Đưa người dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc: Làm thế nào để “thân thiện”?
Ngày đăng : 16:53, 01/03/2022
Sáng nay 1/3, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ tư thẩm tra bước đầu Dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Các ý kiến thống nhất sự cần thiết ban hành Pháp lệnh để thực hiện quy định tại khoản 5 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma tuý.
Một nội dung đáng chú ý là Dự thảo Pháp lệnh quy định một số mặt và yêu cầu của thủ tục thân thiện như: Phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tổ chức thân thiện; người tiến hành phiên họp không mặc áo choàng; việc hỏi phải phù hợp lứa tuổi, có mức độ phát triển, trình độ văn hoá, hiểu biết của người bị đề nghị...
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Thanh Lam – Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội, “nguyên cái trình tự này mà nói thân thiện cũng khó và bản thân tôi cũng thấy mệt nữa là một đứa trẻ lớp 6”.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam. |
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Văn Hồi bày tỏ đồng tình cao với yêu cầu đảm bảo “thân thiện”, song ông đề nghị cần làm rõ mục tiêu và nội hàm bản chất. Thân thiện không chỉ là những hình ảnh, tranh vẽ, phòng ốc có tính chất phù hợp với trẻ vị thành niên và trẻ em mà còn liên quan câu hỏi, kỹ năng của người tham gia.
Cũng theo ông Hồi, ở nhiều nước, trước khi tòa quyết định đều có tham vấn cán bộ chuyên môn công tác xã hội đánh giá nhân thân, thực trạng quan hệ gia đình; trẻ tiếp tục được đi học thế nào cho phù hợp, nếu cách ly thì ai chăm sóc, có vấn đề tâm lý ra sao... Cùng với đó, thẩm phán được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức làm việc với trẻ em và các nhóm đặc thù.
Đại biểu Phạm Thuý Chinh – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách đánh giá dự thảo chưa toát lên được sự “thân thiện” khi quy định còn rải rác và mờ nhạt dù đây là một trong 6 mục đích đặt ra khi xây dựng chính sách.
“Có nhiều yếu tố quyết định đến sự “thân thiện”, trong đó có yếu tố con người, mà thẩm phán có vai trò quan trọng. Phiên họp có thân thiện hay không phụ thuộc vào thẩm phán. Do đó, ngoài yêu cầu thẩm phán có kinh nghiệm còn cần phải nắm vững khoa học giáo dục với người dưới 18 tuổi” – nữ đại biểu nhấn mạnh và đề nghị quy định ngay trong Pháp lệnh hoặc giao TAND Tối cao hướng dẫn nội dung này.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trần Công Phàn lưu ý mục đích “thân thiện” phải được toát lên trong cả Pháp lệnh và cần có hướng dẫn như thẩm phán tham gia giải quyết đáp ứng yêu cầu gì, hình thức phiên họp, thủ tục... ra sao.
Liên quan vấn đề này, Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lưu ý, đây là loại việc đặc thù, nên cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thêm thủ tục thân thiện cũng như các yêu cầu nói chung để thực hiện có hiệu quả thủ ục này.
Cần bố sung nguyên tắc bảo đảm thủ tục thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị để nghị tại phần quy định chung trong dự thảo Pháp lệnh; đồng thời rà soát để bố sung một số quy định của thủ tục thân thiện vào các điều khoản có liên quan.
Trong đó, nhóm nghiên cứu đề xuất cần rà soát, bổ sung một khoản trong dự thảo Pháp lệnh có nội dung: Phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tổ chức thân thiện; bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người bị đề nghị; người tiến hành phiên họp mặc trang phục hành chính của Tòa án nhân dân, không mặc áo choàng; Thầm phán được phân công tiến hành phiên họp bảo đảm quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh này; phòng họp được bổ trí thân thiện, an toàn.
Trong phiên họp, cha mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp có mặt để hỗ trợ người bị để nghị. Việc hỏi phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa, hiểu biết của người bị đề nghị. Câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc; chi đặt câu hỏi để làm rõ hành vi vi phạm.
Trên cơ sở quy định chung trên, giao Chánh án TANDTC quy định chi tiết để thi hành./.