Tổ chức đấu giá tài sản được lựa chọn là tổ chức đạt số điểm tổng cộng cao nhất của 06 tiêu chí
Ngày đăng : 13:45, 03/03/2022
Hình ảnh minh họa. |
Quy định các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản
Theo đó, nội dung tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản (ĐGTS) gồm: (i) Nhóm tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá; (ii) nhóm tiêu chí về phương án đấu giá khả thi, hiệu quả; (iii) nhóm tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản; (iv) nhóm tiêu chí về thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản phù hợp; (v) nhóm tiêu chí các tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định; (vi) tiêu chí bắt buộc phải có tên trong danh sách các tổ chức ĐGTS do Bộ Tư pháp công bố.
Để đảm bảo tính công khai, minh bạch của việc lựa chọn tổ chức ĐGTS, cũng như tăng cường trách nhiệm của người có tài sản của quá trình đánh giá, lựa chọn tổ chức ĐGTS, Thông tư quy định sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc ĐGTS, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và Cổng thông tin điện tử quốc gia về ĐGTS về việc lựa chọn tổ chức ĐGTS với đầy đủ tiêu chí quy định tại Điều 3 và Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. Người có tài sản đấu giá thông báo công khai việc lựa chọn tổ chức ĐGTS trong thời hạn ít nhất là 3 ngày làm việc trước ngày quyết định lựa chọn, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thông tư hướng dẫn việc đánh giá, chấm điểm theo tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS để đảm bảo tính khách quan, như sau: Người có tài sản đấu giá tự đánh giá hoặc thành lập tổ đánh giá hoặc lựa chọn hình thức khác để đánh giá các tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS và chịu trách nhiệm về việc đánh giá này. Người có tài sản đấu giá căn cứ thông tin trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn của tổ chức ĐGTS chấm điểm theo tất cả các tiêu chí quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và xử lý các tình huống theo quy định.
Tổ chức ĐGTS được lựa chọn là tổ chức có tổng số điểm cao nhất của tất cả các tiêu chí cộng lại. Trường hợp có từ hai tổ chức ĐGTS trở lên có tổng số điểm cao nhất bằng nhau thì người có tài sản đấu giá xem xét, quyết định lựa chọn một trong các tổ chức đó.
Trường hợp trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ mà tổ chức ĐGTS có người đại diện theo pháp luật hoặc đấu giá viên của tổ chức bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật về tội vi phạm quy định về hoạt động bán ĐGTS do thực hiện hành vi nhân danh, vì lợi ích hoặc có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của tổ chức ĐGTS đó thì tổ chức ĐGTS đó bị trừ 50% tổng số điểm.
Bảng tiêu chí đánh giá, chấm điểm tổ chức ĐGTS theo thang điểm 100, cụ thể: Nhóm tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá gồm 05 tiêu chí với tổng số 23 điểm; nhóm tiêu chí về phương án đấu giá khả thi, hiệu quả gồm 06 tiêu chí với tổng số 22 điểm; nhóm tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức ĐGTS gồm 08 tiêu chí chia các mức với tổng số 45 điểm; nhóm tiêu chí về thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí ĐGTS phù hợp gồm 03 tiêu chí với tổng số 05 điểm; nhóm tiêu chí các tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định với 05 điểm và tiêu chí bắt buộc phải có tên trong danh sách các tổ chức ĐGTS do Bộ Tư pháp công bố.
Bên cạnh đó, Thông tư quy định về việc thông báo, hủy bỏ kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; các trường hợp người có tài sản đấu giá từ chối đánh giá hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn của tổ chức đấu giá tài sản; trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, cơ quan chủ quản của người có tài sản đấu giá và nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Bổ trợ tư pháp và các đơn vị có liên quan, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố.
Trách nhiệm của các chủ thể có liên quan
Thông tư quy định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá; nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Bổ trợ tư pháp, cụ thể:
Người có tài sản đấu giá có trách nhiệm thông báo công khai việc lựa chọn, đánh giá, chấm điểm các tiêu chí lựa chọn và chịu trách nhiệm về kết quả lựa chọn tổ chức ĐGTS; xem xét, xác minh thông tin phản ánh về việc tổ chức ĐGTS cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông tin về tiêu chí trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn; báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc lựa chọn và kết quả lựa chọn tổ chức ĐGTS kèm theo kết quả xác minh trong trường hợp tổ chức ĐGTS cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông tin về tiêu chí trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn; trách nhiệm khác theo quy định của Luật ĐGTS, Thông tư này và quy định pháp luật có liên quan.
Cục Bổ trợ tư pháp là đơn vị tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về ĐGTS, có nhiệm vụ, quyền hạn sau: Hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Thông tư này; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về việc lựa chọn tổ chức ĐGTS theo thẩm quyền; công bố trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về ĐGTS thông tin các tổ chức ĐGTS không thực hiện thông báo công khai việc ĐGTS theo quy định tại Điều 57 Luật ĐGTS; nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật ĐGTS, Thông tư này và pháp luật có liên quan.
Thông tư cũng quy định trách nhiệm của cơ quan chủ quản của người có tài sản đấu giá; nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/03/2022./.