Tập trung củng cố, tăng cường năng lực các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của ngành Kiểm sát đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Ngày đăng : 19:50, 23/12/2021

(Kiemsat.vn) - Sáng ngày 23/12, tại Hà Nội, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 60 năm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, đồng chí Nguyễn Quang Dũng; các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao và lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao. 

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, nối từ điểm cầu chính VKSND tối cao đến các điểm cầu: Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh; Viện kiểm sát quân sự Trung ương; Viện kiểm sát quân sự cấp Quân khu; Viện kiểm sát quân sự cấp Khu vực; VKSND cấp cao tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh; VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện trên toàn quốc.

Các điểm cầu trực tuyến tham gia Hội nghị.

Báo cáo tổng kết 60 năm công tác đào tạo, bồi dưỡng của ngành Kiểm sát nhân dân bằng hình ảnh cho thấy, với chặng đường hơn 60 năm phát triển, thấm nhuần quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên đủ đức, đủ tài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, ngành Kiểm sát nhân dân đã luôn quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; từng bước củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát có trình độ nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân;  bảo vệ tài sản của nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Đặc biệt là giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, xu hướng hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới, bên cạnh những tác động tích cực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì cũng đặt ra những khó khăn, thách thức về đời sống xã hội, an ninh trật tự và diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm. Những đạo luật về tư pháp mới ban hành, ghi nhận vai trò ngày càng lớn, trách nhiệm ngày càng nặng nề của ngành Kiểm sát nhân dân; cùng với đó yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp về việc xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người là những khó khăn, thách thức đặt ra đối với ngành Kiểm sát nhân dân.

Trong các giai đoạn phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân, Lãnh đạo VKSND tối cao luôn quan tâm, chủ động và tích cực thực hiện công tác tạo nguồn cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; các thế hệ cán bộ ngành Kiểm sát đáp ứng tốt yêu cầu cả về số lượng và chất lượng; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm hoàn thiện và đa dạng loại hình đào tạo; huy động mọi nguồn lực, cả trong nước và quốc tế cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo sự chuyển biến về chất, phục vụ sự phát triển lâu dài của Ngành; có sự phân công, phân cấp quản lý về tổ chức bộ máy đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xác định khá rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho các đơn vị từ Trung ương tới địa phương. Đặc biệt, trong những năm gần đây, công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên đã có những bước phát triển đáng kể: Mời các Kiểm sát viên giỏi, các chuyên gia của các cơ sở đào tạo luật trong nước tham gia giảng dạy; cử nhiều giảng viên đi nghiên cứu, trao đổi, học tập ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Úc và một số nước Châu Âu…

Từ những kết quả nổi bật trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ 60 năm qua và những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra, ngành Kiểm sát nhân dân đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu, đó là: Công tác đào tạo bồi dưỡng của ngành Kiểm sát nhân dân phải luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước; phải gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân theo Hiến pháp và pháp luật; phải chú trọng mục tiêu đặt chất lượng lên hàng đầu, lấy đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng là trung tâm; cần chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ (đây là vấn đề có tính chất chiến lược và là nhân tố quyết định thành công nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Ngành) và tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Kiểm sát viên.

Thời gian tới, để thực hiện ngày càng có hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, ngành Kiểm sát nhân dân cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định Ngành về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục kiện toàn, củng cố các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Ngành; đảm bảo tính toàn diện về kế hoạch và đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; tiếp tục thực hiện hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng và tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo Hội nghị. 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, trong hơn 60 năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao xác định là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm của ngành Kiểm sát để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế. Việc tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hội thảo khoa học về các vấn đề pháp luật và công tác kiểm sát tại các nước: Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Hungary… cũng góp phần vào việc nâng cao năng lực xây dựng và thực thi pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cho cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu cần nhìn thẳng vào những hạn chế, thiếu sót, những vướng mắc khó khăn để tiếp tục rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, từ đó có những tham mưu cho Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao đề ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, Kiểm sát viên.

Viện trưởng Lê Minh Trí yêu cầu các cơ sở đào tạo của ngành Kiểm sát nhân dân cần tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc VKSND tối cao và VKSND các cấp đổi mới phương pháp giảng dạy, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đội ngũ giảng viên. Cùng với quá trình đào tạo tri thức, các cơ sở cần chú trọng các hoạt động hướng nghiệp, hoạt động thực tập cuối khóa của sinh viên, đặc biệt là thực tế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; đào tạo các kỹ năng mềm (tin học, ngoại ngữ, giao tiếp…); giáo dục đạo đức, lối sống, trách nhiệm và bản lĩnh nghề nghiệp cho sinh viên, học viên để xây dựng đội ngũ cán bộ tuyệt đối trung thành với Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn cao, có khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn hoạt động công tác kiểm sát.

Tập trung củng cố, tăng cường năng lực của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Ngành về mọi mặt nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Tiếp tục khẳng định với Đảng, Nhà nước và Nhân dân rằng không cơ sở nào có thể làm tốt hơn cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Ngành về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp./.

Khánh Linh