Giới thiệu Tạp chí Kiểm sát số 07/2022
Ngày đăng : 17:00, 05/04/2022
Trước những yêu cầu của Đảng, Nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đẩy mạnh cải cách tư pháp về hình sự trong tình hình mới, việc nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát xét xử hình sự là nhiệm vụ thiết yếu, góp phần quan trọng tạo ra những điều kiện cần thiết để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đó là nội dung được đề cập trong bài viết: “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát xét xử hình sự của Viện kiểm sát nhân dân” của tác giả Lại Viết Quang trên chuyên mục VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TRONG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM.
Để giải quyết đúng pháp luật đối với yêu cầu của người khởi kiện, đòi hỏi cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng phải xem xét, đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện. Từ thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, tác giả Trần Thúy Hằng chia sẻ “Kinh nghiệm phát hiện vi phạm trong quyết định hành chính, hành vi hành chính”, từ đó đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác này, trên chuyên mục CÔNG TÁC KIỂM SÁT.
Cũng trên chuyên mục này, bài viết “Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính” của tác giả Nguyễn Thị Thế khẳng định đây là nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của ngành nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng là giải pháp có vai trò quyết định đến chất lượng dạy và học trong giai đoạn hiện nay.
Trên chuyên mục NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI, bài viết: “Kiến nghị hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong Pháp lệnh số 09/2014” của tác giả Phạm Thị Đào chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong quy định của Pháp lệnh số 09/2014 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Từ đó, tác giả đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này, như: Về yêu cầu cung cấp, bổ sung tài liệu, chứng cứ; về việc nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án nhân dân; về quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; về thẩm quyền và thời hạn kháng nghị...
Hiện nay, pháp luật tố tụng dân sự chưa quy định về trường hợp đình chỉ yêu cầu khởi kiện bởi nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện, do Tòa án quyết định khi hết thời hiệu khởi kiện thì việc ra quyết định đình chỉ, hậu quả pháp lý của việc đình chỉ, việc thay đổi địa vị tố tụng và việc xác định lại quan hệ tranh chấp như thế nào dẫn đến việc giải quyết tùy nghi, thiếu thống nhất. Từ thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự trong thời gian qua, tác giả Trần Thị Thu Hiền đã chỉ ra một số vướng mắc và đề xuất, kiến nghị đối với vấn đề này trong bài viết: “Về đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện, thay đổi địa vị tố tụng và xác định lại quan hệ pháp luật trong tố tụng dân sự”, trên chuyên mục THỰC TIỄN - KINH NGHIỆM.
Ngoài ra, Tạp chí Kiểm sát số 07/2022 còn có một số bài viết như: “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân” của tác giả Đinh Văn Sơn; “Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt trường hợp phạm tội chưa đạt, người dưới 18 tuổi phạm tội” của các tác giả Đinh Minh Lượng - Đặng Thế Thanh; “Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015” của tác giả Nguyễn Thị Thu Hà; “Một số vấn đề về xây dựng Tòa án điện tử” của tác giả Dương Quỳnh Hoa; “Tòa án trả lại đơn khởi kiện do người khởi kiện không chứng minh được di sản của người vay tiền để lại có đúng không?” của các tác giả Lê Thị Hồng Thắm - Huỳnh Minh Khánh; “Biện pháp điều tra thông tin từ các nguồn mở và khả năng áp dụng trong thu thập chứng cứ điện tử trên Internet” của tác giả Phạm Việt Nghĩa.
Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc!