VKSND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Công an TP. Hồ Chí Minh thực hiện một số quy định của BLTTHS về bắt tạm giữ và phân loại xử lý vụ việc
Ngày đăng : 12:11, 23/02/2022
Quy chế gồm 6 Điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc phối hợp, phối hợp trong giai đoạn bắt, tạm giữ, phối hợp phân loại, xử lý vụ việc trong giai đoạn bắt, tạm giữ và hiệu lực thi hành, tổ chức thực hiện. Việc xây dựng Quy chế nhằm mục đích đảm bảo tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật; đảm bảo giải quyết việc bắt, tạm giữ, phân công, xử lý vụ việc kịp thời và đúng pháp luật. |
Tham dự buổi Lễ có đồng chí Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Thanh Liêm, Trưởng Ban Nội chính TP. Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh; đồng chí Đỗ Mạnh Bổng, Viện trưởng VKSND TP. Hồ Chí Minh; Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh; đồng chí Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh.
Tại buổi Lễ, đại diện VKSND TP. Hồ Chí Minh đã tóm tắt quá trình triển khai xây dựng Quy chế. Theo đó, việc thực hiện theo các quy định trong Quy chế sẽ bảo đảm việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời. Điều tra viên, Kiểm sát viên có thời gian tập trung giải quyết các vụ án khác, nhất là các vụ án tạm đình chỉ điều tra, nâng cao chất lượng khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án hình sự, hoàn thành và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội, Thành ủy và cơ quan cấp trên giao.
Phát biểu tại Lễ ký kết, đồng chí Đỗ Mạnh Bổng, Viện trưởng VKSND TP. Hồ Chí Minh đánh giá, từ khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực đến nay, Lãnh đạo Công an và VKSND Thành phố đã chủ động phối hợp chỉ đạo Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát hai cấp triển khai thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao, từ đó đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt là đạt và vượt nhiều chỉ tiêu nghiệp vụ quan trọng theo Nghị quyết của Quốc hội. Các nhiệm vụ chính trị do cấp ủy, chính quyền Thành phố, Quốc hội và các chỉ tiêu của hai Ngành đều hoàn thành xuất sắc. Từ đó, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Tuy nhiên, trong công tác phối hợp trong việc bắt, tạm giữ, phân loại xử lý vụ việc ban đầu giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát hai cấp thời gian qua còn có lúc chưa kịp thời, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác hai Ngành.
Xuất phát từ thực tiễn trên, VKSND TP. Hồ Chí Minh và Công an TP. Hồ Chí Minh đã thống nhất cùng xây dựng Quy chế phối hợp để thực hiện các bước tố tụng từ phân loại, xử lý vụ, việc trong giai đoạn bắt, tạm giữ.
Việc ký kết Quy chế phối hợp nhằm tăng cường hơn nữa công tác phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu theo quy định của Quốc hội, của hai Ngành và tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; chống lạm dụng bắt người, tạm giữ, tạm giam. Các trường hợp cụ thể gồm: Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã; tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt theo quyết định truy nã. |
Để thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp vừa được ký kết giữa hai Ngành, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Cơ quan điều tra các các cấp thuộc Công an Thành phố khẩn trương quán triệt đến Điều tra viên, Cán bộ điều tra thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo VKSND TP. Hồ Chí Minh xem xét chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ và VKSND 21 quận, huyện, TP. Thủ Đức quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Cơ quan điều tra trong quá trình phối hợp, đánh giá các tài liệu chứng cứ để áp dụng các Quyết định, thủ tục tố tụng liên quan theo quy định tại Quy chế phối hợp đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật./.