đất, có điều kiện trực tiếp sử dụng đất đúng mục đích; chưa có đất hoặc đang sử dụng đất dưới hạn mức theo quy định của pháp luật về đất đai (Điều 740). Đối với hộ gia đình, nếu trong hộ có thành viên chết, thì các thành viên khác trong hộ được quyền tiếp tục sử dụng đất do Nhà nước giao cho hộ đó (Điều 744).
Theo BLDS năm 2005, hộ gia đình được Nhà nước giao đất nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của các thành viên đó được để lại cho những người thừa kế theo quy định tại Phần thứ tư của BLDS và pháp luật về đất đai (khoản 5 Điều 113 Luật đất đai năm 2003 và Điều 735 BLDS năm 2005). Do đó, người không có điều kiện sử dụng đất nông nghiệp và người không thuộc thành viên trong hộ gia đình cũng được hưởng thừa kế quyền sử dụng đất.
Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định cụ thể về thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp cấp cho hộ gia đình mà dẫn chiếu đến pháp luật về đất đai. Điểm đ khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 179 Luật đất đai năm 2013 quy định hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Như vậy, người không có điều kiện sử dụng đất nông nghiệp và người không thuộc thành viên trong hộ gia đình cũng được hưởng thừa kế quyền sử dụng đất.
Theo quy định tại Điều 5 Luật đất đai năm 2013, chủ thể là cá nhân nước ngoài không nằm trong đối tượng có quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Tuy nhiên, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam được để lại thừa kế nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở theo quy định tại Điều 186 Luật đất đai năm 2013.
Thứ ba, đối với tranh chấp chia di sản thừa kế là nhà ở thì căn cứ vào các quy định của BLDS năm 2015 về thừa kế và các văn bản pháp luật về nhà ở để giải quyết.
Phải làm rõ di sản là tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác. Đó có thể là phần tài sản nằm trong khối tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng hoặc nằm trong khối tài sản thuộc sở hữu chung theo phần với người khác phụ thuộc vào cách thức và căn cứ xác lập nên các hình thức sở hữu đó.
Trong trường hợp di sản thừa kế là bất động sản đã được một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng cho người khác, mà các đồng thừa kế khác biết và không phản đối việc chuyển nhượng đó, số tiền nhận chuyển nhượng đã được dùng để lo cuộc sống của các đồng thừa kế; bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp pháp và diện tích đất đã chuyển nhượng không còn trong khối di sản để chia thừa kế mà thuộc quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng.
- Xác định hiện trạng, quá trình sử dụng, quản lý di sản:
Cần xác định hiện trạng của di sản thừa kế, theo đó, di sản đang được ai quản lý và được sử dụng như thế nào? Yêu cầu, ý kiến của người quản lý di sản đối với việc trích công sức quản lý di sản? Để làm rõ những vấn đề trên, khi nghiên cứu cần xem xét các tài liệu liên quan đến nguồn gốc, giá trị và hiện trạng tài sản ở thời điểm mở thừa kế, thời điểm có yêu cầu chia thừa kế như: Văn bản ghi ý kiến, bản tự khai, biên bản ghi lời khai của các đương sự, văn bản xác nhận, cung cấp chứng cứ, biên bản thẩm định tại chỗ, biên bản xác định hiện trạng tài sản, đo đạc nhà đất, vị trí, kích thước, người đang quản lý sử dụng, biên bản định giá, thẩm định giá tài sản… Đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì lưu ý xác định tính chất pháp lý của tài sản, xem xét về nguồn gốc, sự chuyển dịch tài sản qua các thời kỳ, quá trình thực hiện các chính sách cải tạo đối với loại tài sản này của Nhà nước để có đường lối giải quyết phù hợp. Đồng thời, cần làm rõ công sức của người quản lý di sản trong việc duy trì, phát triển khối di sản; công sức của người chăm sóc, ma chay, trách nhiệm giỗ tết cho người chết.
Cần lưu ý trường hợp, trong vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế, có đương sự thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế và có công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế nhưng không đồng ý việc chia thừa kế (vì cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế), không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp của họ vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế; nếu Tòa án quyết định việc chia thừa kế cho các thừa kế thì phải xem xét về công sức đóng góp của họ vì yêu cầu không chia thừa kế đối với di sản thừa kế lớn hơn yêu cầu xem xét về công sức. Trường hợp dưới đây là một ví dụ về việc Tòa án không xem xét công sức quản lý, tôn tạo di sản và cách chia di sản không phù hợp, không bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự:
Cụ Tống Phước T (chết năm 2003) và cụ Phan Thị R (chết năm 1985) không để lại di chúc. Hai cụ có 04 người con chung, gồm: Ông Tống Phước L, ông Tống Phước P (hiện đang định cư ở Úc), bà Tống Thị N, bà Tống Mỹ Q.
Năm 1969, hai cụ nhận chuyển nhượng phần đất của bà Nguyễn Thị Ng, diện tích đất thực tế sử dụng là 617,4m2, khi mua có nhà, diện tích theo giấy tờ là 470m2, phần đất còn lại là hai cụ thuê thổ công quốc gia. Từ năm 1969 đến nay, nhà đất trên sử dụng ổn định, không có tranh chấp với các hộ liền kề, được xác nhận có đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nguyên đơn là bà Tống Mỹ Q khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ T, cụ R đối với nhà đất do ông Tống Phước L đang quản lý sử dụng, xin nhận bằng hiện vật và sẽ thanh toán giá trị tài sản trên phần đất bà được nhận cho ông L. Những người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan là ông P, bà N đều nhất trí với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và đề nghị được nhận bằng hiện vật.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 10/205/DSST ngày 08/9/2015, TAND tỉnh Đ đã quyết định chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, chia đều 617,4m2 đất là di sản của cụ R và cụ T cho 04 người con chung; buộc gia đình ông L tháo dỡ, di dời toàn bộ nhà xưởng, nhà ở, máy móc, thiết bị… để giao đất cho nguyên đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Như vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm chia đều di sản của cụ T và cụ R cho 04 người con chung mà không xem xét đến công sức tôn tạo, gìn giữ khối di sản trên của ông L là ảnh hưởng tới quyền lợi của người quản lý di sản. Bởi theo điểm b khoản 1 Điều 640 BLDS năm 2005: “1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 638 của Bộ luật này có các quyền sau đây: ...b) Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế” (BLDS năm 2015 quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 618). Theo khoản 9 Điều 683 BLDS năm 2005 thì: “Các nghĩa vụ về tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây... 9. Chi phí cho việc bảo quản di sản” (BLDS năm 2015 quy định tại khoản 3 Điều 658). Từ năm 1981 đến nay, ông L quản lý, gìn giữ, tôn tạo di sản này; mặc dù khi giao di sản cho ông L quản lý, các đồng thừa kế không thỏa thuận thù lao nhưng trên thực tế ông L đã quản lý, tôn tạo di sản này trên 30 năm. Do vậy, cần phải tính công sức bảo quản di sản thừa kế cho ông L.
Ngoài ra, việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc gia đình ông L tháo dỡ, di dời toàn bộ nhà xưởng, nhà ở, máy móc, thiết bị… để giao đất cho bà Q, bà N và anh H (người được ông P tặng cho kỷ phần thừa kế) tuy đúng với quy định tại khoản 2 Điều 685 BLDS năm 2005: “…2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia” (BLDS năm 2015 là khoản 2 Điều 660), nhưng việc phân chia này là không hợp tình, không phù hợp với quy định tại Điều 8 BLDS năm 2005: “Việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự phải đảm bảo giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam” (khoản 1 Điều 7 BLDS năm 2015) và không phù hợp với hoàn cảnh thực tế, vì: Từ năm 1981 đến nay, gia đình ông L đã nhiều lần sửa chữa xây dựng nhà cửa, sinh sống ổn định, đầu tư xây dựng mới lại hoàn toàn nhà máy xay xát lúa và đây là nguồn thu nhập chính của gia đình ông. Bà Q, bà N đều có nhà ở; ông P định cư ổn định tại Úc, ông không có nhu cầu sử dụng kỷ phần thừa kế của mình (ông tặng cho anh H). Việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc gia đình ông L tháo dỡ, di dời toàn bộ nhà xưởng, nhà ở, máy móc, thiết bị… đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, mất nguồn thu nhập chính của gia đình ông L.
- Xác định hàng thừa kế:
Về nội dung này, Kiểm sát viên cần xác định những người thuộc diện thừa kế được hưởng di sản theo pháp luật (các hàng thừa kế), người thừa kế bắt buộc, người bị truất quyền thừa kế, người từ bỏ quyền thừa kế, thừa kế thế vị, các trường hợp khác như con nuôi, con riêng, con ngoài giá thú, vợ (chồng) khi áp dụng chính sách cán bộ miền Nam đi tập kết… Việc xác định rõ, đầy đủ người thuộc diện thừa kế là vấn đề quan trọng bởi thực tế có trường hợp khi giải quyết tranh chấp thừa kế, Tòa án xác định không đầy đủ người thuộc diện thừa kế làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người này. Việc xác định chính xác hàng thừa kế là căn cứ quan trọng để phân chia di sản thừa kế theo pháp luật (Điều 651 BLDS năm 2015).
Trường hợp vợ chồng đã chia tài sản chung, vợ chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác theo quy định tại Điều 655 BLDS năm 2015 thì vẫn được thừa kế tài sản của nhau. Ngoài ra, cần chú ý đối với trường hợp một người có nhiều vợ, nhiều chồng trước ngày 13/1/1960 ở miền Bắc, trước ngày 25/8/1977 ở miền Nam, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc (trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến 1975) lấy vợ, lấy chồng khác và kết hôn sau không bị Tòa án hủy bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này, vợ, chồng được hưởng thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của tất cả những người chồng (vợ) và ngược lại.
Về việc phân chia di sản thừa kế, cần lưu ý một số điểm sau: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau; những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Nếu không có ai là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ ba thì di sản sẽ thuộc về Nhà nước.
Di sản thừa kế được chia theo pháp luật cho những người thừa kế khi: Không có di chúc; di chúc không hợp pháp; những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế; những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với: Phần di sản không được định đoạt trong di chúc; phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật; phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.
- Xem xét tính hợp pháp của di chúc:
Trường hợp tranh chấp chia di sản thừa kế theo di chúc cần xác định: Trước khi chết, người để lại di sản có lập di chúc không? Di chúc có hợp pháp không? Đó là di chúc miệng hay di chúc bằng văn bản (không có người làm chứng; có người làm chứng; có công chứng hoặc chứng thực; lập tại cơ quan công chứng hoặc tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn…). Di chúc hợp pháp là di chúc tuân thủ đầy đủ các điều kiện pháp luật quy định tại Điều 630 BLDS năm 2015. Di chúc không có hiệu lực pháp luật nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực pháp luật. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật. Nếu di chúc phù hợp với pháp luật, được chấp nhận thì phải chú ý trường hợp được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc theo quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015.
Trường hợp di chúc không phù hợp với pháp luật thì không chấp nhận thừa kế theo di chúc mà phải chia thừa kế theo pháp luật. Trường hợp di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người để lại di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc, thì coi như không có di chúc và áp dụng quy định về thừa kế theo pháp luật (Điều 642 BLDS năm 2015).
Ngoài ra, quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế, Kiểm sát viên phải xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tranh chấp; tâm tư, nguyện vọng, điều kiện, hoàn cảnh của các đương sự để phân chia di sản cho phù hợp, đặc biệt, lưu ý đến quy định về hạn chế phân chia di sản quy định tại Điều 661 BLDS năm 2015.
Khi kiểm sát giải quyết tranh chấp chia di sản thừa kế cần xác định pháp luật tại thời điểm mở thừa kế và các văn bản pháp luật hiện hành để áp dụng pháp luật nội dung phù hợp. Khi kiểm sát việc chia di sản cần chú ý đến ý chí của người thừa kế theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 620 BLDS năm 2015 và thứ tự ưu tiên thanh toán theo Điều 658 BLDS năm 2015. Trong đó, lưu ý trong vụ án tranh chấp thừa kế có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài, nếu Tòa án đã thực hiện ủy thác tư pháp, thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của những người đó thì Tòa án vẫn giải quyết yêu cầu của nguyên đơn; nếu xác định được di sản thừa kế, diện hàng thừa kế và người để lại di sản thừa kế không có di chúc thì giải quyết việc chia thừa kế cho nguyên đơn theo quy định của pháp luật; phần tài sản thừa kế của những người vắng mặt, không xác định được địa chỉ sẽ tạm giao cho những người sống trong nước quản lý để sau này giao lại cho những thừa kế vắng mặt./.