Những kết quả trong xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân, nhiệm kỳ 2016 - 2021
Ngày đăng : 08:00, 14/01/2022
1. Công tác xây dựng, triển khai thi hành pháp luật trong ngành Kiểm sát nhân dân
Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, trên cơ sở Công văn số 1083/VPCP-PL của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi Luật tương trợ tư pháp năm 2007 theo hướng tách thành các luật chuyên ngành, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật tương trợ tư pháp hình sự; tích cực phối hợp với các bộ, ngành hữu quan tổng kết 10 năm thi hành Luật tương trợ tư pháp năm 2007 và tiến hành nhiều hoạt động khác phục vụ việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp đầu năm 2020 để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, từ năm 2016 - 2021, ngành Kiểm sát nhân dân đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm chủ trì soạn thảo của VKSND tối cao hướng dẫn thi hành các đạo luật quan trọng về tư pháp, hướng dẫn thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 2014 trong ngành Kiểm sát nhân dân. Trong đó, có 08 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2014; 01 Thông tư của Viện trưởng VKSND tối cao quy định về công tác thi đua khen thưởng trong ngành Kiểm sát nhân dân; 11 Thông tư liên tịch giữa VKSND tối cao với các bộ, ngành hữu quan quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đến nay, các văn bản đã được ban hành (đạt tỉ lệ 100%); có chất lượng tốt, bảo đảm cụ thể, rõ ràng, khả thi, tăng cường trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, người có thẩm quyền trong giải quyết các vụ án, vụ việc, phát huy hiệu quả trong thực tiễn thi hành pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và của ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng.
Hiện nay, VKSND tối cao đang chủ trì xây dựng 02 Thông tư liên tịch thuộc trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân; công tác xây dựng, ban hành 02 Thông tư nêu trên đang được tiến hành đúng kế hoạch và tiến độ, bảo đảm chất lượng đã đặt ra trong từng giai đoạn.
Ngoài 07 đạo luật lớn trong lĩnh vực tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành các đạo luật này, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan xây dựng, triển khai thi hành nhiều dự án luật do các bộ, ngành hữu quan chủ trì soạn thảo như: Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Luật đất đai, Luật đặc xá, Luật giám định tư pháp, Luật đấu giá tài sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai, Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật tương trợ tư pháp về dân sự...;
Cùng với việc phối hợp xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, VKSND tối cao cũng tích cực phối hợp với tư cách thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập, xây dựng hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật khác do các bộ, ngành hữu quan chủ trì soạn thảo nhằm quy định chi tiết thi hành các đạo luật sau khi được ban hành. Riêng năm 2018, VKSND tối cao đã phối hợp xây dựng, ban hành 57 văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành các đạo luật, bao gồm: Phối hợp xây dựng, ban hành 13 Thông tư liên tịch, 13 Nghị định của Chính phủ, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 14 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và 15 Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành. Năm 2019, VKSND tối cao đã phối hợp với các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, xây dựng 19 dự án Luật, 03 dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; phối hợp nghiên cứu, xây dựng 03 văn bản quy phạm pháp luật do VKSND tối cao chủ trì (trong đó 02 văn bản đã được ban hành; 01 văn bản đang trong quá trình xin ý kiến các bộ, ngành lần cuối để trình lãnh đạo liên ngành xem xét, ban hành), 05 Thông tư liên tịch do VKSND tối cao phối hợp, ban hành, trong đó có 01 Thông tư liên tịch đã được ban hành, 04 Thông tư liên tịch đang trong quá trình xây dựng; 55 văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành hữu quan ban hành. Trong đó, có 12 văn bản đã được ban hành.
Chỉ tính riêng 06 tháng đầu năm 2019, VKSND tối cao đã trực tiếp tham gia phối hợp xây dựng, ban hành 04 Thông tư liên tịch thuộc trách nhiệm chủ trì của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Tài chính; tham gia phối hợp xây dựng 54 văn bản quy phạm pháp luật trong đó có 24 Nghị định của Chính phủ, 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 17 Thông tư của các Bộ, ngành thuộc Chính phủ và 07 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Trên cơ sở quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp liên quan đến hoàn thiện pháp luật, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã chỉ đạo thực hiện tốt, đầy đủ trách nhiệm của VKSND tối cao trong chủ trì, phối hợp xây dựng các dự án luật và các văn bản quy phạm quy định chi tiết thi hành. Kết quả công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp nói chung và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND nói riêng.
2. Công tác triển khai, thi hành pháp luật trong ngành Kiểm sát nhân dân
2.1. Công tác xây dựng, ban hành các quy chế, quy định nghiệp vụ và các văn bản khác thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phục vụ triển khai thi hành pháp luật
Thực hiện chủ trương “đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành.
Nhằm bảo đảm việc triển khai, thi hành kịp thời, hiệu quả Luật tổ chức VKSND năm 2014 và các đạo luật về tư pháp được Quốc hội khóa XIII và XIV thông qua, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chỉ thị, kế hoạch về công tác triển khai thi hành pháp luật như: Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 12/01/2016 về triển khai thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân; Kế hoạch số 05/KH-VKSTC ngày 12/01/2016 về việc thực hiện Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 12/01/2016; Kế hoạch số 90/KH-VKSTC ngày 10/8/2017 về việc triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của VKSND; Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 14/9/2017 về việc tăng cường công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong ngành Kiểm sát nhân dân... Nội dung các chỉ thị, kế hoạch này đã xác định các nhiệm vụ triển khai thi hành pháp luật và phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị, VKSND thực hiện, trong đó, nhấn mạnh nhiệm vụ rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản hướng dẫn thi hành các đạo luật thuộc thẩm quyền ban hành của Viện trưởng VKSND tối cao. Kết quả, hệ thống 26 quy chế về tổ chức và hoạt động của các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao và hệ thống các quy chế, quy định nghiệp vụ cùng với hệ thống 448 biểu mẫu tố tụng thuộc 08 lĩnh vực công tác của VKSND đã được hoàn thiện, phù hợp với quy định mới của pháp luật; nhiều quy trình, kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong các lĩnh vực đã và đang được xây dựng, ban hành nhằm thống nhất nhận thức về áp dụng pháp luật và tăng cường kỹ năng của Kiểm sát viên, công chức trong ngành khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Với mục đích tăng cường công tác hướng dẫn, giải đáp vướng mắc trong áp dụng các đạo luật mới về tư pháp khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 28/12/2017 về tăng cường việc thỉnh thị, trả lời thỉnh thị, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Trên cơ sở đó, VKSND tối cao đã tích cực thực hiện công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn, hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc về pháp luật và nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp. Đối với những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật, những quy định pháp luật còn có nhận thức khác nhau liên quan đến trách nhiệm hướng dẫn, giải thích của cơ quan có thẩm quyền khác, Viện trưởng VKSND tối cao đã có văn bản kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, giải thích. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác triển khai thi hành pháp luật, trên cơ sở đó, góp phần nâng cao năng lực công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ của VKSND, tạo tiền đề cho việc hoàn thành tốt các chỉ tiêu công tác chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm của VKSND.
2.2. Công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiện toàn tổ chức bộ máy và bảo đảm triển khai thi hành pháp luật
Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã kịp thời chỉ đạo tổ chức tập huấn, quán triệt quy định mới của pháp luật, đặc biệt là các đạo luật mới về tư pháp đến toàn thể đội ngũ Kiểm sát viên, Điều tra viên, công chức khác và viên chức trong toàn ngành và đã đạt một số kết quả cụ thể như sau:
- Tổ chức quán triệt, tập huấn các đạo luật về tư pháp trong toàn ngành với nhiều hình thức như tổ chức thông báo nhanh nội dung mới của các luật, pháp lệnh, nghị quyết; tổ chức tập huấn chuyên sâu theo từng lĩnh vực. Trên cơ sở đó, các đơn vị, VKSND cấp dưới chủ động tổ chức tập huấn, giới thiệu nội dung mới của các luật, pháp lệnh, nghị quyết. Nhiều hội nghị tập huấn ở các VKSND cấp dưới có sự tham gia của cơ quan đảng, cơ quan tư pháp khác cùng cấp.
- Biên soạn và phát hành 06 cuốn sách tuyên truyền về 07 đạo luật về tư pháp, có nội dung giới thiệu những quy định mới trên cơ sở so sánh với các luật hiện hành và các sách chuyên khảo.
- Tổ chức biên soạn lại hệ thống giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu các đạo luật mới tại các cơ sở đào tạo của ngành.
- Tổ chức cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên” nhằm phát động phong trào nghiên cứu, tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trong toàn ngành, góp phần phổ biến pháp luật cho nhân dân.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung 07 đạo luật trên các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử của ngành và các ấn phẩm khác do VKSND tối cao xuất bản.
- Ban cán sự đảng VKSND tối cao tập trung chỉ đạo làm tốt công tác kiện toàn, đổi mới tổ chức bộ máy và đội ngũ Kiểm sát viên, Điều tra viên, công chức, viên chức của VKSND các cấp, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của các đạo luật mới, tăng cường bảo đảm cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác cho việc thi hành các đạo luật.
Có thể nói, kết quả công tác triển khai thi hành pháp luật của VKSND các cấp giai đoạn 2021 - 2026 đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong ngành Kiểm sát nhân dân, bảo đảm thực hiện nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đầy đủ các nội dung, chính sách, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, các quy định pháp luật có liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND, là một trong những cơ sở quan trọng góp phần tiếp tục thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045.
3. Định hướng công tác xây dựng, triển khai thi hành pháp luật của ngành Kiểm sát nhân dân trong giai đoạn cải cách tư pháp 2021 - 2026
Trên cơ sở các nội dung của Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, triển khai thi hành pháp luật của ngành Kiểm sát nhân dân trong giai đoạn tiếp theo của cải cách tư pháp (2021 - 2026), Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã ban hành Kế hoạch số 50-KH/BCSĐ ngày 18/01/2020 triển khai thực hiện Kết luận số 84, xác định các nhiệm vụ trọng tâm và định hướng công tác cải cách tư pháp của VKSND giai đoạn 2021 - 2026, trong đó, có định hướng về xây dựng, triển khai thi hành pháp luật của ngành Kiểm sát nhân dân, gồm:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện tốt các quy định, chỉ thị, kế hoạch của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành pháp luật, tập trung vào Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 14/8/2017 về tăng cường công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong ngành Kiểm sát nhân dân; Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 28/12/2017 và Quyết định số 599/QĐ-VKSTC ngày 06/12/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của VKSND tối cao được xác định tại Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV; hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh bảo đảm tiến độ, chất lượng, theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ ba, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các đạo luật về tư pháp, các thông tư liên tịch, các quy trình, quy định, quy chế hướng dẫn nghiệp vụ đã được ban hành. Đồng thời, tiếp tục rà soát các quy định có liên quan đến trách nhiệm của VKSND trong các luật, nghị quyết để chủ động hoặc đề xuất xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện quy định của các luật, nghị quyết. Ngoài các nội dung trên, Ban cán sự đảng VKSND tối cao còn chỉ đạo toàn ngành tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện các quy trình, kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp bảo đảm nhận thức, áp dụng thống nhất các quy định mới của pháp luật; phát hành Sổ tay hướng dẫn quy trình, kỹ năng nghiệp vụ cho Kiểm sát viên; phối hợp chặt chẽ với Vụ pháp chế và quản lý khoa học trong việc thẩm định, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản theo đúng quy định của pháp luật và của ngành.
Thứ tư, tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, trả lời thỉnh thị, thông báo rút kinh nghiệm trong ngành Kiểm sát nhân dân. Trong đó, Ban cán sự đảng VKSND tối cao yêu cầu toàn ngành chấp hành nghiêm quy định về công tác hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về pháp luật, nghiệp vụ; báo cáo thỉnh thị, trả lời thỉnh thị trong ngành Kiểm sát nhân dân (ban hành kèm theo Quyết định số 599/QĐ-VKSTC ngày 06/12/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao); phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức có năng lực, hiểu biết, nắm vững các quy định của pháp luật, quy chế, quy định của ngành thực hiện hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, trả lời thỉnh thị; tăng cường tổ chức hội nghị chuyên đề giải đáp vướng mắc qua thực tiễn công tác của VKSND các cấp và xuất bản các ấn phẩm tổng hợp nội dung hướng dẫn, giải đáp vướng mắc phát hành trong toàn ngành.
Thứ năm, tổ chức công tác sơ kết, tổng kết việc thi hành pháp luật, tập trung vào sơ kết, tổng kết việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và các quy chế, quy định, quy trình, hướng dẫn nghiệp vụ của ngành.
Thứ sáu, chú trọng việc xây dựng và tăng cường chất lượng chuyên trang, chuyên mục về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó, cần tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014 gắn với công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật và cải cách tư pháp, nhấn mạnh vào một số nội dung trọng tâm như: Nội dung các chính sách mới trong các luật, nghị quyết của Quốc hội mới được ban hành hoặc có hiệu lực năm 2020 và năm 2021, tập trung vào các luật, nghị quyết liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND; chủ trương, nhiệm vụ về cải cách tư pháp được đề cập trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và kết quả thực hiện trong ngành Kiểm sát nhân dân.../.