Vướng mắc trong công tác kiểm sát quyết định công nhận hòa giải thành tại Tòa án
Ngày đăng : 08:00, 13/03/2022
Luật hòa giải đối thoại tại Tòa án năm 2020 đã có hiệu lực một năm nhưng qua công tác kiểm sát các quyết định công nhận hòa giải thành tại Tòa án còn có một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể:
Thứ nhất, về hình thức của quyết định:
Quyết định công nhận hòa giải thành tại Tòa án hiện nay đã có công văn số:235/TANDTC-PC ngày 31/12/2021 về việc một số biểu mẫu về quyết định công nhận, không công nhận kết quả hòa giải thành, đội thoại thành. Các biểu mẫu Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án, mẫu Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các bên tham gia hòa giải tại Tòa án tại Điều 2 trong phần Quyết định của Tòa án ghi, “Quyết định này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ký, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hánh án dân sự”. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 36 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định: Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án. Như vậy, khi kiểm sát quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án thì đúng theo mẫu của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nhưng lại không đúng với Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Thứ hai, về kiểm sát hồ sơ công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án:
Hiện nay vẫn chưa có văn bản chính thức nào về việc Tòa án phải cung cấp tài liệu, hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp để kiểm sát việc lập hồ sơ của Tòa án, do đó Viện kiểm sát không thể nắm được thời gian mà các đương sự nộp các tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Điểm a khoản 3 Điều 4 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2014 quy định: “Khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: (a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp hồ sơ, tài liệu để Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định trong hoạt động tư pháp”, tuy nhiên, đây là quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; còn khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự phải căn cứ vào quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 và Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020.
Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định trình tự, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hoà giải viên, qua quá trình kiểm sát vẫn không có nội dung về việc Tòa án phải cung cấp. Nếu muốn thực hiện tốt được chức năng kiểm sát VKS có thể dựa trên cơ sở phối hợp tốt với Tòa án, qua đó yêu cầu Tòa án tạo điều kiện cho VKS được tiếp cận hồ sơ hoặc sao chép một số tài liệu có trong hồ sơ để phục vụ cho công tác kiểm sát.
Thứ ba, về hình thức sổ thụ lý kiểm sát các quyết định:
Theo Quyết định số 399/QĐ-VKSTC ngày 06/9/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao ban hành về quy trình, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án thì sau khi nhận được quyết định do Tòa án chuyển đến, cán bộ Kiểm sát phải vào Sổ thụ lý kiểm sát quyết định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy trước khi ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, Tòa án không tiến hành thụ lý vụ việc mà ban hành quyết định ngay, đồng nghĩa với việc có thể không thụ lý vụ việc nhưng lại có kết quả giải quyết. Vậy khi kiểm sát quyết định trên, Kiểm sát viên sẽ tiến hành cập nhật trong cột, mục nào? Việc nhập sổ sách hay nhập phần mềm sẽ được tiến hành cập nhật ra sao? Điều này có thể dẫn đến những khó khăn trong báo cáo kết quả số liệu và trong công tác kiểm sát.
Thứ tư, về quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án và việc thi hành quyết định công nhận kết quả hòa giải thành:
Theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, quyết định công nhận kết quả hòa giải thành sẽ được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Tuy nhiên, theo các điều 1, 2 Luật thi hành án dân sự năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) và Điều 482 BLTTDS năm 2015 thì không quy định về quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án. Nói cách khác, phạm vi điều chỉnh của Luật thi hành án dân sự là những bản án, quyết định dân sự được ban hành theo thủ tục tố tụng dân sự quy định tại BLTTDS. Việc quy định một quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được ban hành đặc thù theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 nhưng lại có hiệu lực bắt buộc thi hành như một quyết định được ban hành theo thủ tục tố tụng dân sự.
Thứ năm, về lập phiếu kiểm sát quyết định công nhận kết quả hoà giải thành tại Tòa án:
Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc ban hành mẫu văn bản tố tụng, nghiệp vụ tạm thời trong lĩnh vực kiểm sát hoạt động tư pháp. Hiện nay, vẫn chưa có mẫu về phiếu kiểm sát quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án nên các VKSND cấp huyện chỉ tạm thời áp dụng theo mẫu số 14/DS theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của VKSND tối cao về việc ban hành mẫu văn bản tố tụng, nghiệp vụ tạm thời trong lĩnh vực kiểm sát hoạt động tư pháp.
Với những khó khăn vướng mắc nêu trên, để áp dụng pháp luật thống nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm sát quyết định công nhận hòa giải thành tại Tòa án, tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:
Một là, trước khi ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, Tòa án cần phải tiến hành thụ lý vụ việc để có đầu vào và đầu ra đảm bảo việc báo cáo số liệu. Đồng thời, cần bổ sung biểu mẫu để Tòa án áp dụng cho thống nhất.
Hai là, VKSND tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể và xây dựng quy trình về việc kiểm sát các văn bản tố tụng của Tòa án gửi cho Viện kiểm sát, hành vi tố tụng của Thẩm phán trong quá trình thụ lý giải quyết vụ, việc nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động của Tòa án thực chất và hiệu quả.
Ba là, trường hợp thụ lý vụ việc thì kết quả giải quyết, Thẩm phán vẫn phải tuân theo quy định của BLTTDS và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 203 BLTTDS năm 2015.
Bốn là, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên không phù hợp với quy định của pháp luật để đảm bảo quyết định có khả năng thi hành./.