Về loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội
Ngày đăng : 08:00, 07/03/2022
Sự cần thiết của việc quy định trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự “gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội”
Trước đây, vấn đề loại trừ trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với hành vi gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội tuy chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) nhưng quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm đã phát sinh và đặt ra yêu cầu phải giải quyết trong thực tiễn. Vì chưa được quy định trong BLHS, nên nếu trường hợp trong khi bắt giữ người mà gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì vận dụng chế định phòng vệ chính đáng để xử lý; nếu gây thiệt hại rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu TNHS về tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ. Một số trường hợp người dân tham gia đuổi bắt tội phạm thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nhưng để xảy ra thiệt hại gây lúng túng cho các cơ quan pháp luật khi xem xét xử lý vì không có căn cứ phù hợp. Dù việc bắt giữ người phạm tội là hành vi có ích cho xã hội nhưng việc chưa có cơ chế bảo vệ về mặt pháp lý trong trường hợp gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội phần nào dẫn đến tâm lý e ngại trong đấu tranh phòng, chống tội phạm của người dân; trong một số trường hợp, chính người thực thi nhiệm vụ bắt giữ còn lo ngại trách nhiệm mà không dám bắt giữ đến cùng.
Đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, BLHS năm 2015 đã bổ sung trường hợp “gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội” là một trường hợp loại trừ TNHS riêng biệt. Về mặt lý luận, sở dĩ việc gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội được loại trừ TNHS là bởi việc gây thiệt hại trong trường hợp này được coi là không có lỗi. Mặc dù hình thức gây thiệt hại có thể có dấu hiệu của hành vi cố ý gây thương tích, giết người, hủy hoại tài sản... được quy định trong phần các tội phạm của BLHS nhưng thiệt hại gây ra là kết quả của quá trình cân nhắc, tính toán thận trọng, kỹ lưỡng của người bắt giữ và đó là sự lựa chọn cuối cùng, duy nhất (không còn cách nào khác) để đạt được mục đích nhằm đưa người thực hiện hành vi phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật hình sự đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra ngay tức khắc hoặc để phục vụ quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Mặt khác, không thể phủ nhận tính nhanh chóng, cấp bách của việc bắt giữ người phạm tội. Trong các trường hợp bắt giữ người cụ thể, người bắt giữ căn cứ vào hoàn cảnh thực tế mà buộc phải gây thiệt hại ngay lập tức nếu không người phạm tội sẽ trốn thoát hoặc nhanh chóng ẩn nấp gây khó khăn cho việc truy đuổi. Chính vì vậy, việc người bắt giữ sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết gây hậu quả nghiêm trọng rất dễ xảy ra, cần phải có quy định cụ thể về trường hợp này để bảo vệ họ về mặt pháp lý, vừa thể hiện tinh thần đề cao hiệu quả đấu tranh phòng ngừa tội phạm, vừa góp phần loại trừ xu hướng tùy tiện sử dụng bạo lực hoặc vũ khí (hay vì động cơ cá nhân nào đó) dẫn đến xâm hại nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của người khác.
Có quan điểm cho rằng, khi bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội nếu cần thiết phải dùng vũ lực gây thiệt hại cho họ thì tiếp tục căn cứ chế định phòng vệ chính đáng để xem xét loại trừ TNHS như trước đây. Bởi lẽ, hành vi gây thiệt hại của người bắt giữ không ngoài mục đích nào khác là bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội và gây ra thiệt hại đối với người bị bắt giữ được cho là cần thiết. Tuy nhiên, theo tác giả, nếu căn cứ vào chế định phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết để xem xét loại trừ TNHS thì chưa bao quát hết các trường hợp gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, người ngay sau khi thực hiện tội phạm mới bị phát hiện và bị đuổi bắt hoặc khi bắt người bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam., người bị bắt chỉ trốn tránh, bỏ chạy, không có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực thì việc gây thiệt hại trong khi đuổi bắt người phạm tội không mang tính chất “phòng vệ”, vấn đề về “tình thế cấp thiết” cũng không được đặt ra. Để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, đảm bảo quyền của người bắt giữ người phạm tội phù hợp về lý luận và thực tiễn cũng như đảm bảo việc áp dụng pháp luật được thống nhất, cần thiết phải ghi nhận trường hợp loại trừ TNHS “gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội” với tư cách pháp lý là chế định riêng trong pháp luật hình sự.
Phạm vi và chủ thể được loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp “gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội”
Thứ nhất, phạm vi các trường hợp bắt giữ được loại trừ trách nhiệm hình sự
Việc xem xét loại trừ TNHS trong trường hợp gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội được áp dụng đối với các trường hợp sử dụng vũ lực cần thiết mà gây thiệt hại cho người bị bắt giữ trong khi “bắt giữ người phạm tội”. Cũng bởi chưa có quy định cụ thể về phạm vi các trường hợp bắt giữ được loại trừ TNHS nên còn có cách hiểu khác nhau trong trường hợp này:
Ý kiến thứ nhất, các trường hợp “bắt giữ người phạm tội” được loại trừ TNHS chỉ bao gồm trường hợp bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã vì trong các trường hợp bắt người khác, chủ thể bắt giữ là lực lượng Công an nhân dân có quyền sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vũ lực, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện khác để tấn công, truy bắt tội phạm, ngăn chặn người đang thực hiện hành vi phạm tội (khoản 15 Điều 16 Luật Công an nhân dân năm 2018). Công an nhân dân là lực lượng được trang bị đầy đủ kĩ năng, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ nên trong khi bắt giữ sẽ bảo đảm hạn chế tối đa việc gây thiệt hại cho người bị bắt giữ. Trong khi đó, bất cứ người nào cũng có quyền bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã nhưng pháp luật không quy định cụ thể họ được sử dụng vũ lực trong quá trình bắt, đồng thời không phải ai cũng thận trọng, chính xác trong hành động bắt giữ nên chế định loại trừ TNHS được áp dụng với các trường hợp bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã là hợp lý.
Ý kiến thứ hai, các trường hợp “bắt giữ người phạm tội” được loại trừ TNHS bao gồm tất cả các trường hợp bắt người theo quy định pháp luật tố tụng hình sự. Trong đó, “bắt giữ” được hiểu theo nghĩa hẹp là các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ. Cách hiểu này là về mặt ngôn ngữ, “bắt” và “bắt giữ” đều được hiểu với nghĩa là “bắt” (hạn chế sự tự do của người nào đó). Mặt khác, khi quy định về các biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), các nhà làm luật đều có sự phân biệt rõ “bắt người” và “giữ người” trong các điều luật về thủ tục, thẩm quyền mà không có quy định gọi chung các trường bắt người, giữ người là “bắt giữ”. Bộ luật Hình sự khi quy định về hành vi bắt, giữ trái pháp luật cũng phân biệt rõ các hành vi bắt và hành vi giữ (Điều 157 - tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”). Chính vì vậy, để đảm bảo tính hợp pháp, cẩn trọng khi xem xét loại trừ TNHS, “bắt giữ” chỉ được hiểu là các trường hợp bắt người.
Ý kiến thứ ba, các trường hợp “bắt giữ người phạm tội” được loại trừ TNHS bao gồm tất cả các trường hợp bắt người và giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo quy định pháp luật tố tụng hình sự. Theo đó, “bắt giữ” được hiểu theo nghĩa rộng hơn, gồm các trường hợp bắt người và trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Bởi lẽ, ngoài các trường hợp bắt người, giữ người trong trường hợp khẩn cấp cũng là biện pháp để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc ngăn chặn người thực hiện hành vi phạm tội trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. Khi áp dụng biện pháp này rất dễ xảy ra trường hợp người bị giữ chống trả. Tác giả đồng tình với cách hiểu này. Nếu chỉ hiểu “bắt giữ” là các biện pháp bắt người thì vô tình đã bỏ qua việc bảo vệ người thi hành công vụ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Nếu chỉ bó hẹp phạm vi các trường hợp “bắt giữ người phạm tội” được loại trừ TNHS chỉ bao gồm trường hợp bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã như ý kiến thứ nhất thì không bao quát hết được thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, có trường hợp đòi hỏi lực lượng bắt giữ phải sử dụng vũ lực gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị bắt giữ. Cần phải loại trừ TNHS cho lực lượng Công an nhân dân làm nhiệm vụ bắt giữ mới đảm bảo việc thực thi pháp luật hiệu quả.
Thứ hai, chủ thể được loại trừ trách nhiệm hình sự
Chủ thể được loại trừ TNHS trong trường hợp “gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội” có thể là bất cứ công dân nào hoặc có thể chỉ là người có quyền hạn theo quy định pháp luật, tùy theo việc áp dụng biện pháp bắt giữ nào.
Đối với trường hợp bắt người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã: Điều 111, Điều 112 BLTTHS năm 2015 quy định người nào cũng có quyền bắt người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc úy ban nhân dân nơi gần nhất. Bắt giữ người phạm tội là hành vi thể hiện tinh thần tích cực thực hiện nghĩa vụ của công dân đã được luật hóa trong BLHS và BLTTHS là tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chính vì vậy, việc quy định công dân được loại trừ TNHS nếu gây ra thiệt hại cần thiết khi bắt người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã là phù hợp.
Đối với các trường hợp bắt giữ như giữ trong trường hợp khẩn cấp; bắt bị can, bị cáo để tạm giam..., chỉ có những người có quyền được giao thi hành lệnh bắt, giữ mới được loại trừ TNHS. Tuy nhiên, thông thường trong các lệnh bắt, giữ người, chỉ một số cán bộ nhất định được phân công thực hiện việc bắt người. Vậy trong trường hợp người bị bắt giữ có hành vi chạy trốn hoặc chống trả mà cán bộ được phân công không thể thực hiện việc bắt giữ thì những người tham gia khác hỗ trợ bắt giữ và gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì có được loại trừ TNHS không? Tác giả cho rằng, trong các lệnh bắt, giữ người có yêu cầu chính quyền địa phương và các đơn vị vũ trang hỗ trợ khi cần thiết để thi hành nên để đảm bảo đạt được mục đích bắt người, pháp luật cần ghi nhận quyền được bắt giữ người và loại trừ TNHS khi gây thiệt hại cho người bị bắt giữ đối với cả lực lượng tham gia hỗ trợ bắt giữ người.
Điều kiện để được loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp “gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội”
Thứ nhất, việc bắt giữ người phạm tội là hợp pháp
Chỉ khi việc bắt giữ người phạm tội là hợp pháp thì mới đặt ra vấn đề xem xét loại trừ TNHS trong trường hợp có thiệt hại xảy ra. Để xác định việc bắt giữ người có hợp pháp hay không cần đối chiếu vào các quy định về căn cứ, quyền hạn, trình tự, thủ tục bắt giữ quy định tại BLTTHS. Chủ thể có quyền bắt giữ cần nắm chắc các căn cứ phát sinh quyền bắt giữ, xác định chính xác đối tượng bị bắt giữ và thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục trong các trường hợp bắt giữ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Việc bắt giữ người tác động trực tiếp đến quyền tự do về thân thể của công dân, là một trong những quyền nhân thân quan trọng nhất của con người, được quy định trong Hiến pháp. Vì vậy, cần hết sức thận trọng khi quyết định bắt giữ người, phải xác định chính xác đối tượng bị bắt giữ là người thực hiện hành vi phạm tội, dựa trên căn cứ thực tế mà người có quyền bắt giữ nhận thức được về hành vi phạm tội của người đó, có thể là trực tiếp phát hiện tội phạm, nhìn thấy tội phạm bị đuổi bắt hoặc qua các chứng cứ thu thập được như người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm xác nhận; phát hiện có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở, hoặc nơi làm việc... Hành vi mà người bị bắt giữ thực hiện phải là hành vi vi phạm pháp luật hình sự chứ không phải là hành vi vi phạm pháp luật khác (dân sự, hành chính) hay hành vi vi phạm kỷ luật. Điều này nảy sinh một vấn đề là trong một số trường hợp, chủ thể bắt giữ không nhận thức ngay được hậu quả của hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không nên bắt giữ cả những đối tượng mà hành vi của họ chỉ có tính chất nguy hiểm nhất định mà không cấu thành tội phạm như trộm cắp, gây rối trật tự công cộng... Theo quan điểm của tác giả, quy định người bị bắt giữ là người “thực hiện hành vi phạm tội” nên chủ thể bắt giữ không cần thiết phải nhận thức đầy đủ về các yếu tố cấu thành tội phạm đã thực hiện, chỉ cần đối tượng đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì chủ thể có quyền bắt giữ.
Đối với các trường hợp bắt bị can, bị cáo để tạm giam; bắt người đang bị truy nã, việc xác định người thực hiện hành vi phạm tội đã được các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành trước đó thể hiện bằng các quyết định tố tụng như quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can..., khi bắt người, đòi hỏi người có quyền bắt giữ phải có những thông tin cụ thể, chính xác và xác nhận người đó đúng là đối tượng cần bắt, tránh tình trạng bắt nhầm người. Trường hợp bắt nhầm người gây thiệt hại trong bất cứ trường hợp bắt giữ nào thì đều không được loại trừ TNHS.
Thứ hai, việc sử dụng vũ lực gây thiệt hại đối với người bị bắt giữ là biện pháp cuối cùng và duy nhất
Điều 24 BLHS năm 2015 quy định về việc sử dụng vũ lực của người bắt giữ là “. không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại.” thể hiện tính không thể không sử dụng vũ lực, việc sử dụng vũ lực đối với người bị bắt giữ cũng là biện pháp cuối cùng và duy nhất để ngăn chặn người bị bắt giữ tiếp tục thực hiện hành vi tội phạm hoặc trốn tránh việc bắt giữ. Điều đó có nghĩa là việc sử dụng vũ lực gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội là biện pháp cấp bách, phải được áp dụng ngay tức khắc mà trong hoàn cảnh đó không còn biện pháp nào khác. Nếu không áp dụng biện pháp đó thì người phạm tội có thể có đủ thời gian và điều kiện để thoát khỏi việc bị bắt giữ để đưa đến cơ quan có thẩm quyền.
Việc xác định khi nào “buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại” tùy thuộc vào nhận định của chủ thể bắt giữ trên cơ sở người bị bắt giữ có hành vi chống trả hay trốn tránh trong từng trường hợp cụ thể. Nếu quá trình bắt giữ, người bị bắt giữ không có bất kỳ hành động phản kháng, chống cự nào, đều thực hiện theo yêu cầu của người bắt giữ, thậm chí có cơ sở cho rằng người thực hiện hành vi phạm tội sẽ, đã hoặc đang đi tự thú, đầu thú. thì việc sử dụng vũ lực của chủ thể bắt giữ không được đặt ra. Hành vi chống trả, trốn tránh của người bị bắt giữ phải được biểu hiện ra bên ngoài như: Dùng vũ lực tấn công người bắt giữ; dùng vũ lực uy hiếp làm hại bản thân hoặc những người khác xung quanh; cố thủ trong nhà, phương tiện; chủ động bỏ chạy. Chủ thể bắt giữ trong quá trình thực hiện các thủ tục bắt giữ phải quan sát, phán đoán để có phản ứng “sử dụng vũ lực” kịp thời, ngăn chặn người bị bắt giữ bỏ trốn. Tuy nhiên, không phải trong tất cả các trường hợp người bị bắt giữ có biểu hiện chống trả, trốn tránh đều làm phát sinh quyền sử dụng vũ lực ngay, mà việc sử dụng vũ lực đối với người bị bắt giữ phải đáp ứng điều kiện là biện pháp cuối cùng và là duy nhất. Quá trình bắt giữ, người bị bắt giữ có biểu hiện chống trả, trốn tránh có thể xảy ra các tình huống:
Tình huống thứ nhất, người bị bắt giữ tuy có biểu hiện, hành vi chống trả, trốn tránh nhưng tính chất, mức độ không mạnh mẽ, quyết liệt thì có thể sử dụng các biện pháp khác như vận động, giáo dục, thuyết phục, thậm chí đe dọa sử dụng vũ lực. Chỉ khi áp dụng tất cả các biện pháp đó mà không hiệu quả và không còn biện pháp nào khác thì mới áp dụng biện pháp sử dụng vũ lực để bắt giữ.
Tình huống thứ hai, ngay từ đầu người bị bắt giữ đã có thái độ, hành động phản kháng ở mức độ mạnh, có tính nguy hiểm cao hay có sự chuẩn bị công cụ, phương tiện, vũ khí. mà thông qua sự đánh giá, tính toán của chủ thể bắt giữ nhận thấy khả năng sử dụng các biện pháp khác sẽ không có hiệu quả thì việc sử dụng vũ lực ngay được coi là cách duy nhất để đạt được mục đích bắt giữ.
Việc sử dụng vũ lực trong trường hợp bắt giữ người phạm tội được hiểu là hành vi dùng sức mạnh vật chất (bao gồm sức mạnh thể chất và sức mạnh của vật chất) tác động vào thân thể người bị bắt giữ làm cho người đó không thể thực hiện các hành vi chống trả hoặc trốn tránh việc bắt giữ. Dùng sức mạnh của chính người bắt giữ để khống chế như dùng thế võ khóa tay, vật ngã. Sức mạnh vật chất là việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để tác động vào thân thể nạn nhân như dùng súng, dùi cui. Quyết định khi nào sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực như thế nào là do đánh giá của người bắt giữ trong từng trường hợp cụ thể. Trong các trường hợp phải sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, việc chủ thể bắt giữ sử dụng vũ lực với người bị bắt giữ phải đảm bảo là người đang có hành vi chống trả và hành vi này đã bắt đầu nhưng chưa kết thúc. Nếu hành vi chống trả của người bị bắt giữ đã kết thúc mà chủ thể bắt giữ vẫn sử dụng vũ lực thì phải chịu TNHS.
Thứ ba, thiệt hại gây ra do sử dụng vũ lực cho người bị bắt giữ đã có hành vi chống trả, trốn tránh
Điều 24 BLHS năm 2015 quy định rõ việc sử dụng vũ lực là “gây thiệt hại cho người bị bắt giữ”. Việc gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội chỉ có một mục đích duy nhất, đó là chấm dứt sự chống trả, trốn tránh của người bị bắt giữ để đưa đến cơ quan có thẩm quyền, làm cho người đó không thể tiếp tục thực hiện tội phạm hoặc tiếp tục trốn tránh sự truy nã. Để đạt được mục đích này, chủ thể bắt giữ sử dụng vũ lực tác động lên cơ thể người bị bắt giữ và gây thiệt hại cho chính họ mà không phải gây thiệt hại cho người nào khác. Trường hợp chủ thể bắt giữ dùng vũ lực gây thiệt hại cho những người khác (khống chế người thân, bạn bè, đồng nghiệp hoặc hủy hoại tài sản) để tạo áp lực buộc người bị bắt giữ phải dừng lại hành vi chống cự, phản kháng của họ thì chủ thể bắt giữ thực hiện hành vi gây thiệt hại trong trường hợp này phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Trên thực tế, trong cuộc bắt giữ, chủ thể bắt giữ có thể gặp sự phản kháng, chống đối của những người khác như người thân thích, bạn bè, đồng nghiệp,. thậm chí có trường hợp còn dùng vũ lực tấn công để cản trở việc bắt giữ hoặc giúp sức cho người bị bắt giữ tẩu thoát. Chủ thể bắt giữ không còn cách nào khác là phải dùng vũ lực với người có hành vi cản trở này để có thể bắt giữ được đối tượng và gây thiệt hại cho họ. Trong trường hợp này, chính bản thân những người khác có hành vi cản trở, chống đối chủ thể bắt giữ đã trở thành người thực hiện hành vi phạm tội (hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác, hành vi chống người thi hành công vụ,...) và việc bắt giữ họ là đúng theo quy định pháp luật.
Thiệt hại gây ra cho người bị bắt giữ bao gồm thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản, chủ yếu là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, còn thiệt hại tài sản cũng có nhưng rất ít xảy ra. Thiệt hại về tài sản của người bị bắt giữ thường xảy ra trong các trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội lẩn trốn, cố thủ trong nhà, trên phương tiện cần phá cửa, nhà hoặc phương tiện mới bắt giữ được. Tuy nhiên, không phải lúc nào tài sản bị thiệt hại cũng là của người bị bắt giữ. Một vấn đề cần giải quyết là để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà buộc phải dùng vũ lực gây thiệt hại đến tài sản của người khác thì chủ thể bắt giữ có phải chịu TNHS không? Theo tác giả, khi bắt giữ người phạm tội mà chủ thể bắt giữ gây thiệt hại về tài sản cho người khác một cách cần thiết mà nếu không gây thiệt hại thì không thể thực hiện việc bắt giữ thì vẫn được xem xét để loại trừ TNHS.
Thứ tư, thiệt hại gây ra do sử dụng vũ lực không vượt quá mức cần thiết
Quá trình bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội, trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu TNHS. Chính vì vậy, điều kiện để loại trừ TNHS cho chủ thể bắt giữ chính là thiệt hại gây ra do sử dụng vũ lực không vượt quá mức cần thiết (được hiểu là thiệt hại gây ra vừa đủ làm chấm dứt sự chống trả, trốn tránh của người bị bắt giữ; vừa đủ để khống chế thân thể, tiến hành bắt giữ). Do đó, đòi hỏi chủ thể bắt giữ phải hết sức thận trọng khi sử dụng vũ lực và cân nhắc kỹ giữa mục đích cuối cùng được đặt ra là bắt giữ được người thực hiện hành vi phạm tội và hậu quả thiệt hại có thể xảy ra của việc sử dụng vũ lực khi bắt giữ.
Để xem xét thiệt hại gây ra do chủ thể bắt giữ sử dụng vũ lực có vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội hay không cần phải căn cứ vào mối tương quan giữa lực lượng tiến hành việc bắt giữ và người bị bắt giữ; tính chất, mức độ nguy hiểm, cường độ của hành vi chống trả, trốn tránh việc bắt giữ; vũ khí, phương tiện, cách thức chống trả, trốn tránh của người bị bắt giữ; các biện pháp sử dụng vũ lực của chủ thể bắt giữ; thời gian, địa điểm bắt giữ; nhận thức, nhân thân của người bị bắt giữ... Nếu biện pháp sử dụng vũ lực là cần thiết, hợp lý thì dù người bị bắt giữ có bị thiệt hại về tính mạng thì chủ thể bắt giữ cũng được loại trừ TNHS. Còn nếu hành vi sử dụng vũ lực của chủ thể bắt giữ gây hậu quả làm thiệt hại rõ ràng là quá mức cần thiết so với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi chống trả, tấn công hay trốn tránh của người bị bắt giữ, hoàn toàn chưa đến mức phải dùng các phương tiện và phương pháp đã sử dụng để bắt giữ, dẫn đến thiệt hại cho người bị bắt giữ do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội thì người bắt giữ phải chịu TNHS.
Đảm bảo vì lợi ích chung của xã hội và động viên, khuyến khích người dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, việc gây thiệt hại do sử dụng vũ lực vượt quá mức cần thiết phải biểu hiện “rõ ràng” thì chủ thể bắt giữ mới phải chịu TNHS. Vậy, đối với trường hợp vượt quá mức cần thiết nhưng chưa đến mức “rõ ràng” thì có được loại trừ TNHS không? Tác giả cho rằng, trong trường hợp này nếu không chứng minh được sự rõ ràng quá mức cần thiết thì bắt buộc phải hiểu chủ thể bắt giữ đã sử dụng vũ lực một cách cần thiết, thiệt hại gây ra không vượt quá mức cần thiết và được loại trừ TNHS.
Một số kiến nghị
Điều 24 BLHS năm 2015 quy định về tình tiết loại trừ TNHS “gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội” là một trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự mới, lần đầu tiên được quy định trong luật hình sự Việt Nam. Với một số nội dung còn có nhiều cách hiểu khác nhau, các cơ quan liên ngành tư pháp trung ương cần có văn bản hướng dẫn để việc nhận thức và áp dụng pháp luật thống nhất. Cụ thể là:
Một là, về phạm vi các trường hợp bắt giữ được loại trừ TNHS: Phạm vi các trường hợp bắt giữ người phạm tội được loại trừ TNHS quy định theo hướng gồm các trường hợp bắt người và trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo quy định pháp luật tố tụng hình sự. Quy định như vậy là phù hợp với lý luận về các biện pháp bắt người, giữ người, bao quát hết được thực tiễn áp dụng các biện pháp này trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và đảm bảo việc thực thi pháp luật trong việc bắt giữ người phạm tội được hiệu quả.
Hai là, về chủ thể được loại trừ TNHS: Không chỉ các chủ thể có nhiệm vụ, quyền hạn bắt người, giữ người trong trường hợp khẩn cấp mà những lực lượng khác tham gia hỗ trợ bắt, giữ người theo lệnh, quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật tố tụng hình sự cũng cần được xem xét loại trừ TNHS khi gây thiệt hại. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực thi có hiệu quả các quy định pháp luật hình sự, xử lý đúng người, đúng tội và cũng là biện pháp nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp người thực hiện công vụ.
Ba là, về loại trừ TNHS trong trường hợp gây thiệt hại đến tài sản của người khác trong khi bắt giữ người phạm tội: Trong khi bắt giữ người phạm tội, việc chủ thể bắt giữ gây thiệt hại đến tài sản của người khác (không phải là tài sản của người phạm tội) hoàn toàn có thể xảy ra. Cần có quy định bổ sung việc loại trừ TNHS trong trường hợp này nếu việc gây thiệt hại đó là thực sự cần thiết, thể hiện ở việc nếu không gây thiệt hại thì không thể thực hiện việc bắt giữ. Trên thực tế, việc bắt giữ người phạm tội không phải lúc nào cũng diễn ra tại nơi ở, nơi làm việc của người phạm tội, có những trường hợp bắt giữ người phạm tội ở bất cứ đâu làm thiệt hại đến tài sản của người khác như trong các trường hợp bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã. Việc quy định gây thiệt hại đến tài sản của người khác trong khi bắt giữ người phạm tội cũng có thể được xem xét loại trừ TNHS có ý nghĩa động viên, khuyến khích quần chúng nhân dân tham gia bắt giữ tội phạm, xây dựng và phát triển xã hội, nhất là trong tình hình tội phạm hiện nay ngày càng gia tăng và phức tạp.
Bên cạnh các nội dung kiến nghị cần hướng dẫn nêu trên, về kỹ thuật lập pháp, một số từ ngữ sử dụng trong Điều 24 BLHS năm 2015 quy định về tình tiết loại trừ TNHS “gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội” cần được sửa đổi đảm bảo sự nhất quán về hình thức như: Trong khi tên điều luật sử dụng thuật ngữ “người phạm tội” thì khoản 1 Điều 24 sử dụng thuật ngữ “người thực hiện hành vi phạm tội”. Điều 24 BLHS năm 2015, sử dụng cụm từ “sử dụng vũ lực”, nhưng tại Phần các tội phạm của BLHS lại sử dụng cụm từ “dùng vũ lực”. Mặc dù về nghĩa không khác nhau nhưng cần sử dụng thống nhất để đảm bảo kỹ thuật lập pháp./.