Bà Rịa - Vũng Tàu: Nguy cơ vỡ “bong bóng” bất động sản

Ngày đăng : 16:42, 26/04/2022

(Kiemsat.vn) - Sau một thời gian tạm thời trầm lắng do bị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, quyết liệt xử lý các dự án bất động sản sai phép trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay tình hình hoạt động kinh doanh bất động sản tại tỉnh này bỗng “sốt” trở lại. Hàng loạt dự án “ma” tiếp tục hình thành, nằm ẩn sâu trong các khu rừng, xa khu dân cư; giá đất nền bị thổi phồng, liệu bất động sản nơi đây có bị vỡ “bong bóng”?

Hiện nay, thị trường bất động sản ở một số nơi thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang “sốt” trở lại. So với cùng thời điểm cách đây 2 năm, giá đất đang ở tình trạng đột biến, tăng một cách chóng mặt. Để tìm được “đất sạch - giá phải chăng” ở thời điểm hiện tại là thách thức lớn đối với người mua đất.

Không khó để tìm được một lô đất với giá “trên trời” trên các trang mạng.

“Dự án ma” nhưng lại mang “hình hài” của một dự án hợp pháp.

Mặc dù đã có nhiều cơ quan báo chí đưa tin phản ánh, cảnh báo đến người dân. Nhưng để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, “dọn sạch” những nghi ngờ về tính pháp lý của các dự án, các công ty kinh doanh bất động sản đã sử dụng nhiều chiêu trò như vẽ sơ đồ phân lô, thi công đường giao thông, kéo hệ thống điện lưới... cùng với một hệ thống các nhân viên tư vấn, môi giới chào mời bằng những lời có cánh, lôi kéo nhiều nhà đầu tư mất cảnh giác, xuống tiền đầu tư cho những dự án “đất nền tương lai”.

Phương thức tạo quỹ đất nền dù đã rất cũ của các chủ đầu tư nhưng vẫn được thực hiện rất hiệu quả, đó là việc gom lượng lớn đất nông nghiệp, sau đó núp dưới danh nghĩa cá nhân, hộ gia đình ở địa phương và thực hiện xin tách thửa, chuyển đổi lên thổ cư. Nhưng với những thủ đoạn tạo “sóng” của chủ đầu tư như đã nêu trên, vẫn có không ít người vẫn bị dính bẫy vì mua nhầm đất không có dự án hợp pháp; gặp nhiều rủi ro nếu không may mua phải đất nằm trong quy hoạch hoặc bị “chôn sổ”.

Những khu vực nóng nhất về đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là tại 2 huyện Đất Đỏ, Long Điền và TP. Bà Rịa. Những địa phương này đang xuất hiện nhiều dự án tự vẽ, không được chính quyền cấp phép (thường được gọi là các dự án “ma”) với nhiều cái tên hoa mỹ, quy mô hoành tráng từ vài chục đến vài trăm nền được rao bán với giá cao; thậm chí nhiều lô đất còn có giá cao hơn đất nền trong nội đô, mặc dù cơ sở hạ tầng, tiện nghi sinh hoạt chưa được hình thành (?)

Nổi cộm là dự án “Sân bay Lộc An - Hồ Tràm” của Công ty TNHH Đại Dương Xanh Group. Công ty này rao bán đất nền dự án tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, với quy mô gần 200 nền đất. Công ty đã vẽ ra hàng loạt tiện ích như gần sân bay sắp khởi công, gần trục đường tỉnh và các khu du lịch. Nhờ vậy, mỗi nền trong dự án này đã được đẩy lên từ 600 triệu đồng đến 1,4 tỷ đồng tùy theo vị trí và diện tích.

Tuy nhiên, khi khảo sát thực tế, dự án này không khác gì một bãi đất hoang nằm sâu trong khu rừng tràm, đường xá đi vào khu đất vô cùng ngoằn ngoèo, điện, đường, trường, trạm cách một khoảng khá xa, hiện trạng bên trong dự án chẳng có gì ngoài các trụ điện tự trồng và vài ống cống bê tông nằm rải rác...

Hàng trụ điện “tự mọc” của một dự án trên địa bàn xã Láng Dài.

Còn tại xã An Ngãi, huyện Long Điền, một khu đất mang tên “KDC Eco Golden River” được hình thành với quy mô 167 nền do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Viccomreal đang được rao bán công khai trên các trang mạng. Khu đất được gọi là “dự án” này được doanh nghiệp trang trí hạ tầng một cách vô cùng bắt mắt, từ hệ thống lưới điện, đường giao thông, cảnh quan, cây xanh được xây dựng thành như một dự án hoàn chỉnh.

Đường giao thông nội bộ trên một khu đất “dự án”.

Ngoài các dự án được chúng tôi (PV) như đã nêu trên, hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn tồn tại nhiều dự án “ma” khác và đang mua bán bát nháo, rầm rộ, bất chấp những rủi ro cho khách hàng. Thậm chí nhà đầu tư còn có thể bị cuốn vào vòng tròn “lướt sóng” không có hồi kết, bởi có những lô đất mua xong nhưng không thể xây dựng vì không có sổ đỏ, chỉ có cách duy nhất là bán sang tay qua người khác...

Thực tế cho thấy, các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp đang diễn ra khá công khai (rao bán, giao dịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, thay đổi hiện trạng) nhưng chưa thấy chính quyền địa phương có những biện pháp nào để can thiệp, ngăn chặn, giải quyết dứt điểm.

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, việc buông lỏng công tác quản lý đất đai, quan liêu, thiếu sâu sát, “đá bóng trách nhiệm” của một số cấp chính quyền địa phương; các cơn “sốt” đất liên tục tại nhiều địa phương có thể dẫn đến việc vỡ “bong bóng” bất động sản; như đã từng xảy ra ở cuộc khủng hoảng vỡ “bong bóng” bất động sản thời điểm 10 năm trước vào năm 2008 - 2009 khiến người dân tham gia đầu tư “chết đứng”, “trắng tay”.

Mới đây Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý 2, trong đó có biện pháp mạnh đối với thị trường bất động sản “đen”. Trên thực tế, từ giữa năm 2021 đến nay, thị trường bất động sản toàn quốc ghi nhận nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng “cò đất” dùng chiêu trò “thổi bong bóng” bất động sản, cung cấp thông tin sai lệch, gây nhiễu loạn thị trường.

Phóng viên sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Trung Nghĩa