Nghi vấn “thổi giá” hàng tỷ đồng gói thầu mua sắm thiết bị tại Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

Ngày đăng : 11:12, 10/05/2022

(Kiemsat.vn) - Các gói thầu mua sắm mới thiết bị dạy học do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư bị nghi vấn “đội giá” hàng tỷ đồng, có dấu hiệu gây thất thoát Ngân sách Nhà nước.

Trụ sở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Giá thiết bị chênh lệch tăng hàng tỷ đồng

Phóng viên (PV) đã thực hiện khảo sát ngẫu nhiên 02 gói thầu trong số 05 gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục do Phòng Giáo dục và Đào tạo (Phòng GD&ĐT) huyện Phù Cát tổ chức lựa chọn nhà thầu năm 2021; 02 gói thầu này do Công ty TNHH Đầu tư phát triển Tân Thuận Phát và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sao Việt trúng thầu. Qua đánh giá đơn giá được các nhà thầu đưa ra và tham khảo một số đơn vị cung cấp các thiết bị, dụng cụ tương tự, PV nhận thấy hàng loạt trang thiết bị trúng thầu đều có giá cao hơn so với giá thị trường.

Cụ thể, ngày 01/11/2021, UBND huyện Phù Cát đã ký Quyết định số 4520/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự toán và Kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tài sản gói thầu “Mua sắm mới thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 và lớp 6 cấp cho các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn huyện”. Theo đó, gói thầu có giá 4.976.575.000 đồng, do Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát làm chủ đầu tư và là bên mời thầu. Gói thầu được tổ chức bằng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, không sơ tuyển và đấu thầu qua mạng, danh sách mua sắm gồm 50 loại thiết bị.

Quyết định số 4520/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự toán và Kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tài sản gói thầu: Mua sắm mới thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 và lớp 6 cấp cho các Trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn huyện.

Ngày 6/12/2021, UBND huyện Phù Cát đã ký Quyết định số 5960/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu trên. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Tân Thuận Phát với giá trúng thầu là 4.725.176.000 đồng.

Tuy nhiên, qua khảo sát 2 trong 50 loại thiết bị trong gói thầu này cho thấy, giá trúng thầu chênh lệch hơn 01 tỷ đồng so với giá thị trường, mặc dù có cùng chủng loại, xuất xứ, thông số kỹ thuật và các tiêu chuẩn, điều kiện về vận chuyển, bảo hành, bảo trì thiết bị.

Cụ thể, thiết bị số 49 trong danh sách hàng hóa là Máy chiếu vật thể Viewra VR-2D có xuất xứ Đài Loan, với yêu cầu bảo hành 12 tháng và đáp ứng các yêu cầu, thông số kỹ thuật tại trang 53, 54 của Hồ sơ mời thầu (HSMT). Đây là dòng máy chiếu thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường khắt khe của cộng đồng châu Âu với việc sử dụng nguồn điện tiết kiệm, hệ thống ánh sáng thân thiện với môi trường, tiêu thụ nguồn điện thấp, sử dụng đèn LED với tuổi thọ bóng đèn cao. Các nhà cung ứng lớn về mặt hàng điện tử trên thị trường đưa ra mức giá trung bình khoảng 14.000.000 đồng/cái. Gói thầu có tổng số lượng 18 cái, sẽ có giá 252 triệu đồng. Trong khi đó, giá trúng thầu có đơn giá là 22 triệu/cái, với 18 cái thì tổng giá là 396.000.000 đồng. Như vậy, so sánh giữa giá thị trường và giá trúng thầu thì mỗi máy chiếu có mức giá chênh lệch tới 8 triệu đồng.

Yêu cầu kỹ thuật với thiết bị máy chiếu vật thể tại HSMT.

Tương tự, tại thiết bị số 50 là Tivi 65 inch Arirang, với yêu cầu thông số kỹ thuật theo HSMT. Cụ thể, AR6510S Tivi màu + giá treo Smart Tivi Samsung Crystal UHD 4K 65 inch, UA65TU8100KXXV, độ phân giải: 4K UHD (3940x2160) Pixels có giá thị trường khoảng 15.000.000 đồng/chiếc. Tổng số lượng 58 chiếc thì tổng giá trị khoảng 870.000.000 đồng. Trong khi Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Tân Thuận Phát đưa ra đơn giá là 29.950.000 đồng/chiếc, với số lượng 58 chiếc tivi thì có tổng giá hơn 1.700.000.000 đồng. Ước tính mức chênh lệch giữa giá thị trường với đơn giá thầu cùng thời điểm khoảng 830.000.000 đồng cho gói thiết bị Tivi.

Tại gói thầu mua sắm khác có tên “Mua sắm mới thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 và lớp 6 cấp cho các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn huyện” với giá 4.950.570.000 đồng. Tháng 08/2021, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sao Việt trúng thầu với giá 4.851.670.000 đồng, thấp hơn giá dự toán 99.000.000 đồng, tỷ lệ tiết kiệm là 1,9%. Tuy nhiên, giá thiết bị được phê duyệt trúng thầu lại có dấu hiệu bị “thổi lên” khi chênh lệch cả tỷ đồng so với giá thị trường.

Cụ thể, trong danh sách 24 loại thiết bị mua sắm theo yêu cầu trong HSMT của chủ đầu tư, qua khảo sát ngẫu nhiên 02 loại thiết bị số 8 và số 22 trong danh mục cùng là sản phẩm Tivi VTB LV6520SN-S, có các đặc điểm kỹ thuật yêu cầu tại trang 55,56 của HSMT như: Tivi màu + giá treo Smart Tivi Samsung Crystal UHD 4K 65 inch UA65TU8100KXXV, trọng lượng: 16,5kg, kích thước: 1459x289.8x909mm, độ phân giải: 4K UHD (3940x2160) Pixels,… bảo hành: 24 tháng), các đơn vị cung cấp thiết bị trên thị trường đều đưa ra mức giá khoảng 15.000.000 đồng/cái, với tổng số lượng mua 103 sản phẩm tivi sẽ có tổng giá là 1.065.000.000 đồng. Trong khi đơn giá trúng thầu là 27.500.000 đồng/cái, tính trên tổng số lượng sản phẩm cần mua sắm thì tổng giá trị là 1.952.500.000 đồng.

Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu “Mua sắm mới thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 và lớp 6 cấp cho các Trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn huyện do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sao Việt trúng thầu.

Nghi vấn “cài cắm” tiêu chí hạn chế các nhà thầu?

Theo dõi HSMT tại 02 gói thầu mà Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Tân Thuận Phát và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sao Việt trúng thầu, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều yêu cầu của chủ đầu tư tương đối khắt khe, thậm chí các tiêu chí còn khiến dư luận nghi ngờ rằng, chủ đầu tư đang cố tình gây hạn chế hay tạo lợi thế cho một số nhà thầu nhất định.

Cụ thể, HSMT đưa ra các tiêu chí về các vấn đề bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng là: Yêu cầu nhà thầu phải có đại diện hoặc đại lý tại tỉnh Bình Định đã có kinh nghiệm thực hiện lắp đặt, sửa chữa và cung cấp thiết bị tương tự và thời gian sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, sai sót trong vòng 72 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của chủ đầu tư hoặc đơn vị sử dụng (không tính ngày nghỉ theo quy định). Đồng thời, tại phần yêu cầu về kỹ thuật đối với các gói thầu mua sắm, Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát cũng đưa ra hàng loạt các yêu cầu như: Xác nhận thông số kỹ thuật, xác nhận catalogue/hình ảnh của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối chính thức; Nhà thầu phải có giấy phép, giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất, giấy chứng nhận quan hệ đối tác,… Ngoài ra, còn phải chuẩn bị một bộ thiết bị mẫu trong vòng 72 giờ từ có yêu cầu của chủ đầu tư,… cùng hàng loạt các yêu cầu khác đối với các nhà dự thầu.

Tiêu chí liên quan về tính hợp lệ của hàng hóa được quy định trong HSMT.

Theo ý kiến từ nhiều nhà cung cấp đồng quan điểm cho rằng, các loại thiết bị điện tử như ti vi, máy tính, máy chiếu, hay các thiết bị dạy học (bảng chữ cái, bộ mô hình hay thiết bị hỗ trợ dạy học thông thường...) đều là sản phẩm thông dụng, được chào bán rộng rãi trên thị trường; đồng thời các hãng sản xuất đã công bố tiêu chuẩn kỹ thuật và chính sách bảo hành chính hãng theo quy định. Vậy thì lý do tại sao nhà thầu lại phải tiếp tục chứng minh về vấn đề vừa nêu trên?

Tại Điều 5 của Thông tư số 09/2020/TT-BKHĐT ngày 27/11/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, quy định: “Đối với hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường đã được tiêu chuẩn hóa thì không yêu cầu nhà thầu cung cấp hàng mẫu”. Do đó, việc yêu cầu cung cấp hàng loạt “giấy phép con”, đặt ra hàng loạt yêu cầu hay yêu cầu cung cấp hàng mẫu trong trường hợp này đã làm dấy lên “nghi vấn” về sự cạnh tranh không bình đẳng trong hoạt động đấu thầu.

Trước hàng loạt nghi vấn xoay quanh các gói thầu do Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát làm chủ đầu tư, PV đã liên hệ để tìm hiểu; tuy nhiên, đến nay đơn vị này vẫn chưa trả lời và cung cấp thông tin theo đề nghị của PV.

Trang Vũ