Triển khai tích cực, hiệu quả chương trình phòng chống ma túy năm 2021

Ngày đăng : 13:43, 26/01/2022

(Kiemsat.vn) - Năm 2021, công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội cho giáo viên, phụ huynh và học sinh tại trường học được triển khai tích cực, có hiệu quả theo Kế hoạch số 599/KH-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Kết quả tích cực trong hình thức tuyên truyền mới

Ngày 24/6/2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 599/KH-BGDĐT về triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia giao năm 2021. 

Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Viện PSD tổ chức chương trình tuyên truyền công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội cho học sinh.

Theo kế hoạch này, kết quả thực hiện nhiệm vụ đến hết tháng 12/2021, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD (Viện PSD) đã phối hợp với 07 tỉnh thành trong cả nước: Lạng Sơn, Long An, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Đắk Lắk, Bắc Giang để triển khai thực hiện công tác tập huấn, tuyên truyền, truyền đạt, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, trau dồi kỹ năng cần thiết về công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội cho đội ngũ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ phụ trách công tác Đoàn, Đội trong trường học, học sinh và phụ huynh.

Theo đó, khoảng 20.000 học sinh, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, cán bộ Đoàn, Đội của các trường của 7 địa phương trên đã được tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm và tệ nạn xã hội với 31 chương trình được tổ chức hình thức trực tiếp và trực tuyến; đã có 10.566 cuốn tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh và cha mẹ học sinh tại các tỉnh Lạng Sơn, Long An, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Đăk Lắk.

Xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể thông qua xét nghiệm nước tiểu học sinh.

Cùng với đó, Viện PSD đã thực hiện khảo sát thực trạng phòng chống ma túy (PCMT) tại các trường học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Đắk Nông với tổng số 4.487 người. Trong số 5 nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch 599, có một nhiệm vụ lần đầu tiên được triển khai ở nước ta, đó là: thí điểm xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể (thông qua xét nghiệm nước tiểu) cho học sinh. Chuyên viên Viện PSD trực tiếp thực hiện công tác xét nghiệm. 

Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo Viện PSD Vũ Thị Bền cho biết: Đã thí điểm xét nghiệm chất ma túy trong nước tiểu cho 3009 học sinh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, qua đó, phát hiện 18 học sinh dương tính với chất gây nghiện như thuốc phiện, ma túy tổng hợp: thuốc lắc, ma túy đá, cỏ Mỹ, cần sa… Viện PSD đã, đang phối hợp với gia đình, nhà trường làm rõ nguyên nhân dương tính với chất gây nghiện và hỗ trợ, can thiệp ban đầu đến gia đình, học sinh.

PGS.TS Mai Văn Hưng, Phó Viện trưởng điều hành Viện PSD đưa ra những thông tin khoa học về cơ chế gây nghiện và cho rằng, cung cấp lượng kiến thức khoa học về cơ chế gây nghiện, tái nghiện ma túy và những kỹ năng phòng, chống là rất cần thiết cho giáo viên và các cán bộ quản lý.

Với nhiệm vụ tuyên truyền, tập huấn, đặc biệt là kiến thức về các loại ma túy mới, ma túy trá hình đồng thời cung cấp kỹ năng ứng phó, Viện PSD đã xây dựng các bài giảng là các chuyên đề sâu, sát; vừa khoa học vừa thực tiễn, sinh động và giá trị. Trong đó, PGS.TS Mai Văn Hưng, Viện trưởng Viện PSD trực tiếp trình bày chuyên đề “Cơ chế nghiện và tái nghiện ma túy” và giới thiệu Bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy do; 02 chuyên đề “Tình hình phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm”, “Can thiệp dự phòng nghiện ma túy” của Đại tá Tạ Đức Ninh, Phó Viện trưởng Viện PSD; Chuyên đề “Kỹ năng nhận diện ma túy mới và kỹ năng nhận biết người sử dụng ma túy” của Tiến sĩ danh dự Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện PSD…

Ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện PSD hướng dẫn kiến thức toàn diện về loại, chất và mức độ nguy hiểm của ma túy, những loại ma túy mới; chia sẻ tấm gương cai nghiện ma túy thành công

Một hoạt động đặc biệt thu hút sự quan tâm là phần chia sẻ của tấm gương cai nghiện ma túy thành công. Đó là những cá nhân đại diện cho nhiều tấm gương thoát khỏi ma túy bằng chính phương pháp cai nghiện toàn diện của Viện PSD. Nay họ đã trở thành chuyên viên của Viện, là doanh nhân thành công hoặc là công dân có đóng góp tích cực hướng đến cộng đồng. Những chia sẻ hoàn toàn thực tế và sinh động đó có ý nghĩa giáo dục hiệu quả, đặc biệt tác động tích cực với đối tượng là học sinh THCS, THPT… giúp các em không dùng/thử ma túy dù chỉ một lần.

Thuận lợi và thách thức

Ông Lê Đức Hiền, Phó Viện trưởng Thường trực Viện PSD cho biết: Quá trình thực hiện kế hoạch 599 của Bộ GD&ĐT tại 7 địa phương ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam càng khẳng định công tác phòng chống ma túy, đặc biệt phòng chống ma túy đối với thế hệtrẻ, học sinh luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Quốc gia. Điều đó cũng thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời, thiết thực, hiệu quả của Bộ GD&ĐT. Đây là hoạt động bản lề cho một giai đoạn hành động mới - giai đoạn tập trung vào công tác phòng ngừa vững chắc cho học sinh mà trọng tâm là tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng ngừa để từng bước xây dựng thành nhiệm vụ chiến lược có tính chất lâu dài; tạo đà cho những năm tiếp theo. 

Chương trình tuyên truyền có giáo cụ trực quan sẽ giúp các em học sinh có kiến thức toàn diện, trực tiếp về ma túy, tác hại của ma túy và có kỹ năng thực tế để phòng tránh.

Thực tế qua 7 địa phương nêu trên có thể nhìn thấy rõ hơn thực trạng hiện nay các trường học còn rất thiếu thông tin, kiến thức về phòng, chống ma túy; nhu cầu về tuyên truyền, tập huấn, tài liệu về kiến thức kỹ năng phòng ngừa ma túy trong trường học rất lớn và cấp bách. Do có sự hưởng ứng tích cực, đồng thuận từ các Sở GD&ĐT các tỉnh, các trường học, đã phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc và tạo điều kiện thuận lợi cho Viện PSD triển khai các nhiệm vụ. Đồng thời, cũng tạo điều kiện để Bộ GD&ĐT cũng như Viện PSD rút kinh nghiệm, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hơn nữa để tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong thời gian tiếp theo. 

Giáo viên, cán bộ quản lý, cán bộ Đoàn, Đội tham gia Chương trình tập huấn về công tác phòng chống ma túy.

Bên cạnh những kết quả tích cực, còn đó những khó khăn, hạn chế: Các nhiệm vụ phòng chống ma túy trong trường học năm 2021 hầu hết có tính chất đổi mới toàn diện nên lúc đầu nhiều địa phương không khỏi lúng túng, bỡ ngỡ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Đại dịch Covid-19 gặp không ít trở ngại, nhiều Bộ, ngành được giao nhiệm vụ không có điều kiện dành nhiều thời gian cho việc thực hiện. 
Cùng với đó, các nhiệm vụ giao tại Công văn 1477/VPCP-KGVX ngày 09/3/2021 của Văn phòng Chính phủ không có trong dự toán ngân sách của Bộ, ngành và địa phương năm 2021. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều phải tập trung các nguồn lực để phòng, chống dịch nên không thể bố trí kinh phí trong tài khóa ngân sách năm 2021. Do đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên việc xã hội hóa nguồn lực còn hạn chế.

Kế hoạch 599/KH-BDGĐT triển khai thực hiện 05 nhiệm vụ phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học 2021.

1.    Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng công tác phòng, chống ma túy trong trường học.

2.    Tổ chức chương trình tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, Đội trong các trường học trên toàn quốc.

3.    Xã hội hóa các chương trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội trong trường học.

4.    Phối hợp thí điểm xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể (thông qua xét nghiệm nước tiểu) cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển các phương tiện giao thông.

5.    Triển khai Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng chống ma túy” và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh và học sinh. 

Được biết, kế hoạch về triển khai nhiệm vụ phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học sẽ tiếp tục được thực hiện tại các địa phương (còn lại) trên cả nước trong năm 2022. Viện PSD tiếp tục là đơn vị chủ trì thực hiện Kế hoạch, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ GD&ĐT.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã giao Viện PSD “Nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy cho sinh viên”. Đến nay Viện PSD đã biên soạn đề cương tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy cho sinh viên”; được Hội đồng thẩm định của Viện PSD thông qua, trình Bộ GD&ĐT phê duyệt cho biên soạn chính thức.

Trịnh Quyết