Bình Phước: Những “hố tử thần” trong lòng Núi Gió?

Ngày đăng : 14:30, 10/01/2022

(Kiemsat.vn) - Tọa lạc tại ấp Núi Gió, xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản, mỏ đá Núi Gió là mỏ khoáng sản có quy mô lớn nhất tỉnh Bình Phước với tổng diện tích lên đến hơn 50ha. Tuy nhiên, sau gần 20 năm khai thác liên tục, nguồn tài nguyên gần như cạn kiệt và không thể tái sinh, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... là nỗi bức xúc của người dân sinh sống quanh khu vực.

 

Khai thác rầm rộ, “bức tử” môi trường sống?

Bình Phước được biết đến là vùng có tiềm năng về nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú. Việc khai thác và chế biến nguồn tài nguyên này đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho ngành công nghiệp, tăng nguồn thu ngân sách, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.

Mỏ đá Núi Gió đã bắt đầu khai thác liên tục đến nay đã gần 20 năm, việc khai thác Khoáng sản tại mỏ Núi Gió hiện vẫn đang được các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Bình Phước với quy mô khai thác gần 10ha, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Bình Long với quy mô hơn 17ha, Chi nhánh Công ty Cổ phần Hóa An khai thác với quy mô 18,5ha…

Có mặt tại khu vực mỏ đá Núi Gió, theo ghi nhận của Phóng viên (PV), hoạt động khai thác đá ở đây vẫn đang diễn ra bình thường, máy khoan đá, máy xay, máy nổ… đang hoạt động hết công suất; máy móc, thiết bị, dây điện nằm ngổn ngang trên mặt đất; đặc biệt, là bụi bặm do các phương tiện xay đá, vận chuyển đá làm cho một vùng mù mịt trắng xóa. Cả một vùng trời phủ kín bụi đá do hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển đá tại mỏ Núi Gió; trở thành nỗi ám ảnh cho người dân sinh sống trên địa bàn ấp Núi Gió, xã Tân Lợi. Không chỉ bị tra tấn bởi khói, bụi, tiếng ồn không thể chịu nổi, mà suốt nhiều năm qua, các hộ dân luôn phải sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ mỗi khi mỏ đá tiến hành nổ mìn phá đá, kéo theo những cơn rung chấn như “động đất”, khiến cho nhà cửa kiên cố cũng phải nứt vỡ.

Những “xác” ô tô, phương tiện khai thác nằm rải rác trong khu vực khai thác khoáng sản

Dây điện chằng chịt, nằm ngổn ngang trên mặt đất

Đi sâu vào khu vực khai thác, dọc theo sườn núi là cảnh tượng kinh hoàng với những vực sâu đến 50m giống như một “giếng trời” cùng với những hồ nước chứa đầy hóa chất, không hề có hàng rào bảo vệ. Phải biết rằng, trước đây, những vực sâu này chính là các khu vực có tài nguyên khoáng sản quý giá, sau nhiều năm nổ mìn, múc đá liên tục, tài nguyên thiên nhiên bị lấy đi và để lại những hố sâu hoắm. Có lẽ, để có thể phục hồi lại cảnh quan, môi trường sống sẽ phải cần rất nhiều thời gian, chi phí và nhân lực; và có lẽ, chẳng doanh nghiệp nào trong số những doanh nghiệp đang khai thác chấp nhận bỏ chi phí ra để làm việc đó.

Nơi khai thác khoáng sản biến thành vực sâu hơn 50m nhưng không có hàng rào bảo vệ

Hàng loạt các dấu hiệu sai phạm trong khai thác

Ghi nhận thông tin về tình hình khai thác tại mỏ đá Núi Gió, PV nhận thấy việc thực hiện các quy định của pháp luật trong khai thác khoáng sản, chấp hành quy định về thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công, việc tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, các quy định về an toàn, vệ sinh lao động và biện pháp bảo vệ môi trường... đều có những dấu hiệu sai phạm.

Mặc dù lao động trong điều kiện bụi đá mù mịt, công nhân lao động tại các mỏ đá lại không được trang bị đồ bảo hộ và các thiết bị an toàn khi lao động; đặc biệt là quanh khu vực khai thác có độ sâu đến 50m nhưng không hề có hành lang, rào chắn bảo vệ. Trong khi đó, các chủ doanh nghiệp vẫn khẳng định thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn lao động “như cam kết” (?)

 Công nhân lao động tại mỏ không trang bị đồ bảo hộ và các thiết bị an toàn

Không những thế, bất cứ ai khi tham gia giao thông trên đường 303, đoạn đi qua địa bàn xã Tân Lợi đều ngán ngẩm về tình trạng khói bụi tại đây. Nguyên nhân là các xe ben trọng tải lớn xếp thành hàng từ phía trong đường chuyên dùng của khu mỏ đá Núi Gió tham gia giao thông. Khói động cơ cũng như bụi đá từ các thùng xe ben rơi vãi xuống đường gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cũng theo nhiều người dân, xe ben trọng tải nặng chạy với tốc độ cao là hình ảnh khiến người dân nơi đây kinh hoàng, khiếp sợ mỗi khi ra đường; nhiều vụ tai nạn thương tâm đã diễn ra trên cung đường này và người chịu hậu quả chính là người tham gia giao thông trên các phương tiện mô tô, gắn máy. Đây cũng là tình trạng nhức nhối khiến người dân khổ sở suốt nhiều năm qua nhưng lại chưa có biện pháp xử lý, ngăn chặn triệt để nào từ phía chính quyền địa phương.

Đá văng đầy đường 303 do các xe vận chuyển đá từ mỏ Núi Gió đi qua

Với những dấu hiệu sai phạm khá rõ xung quanh hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh nguồn tài nguyên quốc gia; thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn xã Tân Lợi và huyện Hớn Quản cần khẩn trương vào cuộc làm rõ thông tin phản ánh, tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ nguồn khoáng sản hữu hạn đồng thời ngăn chặn những hành vi tàn phá môi trường, giải tỏa những bức xúc của người dân nơi đây.

PV sẽ tiếp tục thông tin tại kỳ sau!

Trang Vũ