Giới thiệu Tạp chí Kiểm sát số Tân Xuân (Số 03/2022)

Ngày đăng : 10:13, 24/01/2022

(Kiemsat.vn) - Ban Biên tập trân trọng giới thiệu tới Quý vị độc giả Tạp chí Kiểm sát số Tân Xuân (số 03/2022), với các nội dung chính sau đây:

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng được xem là nhiệm vụ quan trọng liên quan đến sự tồn vong của chế độ, sự hưng suy của đất nước. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng công cuộc đấu tranh diệt trừ tham nhũng ở Việt Nam. Tư tưởng của Người không những “là tài sản vô cùng to lớn và quý giá”, mà còn là kim chỉ nam cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của ngành Kiểm sát nhân dân. Quan điểm này được thể hiện sâu sắc qua bài viết: “Vai trò của ngành Kiểm sát nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo tư tưởng Hồ Chí Minh” của tác giả Nguyễn Văn Vinh, trên chuyên mục SỰ KIỆN – VẤN ĐỀ.

Tại chuyên mục VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TRONG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, thông qua bài viết: “Quan điểm của V.I.Lênin về VKSND trong Nhà nước xã hội chủ nghĩa”, tác giả Lâm Quốc Tuấn đã khẳng định rằng: Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin về Nhà nước nói chung, Viện kiểm sát nói riêng là nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay để bảo vệ nền tảng tư tưởng, chính trị của Đảng và đưa sự nghiệp đổi mới đất nước tiếp tục giành thắng lợi, phát huy vai trò của VKSND trong đấu tranh và phòng ngừa những biểu hiện của sự “tha hóa” quyền lực nhà nước.

Để tạo bước chuyển biến tích cực trong việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế, theo lộ trình tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo xây dựng Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2021-2030”, trong đó nêu rõ định hướng về ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn nghiệp vụ. Bài viết: “Những nội dung trọng tâm về ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2021-2030” của tác giả Nhiếp Văn Ngọc – Phạm Tiến Thắng tại chuyên mục CÔNG TÁC KIỂM SÁT đã nêu những nội dung trọng tâm, từ đó đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện.

Tác giả Lê Thị Mơ – Trần Quốc Văn qua bài viết: “Bàn về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị của Viện kiểm sát theo thủ tục phúc thẩm vụ án hành chính” tại chuyên mục NGHIÊN CỨU – TRAO ĐỔI đã nêu lên thực trạng việc Luật tố tụng hành chính năm 2015 chưa quy định rõ thế nào là “không vượt quá phạm vi kháng nghị ban đầu” hay trường hợp cả Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp cùng kháng nghị bản án, quyết định sơ thẩm thì có giao cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp rút các kháng nghị không… đang là những khó khăn, vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ.

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, việc giải quyết một số vụ việc ly hôn bị chậm trễ do pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với trường hợp đương sự cư trú tại nước ngoài, không thể có mặt tại Việt Nam để tham gia tố tụng. Bài viết: “Xác định thẩm quyền giải quyết việc công nhận thuận tình ly hôn có yếu tố nước ngoài” của tác giả Lê Thị Hồng Hạnh tại chuyên mục THỰC TIỄN - KINH NGHIỆM đã nêu vụ việc trong thực tế và đề xuất hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc trên.

Ngoài ra, Tạp chí Kiểm sát số Tân Xuân còn có các bài viết đáng chú ý như: “Về triển khai thực hiện quy định ghi âm, ghi hình có âm thanh của Cơ quan điều tra VKSND tối cao” của tác giả Lê Hồng Thanh – Nguyễn Văn Vương; “Vướng mắc trong thụ lý, giải quyết các vụ vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” của tác giả Lê Văn Quang – Nguyễn Thị Thanh Huyền; “Một số quy định về kiểm tra tính liêm chính của Hungary – Kinh nghiệm đối với Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng” của tác giả Nguyễn Huyền My…

Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc!

Hạnh Thảo