Công ty Truyền thông Tâm Lộc Phát: Hợp đồng hợp tác kinh doanh với các điều khoản “mập mờ” bất lợi đối với nhà đầu tư
Ngày đăng : 08:48, 14/05/2022
Như đã đưa tin, Công ty cổ phần Truyền thông và Tổ chức sự kiện Tâm Lộc Phát (Công ty Truyền thông Tâm Lộc Phát) quảng cáo rầm rộ trên Website và trên mạng xã hội, công bố chương trình hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo ngày với lãi suất khủng. Theo một nhân viên tên M của công ty Tâm Lộc Phát cho biết, hiện nay Công ty Truyền thông Tâm Lộc Phát đã thu hút hàng nghìn nhà đầu tư với số tiền rất lớn.
Các gói đầu tư được Công ty Truyền thông Tâm Lộc Phát đưa ra nhằm huy động vốn. |
Vậy, căn cứ vào đâu và Công ty Truyền thông Tâm Lộc Phát được phép huy động vốn với lãi suất khủng, cao gấp nhiều lần so với lãi suất của ngân hàng hiện nay như vậy? Công ty Truyền thông Tâm Lộc Phát đảm bảo cho phần vốn góp của nhà đầu đầu tư bằng cách nào?
Với những lời cam kết lợi nhuận “khủng” được đưa ra từ Tâm Lộc Phát, nhưng trái lại hợp đồng hợp tác kinh doanh mà Công ty Truyền thông Tâm Lộc Phát giao kết lại khá sơ sài kèm các điều khoản mập mờ, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư, điển hình như: Tại Điều 1 Hợp đồng thỏa thuận hợp tác góp vốn kinh doanh giữa Công ty cổ phần Truyền thông và Tổ chức sự kiện Tâm Lộc Phát với người góp vốn có quy định thống nhất chia lợi nhuận hàng kỳ từ các lĩnh vực kinh doanh.
Hợp đồng của Công ty Truyền thông Tâm Lộc Phát đưa ra với nhiều điều khoản “mập mờ” bất lợi cho nhà đầu tư |
Cùng với đó, theo thông tin từ phía Công ty, nhà đầu tư có thể tùy ý rút vốn nếu không muốn tiếp tục tham gia. Tuy nhiên, thực tế, tại Điều 5.2 của Hợp đồng lại ràng buộc, nhà đầu tư chỉ có quyền yêu cầu rút vốn đầu tư theo hợp đồng trong vòng 30 ngày kể từ ngày Công ty nhận được đầy đủ vốn đầu tư theo trong hợp đồng hai bên ký. Quá thời gian trên, nhà đầu tư không có quyền yêu cầu rút vốn trước thời hạn. Ngoài ra, nhà đầu tư phải thanh toán cho Công ty chi phí rút vốn là 20% giá trị hợp đồng trước khi Công ty ký đơn rút vốn để giải ngân cho nhà đầu tư.
Trong trường hợp, nhà đầu tư vi phạm hợp đồng, Công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp tác và dừng chi trả lợi nhuận và vốn đầu tư với nhà đầu tư nếu phát hiện nhà đầu tư vi phạm chính sách, vi phạm các hoạt động của Công ty, cụ thể là: Nói xấu, phát ngôn tiêu cực, lôi kéo nhà đầu tư và nhân viê Công ty qua công ty đối thủ đang hoạt động cùng lĩnh vực.
Với một bản hợp đồng soạn sẵn gồm 12 gói đầu tư được đưa ra, hợp đồng giữa Công ty cổ phần Truyền thông và Tổ chức sự kiện Tâm Lộc Phát với người góp vốn có thật sự là hợp đồng hợp tác kinh doanh theo pháp luật?
Theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật đầu tư 2014 quy định: “Hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế."
Theo đó, đây là loại hợp đồng để đầu tư mà không thành lập pháp nhân mới, trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên vẫn giữ nguyên tư cách pháp lý của chính mình, nhân danh mình để thực hiện quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng. Chủ thể của hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC là các nhà đầu tư bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Khoản 13, Khoản 14 và Khoản 15 Luật đầu tư 2014.
Theo các chuyên gia cho rằng, với những hợp đồng hợp tác kinh doanh thông thường thì sẽ ghi rõ số phần vốn của mỗi bên có vào, ghi rõ một hoặc một vài lĩnh vực đầu tư cụ thể, ghi rõ thời gian góp vốn, ghi rõ phương thức quản lý, chế độ kế toán, các chi phí hợp lý, cách phân chia lợi nhuận và các nội dung khác trong hợp tác kinh doanh...
Tuy nhiên, với biểu mẫu hợp đồng mà Công ty Truyền thông Tâm Lộc Phát đưa ra thì chỉ ghi số tiền đầu tư của nhà đầu tư mà không ghi rõ trách nhiệm của bên A và lĩnh vực đầu tư cụ thể cũng như không ghi rõ những tài sản đang có của bên A. Chưa kể, hợp đồng đưa ra không thể hiện được rõ ràng các loại tài sản, mà Công ty này đang giới thiệu sở hữu có chắc chắn đem lại lợi nhuận hay không, thậm chí cũng không đưa ra được một đảm bảo nào đối với nhà đầu tư rằng số tiền góp vốn sẽ không bị mất trắng.
Phụ lục thì ghi về tiền lãi, lãi suất... bởi vậy với biểu mẫu hợp đồng này và phụ lục hợp đồng thì đây không phải là một hợp đồng hợp tác kinh doanh đơn thuần mà nội dung hướng đến việc huy động vốn bằng hình thức vay không có thế chấp. Trong trường hợp hoạt động góp tiền để thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh trong đó có hoạt động kinh doanh bất động sản thì hành vi huy động vốn kiểu này có thể là huy động vốn trái phép, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư.
Cùng với đó, tại Điều 5.1 của Hợp đồng góp vốn kinh doanh này quy định về cam kết của Công ty và nhà đầu tư, trong đó nêu Công ty có "Toàn quyền quản lý, điều hành, quyết định công việc kinh doanh và sử dụng vốn đầu tư theo quyền quyết định riêng của bên A dùng mục đích hợp tác trong hợp đồng này trong thời hạn hợp đồng".
Chính vì vậy những người tham gia ký kết hợp đồng này sẽ không được nắm giữ tài sản đảm bảo, sẽ không được quản lý việc sử dụng tiền, thậm chí phạm vi đầu tư kinh doanh rất rộng, không biết đồng tiền của mình sẽ được Công ty Truyền thông Tâm Lộc Phát sử dụng như thế nào.
Mặt khác, hình thức hợp tác này mang tính chất "ủy thác đầu tư" hơn cả. Bởi tiền đầu tư của nhà đầu tư này được gộp chung với sự đóng góp của nhiều nhà đầu tư khác và được Công ty nhận và trả với lợi tức cố định để tiến hành đầu tư vào các hoạt động kinh doanh của Công ty.
Có thể nói, việc huy động vốn của Công ty Truyền thông Tâm Lộc Phát dưới hình thức hợp đồng góp vốn có dấu hiệu vi phạm các quy định Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Các tổ chức tín dụng 2020… cùng với các điều khoản “mập mờ” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư khi đầu tư tài chính cho Công ty Truyền thông Tâm Lộc Phát.