Bình Thuận: Bị đơn trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” kiến nghị Viện kiểm sát xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Ngày đăng : 14:36, 01/04/2022

(Kiemsat.vn) - Sau khi vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt và bị đơn là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Cát Tường Minh được TAND tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm cuối tháng 12/2021, ngày 21/02/2022, bị đơn đã có đơn kiến nghị gửi VKSND tỉnh Bình Thuận xem xét, đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị hủy án sơ thẩm tại phiên tòa phúc thẩm

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm diễn ra vào cuối tháng 12/2021, đại diện VKSND tỉnh Bình Thuận đã đề nghị hủy án sơ thẩm để xét xử lại do có nhiều tình tiết chưa được làm rõ, có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng. Theo đại diện Viện kiểm sát, trong quá trình xét xử sơ thẩm vụ án, TAND TP. Phan Thiết vi phạm thủ tục tố tụng về tống đạt cho ông Lê Anh Tuấn, không yêu cầu Phòng Công chứng số 1 tỉnh Bình Thuận tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan; nhiều tình tiết khách quan chưa được làm sáng tỏ như việc bị đơn có dấu hiệu bị làm giả chữ ký (tình tiết ông Tuấn tham gia 02 cuộc họp cùng ngày, cùng giờ ở hai địa điểm cách nhau 200 km), sử dụng tài liệu là bản photo, cũng như áp dụng sai pháp luật doanh nghiệp và đặc biệt chứng cứ mới đã chứng minh việc ông Nguyễn Đức Long bị giả chữ ký trong các Biên bản họp của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Cát Tường Minh (Công ty Cát Tường Minh).

Tuy nhiên, kết thúc phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Thuận vẫn tuyên y án, giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc Công ty Cát Tường Minh phải hoàn trả và bồi thường số tiền 17.158.007.663 đồng và tiền lãi phát sinh trên số dư nợ gốc.

Theo hồ sơ vụ án, năm 2012, Công ty CP Nguyễn Thiên Phúc được thành lập với 3 cổ đông sáng lập, gồm ông Lê Anh Tuấn chiếm 70% vốn điều lệ, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Nguyễn Đức Long chiếm 20%; ông Hồ Văn Nhì chiếm 10%. Năm 2015, ông Tuấn và ông Nhì chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho cổ đông khác. Sau đó, năm 2017 thì công ty đổi tên thành Công ty Cát Tường Minh.

Tháng 5/2017, Ngân hàng Bản Việt khởi kiện Công ty CP Nguyễn Thiên Phúc và Công ty TNHH Thương mại xây dựng Thiên Ân (Công ty Thiên Ân) ra TAND TP. Phan Thiết do vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Lý do, năm 2015, ông Tuấn đã đại diện Công ty CP Nguyễn Thiên Phúc vay Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (Ngân hàng Bản Việt) số tiền 11 tỉ đồng thông qua Hợp đồng tín dụng số 055/006815/04.HĐTDTLTDH (Trước đó, năm 2014, ông Tuấn thế chấp tài sản Công ty Nguyễn Thiên Phúc bảo lãnh cho Công ty Thiên Ân vay 17 tỉ đồng thông qua Hợp đồng thế chấp số 0024/068/2014/HĐTC).

Theo hồ sơ vụ án, khi Ngân hàng khởi kiện thì có hai Biên bản họp của Công ty CP Nguyễn Thiên Phúc gồm: Biên bản họp Hội đồng quản trị số 1512/BBH-HDQT-2013 ngày 20/12/2013 về việc cam kết bảo lãnh khoản vay cho Công ty Thiên Ân (Biên bản họp 1512 số 1) và Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông số 01/2015/ĐHĐCĐ-BBH ngày 11/3/2015 về việc thế chấp tài sản công ty để vay vốn ngân hàng (Biên bản họp 01/2015). Tại phiên xét xử sở thẩm ngày 27/5/2020,  Ngân hàng đã cung cấp bản photo Biên bản họp Hội đồng quản trị số 1512/BBH-HDQT-2013 về việc cam kết bảo lãnh khoản vay cho Công ty Thiên Ân. Đây là các biên bản họp quan trọng để xác định Công ty Cát Tường Minh đồng ý sử dụng tài sản của mình để thế chấp bảo đảm khoản vay cho Công ty Thiên Ân và khoản vay cho chính mình và ông Lê Anh Tuấn có đủ thẩm quyền đại diện cho Công ty ký kết và thực hiện các thủ tục cần thiết khác theo quy định pháp luật.

Ngày 12/5/2021, Phân viện Khoa học hình sự tại TP. Hồ Chí Minh đã có Kết luận giám định số 2197/C09B khẳng định: Chữ ký mang tên Nguyễn Đức Long tại Biên bản họp 1512 số 1, Biên bản họp 1512 số 2, Biên bản họp số 01/2015 là không phải do ông Long ký.

Ông Nguyễn Đức Long cho rằng, việc các Cơ quan có thẩm quyền xác định chữ ký trên các Biên bản họp nêu trên không phải của ông thì các Biên bản này không thể dùng để làm cơ sở để giải quyết vụ án. Theo ông Long, Tòa án cần làm rõ hành vi của ông Lê Anh Tuấn về mục đích làm giả hồ sơ có nhằm chiếm đoạt tài sản của Công ty Cát Tường Minh hay không?  Tại sao ông Lê Anh Tuấn lại chuyển tiền cho ông Đỗ Văn Đại?... để làm rõ.

Bị đơn kiến nghị Viện kiểm sát xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Không đồng tình với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận, đại diện bị đơn đã có đơn kiến nghị gửi VKSND tỉnh Bình Thuận để đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Cụ thể, trong đơn kiến nghị gửi VKSND tỉnh Bình Thuận ngày 21/02/2022, bị đơn (Công ty Cát Tường Minh) đã đề nghị VKSND tỉnh Bình Thuận xem xét, kiến nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án sơ thẩm số 03/2020/KDTM-ST ngày 01/06/2020 của TAND TP. Phan Thiết và Bản án phúc thẩm số 04/2021/KDTM-PT ngày 29/12/2021 của TAND tỉnh Bình Thuận vì “kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, sai quy định pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự”.

Nhận định về vụ án này, Luật sư Mai Lưu Phúc - Đoàn luật sư TP. HCM cho rằng, nhiều tình tiết của vụ án chưa được TAND TP. Phan Thiết làm sáng tỏ, áp dụng sai quy định pháp luật, sử dụng tài liệu chứng cứ là Biên bản họp ngày 15/12/2013 là bản photo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan triệu tập không đúng quy định pháp luật... Những điều trên dẫn tới nhiều nhận định và phán quyết của Tòa án không phù hợp với sự thật khách quan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Cát Tường Minh và ông Nguyễn Đức Long.

Cụ thể, Tòa án cấp sơ thẩm sử dụng bản photo Biên bản họp Hội đồng quản trị ngày 15/12/2013 do Ngân hàng Bản Việt cung cấp ngay trong phiên xét xử ngày 27/5/2020 để làm cơ sở giải quyết vụ án là không đúng quy định pháp luật. Khoản 1 Điều Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận”. Bên cạnh đó, trong Hợp đồng thế chấp số 0024, tại mục Bên thế chấp (phần đầu hợp đồng) ghi: “Ông Lê Anh Tuấn chức vụ: Chủ tịch HĐQT làm đại diện theo Biên bản họp Hội đồng quản trị ngày 15/12/2013”, nhưng trong Biên bản họp 15/12/2013 không có nội dung này. Vậy cơ sở nào để Ngân hàng, Phòng công chứng số 1 tỉnh Bình Thuận công nhận ông Lê Anh Tuấn có thẩm quyền ký các Hợp đồng thế chấp?

Theo Luật sư Phúc, Phòng công chứng số 1 tỉnh Bình Thuận phải được triệu tập tham gia vụ án với tư cách  người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Bởi lẽ Công ty Cát Tường Minh, ông Nguyễn Đức Long có yêu cầu tuyên hủy các Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp được công chứng tại đây, do ông Lê Anh Tuấn không có thẩm quyền thay mặt Hội đồng quản trị công ty để làm việc, ký tên. Trong trường hợp Tòa án tuyên hủy các Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp thì quyền lợi, nghĩa vụ của Phòng công chứng số 1 tỉnh Bình Thuận sẽ giải quyết như thế nào?

Ngoài ra, Công chứng viên cũng không làm rõ việc ông Lê Anh Tuấn vừa tham gia họp tại trụ sở Công ty Cát Tường Minh (địa chỉ: Xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận)  và họp trực tiếp tại trụ sở Công ty Thiên Ân (địa chỉ: 100/1 Quang Trung, phường 12, quận Gò Vấp, TP. HCM) – hai địa điểm trên cách nhau hơn 200km?

Công ty Thiên Ân cũng sử dụng các tài sản của mình thế chấp nhưng Tòa sơ thẩm không thẩm định giá tại chỗ, định giá tài sản của Công ty Thiên Ân xác định khả năng trả nợ cho Ngân hàng Bản Việt trước khi yêu cầu bên thứ 3 trả nợ thay là sai phạm thủ tục tố tụng và ảnh hưởng quyền lợi của bên thứ 3 bảo lãnh; việc này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Đăng Dương