Quan điểm chỉ đạo và phương hướng đổi mới tổ chức, hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Ngày đăng : 13:52, 18/04/2022
Thời gian qua, ngay sau khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (gọi tắt là BLTTHS năm 2015), Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã có nhiều nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đã phát hiện, khởi tố nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp; phát hiện nhiều vụ oan, sai, bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm minh, răn đe và phòng ngừa các hành vi tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai lệch hồ sơ... Chất lượng hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao ngày càng được nâng cao, luôn bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật. Những kết quả hoạt động của Cơ quan điều tra được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các ngành, các cấp đánh giá cao. Cơ quan điều tra tiếp tục được tin cậy và giao trọng trách mới, được tăng thẩm quyền điều tra; hoạt động của Cơ quan điều tra được báo chí, dư luận quan tâm, được Nhân dân tin tưởng. Kết quả hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã góp phần bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh của các cơ quan tư pháp, bảo đảm hoạt động của các cơ quan tư pháp tuân thủ đúng quy định và thượng tôn pháp luật, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với các cơ quan tư pháp; góp phần nâng cao vị thế của VKSND trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xứng đáng là công cụ đắc lực, sắc bén góp phần thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND. Những kết quả đạt được đã thể hiện sự cần thiết và vai trò quan trọng của Cơ quan điều tra VKSND tối cao trong hệ thống các cơ quan tư pháp nói chung, hệ thống các Cơ quan điều tra nói riêng của Việt Nam.
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, chúng ta cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức về nhiều mặt, những tiêu cực do mặt trái của kinh tế thị trường và sự tác động của quá trình hội nhập, phát triển, dẫn đến các vi phạm, tội phạm diễn biến phức tạp. Trong đó, các vi phạm, tội phạm liên quan đến hoạt động tư pháp, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường và uy tín của các cơ quan tư pháp, gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là tác động tiêu cực và là trở ngại lớn cho việc thực hiện cải cách tư pháp ở nước ta trong thời gian tới. Với mục tiêu kiểm soát quyền lực tư pháp, đảm bảo hệ thống tư pháp và hoạt động tư pháp trong sạch thì tất yếu phải bảo đảm cho VKSND có công cụ sắc bén, hữu hiệu để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Do vậy, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao là yêu cầu khách quan và cần thiết trong quá trình cải cách tư pháp ở nước ta, nhằm đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
1. Quan điểm chỉ đạo đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao theo yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới cần quán triệt các quan điểm chỉ đạo sau:
Thứ nhất, việc đổi mới phải dựa trên quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước ta về cải cách tư pháp; đồng thời việc đổi mới cần đặt trong tổng thể quá trình cải cách tư pháp và quá trình đổi mới tổ chức, hoạt động của VKSND. Hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao không chỉ có nhiệm vụ đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, mà góp phần quan trọng vào việc củng cố và nâng cao uy tín của các cơ quan tư pháp, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh của các cơ quan tư pháp. Đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện có hiệu quả công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, việc đổi mới dựa trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn, xác định rõ vị trí, vai trò của hoạt động điều tra trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, nhằm kế thừa những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập; nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng mô hình, thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp và đặc thù của Việt Nam, từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đồng thời, tiếp tục khẳng định mô hình tổ chức Cơ quan điều tra trực thuộc VKSND tối cao có nhiều ưu điểm, phù hợp với đặc điểm, tình hình tội phạm và mô hình tố tụng hình sự của Việt Nam hiện nay, có sự kế thừa, chọn lọc những thành tựu đã đạt được trong những năm qua ở nước ta và xu thế chung của thế giới hiện nay.
Thứ ba, đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao theo nguyên tắc bảo đảm tăng cường sự phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng các cấp, trong đó có hệ thống Cơ quan điều tra khác (trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân). Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống VKSND, trong đó Cơ quan điều tra VKSND tối cao giữ vai trò nòng cốt, Viện kiểm sát các cấp phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ đắc lực trong việc phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý các tội phạm thuộc thẩm quyền Cơ quan điều tra VKSND tối cao.
Thứ tư, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao nhằm hoàn thiện tổ chức, ngày càng chuyên nghiệp trong hoạt động, trở thành công cụ sắc bén trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân, góp phần bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh của các cơ quan tư pháp, đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp có chuẩn mực đạo đức, trách nhiệm, bản lĩnh, khách quan, thận trọng trong thực thi công vụ.
Thứ năm, việc đổi mới phải đáp ứng được tính chất đặc thù trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp ở nước ta và xu hướng, diễn biến của tội phạm này trong thời gian tới; với phương châm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi có dấu hiệu tội phạm, làm rõ nguyên nhân phát sinh tội phạm để kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Thứ sáu, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao phải bảo đảm hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao thực hiện độc lập, khách quan, có quy mô, thẩm quyền và lộ trình phù hợp với tính chất, đặc thù tổ chức và hoạt động của VKSND đáp ứng yêu cầu đấu tranh và phòng ngừa tội phạm hiện nay và xu hướng của tội phạm trong thời gian tới.
2. Phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong thời gian tới
Trên cơ sở quy định của pháp luật, theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì việc xây dựng mô hình của Cơ quan điều tra VKSND tối cao từng bước chuyên nghiệp, hiện đại đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong thời gian tới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để thực hiện được điều này, cần đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao theo hướng bảo đảm sự tập trung, thống nhất trong ngành Kiểm sát nhân dân; vừa phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành, vừa bảo đảm tính độc lập, khách quan trong hoạt động điều tra. Theo đó, trọng tâm đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao trong thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề sau:
2.1. Phương hướng đổi mới về tổ chức
- Tiếp tục thực hiện mô hình Cơ quan điều tra trực thuộc hệ thống VKSND, kế thừa những ưu điểm, hạt nhân hợp lý qua các thời kỳ ở Việt Nam và tiếp thu kinh nghiệm của một số nước có mô hình Cơ quan điều tra trong Viện công tố/Viện kiểm sát có thẩm quyền điều tra một số tội phạm đặc biệt và cần thiết, như Trung Quốc, Liên bang Nga và một số nước khác.
- Cơ cấu tổ chức, bộ máy và lực lượng được tăng cường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chủ động trong việc phát hiện, đấu tranh và phòng ngừa các tội phạm thuộc thẩm quyền, có cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hoạt động điều tra tội phạm với các công tác kiểm sát của VKSND nhằm bảo đảm các tội phạm đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, đáp ứng với yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm và cải cách tư pháp ở nước ta.
- Kiện toàn tổ chức, bộ máy theo hướng hình thành Cơ quan điều tra chuyên trách, ngoài các phòng điều tra tố tụng, cần có đơn vị (bộ phận, phòng) trinh sát nghiệp vụ, các đơn vị (bộ phận, phòng) thực hiện các hoạt động nghiệp vụ đặc thù phục vụ cho hoạt động phát hiện tội phạm và điều tra vụ án, nhất là các hoạt động như: Điều tra kỹ thuật số, phối hợp thực hiện điều tra tố tụng đặc biệt… Đây vừa là xu hướng chung, phổ biến trong thời đại kỹ thuật số; vừa là yêu cầu cấp bách, rất cần thiết đối với đặc thù đấu tranh với tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra hiện nay và trong những năm tới.
2.2. Phương hướng đổi mới về hoạt động
- Đổi mới về phương pháp thu thập thông tin về tội phạm: Tập trung xây dựng mạng lưới cơ sở để chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp trên phạm vi toàn quốc; nâng cao trách nhiệm cung cấp thông tin về tội phạm trong nội bộ ngành Kiểm sát nhân dân thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao (ban hành kèm theo Quyết định số 565/QĐ-VKSTC ngày 29/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao) và quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 15/5/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác điều tra của Cơ quan điều tra của VKSND tối cao (Chỉ thị số 05/2019) nhằm thống nhất về nhận thức và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả trong toàn ngành; đa dạng các hình thức cung cấp thông tin về tội phạm, bên cạnh việc duy trì hòm thư tố giác tội phạm ở trụ sở Cơ quan điều tra và các phòng nghiệp vụ, cần nâng cao chất lượng hoạt động Trang thông tin điện tử Cơ quan điều tra VKSND tối cao, điện thoại đường dây nóng trực ban hình sự 24/7, hòm thư điện tử tố giác tội phạm... để tiếp nhận kịp thời các thông tin về tội phạm thuộc thẩm quyền.
- Đổi mới phương pháp điều tra, xác minh: Để việc điều tra, thu thập chứng cứ, tài liệu chứng minh tội phạm có hiệu quả, cần phải đổi mới đồng bộ, toàn diện Cơ quan điều tra VKSND tối cao; trong đó không chỉ nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra mà còn phải trang bị công cụ, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ phù hợp để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nâng cao chất lượng điều tra theo hướng chuyên sâu từng lĩnh vực hoạt động tư pháp, như: Điều tra các tội phạm xảy ra trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và các hoạt động bổ trợ tư pháp khác; chú trọng phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp.
- Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động điều tra: Toàn bộ hoạt động điều tra, xác minh của Cơ quan điều tra đã được xây dựng thành Quy trình kiểm tra thông tin về tội phạm, giải quyết nguồn tin về tội phạm và khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Cơ quan điều tra VKSND tối cao (ban hành kèm theo Quyết định số 203/QĐ-VKSTC ngày 05/6/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao) bảo đảm chặt chẽ, khoa học và hiệu quả, làm rõ mối quan hệ giữa quản lý hành chính với quản lý nghiệp vụ; bảo đảm hoạt động điều tra được quản lý chặt chẽ, có sự chỉ đạo sát sao có hiệu quả; đồng thời, nâng cao trách nhiệm và tính chủ động của Điều tra viên, Cán bộ điều tra trong hoạt động điều tra. Bên cạnh đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra nội bộ và phát huy có hiệu quả cơ chế kiểm tra, giám sát từ bên ngoài đối với hoạt động tư pháp nói chung, hoạt động điều tra nói riêng; đảm bảo cán bộ, công chức tư pháp, trước hết là các Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao phải thực sự trong sạch, chuyên nghiệp, vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, liêm chính, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Chú trọng công tác phòng ngừa tội phạm, tích cực phát hiện nguyên nhân, điều kiện phạm tội; phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý để kiến nghị với các cơ quan tư pháp xử lý và phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Hoạt động phòng ngừa không chỉ dừng ở những vụ, việc cụ thể mà cần tổng hợp để có những kiến nghị chung về những vi phạm, thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước có tính hệ thống, tính phổ biến, chú trọng phát hiện và kiến nghị hoàn thiện pháp luật; sửa đổi, bổ sung những cơ chế quản lý không còn phù hợp...
- Tăng cường phối hợp trong và ngoài ngành: Nâng cao chất lượng hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đòi hỏi phải đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp với các cơ quan đơn vị trong và ngoài ngành. Trong đó, cần chủ động, tăng cường phối hợp trong công tác phát hiện, kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự, trên cơ sở thực hiện Chỉ thị số 05/2019; Quy chế phối hợp giữa VKSND tối cao và Bộ Quốc phòng; Quy định phối hợp công tác giữa Cơ quan điều tra VKSND tối cao với 14 đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân; Quy chế số 565/2017, đảm bảo việc phát hiện, khởi tố, giải quyết và phòng ngừa vi phạm, tội phạm thuộc thẩm quyền nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật. Đặc biệt, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6) VKSND tối cao trong quá trình tiếp nhận, thu thập, xử lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự thuộc thẩm quyền