Giới thiệu Tạp chí Kiểm sát số 04/2022
Ngày đăng : 10:43, 24/02/2022
Trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, những yêu cầu về đổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp nói chung và của Viện kiểm sát nhân dân nói riêng phải luôn được đặt ra trên cơ sở thực thi các nguyên tắc pháp quyền có sự phân công rành mạch, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cơ quan, tổ chức, công dân; bảo vệ quyền con người; đó là nội dung được đề cập trong bài viết: “Nâng cao vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của tác giả Nguyễn Văn Nông trên chuyên mục VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TRONG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM.
Trong những năm qua, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết án ma túy đã đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Bài viết: “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết án ma túy trong thời gian tới” của tác giả Nguyễn Thị Mai Nga tại chuyên mục CÔNG TÁC KIỂM SÁT đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết án ma túy trước sự gia tăng về số lượng cũng như tính chất ngày càng phức tạp của loại tội phạm này.
Tại chuyên mục NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI, có bài: “Một số vướng mắc khi áp dụng thủ tục rút gọn vụ án hình sự” của tác giả Hồ Ngọc Thảo, nêu ra những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần kịp thời tháo gỡ: Chưa có quy định riêng về thời hạn kháng cáo, kháng nghị và thời hạn chuyển hồ sơ vụ án áp dụng theo thủ tục rút gọn khi có kháng cáo, kháng nghị từ Tòa án cấp sơ thẩm đến Tòa án cấp phúc thẩm; thời hạn tạm giam đối với các bị cáo đang bị tam giam trong trường hợp phiên tòa rút gọn bị tạm ngừng hoặc bị hoãn…
Việc đánh giá chứng cứ, xác định tội danh thường gặp khó khăn đối với nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe (như giết người, cố ý gây thương tích) và tội danh liên quan (gây rối trật tự công cộng) do hành vi vượt quá của các đồng phạm. Bài viết: “Về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng” của tác giả Nguyễn Thị Tuyết Nhung trên chuyên mục THỰC TIỄN - KINH NGHIỆM nêu một số trường hợp dễ nhầm lẫn trong việc định tội danh và kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Ngoài ra, Tạp chí Kiểm sát số 04 còn có các bài viết khác đáng chú ý như: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tự đào tạo và tuyên truyền pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai” của tác giả Nguyễn Thành Duy ; “Bình luận tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” của tác giả Đinh Văn Quế; “Về giới hạn xét xử phúc thẩm vụ án hình sự” của tác giả Hoàng Đình Dũng; “Quyền tự định đoạt của đương sự trong việc thay đổi, bổ sung yêu cầu” của tác giả Phan Thành Nhân - Nguyễn Thị Trà My; “Những vướng mắc, bất cập của Luật tố tụng hành chính năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Mai Văn Sinh - Lê Minh Truyền…
Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc!