Đồng Nai: Ban Quản lý chợ bị “tố” tranh chấp quyền kinh doanh ô chợ với thương nhân
Ngày đăng : 18:42, 28/04/2022
Đủ điều kiện sang nhượng cho bên thứ 3
Bà Phùng Trần Uyên Phương (sinh năm 1978, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) vừa có đơn tố cáo đến cơ quan chức năng việc Công ty cổ phần Bất động sản Thống Nhất (là Công ty con thuộc Tập đoàn Tín Nghĩa (Đồng Nai) - nhà đầu tư Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây); Ban Quản lý chợ và một số cá nhân vì đã có hành vi ‘khủng bố, cưỡng ép’ nhằm cưỡng đoạt tài sản của bà tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây. Đồng thời bà Phương cũng có phản ánh thông tin liên quan vụ việc đến các cơ quan báo chí.
Theo nội dung phản ánh, bà Uyên Phương cho biết, vào năm 2016, bà có bỏ tiền góp vốn đầu tư Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Dầu Giây thông qua việc mua một số ô vựa tại đây.
Tuy nhiên, lúc đó bà đang làm đại diện pháp luật cho Công ty cổ phần Dịch vụ & xúc tiến thương mại Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đơn vị làm dịch vụ, tư vấn đầu tư, môi giới dự án và thực hiện các công việc theo ủy quyền/ủy thác của bên Công ty cổ phần Bất động sản Thống Nhất nên ngày 26/9/2016, bà Phương nhờ ông Phan Hữu Tri (sinh năm 1966, thường trú tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) thay mặt bà làm đại diện Bên B để ký kết 2 Hợp đồng góp vốn đầu tư dự án Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (Hợp đồng góp vốn 04ACH/HĐGV và 22CH/HĐGV) với Bên A là Công ty cổ phần Bất động sản Thống Nhất (Công ty Thống Nhất) thông qua việc mua 13 ô vựa. Trong 2 Hợp đồng góp vốn này, bà Phương đại diện Bên C là đơn vị tư vấn.
Đến năm 2017, xét thấy Bên B đã thực hiện đủ trách nhiệm theo các điều khoản cam kết để được chuyển nhượng cho Bên thứ ba. Vì thế bà Phương và ông Tri đã ký kết chuyển nhượng thông qua Hợp đồng góp vốn đầu tư số 12/2017. Từ đó, bà Phương đã trực tiếp đóng tiền, thực hiện trách nhiệm của ông Tri đối với Công ty Thống Nhất.
Theo Điều 9 của 2 Hợp đồng góp vốn 04ACH/HĐGV và 22CH/HĐGV thỏa thuận quy định điều kiện được chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho đối tác hoặc khách hàng của Bên B (gọi tắt là “Bên thứ ba”).
Cụ thể, việc chuyển tên/chuyển nhượng được thực hiện khi Bên thứ ba đã hiểu rõ và đồng ý chuyển tiếp tất cả các điều khoản của Hợp đồng này; Việc chuyển tên/chuyển nhượng không bị ngăn cấm theo qui định của pháp luật; Bên B hoặc bên thứ ba sẽ phải chịu trách nhiệm thanh toán đối với mọi khoản thuế, phí và chi phí khác của nhà nước liên quan đến việc chuyển tên/chuyển nhượng giữa Bên B và Bên thứ ba (nếu có); Việc chuyển tên/chuyển nhượng phải được thực hiện thông qua quy trình theo quy định của Bên A hoặc theo quy định của nhà nước.
Theo bà Phương thời điểm đó không chỉ một mình bà ký kết Hợp đồng chuyển giao với ông Tri mà còn có 12 người khác cũng đã ký kết Hợp đồng chuyển nhượng. Riêng ngày 12/07/2017, ông Phan Hữu Tri đã ký kết sang nhượng 3 ô vựa gồm: ô vựa B1-20 (31,5m2), ô vựa A1-21(28m2) và ô vựa B1-22 (28m2). Trong đó, ô vựa B1-20 (31,5m2) ông Trần Hữu Tri ký kết chuyển nhượng cho bà Phương.
Kế toán của Công ty bà Phương đã gửi thông báo Danh sách khách hàng mua 13 ô vựa từ ông Phan Hữu Tri cho ông Trương Minh Tiến (nguyên Giám đốc Công ty Thống Nhất) từ năm 2017. |
Bà Phương khẳng định, "lúc đó ngoài thông báo miệng cho anh Tiến thì tôi cũng yêu cầu kế toán gửi email thông báo cho anh Tiến (lúc đó đang là Giám đốc Công ty Thống Nhất) về danh sách 13 người đã mua các ô vựa từ ông Phan Hữu Tri, trong đó có tôi".
Đang kinh doanh ổn định, hợp pháp thì bị “đe” đuổi
"Ngay sau khi ký kết hợp đồng sang nhượng, ông Phan Hữu Trí cũng đã bàn giao toàn bộ các Hợp đồng góp vốn gốc cho chúng tôi. Chúng tôi thực hiện các đợt thanh toán đúng hạn như cam kết, đồng thời công việc kinh doanh, buôn bán vẫn ổn định hợp pháp trong 6 năm nay", bà Phương nói.
"Vừa qua, kế toán bên Công ty Thống Nhất có gọi điện yêu cầu chúng tôi lên đóng hết tiền. Tuy nhiên, chúng tôi không chấp nhận vì theo cam kết là Công ty Thống Nhất phải liên hệ cơ quan chức năng để cấp giấy chứng nhận ô vựa cho chúng tôi", bà Uyên Phương nói thêm.
Đột nhiên, liên tục trong tháng 2,3,4/2022, một số người gồm: Vợ chồng ông Trương Minh Tiến và bà Nguyễn Thị Túy Dung; ông Nguyễn Ngọc Nhân (Trưởng Ban Quản lý chợ)... đã cho người đến ô vựa B1-20 của bà Phương để gửi thông báo và yêu cầu người kinh doanh ở đây phải ký hợp đồng thuê ô vựa với vợ chồng Trương Minh Tiến và bà Nguyễn Thị Túy Dung.
"Nhiều lần họ đến “đe dọa” và gửi thông báo yêu cầu tôi phải kí hợp đồng 3 bên với Công ty cổ phần Bất động sản Thống Nhất và bà Nguyễn Thị Túy Dung, vợ ông Tiến. Họ đe dọa, nếu không ký hợp đồng 3 bên thì sẽ đuổi đi và khóa ô vựa không cho buôn bán”, anh Kh - người kinh doanh trên ô vựa của bà Phương bức xúc.
Tôi mới về làm Giám đốc, sẽ xác minh lại
Trả lời PV, ông Trương Minh Tiến xác nhận, đầu tháng 2/2022 gia đình ông đã sang nhượng lại ô vựa B1-20 của ông Phan Hữu Tri và đã được Công ty Thống Nhất ký Hợp đồng cho thuê lại, đồng thời Công ty đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (nội bộ) cho gia đình ông.
Về thông tin bà Uyên Phương đã mua lại ô vựa B1-20 của ông Tri từ năm 2017 và đã thông báo cho ông (lúc đó ông còn làm Giám đốc Công ty Thống Nhất) thì ông Tiến bác bỏ. “Tôi chưa nhận được bất kỳ văn bản nào từ bà Phương hay ông Tri về việc chuyển nhượng Hợp đồng góp vốn", ông Tiến nói.
Đối với hành vi đuổi người đang kinh doanh tại ô vựa của bà Phương ra khỏi chợ, ông Nguyễn Ngọc Nhân - Trưởng Ban Quản lý chợ nông sản thực phẩm Dầu Giây giải thích, chúng tôi không có quyền đuổi ai cả. Chúng tôi chỉ thông báo và nhắc nhở thương nhân lên Ban Quản lý ký kết và cung cấp thông tin rõ ràng.
Ông Nguyễn Khắc Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Thống Nhất (bên trái) tại buổi làm việc với PV. |
Liên quan vấn đề bị tố cáo, ông Nguyễn Khắc Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Thống Nhất cho biết, tôi về làm Giám đốc Công ty từ ngày 26/1/2022, đến tháng 2/2022 thì tôi ký Hợp đồng thanh lý với ông Phan Hữu Tri và làm Hợp đồng cho bà Nguyễn Thị Túy Dung (vợ ông Tiến) thuê lại ô vựa B1-20.
Theo ông Thanh, lý do ký Hợp đồng thanh lý xuất phát từ đề nghị của ông Phan Hữu Tri. Ông Tri cũng đã làm cam kết là chưa bán ô vựa B1-20 cho bất kỳ ai. "Vấn đề bà Phùng Trần Uyên Phương có ký Hơp đồng sang nhượng từ năm 2017 thì tôi không biết. Tôi không nhận được thông báo của bất kỳ ai, kể cả bà Phương. Hiện nay, bà Phương có đơn tố cáo thì tôi mới biết, vì thế vấn đề này cứ để cơ quan chức năng xử lý”, ông Thanh nói.
Khi hỏi việc, kế toán của bà Phương đã từng gửi email thông báo danh sách 13 người mua lại ô vựa của ông Tri cho ông Tiến thì ông Thanh cho biết: Tôi mới về đầu năm 2022, những công việc trước đây nhà báo nêu thì tôi sẽ xác minh lại.
Trả lời thắc mắc về việc, khi ông Phan Hữu Tri đến cam kết và đề nghị thanh lý Hợp đồng thì có kèm theo bản gốc Hợp đồng góp vốn 04A CH/HĐGV và 22 CH/HĐGV hay không? Vấn đề này, ông Thanh khẳng định, tất cả các quy trình đều do bộ phận tham mưu xem xét, làm theo quy định. Tôi không trực tiếp kiểm tra nên không biết.
Xem xét hành vi cưỡng đoạt tài sản
Về yếu tố pháp luật liên quan đến vụ việc, Luật sư Nguyễn Sa Linh (Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Linh) nhận định: Theo Điều 9 của Hợp đồng góp vốn 04A CH/HĐGV và 22 CH/HĐGV thì đến thời điểm sang nhượng cho Bên thứ ba, Bên B đã đủ điều kiện. Trong điều khoản này cũng đã ghi rõ: Việc chuyển tên/chuyển nhượng phải được thực hiện thông qua quy trình quy định của Bên A hoặc theo quy định của nhà nước. Với Điều này thì, Bên B hay Bên thứ ba không nhất thiết phải “thông qua quy trình quy định của Bên A” mới được công nhận.
Điều 9 của Hợp đồng góp vốn đầu tư nêu rõ về điều kiện được chuyển giao cho Bên thứ ba. |
Ngoài ra, về thông tin bà Phương cùng 12 doanh thương khác đang giữ Hợp đồng gốc, thì việc ông Phan Hữu Tri đến đề nghị, xác nhận, cam kết mà không mang theo bất kỳ giấy tờ gì để chứng minh mà Công ty Thống Nhất vẫn chấp nhận để thực hiện thanh lý, ký cam kết thì cần xem lại. Cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét thông tin, ông Trương Minh Tiến (nguyên là Giám đốc Công ty) bác bỏ việc không nhận được thông tin từ kế toán của Công ty bà Phương thông báo về danh sách 13 ô vựa đã được chuyển nhượng. Đồng thời cũng cần làm rõ động cơ phía sau sự việc này, trong khi chính vợ ông lại mua lại ô vựa đó.
Về các hành động cho người xuống “đe dọa, khủng bố’, gửi thông báo nhằm đuổi người đang kinh doanh hợp pháp trên ô vựa của bà Phương, có thể được xem xét về hành vi dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản theo Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009), Luật sư Linh nói.