VKSND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm từ vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm

Ngày đăng : 17:25, 12/04/2022

(Kiemsat.vn) - Nhằm nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên trong công tác kiểm sát, giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm vụ án hình sự vụ án “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Những năm gần đây, tại Việt Nam nói chung và tại tỉnh Quảng Ninh nói riêng, tình hình buôn bán trái phép các loài động thực vật hoang dã vẫn diễn ra rất phức tạp. Số liệu mới nhất do Cơ quan điều tra Môi trường (EIA) công bố năm 2020 cho thấy, khoảng 15 năm gần đây, trong số các vụ bắt giữ buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam có ít nhất 105,72 tấn ngà voi (khoảng 15.779 cá thể voi); 1,69 tấn sừng tê giác (khoảng 610 cá thể tê giác); da, xương từ ít nhất 228 cá thể hổ, 65.510 cá thể tê tê.

Trước thực trạng này, Lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ninh nhận định, việc xét xử nghiêm minh các vụ án vi phạm về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã, góp phần giữ vững trật tự xã hội và cân bằng hệ sinh thái.

Trên tinh thần đó, liên ngành tố tụng TAND - VKSND tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất lựa chọn vụ án Bùi Văn Dư, Chu Hải Nam, Hồ Văn Nga cùng đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 để tổ chức xét xử rút kinh nghiệm.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử các bị cáo phạm tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm".

Theo Cáo trạng truy tố của VKSND tỉnh Quảng Ninh: Chu Hải Nam vận chuyển trái phép 661,7kg vảy tê tê Java (thuộc phụ lục I, danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ) từ huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đến TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để bán sang Đông Hưng, Trung Quốc; Hồ Văn Nga buôn bán trái phép 661,7kg vảy tê tê Java; Trần Ngọc Nam buôn bán trái phép 452kg vảy tê tê Java; Ngô Sỹ Cường, Nguyễn Văn Cường, Đặng Ngọc Tuấn, Vũ Huy Bình và Đặng Văn Phổ buôn bán trái phép 163,35kg vảy tê tê Java. Ngoài ra, Đặng Văn Phổ còn có hành vi tàng trữ 0,235kg vảy tê tê Java; Bùi Văn Dư buôn bán trái phép 102 cá thể rùa trong đó 74 cá thể rùa đầu to, 24 cá thể rùa hộp trán vàng miền Bắc, 04 cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung (thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB).

Lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ninh nhận định, đây là vụ án hình sự có quy mô lớn, tình tiết phức tạp điển hình, có nhiều bị cáo và các đối tượng liên quan, các bị cáo quanh co, chối tội, một số bị cáo phản cung ngay tại phiên toà. Do vậy, để bảo vệ được Cáo trạng truy tố, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa phải chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung nghiên cứu hồ sơ, nắm chắc các căn cứ buộc tội, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong hoạt động thực hành quyền công tố như công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên toà, công bố các lời khai trong quá trình điều tra của các bị cáo để bác bỏ các trường hợp bị cáo phản cung.

Sau thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất quan điểm với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tuyên phạt các bị cáo lần lượt như sau: Bùi Văn Dư 5 năm 6 tháng tù; Chu Hải Nam 3 năm tù; Hồ Văn Nga 15 tháng tù; Trần Ngọc Nam 12 tháng tù; Ngô Sỹ Cường 15 tháng tù; Phạm Văn Cường 12 tháng tù; Đặng Ngọc Tuấn, Vũ Huy Bình, Đặng Văn Phổ 9 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" theo Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngay sau khi kết thúc phiên toà, Lãnh đạo liên ngành tư pháp VKSND - TAND tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành tổ chức họp rút kinh nghiệm với sự tham gia của đầy đủ thành phần tham dự phiên toà và Hội đồng xét xử vụ án. Các ý kiến tham gia hoàn toàn nhất trí với việc đánh giá chứng cứ, quan điểm của Kiểm sát viên tham gia xét xử tại phiên toà. Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà, Hội thẩm nhân dân và Kiểm sát viên đã thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình tại phiên toà theo đúng tinh thần cải cách tư pháp.

Phiên toà rút kinh nghiệm được Lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ninh xem là một trong những hình thức tự đào tạo hiệu quả, qua đó các cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát, giải quyết các vụ án hình sự đã học hỏi, nâng cao trình độ, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xử lý các tình huống tại phiên toà, tích luỹ kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Ngành giao phó, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới./.

PV