Một số khó khăn về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động của tòa án liên quan đến trọng tài thương mại

Ngày đăng : 08:00, 23/01/2022

(Kiemsat.vn) - Từ thực tiễn công tác, tác giả nêu một số khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án liên quan đến hoạt động của trọng tài thương mại, như: Kiểm sát hoạt động chỉ định, thay đổi Trọng tài viên; kiểm sát việc đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc, việc hủy phán quyết trọng tài của Tòa án và kiểm sát hoạt động thi hành phán quyết Trọng tài.

1. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động của Tòa án liên quan đến hoạt động của Trọng tài thương mại Việt Nam

Theo Điều 414 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, một số nội dung liên quan đến hoạt động Trọng tài thương mại Việt Nam thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (khoản 2 Điều 31 BLTTDS năm 2015), được quy định là việc dân sự (Chương XXXII - Thủ tục giải quyết việc dân sự). Theo đó, thủ tục giải quyết các việc dân sự liên quan đến hoạt động của Trọng tài thương mại Việt Nam được tiến hành theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại Việt Nam (Điều 415 BLTTDS năm 2015). Từ thực tiễn kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động của Tòa án liên quan đến Trọng tài thương mại Việt Nam cho thấy một số vướng mắc trong quy định của pháp luật, gây khó khăn cho công tác này.

- Kiểm sát hoạt động chỉ định, thay đổi Trọng tài viên:

Hoạt động chỉ định Trọng tài viên được quy định tại Điều 41 Luật trọng tài thương mại (TTTM) năm 2010 và Điều 8 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 hướng dẫn thi hành một số quy định Luật trọng tài thương mại (Nghị quyết số 01/2014). Theo đó, sau khi ban hành Quyết định chỉ định trọng tài viên của Tòa án, “trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, Tòa án gửi quyết định cho các bên, Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên Trọng tài vụ việc” (khoản 5 Điều 8 Nghị quyết số 01/2014), trong đó không quy định việc Tòa án gửi cho Viện kiểm sát (VKS), điều này mâu thuẫn với Mẫu số 01 kèm theo Nghị quyết, tại phần Nơi nhận có “Viện kiểm sát nhân dân…. (cùng cấp)”. Mặt khác, tại Hướng dẫn số 29/HD-VKSTC của Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 01/11/2018 về phát hiện vi phạm và thực hiện quyền kháng nghị đối với những vi phạm trong việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, quy định đối tượng kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong vụ việc kinh doanh thương mại, lao động quy định tại đoạn 2 Mục I.1 không bao gồm Quyết định chỉ định, thay đổi Trọng tài viên; nói cách khác đối tượng kháng nghị là bản án, quyết định có ảnh hưởng tới nội dung vụ án, ảnh hưởng tới quyền lợi các bên, còn quyết định về thủ tục, trình tự giải quyết khi có vi phạm thì VKS ban hành kiến nghị khắc phục vi phạm. Do đó, khi có vi phạm về thủ tục đối với hoạt động chỉ định, thay đổi Trọng tài viên của Tòa án, VKS chỉ có thể ban hành kiến nghị khắc phục vi phạm. Quy định tại khoản 5 Điều 8 Nghị quyết số 01/2014 và Mẫu số 01 nêu trên có thể dẫn tới trường hợp: Tòa án ra quyết định chỉ định Trọng tài viên có thể tùy nghi gửi cho VKS cùng cấp bất cứ thời gian nào, vì vậy VKS  không có căn cứ để kiến nghị vi phạm pháp luật; hoặc Tòa án không gửi quyết định chỉ định Trọng tài viên cho VKS thì VKS cũng không có căn cứ để kiến nghị, yêu cầu gửi quyết định để kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với quyết định chỉ định Trọng tài viên của Tòa án.

- Kiểm sát hoạt động thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng:

Như đã viện dẫn căn cứ tại Điều 414 và Điều 31 BLTTDS năm 2015, hoạt động tố tụng thu thập tài liệu, chứng cứ, triệu tập người làm chứng của Tòa án là một loại việc dân sự, do BLTTDS năm 2015 và Luật TTTM năm 2010 quy định (hoạt động tư pháp). Đây là việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do luật định, đòi hỏi phải được kiểm sát đầy đủ, chặt chẽ từ trình tự thu thập chứng cứ đến nội dung của chứng cứ sao cho bảo đảm đầy đủ thuộc tính của chứng cứ mới có giá trị giải quyết tranh chấp thương mại của Trọng tài viên, Hội đồng trọng tài, bảo đảm quyền và lợi ích các bên.

Về hoạt động thu thập chứng cứ, theo quy định tại khoản 6 Điều 46 Luật TTTM năm 2010, Điều 11 Nghị quyết số 01/2014 thì Thẩm phán thụ lý có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp chứng cứ cho Tòa án và “gửi văn bản đó” cho VKS cùng cấp để kiểm sát trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công. Quy định chỉ gửi văn bản yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ của Tòa án cho VKS chưa bảo đảm khả thi để thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật, bởi vì VKS không có các tài liệu khác đi kèm để đánh giá việc ra văn bản yêu cầu của Tòa án là hợp pháp hay không. Thêm nữa, tại đoạn 3 khoản 6 Điều 46 Luật TTTM năm 2010 quy định “trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp, Tòa án phải thông báo cho Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu biết để tiến hành việc giao nhận chứng cứ”. Việc không quy định gửi cho VKS chứng cứ để đánh giá chứng cứ thu thập được và thông báo việc giao nhận chứng cứ cho VKS cũng chưa bảo đảm cơ chế kiểm sát đối với hoạt động của Tòa án trong việc thu thập chứng cứ phục vụ giải quyết vụ việc của Trọng tài.

Về hoạt động triệu tập người làm chứng, tại Điều 47 Luật TTTM năm 2010 quy định quyết định triệu tập người làm chứng, “Tòa án phải gửi ngay quyết định này cho Hội đồng trọng tài, người làm chứng, đồng thời gửi cho VKS cùng cấp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật”. Quy định trên còn mang tính định tính, một mặt chưa bảo đảm tính rõ ràng của pháp luật, mặt khác gây khó khăn khi kiểm sát việc triệu tập người làm chứng, việc giao nhận quyết định triệu tập người làm chứng.

- Kiểm sát việc đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc:

Đối với nội dung đăng ký phán quyết Trọng tài vụ việc, về thẩm quyền, trình tự thủ tục, nội dung, căn cứ, hình thức được quy định tại Điều 62 Luật TTTM năm 2010, Điều 13 Nghị quyết số 01/2014, tuy nhiên khi Tòa án ra quyết định đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc (Mẫu số 04 kèm theo Nghị quyết) hoặc ra thông báo từ chối đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc (Mẫu số 05 kèm theo Nghị quyết) thì không quy định về việc gửi cho VKS để kiểm sát quyết định, thông báo, điều này không bảo đảm việc kiểm sát đối với hoạt động của Tòa án.

Ngoài ra, tại Điều 62 Luật TTTM năm 2010 có quy định về quyền khiếu nại đối với thông báo từ chối đăng ký phán quyết trọng tài của người yêu cầu đăng ký phán quyết trọng tài, nhưng không có quy định về việc khiếu nại đối với quyết định đăng ký phán quyết trọng tài. Vì không có quy định gửi cho VKS để kiểm sát và ban hành kiến nghị nếu thông báo hay quyết định có vi phạm pháp luật, nên người yêu cầu đăng ký phán quyết chỉ còn một hướng duy nhất là thông qua hoạt động khiếu nại đối với Chánh án Tòa án có thẩm quyền và chỉ được khiếu nại đối với thông báo từ chối đăng ký phán quyết. Hoạt động giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án đối với việc ra thông báo từ chối đăng ký phán quyết trọng tài của Thẩm phán Tòa án mình là hoạt động tư pháp, nhưng Điều 62 Luật TTTM năm 2010 và Nghị quyết số 01/2014 hướng dẫn chưa quy định đầy đủ thủ tục và cũng không quy định căn cứ về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại đối với hoạt động này, do đó VKS chưa có cơ sở để thực hiện việc kiểm sát.

- Kiểm sát việc hủy phán quyết trọng tài của Tòa án nhân dân:

Điều 71 và Điều 68 Luật TTTM năm 2010, Điều 14 Nghị quyết số 01/2014 đã nêu ra căn cứ, trình tự thủ tục hủy phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, khi xảy ra trường hợp đình chỉ hay tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu, đối với việc gửi quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài không có quy định gửi và thời hạn gửi cho VKS; không có quy định hay hướng dẫn xử lý trong trường hợp hai quyết định trên có vi phạm pháp luật, điều này gây khó khăn cho công tác kiểm sát.

Ngoài ra, cần lưu ý tại Điều 15 Nghị quyết số 01/2014 quy định: “Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét đơn yêu cầu xem xét tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài khi có yêu cầu của một bên trong trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 71 Luật TTTM…”. Căn cứ, lý do duy nhất để tiến hành tạm đình chỉ là “để tạo điều kiện cho Hội đồng trọng tài khắc phục sai sót tố tụng trọng tài theo quan điểm của Hội đồng trọng tài nhằm loại bỏ căn cứ hủy bỏ phán quyết trọng tài”1, với điều kiện: (1) Phải có yêu cầu của một bên, (2) Hội đồng xét đơn xét thấy cần thiết phải tạm đình chỉ và thời hạn tạm đình chỉ không quá 60 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định. 

Một vấn đề bất cập khác là hoạt động kiểm sát đối với quyết định về việc hủy phán quyết trọng tài của Tòa án nhân dân. Khoản 10 Điều 71 Luật TTTM năm 2010 và Mục 2 Công văn số 07/TANDTC-KHXX ngày 13/01/2015 về việc thi hành pháp luật trọng tài thương mại (Công văn số 07/TANDTC) quy định quyết định về việc hủy phán quyết trọng tài là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành. Đây là loại quyết định đặc biệt của Tòa án, mang tính “chung thẩm” và không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, mặc dù ảnh hưởng đến việc giải quyết nội dung vụ án. Vì tính chất đặc biệt nên tại Công văn số 07/TANDTC cũng đã lưu ý “khi xem xét, giải quyết loại yêu cầu này các Tòa án cần thận trọng, xem xét khách quan toàn diện các tài liệu, chứng cứ, các vấn đề khác của vụ việc và căn cứ vào pháp luật hiện hành để có quyết định chính xác…”, mặt khác, khi rà soát Luật TTTM năm 2010 và văn bản hướng dẫn liên quan, chưa thấy có cơ chế kiểm tra giám sát đối với hoạt động này, mà chỉ có quy định hoạt động kiểm sát của VKS tại khoản 6 Điều 71 Luật TTTM năm 2010. Tuy nhiên, khi quyết định của Tòa án đã là quyết định cuối cùng thì VKS cũng chỉ có thể kiểm sát về hình thức như lỗi chính tả, số liệu… để yêu cầu Tòa án đính chính mà không có quyền kháng nghị về nội dung, không có cơ chế để yêu cầu Tòa án xem xét lại. Trường hợp Tòa án hủy quyết định trọng tài không có căn cứ, sai quy định pháp luật thì quyết định đó vẫn là quyết định hủy phán quyết trọng tài và có hiệu lực, phán quyết trọng tài sẽ không còn giá trị hoặc ngược lại, Tòa án ra quyết định không hủy phán quyết trọng tài thì phán quyết trọng tài có hiệu lực và vụ án đó coi như đã được giải quyết bởi cơ quan có thẩm quyền và do đó mất quyền khởi kiện dân sự, mà không có cơ chế để khắc phục. Điều này gây ra tâm lý e ngại của người dân khi lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, khiến cho việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài thương mại vẫn còn ở tỉ lệ thấp. Do đó, quyết định của Tòa án trong trường hợp này vẫn cần phải được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Chính vì vậy, cần nghiên cứu quy định trên để mở rộng thẩm quyền kháng nghị cho VKS bởi luật quy định chỉ có duy nhất VKS có quyền giám sát hoạt động của Tòa án khi xem xét không hủy hay hủy phán quyết trọng tài.

- Kiểm sát thủ tục tiếp nhận và thụ lý thi hành phán quyết trọng tài:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật TTTM năm 2010, nếu hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 69 Luật TTTM năm 2010, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự (THADS) có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiệu lực thi hành phán quyết của Hội đồng trọng tài được tính như thế nào? Tại Điều 61 và Điều 66 Luật TTTM năm 2010 xác định hiệu lực thi hành phán quyết trọng tài. Theo điểm g khoản 1 Điều 61 Luật TTTM năm 2010 thì trong phán quyết trọng tài có nội dung “thời hạn thi hành phán quyết”. Vì vậy, khi thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành phán quyết trọng tài của cơ quan THADS, để xác định cơ quan THADS tiếp nhận và thụ lý đơn yêu cầu thi hành án đúng hay không phải xác định cơ quan THADS có căn cứ vào hai nội dung: (1) Đã hết thời hạn thi hành phán quyết hay chưa? và (2) Bên phải thi hành phán quyết có yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài hay không?

Ngoài ra, đối với vụ việc được giải quyết bằng trọng tài vụ việc, khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan THADS, VKS phải xác định được phán quyết trọng tài vụ việc đã được đăng ký hay chưa, trình tự thủ tục, thẩm quyền, thời hạn đăng ký…. có đúng quy định pháp luật hay không, để xác định cơ quan THADS có thẩm quyền tiếp nhận, thụ lý đơn và cho thi hành phán quyết đúng hay không? Việc xác định cơ quan THADS thụ lý và cho thi hành phán quyết trọng tài vụ việc có căn cứ hay không phải dựa trên căn cứ quyết định thi hành án và các tài liệu, chứng cứ mà đương sự cung cấp cho cơ quan THADS khi chứng minh việc phán quyết trọng tài đã được đăng ký tại Tòa án.

- Kiểm sát về thời hiệu thi hành phán quyết trọng tài:

Theo Điều 30 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014) và Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS thì thời hiệu yêu cầu thi hành án là 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 5 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn… Theo khoản 5 Điều 61 Luật TTTM năm 2010 thì phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 66 Luật TTTM năm 2010 quy định đối với phán quyết của trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62 Luật TTTM năm 2010. Do vậy, khi kiểm sát thi hành phán quyết trọng tài, VKS cần xác định vụ việc đã được giải quyết theo thủ tục trọng tài quy chế hay trọng tài vụ việc để có thể kiểm sát chặt chẽ thời hiệu yêu cầu thi hành phán quyết. Lưu ý chỉ đối với thi hành phán quyết trọng tài vụ việc, thời hiệu yêu cầu thi hành án được tính bắt đầu từ thời điểm Tòa án ra quyết định đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc, do đó, khi tiến hành kiểm sát thời hiệu thi hành phán quyết, VKS phải tính đúng thời hiệu thi hành phán quyết trọng tài vụ việc chỉ còn khoảng 04 năm2, kể từ ngày phán quyết trọng tài có hiệu lực, không phải 05 năm theo Điều 30 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) để kiểm sát chặt chẽ có còn thời hiệu thi hành hay không./.       

Trần Trọng Hoàn, Nguyễn Minh Khôi