Khát vọng Việt Nam theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Từ nhận thức đến hành động

Ngày đăng : 09:18, 14/04/2022

(Kiemsat.vn) - Một đất nước Việt Nam hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu cũng là khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ kính yêu của dân tộc và của Đảng Cộng sản Việt Nam - đồng thời cũng là khát vọng cháy bỏng của người Việt Nam yêu nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã phản ánh sự khát vọng của dân tộc về sự phát triển. Đại hội không những xác định đường lối phát triển đất nước 5 năm 2021 - 2026 mà còn nêu lên định hướng phát triển đất nước đến năm 2030 (năm Đảng tròn 100 tuổi), đồng thời nêu tầm nhìn đến năm 2045 (năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tròn 100 tuổi). Một đất nước Việt Nam hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu cũng là khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ kính yêu của dân tộc và của Đảng Cộng sản Việt Nam - đồng thời cũng là khát vọng cháy bỏng của người Việt Nam yêu nước.

Từ nhận thức

Về nhận thức, khát vọng Việt Nam theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chủ yếu thể hiện ở trên những điểm sau đây:

Một là, khát vọng về nước độc lập, dân tự do, ấm no, hạnh phúc

Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu đạt sự khát vọng của mình ở nhiều lúc, nhiều nơi. Chẳng hạn, trong những năm 20 của thế kỷ trước, Người nói: Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những gì tôi hiểu. Khi nước nhà mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời các nhà báo nước ngoài: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[1]. Nhìn một cách tổng quát, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vấn đề cơ bản là: nước độc lập, dân tự do, ấm no, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu. Nói gọn lại, đó là “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” như tiêu đề sau dòng tên nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” của văn bản hành chính nhà nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu điều mong muốn cuối cùng: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[2]. Người luôn luôn truyền cảm hứng về khát vọng đó cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong suốt quá trình cách mạng.

Hai là, khát vọng về một Việt Nam hùng cường

Khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề này thể hiện rõ trong việc chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo ra sức mạnh tổng hợp để xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước. Trong đại đoàn kết, có đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, toàn quân, đoàn kết quốc tế. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thống nhất biện chứng với nhau và thể hiện trong việc nhận thức bằng hành động của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân xác định cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước cả trong thời gian dài cũng như từng chặng đường phát triển, huy động được sức mạnh tổng họp để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Sức mạnh hùng cường phải được tạo ra từ sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể của nhân dân (sau này được gọi là hệ thống chính trị); từ sự vận hành có hiệu quả của cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Trên tinh thần đó, Đại hội XIII của Đảng đã thể hiện khát vọng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đường lối và bằng quá trình lãnh đạo triển khai thực hiện đường lối đó trong công cuộc đổi mới. Căn cứ vào các điều kiện của dân tộc và thế giới, dự báo trên những nét cơ bản của xu hướng phát triển, Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 cũng như đến năm 2030 và hướng tầm nhìn đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao[3]. Đó là một khát vọng lớn được phản ánh trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà chúng ta cần nhận thức rõ.

Ba là, khát vọng thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển

Sự nghiệp giải phóng và phát triển của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ra trong một thế giới có nhiều mâu thuẫn. Giải quyết những mâu thuẫn trên thế giới chính là yêu cầu luôn luôn đặt ra cho nhân loại trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu. Khát vọng Việt Nam theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện ở sự tích cực phấn đấu cho một thế giới hòa bình, hòa bình thật sự, hòa bình chân chính trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; một thế giới hợp tác, hữu nghị, cùng phát triển. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức, Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) trong Phiên họp toàn thể lần thứ 24 tại Pari, Pháp năm 1987 đã thông qua Nghị quyết về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó ghi nhận Người là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn; là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội; tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau.

Đến hành động

Khát vọng chỉ là khát vọng, nếu chỉ ở trên lời nói. Điều cần thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay là nói phải đi đôi với làm thì khát vọng mới có khả năng biến thành hiện thực, cần biến khát vọng của dân tộc Việt Nam thành hành động cách mạng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Thuận lợi - có; khó khăn - rất nhiều. Hãy cùng quan niệm rằng, các năm 2021, 2022 không phải là những năm chạy đà, mà là năm thực sự bắt tay vào việc biến khát vọng non sông được ghi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thành hành động cách mạng. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong lúc đất nước bị ảnh hưởng từ khó khăn của tình hình thế giới, nhất là sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khắc phục những trở ngại, thách thức để tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ hơn, bền vững hơn với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Để biến khát vọng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành hành động, rất cần những điều sau đây:

1. Cần có quyết tâm chính trị cao

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ ý chí quyết tâm của Người trong mọi công việc, và Người đã truyền quyết tâm đó cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để đi tìm mục tiêu và con đường cứu nước đúng đắn. Từ tìm đường, Người trở thành người mở đường, dẫn đường cho cách mạng Việt Nam. Khi cùng toàn Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Người nói rằng, khi thời cơ đến, phải quyết tâm giành cho được chính quyền, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập. Bản Tuyên ngôn độc lập do Người đọc tại cuộc mít tinh ở Vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, chiều ngày 2-9-1945 nêu rõ: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập”[4]. Trên đường đi Chiến dịch Biên giới năm 1950, Người nói với Đội Thanh niên xung phong đang làm đường ở tỉnh Bắc Cạn: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí cũng làm nên”[5]. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946, Người nói: “Chúng thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[6]. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Người nêu quyết tâm: hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi; rằng: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”[7]. Trong Di chúc, Người nêu. “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”[8]. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người luôn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn đân tộc, vào tương lai và sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội, và Người kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

2. Phải thể hiện bằng hành động; nói đi đôi với làm

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có một trong những đặc trưng làm thành các cặp chỉnh thể: nói đi đôi với việc làm, lý luận gắn với thực tế, học đi đôi với hành. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu điều này ngay trong trang đầu cuốn sách Đường cách mệnh năm 1927: “Nói thì phải làm”[9] và “xắn tay áo làm”[10] khi nói chuyện với các đại biểu thân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hoá khi Người đến thăm và làm việc vào tháng 2-1947 trước khi trở lại Việt Bắc cùng Trung ương Đảng tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược. Hiện nay, càng cần phải chú ý khắc phục bốn biểu hiện: 1) Nói nhiều nhưng làm ít; 2) Nói thì hay nhưng làm thì dở; 3) Nói mà không làm; 4) Nói một đằng làm một nẻo.

Quyết tâm phải đi liền với chương trình, kế hoạch hành động thiết thực như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng, quyết tâm mười phần thì kế hoạch phải hai mươi phần, chớ đem chủ quan của mình áp vào bắt thực tế phải theo, như “đẽo chân cho vừa giày”. Có nghị quyết đúng là điều rất quan trọng, nhưng chưa đủ. Có quyết tâm cũng là cần nhưng vẫn chưa đủ. Điều cần và đủ sau những yếu tố đó là kế hoạch thiết thực, tỉ mỉ, có khả năng thực thi, có tổ chức thật sự phù hợp, có sự dốc lòng, dốc sức của cả toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, tức là phải xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. [11

Kết quả thực tế trên từng lĩnh vực, ở tất cả các cấp, các ngành là thước đo chính xác nhất trong việc biến khát vọng của đất nước thành hiện thực. Tăng trưởng kinh tế là cực kỳ cần thiết, nhưng phải là phát triển bền vững. Kinh tế phải dựa trên nền văn hoá. Phải nhìn trên chỉ số tổng hợp để nói lên sự phát triển văn minh, tiến bộ của cả đất nước chứ không chỉ ở mức độ tăng trưởng kinh tế. Sự phồn vinh, hạnh phúc của cả đất nước thể hiện ở những chỉ số tổng hợp, trong đó có cả sự bình an, ở chủ quyền quốc gia, ở một xã hội lành mạnh, ở quan hệ quốc tế trong sáng, ở kết quả của quá trình phấn đấu đạt mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.

3. Mở rộng hợp tác quốc tế đi đôi với tự lực, tự cường

Phải đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên tinh thần giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc. Thế giới hiện nay là thế giới toàn cầu hoá, Việt Nam muốn phát triển thì không thể đứng ngoài quá trình này. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng đất nước sau khi thiết lập chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa hàm chứa tinh thần quảng giao: “làm bạn với mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”[12], “thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hoà bình”[13]với tâm thế “bốn biển đều là anh em[14], “tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà”[15].

Trong hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu và toàn diện hơn, đã đề ra đường lối đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, là đối tác có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế cùng phát triển. Điều đáng nhấn mạnh thêm ở đây theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là hợp tác quốc tế phải trên cơ sở kết họp nội lực với ngoại lực; hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, các bên cùng có lợi, giải quyết các mối quan hệ theo các công ước quốc tế, không dùng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực. Thế giới càng phát triển trong toàn cầu hoá và cạnh tranh gay gắt thì sự rủi ro trên con đường phát triển của mỗi dân tộc càng lớn. Trong tình hình đó, nhiều chính trị gia cảnh báo về nguy cơ mất đi bản sắc dân tộc. Biện chứng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là ở chỗ: tăng cường và mở rộng quan hệ quốc tế, giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc. Tinh thần biện chứng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho thấy rõ: ý chí tự lực, tự cường không đồng nghĩa với chủ quan, duy ý chí, cũng không phải là sự cô độc, mà là sự kết tinh của bản lĩnh chính trị trên cơ sở nhãn quan đúng đắn về thời cuộc, biết mình, biết người, có tinh thần chủ động và ý chí lớn lao để hành động một cách phù hợp. Tự lực, tự cường không có nghĩa là đóng cửa, tự cô lập mình, đồng thời cũng không bao giờ được phép ỷ lại sự giúp đỡ của các nước khác, không đánh mất chính mình. Chúng ta đang sống trong một hoàn cảnh thế giới rất phức tạp vừa hợp tác, vừa đấu tranh với sự cạnh tranh gay gắt, với sự thao túng của các nước lớn trong các mối quan hệ quốc tế. Chỉ có tự lực, tự cường theo tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên trong lãnh đạo Tổng Khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám song song với đẩy mạnh hợp tác quốc tế thì đất nước mới phát triển một cách bền vững được.

Để biến khát vọng của đất nước thành hành động, cần chú trọng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, luôn luôn nhất quán coi nội lực là yếu tố quyết định, ngoại lực là yếu tố quan trọng.

Đó cũng là sự quán triệt một cách đầy đủ và sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta với tư duy và hành động cách mạng trong suốt quá trình phát triển của dân tộc. Trong công cuộc đổi mới, Việt Nam phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, tiến hành “một cuộc chiến đấu khổng lồ”[16] “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”[17] đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên lượng trong Di chúc. Nội lực là yếu tố có tính chất quyết định, ngoại lực là yếu tố quan trọng trong sự phát triển bền vững. Phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh: “một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”[18]. Thời cuộc đã mở ra cho nước ta thời cơ mở rộng họp tác quốc tế hơn bao giờ hết. Trên tinh thần đó, Đại hội XIII của Đảng đã quán triệt tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ đó nêu lên nguyên tắc: “Bảo đảm cao nhất lợi ích của quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Liên họp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, họp tác, cùng có lợi”[19].

4. Biến khát vọng của đất nước thành hành động phải được thể hiện trong tất cả các cấp, các ngành, trong các lĩnh vực, trong mọi cán bộ, đảng viên

Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập việc xây dựng thực lực cách mạng Việt Nam tạo ra sức mạnh tổng hợp từ tất cả các nguồn lực, trong tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, v.v. Với tinh thần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các Đại hội của Đảng, trong đó có Đại hội XIII, đã nêu lên quan điểm chỉ đạo: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”[20]. Nhận thức đó phải biến thành hành động cách mạng, phải đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả tốt. Đổi mới về kinh tế từng bước với đổi mới chính trị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; bảo đảm một nền quốc phòng, an ninh vững chắc trên cơ sở xây dựng, củng cố và phát triển thế trận lòng dân, thực thi một chính sách đối ngoại đúng đắn trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia đồng thời tăng cường và mở rộng họp tác quốc tế vì hoà bình, độc lập, phát triển, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Trong tình hình hiện nay, cần tiếp tục thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, vượt qua khó khăn để tăng cường sức mạnh tổng họp của đất nước, tạo ra thế và lực từ nội tại của tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các ngành, các cấp. Chỉ có như thế, đất nước ta mới tiến nhanh và bền vững trên con đường chủ nghĩa xã hội, đủ sức tự bảo vệ mình trước mọi âm mưu và hành động chống phá cách mạng của các thế lực thù địch. Đồng thời, với sức mạnh tổng hợp đó từ nội lực, tức là bồi đắp năng lực cạnh tranh quốc tế thì đất nước ta mới phát triển có hiệu quả trong môi trường toàn cầu hoá, đặc biệt là trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vì sự phát triển tiến bộ trên thế giới.

5. Thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội

Cần nhận thức một cách biện chứng rằng, dân chủ và kỷ cương xã hội không phải là hai yếu tố đối lập nhau mà chúng có quan hệ khăng khít nhau. Phải tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo đúng tinh thần của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) và theo Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Dân chủ, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dân là chủ và dân làm chủ. Dân là chủ tức là đề cập vị thế của dân; dân làm chủ là đề cập trách nhiệm của dân. Thực hiện tốt, có hiệu quả các hình thức dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp, đặc biệt là dân chủ cơ sở. Muốn thực hành dân chủ thực sự có hiệu quả thì càng phải tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; muốn tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội thật tốt thì càng phải thực hành thật sự dân chủ. Tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, do đó, không phải là biểu hiện của sự độc tài; thực hành dân chủ, cũng do đó, không phải là thứ dân chủ “vô chính phủ”, dân chủ quá trớn. Trước đây, phương châm được Đảng nêu từ trước là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; Đại hội XIII của Đảng bổ sung, hoàn thiện phương châm này bằng “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Bên cạnh kiểm tra, giám sát, thì dân hưởng là một nội dung rất quan trọng để bảo đảm cho cơ chế thực hành dân chủ có hiệu quả, vì dân chính là chủ thể phản ánh bản chất của dân chủ. Giám sát, thụ hưởng là yếu tố cuối trong chuỗi nội dung để phát huy vai trò làm chủ, thể hiện dân chủ của xã hội, để tạo ra động lực mạnh cho sự phát triển dân chủ trong xã hội nước ta. Đó là dân chủ có hiệu quả nhất, điều bảo đảm cho dân chủ đi vào thực chất, tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kỷ cương, kỷ luật là sự biểu hiện của tự do đúng theo nghĩa vận hành trong một xã hội lành mạnh. Dân chủ tạo ra giá trị tự do. Tự do đúng nghĩa của nó chính là sự nhận thức và hành động theo điều tất yếu, tức là theo đúng quy luật của tự nhiên và xã hội. Nếu làm trái quy luật thì không những ảnh hưởng xấu đến tự do của những người xung quanh, của toàn xã hội mà còn tự làm mất tự do của chính bản thân mình. Dân chủ và kỷ cương đi đôi với nhau cũng có nghĩa là phải xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng kỷ luật của Đảng, đúng pháp luật của Nhà nước những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân. Kiên quyết đấu tranh phòng và chống những biểu hiện tiêu cực trong Đảng và ngoài xã hội, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ. Phải kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng và đập tan mọi âm mưu, hành động của các thế lực thù địch muốn xóa bỏ chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

6. Biến khát vọng của đất nước thành hành động theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu gương sáng

Một tấm gương sáng còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền - đó là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hành động thực tế, cán bộ, đảng viên phải là người đi tiên phong, tận tâm, tận lực phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, làm đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đất nước rất cần những con người như thế trong mọi lĩnh vực công tác, mọi địa bàn, mọi lúc, mọi nơi. Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cần một đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn luôn trung với nước, với Đảng, hiếu với dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, đổi mới sáng tạo. Cần một đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ đức và tài, trong đó đức là gốc, những người không bị danh lợi cám dỗ làm cho tha hóa, sa vào hủ bại. Cần một đội ngũ cán bộ, đảng viên sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân mình, gia đình, họ hàng mình cho lợi ích tối cao của cách mạng; không sa vào tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm và phải luôn luôn có tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với những tiêu cực với ba biểu hiện như tham ô/tham nhũng, lãng phí, quan liêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là “giặc nội xâm”.

Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với khát vọng đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, Đại hội XIII của Đảng chính là một mốc lớn phản ánh tinh thần quật khởi của cả một đất nước vươn lên trong khó khăn của tình hình trong nước và thế giới. Đại hội XIII của Đảng là Đại hội của niềm tin đất nước ta sẽ tiến bước cùng nhân loại tiến bộ, sánh vai với các cường quốc năm châu bước lên đài vinh quang của ấm no, tự do, hạnh phúc cho tất cả mọi người, để không ai bị bỏ lại phía sau. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào tổ chức Đảng, tổ chức hệ thống chính trị nói chung và phụ thuộc vào chính con tim khối óc của tất cả những người Việt Nam yêu nước, mà nổi rõ hơn hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 187.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 624.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG, H, 2021, tr. 36.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 3.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 440.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 534.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 131.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tạp 15, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 623.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 280.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 77.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 244.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2011, tr.256.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 39.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 558.

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 668.

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 617.

[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 617.

[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 445.

[19]  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG, H, 2021, tr. 110

[20] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG, H, 2021, tr. 110.

GS.TS Mạnh Quang Thắng