Pháp luật trọng tài bên thứ 3: Cần có thêm những sự điều chỉnh
Ngày đăng : 12:18, 23/04/2022
Quang cảnh tại buổi Hội thảo |
Khoa Luật quốc tế - Trường Đại học Luật TP. HCM vừa tổ chức Hội thảo “Bên thứ ba trong pháp luật trọng tài: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam” với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế. Hội thảo đã đem lại nhiều kiến thức, lập luận phân tích mới về một khía cạnh trong pháp luật trọng tài.
Pháp luật trọng tài Việt Nam hiện nay chưa có những quy định cụ thể về vấn đề này, dẫn tới sự không rõ ràng đối với quyền lợi và nghĩa vụ của bên thứ ba trong thủ tục trọng tài. Những đòi hỏi của quá trình hội nhập và sự phát triển của hoạt động trọng tài, vấn đề này cần được nghiên cứu và điều chỉnh nhằm bảo đảm quyền lợi cho các bên liên quan.
Tại 03 phiên làm việc chính của Hội thảo, 09 bài tham luận đã được chọn lọc trình bày xoay quanh các chủ đề: “Bảo vệ quyền và lợi ích của bên thứ ba trong Tố tụng trọng tài”; “Tài trợ Tố tụng trọng tài”; “Hiệu lực của thoả thuận trọng tài đối với bên thứ ba”.
TS. Trần Việt Dũng - Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. HCM chủ trì Hội thảo |
Mở đầu với bài tham luận “Cơ chế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên thứ ba khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại” của ông Huỳnh Quang Thuận (giảng viên Khoa Luật dân sự, Trường Đại học Luật TP. HCM, trọng tài viên STAC) đã phân tích và so sánh quy định của pháp luật Việt Nam với các hệ thống pháp luật trọng tài trên thế giới về cơ chế bảo vệ cho quyền lợi của bên thứ ba khi tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài.
ThS.NCS Huỳnh Quang Thuận trình bày tham luận “Cơ chế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên thứ ba khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại” |
Trong phiên tham luận với chủ đề “Tài trợ Tố tụng trọng tài của bên thứ ba”, TS. LS. Châu Huy Quang đã giới thiệu về sự hình thành và cơ chế áp dụng mô hình tài trợ của bên tài trợ thứ ba trong quá trình toàn cầu hóa và những vấn đề thực tiễn mà pháp luật phải giải quyết. Về vấn đề tài trợ của bên thứ ba, TS. Lê Thị Ngọc Hà đã nhận định cần có cơ chế điều chỉnh hoạt động tài trợ tố tụng trọng tài bằng quy định cụ thể của pháp luật hoặc ít nhất bằng quy tắc của hiệp hội hành nghề. Các diễn giả cũng đã bàn về sự cần thiết cho phép trọng tài áp dụng biện pháp để bảo đảm để bên tài trợ bảo đảm tài chính cho bên được bảo lãnh.
TS. LS. Châu Huy Quang, Luật sư Điều hành Rajah Tann LCT với tham luận “Tài trợ của bên thứ ba trong Tố tụng trọng tài - Toà án” |
Về vấn đề mở rộng hiệu lực của thỏa thuận trọng tài tới bên thứ ba, TS. Nguyễn Thị Hoa đã mở đầu tham luận với ví dụ cụ thể là thực tiễn về tranh chấp thầu xây dựng giữa nhà thầu chính, thầu phụ và chủ đầu tư trong các hợp đồng có điều khoản “pay-when-paid”. TS. LS. Châu Huy Quang cho rằng hợp đồng giữa nhà thầu phụ với nhà thầu chính là hợp đồng độc lập, không phải hợp đồng phụ của hợp đồng chính giữa chủ đầu tư và nhà thầu chính, do đó việc mở rộng hiệu lực của thỏa thuận trọng đối với bên thứ 3 sẽ gặp khó khăn khi áp dụng vào thực tiễn tại Việt Nam.
Tại phiên cuối, bài tham luận của TS. Lars Markert đã giới thiệu về thực tiễn của các nước về vấn đề mở rộng hiệu lực của thỏa thuận trọng tài đối với bên thứ ba. Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Phú cũng chỉ ra những thách thức đối với thẩm quyền của Hội đồng trọng tài đối với bên thứ ba tại Việt Nam; trong khi đó, LS. Nguyễn Trung Nam trao đổi về các vấn đề thực tiễn liên quan đến kiện chéo và bù trừ trong trọng tài quốc tế. Cuối cùng, GS. Đỗ Văn Đại đã kết thúc phiên tham luận với những vấn đề pháp lý liên quan tới quyết định của hội đồng trong tài xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Qua gần 04 giờ làm việc và thảo luận sôi nổi, Hội thảo “Bên thứ ba trong pháp luật trọng tài: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam” đã đưa ra những phân tích, đánh giá tổng quan về các vấn đề khác nhau vai trò và cơ chế bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba trong tố tụng trọng tài trên nền tảng hệ thống pháp luật trọng tài quốc tế, từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật trọng tài Việt Nam.