Cảnh báo về hệ lụy "bơm thổi" của những dự án tiền ảo
Ngày đăng : 18:41, 29/04/2022
Tiền ảo không do cơ quan chức năng phát hành và không được pháp luật hiện hành bảo vệ |
Kịch bản “bơm thổi” đồng coin
Tiếp tục câu chuyện, những dự án tiền ảo do người Việt Nam phát triển đang bị cộng đồng nhà đầu tư phản ánh có dấu hiệu trục lợi khuất tất. Một nhà đầu tư của những dự án này đã cung cấp nội dung cho thấy phương thức “bơm thổi” rồi "xả" coin khiến giá trị của đồng coin này giảm hàng chục lần.
Trước khi dự án ra mắt chính thức thì giá đồng coin được đẩy lên cao với những lời đường mật về triển vọng sáng giá của dự án.
Sau đó, các thành viên phát triển dự án tìm cách tiếp cận, thuyết phục nhà đầu tư xuống tiền đầu tư theo lộ trình "phát triển" của dự án. Điều đáng nói là nhà đầu tư thường mua tại thời điểm giá bị đẩy lên cao dần theo kịch bản được sắp sẵn cho đến khi đạt đỉnh.
Mục đích của việc này là kích hoạt cho nhà đầu tư "đu đỉnh”. Khi đó giá của đồng coin sẽ dần lên rất cao, tác động đến tâm lý nhà đầu tư mua vào số lượng lớn.
Thời gian sau, những ví này đã liên tục "xả hàng", khiến giá trị của đồng coin bị giảm mạnh nhiều lần. Đây là chiêu kinh điển của các dự án tiền ảo, nhà đầu tư này cho biết.
Một nhà đầu tư khác chỉ ra những dấu hiệu không bình thường của những dự án tiền ảo kèm với lời cảnh tỉnh. Cụ thể:
- Lùi các mốc thời gian theo dự án ban đầu.
- Nêu các lý do điều chỉnh thuyết phục nhà đầu tư như điều chỉnh quy mô dự án lớn hơn, chia sẻ lợi nhuận cho nhà đầu tư cao hơn.
- Hứa hẹn cơ hội mới, nhà đầu tư trở thành cấp độ phân quyền cao hơn với lợi nhuận tăng cao hơn so với cấp độ cũ.
- Hứa hẹn về tương lai quy đổi đồng coin với tỷ giá cao hơn.
- Hứa hẹn sẽ có món quà thưởng cho nhà đầu tư tích cực.
- Tiếp đó, dùng chiêu trò tuyên bố để cho giá đồng coin phát triển tự nhiên.
- Nhưng sau đó trên thực tế, giá đồng coin không thể tăng mà chỉ có tốc độ giảm phi mã.
Như vậy, kết quả sau khi nhà đầu tư đã thực hiện xuống tiền để đầu tư theo kiểu "đu đỉnh" thì sau đó giá trị thu về bị sụt giảm trầm trọng, thậm chí nhà đầu tư còn bị mất trắng số tiền đã bỏ ra.
Lời cảnh báo
Theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư, dự án tiền ảo có dấu hiệu sử dụng hành vi bơm thổi để thu lợi bất chính. Pump and dump hay còn được gọi là bơm và xả là một hình thức phổ biến của các dự án tiền điện tử.
Ở hình thức này, một số người sẽ mua một lượng lớn tiền điện tử từ một dự án đang có giá trị thấp, kết hợp quảng bá trên phương tiện truyền thông để tạo tâm lý sợ bị bỏ lỡ.
Tâm lý này khiến nhiều người khác mua theo, từ đó kéo giá của đồng tiền số đó tăng vọt. Đến một ngưỡng nào đó, nhóm người mua ban đầu sẽ bán toàn bộ lượng token đang nắm giữ, thu lời, đồng thời cũng khiến giá của token giảm mạnh. Khi đó, người mua sau sẽ trở thành nạn nhân khi đồng tiền mình sở hữu mất giá.
Một biến thể khác của hình thức này là "rút thảm" (rug pull), thể hiện khi một nhóm phát triển tiền số nào đó từ bỏ dự án đột ngột và mang theo tất cả số tiền có được của nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, việc dễ dàng tạo ra token mới trên blockchain, sau đó và niêm yết trên các sàn phi tập trung (DEX) là kẽ hở để các nhóm tìm cách khai thác và tiến hành chiêu này.
Báo cáo của Chainalysis cho thấy chiêu trò "rút thảm" chiếm 37% trong tổng thiệt hại liên quan đến tiền điện tử năm 2021, khiến nhà đầu tư mất số tiền tổng cộng gần 3 tỷ USD.
Nhiều người chơi tiền điện tử tại Việt Nam thời gian qua cũng đã trở thành nạn nhân của chiêu "bơm xả" và "rút thảm" nói trên.
Khi xu hướng game blockchain nở rộ, nhiều dự án mọc ra, sử dụng chiêu này dụ người dùng mua token, nhưng sau đó kẻ đứng sau dự án bán ra toàn bộ khiến giá token thậm chí về 0, khiến người chơi mất trắng.
Trước khi bị nhiều nhà đầu tư phản ánh về hành vi lừa đảo, dự án từng quảng bá trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng cũng như mạng xã hội.
Mặc dù gắn mác “dự án của người Việt” nhưng về bản chất việc phát hành tiển điện tử tại Việt Nam là hành vi trái phép.
Trên thực tế, những dự án tiền ảo được phát triển như một community group dành cho cộng đồng tin tưởng và tham gia đầu tư vào thị trường tiền điện tử.
Những thành viên này hoạt động “ẩn danh” tại Việt Nam như không có địa chỉ, số điện thoại, chủ sở hữu tên miền website là một pháp nhân ở nước ngoài được “bảo mật” thông tin.
Theo Khoản 6 Điều 6 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP quy định về các hành vi bị cấm: “6. Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”.
Do vậy, việc phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp như đồng tiền ảo là hành vi bị cấm, do vậy cá nhân sẽ không thành lập được doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề này theo pháp luật Việt Nam.
Trường hợp, cá nhân thành lập một công ty ở nước ngoài kinh doanh ngành nghề trên thì bạn cũng không lập được Chi nhánh hoặc Văn phòng đại diện cho thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Hiện nay, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán có thể bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt từ 150 - 200 triệu đồng theo quy định tại Khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ- CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Ngoài ra, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Bên cạnh đó, ngày 11/04/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2018 về tăng cường quản lý hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác do Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an:
“Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo, mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản.
Tăng cường điều tra và phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố thông qua tiền ảo, hoạt động phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật”.
Do vậy hành vi phát hành, quảng bá đồng tiền ảo là hoàn toàn sai quy định pháp luật. Thực tế thời gian gần đây, nhiều dự án tiền ảo có dấu hiệu lừa đảo đã bị Bộ Công an điều tra, khởi tố. Nhiều đối tượng phải đối mặt với mức án từ 10-20 năm tù cho hành vi này.