Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em
Ngày đăng : 06:10, 23/02/2022
Các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm rõ tính đầy đủ, toàn diện của hệ thống pháp luật hiện hành về phòng chống bạo lực trẻ em; trách nhiệm của Bộ và các đơn vị, lực lượng chức năng có liên quan trong xử lý các vụ việc bạo lực trẻ em trong thời gian gần đây; nguyên nhân xảy ra các vụ bạo lực trẻ em nghiêm trọng; hiệu quả của cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng chống bạo lực trẻ em; nhân lực tại cơ sở thực hiện công tác trẻ em…
Toàn cảnh Phiên giải trình về nội dung "Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em". (Ảnh:CTV) |
Trả lời các vấn đề này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tình hình xâm hại trẻ em năm 2021 mặc dù giảm 1,6% số vụ xâm hại nhưng diễn biến phức tạp; công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức, để xảy ra một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội.
Về pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực trẻ em, Bộ trưởng nhấn mạnh, hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em tương đối đầy đủ, toàn diện. Các tổ chức quốc tế về lĩnh vực này đều đánh giá cao việc kịp thời ban hành pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em của Việ Nam. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật đã và đang đi vào cuộc sống. Gần đây, việc xử lý các vụ việc liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em cũng đã nhanh chóng và kiên quyết hơn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, các biện pháp áp dụng can thiệp trợ giúp thời gian vừa qua cơ bản là kịp thời. Tuy nhiên, một số quy định liên quan đến trẻ em chưa được hướng dẫn, triển khai kịp thời; không ít địa phương, cấp ủy chính quyền chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề này.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện nay đạo đức xã hội xuống cấp ở 1 nhóm bộ phận xã hội; xung đột gia đình và việc ứng xử của người lớn hậu ly hôn; cùng với đó, đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên thế giới, trong đó có vấn đề thực hiện quyền trẻ em… là một trong số nhiều nguyên nhân cơ bản dẫn đến các vụ bạo lực đối với trẻ em.
Để hoàn thiện quy định pháp luật về lĩnh vực này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, thời gian tới, cần quan tâm, báo cáo đầy đủ quy định pháp luật nào đang thiếu, cần phải bổ sung, hoàn thiện. Đồng thời, đối với Luật phòng, chống bạo lực gia đình cần phải xác định phòng chống bạo lực trẻ em là 1 chủ thể thực sự, là một đối tượng bị tác động cùng với nữ giới; tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tiếp tục phối hợp với các cơ quan tư pháp xử lý nhanh, kịp thời tất cả các vụ việc bạo lực trẻ em xảy ra. Trong đó, lưu ý kịp thời phát hiện vụ việc nhanh nhất, kịp thời xử lý nhanh nhất, kịp thời xử lý nghiêm minh, kịp thời hỗ trợ tốt nhất đối với trẻ bị bạo hành, …
Về vấn đề tiếp tục tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em, ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, sau khi Quốc hội ban hành Luật Trẻ em và sau chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội năm 2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 121 thì công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em đã được các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương quan tâm hơn; nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của nhân dân được chú trọng, công tác tổ chức nắm bắt thông tin, xử lý vụ việc liên quan đến bạo lực trẻ em được triển khai tốt hơn, nhiều vụ việc được xử lý kịp thời, nghiêm minh, có tác dụng vừa trừng phạt thích đáng, vừa răn đe, phòng ngừa việc xảy ra các vụ việc tương tự ở trên địa bàn.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ, các văn bản điều chỉnh về lĩnh vực bạo lực trẻ em còn hạn chế, chưa bao quát hết các nội dung, đối tượng cần điều chỉnh trong lĩnh vực này; công tác thông tin, truyền thông ở cơ sở chưa thường xuyên, nhiều trẻ em và các bậc cha mẹ chưa biết về các địa chỉ tiếp nhận thông tin trong trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Tác động bất lợi của dịch bệnh Covid-19 tới cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, trong đó, tình trạng ly hôn, các bậc cha mẹ mất việc làm, không có thu nhập, trẻ em mồ côi, nghỉ học hoặc học trực tuyến trong thời gian dài...... cũng là những nguyên nhân quan trọng dẫn tới bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em, trong đó có nhiều vụ việc rất nghiêm trọng trong thời gian vừa qua, gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.
Về giải pháp, các đại biểu đề xuất tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em cùng với việc xây dựng, phổ biến các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, phòng ngừa các nguy cơ về bạo lực trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội hướng đến mục tiêu vì sự phát triển toàn diện của trẻ em Việt Nam.
Trên cơ sở các ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội, để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị, các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 20-CT/TƯ ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị "về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới", Luật trẻ em 2016, Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, trong đó chú trọng việc hoàn thiện các quy định về phòng, chống bạo lực trẻ em trong việc sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình; các quy định về bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em trong giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con trong Luật hôn nhân và gia đình…