Vụ SAGRI: Viện kiểm sát giữ quan điểm buộc tội Lê Tấn Hùng và đồng phạm tham ô
Ngày đăng : 17:09, 15/12/2021
Đủ chứng cứ buộc tội Lê Tấn Hùng và đồng phạm tham ô
Mở đầu phần đối đáp về nhóm 7 bị cáo bị truy tố tội “tham ô tài sản”, VKS khẳng định quy kết việc sử dụng 10 hợp đồng khống ký kết với hai công ty lữ hành du lịch là phương tiện chiếm đoạt tiền của SAGRI, là có cơ sở. Số tiền tham ô được xác định dựa trên chứng cứ, chứng từ đã thu thập.
Theo VKS, SAGRI là 100% vốn nhà nước, việc SAGRI kí kết cả 10 hợp đồng với 2 Cty du lịch Thanh niên Xung phong và Công ty du lịch Lữ hành Hòa bình Quốc tế để cho cán bộ, nhân viên đi tham quan, tổng cộng 13,3 tỉ đồng, đều được thanh toán 100%, thoát li 100% khỏi quản lí của SAGRI. Nhưng thực tế chưa một chuyến đi nào được tổ chức.
Tại phiên tòa, các bị cáo khai việc không tổ chức chuyến đi là do hoàn cảnh khách quan năm 2016 nên phải lùi sang năm 2017 và cho rằng, đây là cơ sở nhận định bị cáo không có ý thức chiếm đoạt.
Theo VKS đây là nhận định chưa đúng, bởi lẽ 10 hợp đồng trên sẽ không thực hiện được, mà là phương tiện, cơ sở các bị cáo rút tiền ra khỏi SAGRI.
Theo đó, đối với các hợp đồng Công ty du lịch Thanh niên Xung phong thể hiện, bị cáo Trường, Thúy đều thừa nhận đã trao đổi lên kế hoạch qua email, thời gian trao đổi từ ngày 20.9.2016 – 26.9.2016.
Tuy nhiên, theo bản hợp đồng, ngày khởi hành là 17.9.2016, trước cả thời điểm lên chương trình tour, hợp đồng đã được kí. Như vậy, không có việc dời lịch đi tour vì hoàn cảnh khách quan, mà là tổ chức tour để lấy tiền.
Về hợp đồng của Công ty du lịch Lữ hành Hòa Bình Quốc tế, cũng thể hiện ngày thanh lí hợp đồng trước ngày SAGRI chuyển tiền.
Như vậy, VKS tái khẳng định, cáo trạng quy kết các cán bộ SAGRI lúc bấy giờ sử dụng 10 hợp đồng khống chiếm đoạt tiền là hoàn toàn có cơ sở.
VKS đã xem xét toàn diện, cân nhắc
Về số tiền thiệt hại, dựa trên tài liệu, chứng cứ như ủy nhiệm chi, kết quả sao kê, tài liệu chứng từ thể hiện 13,3 tỉ đồng đã thoát li khỏi SAGRI trái quy định. Nhưng sau đó, các bị cáo cũng đã tự ý thức nộp lại tiền để đã khắc phục toàn bộ hậu quả.
Theo VKS, trong quá trình tranh luận, các luật sư, bị cáo cho rằng, vụ án không có thiệt hại do bị cáo đã khắc phục thiệt hại trước khi khởi tố vụ án. VKS cho rằng có lẫn lộn giữa không có thiệt hại và thiệt hại đã được khắc phục.
"Thiệt hại xác định khi tiền đã thoát li khỏi Nhà nước, việc bị cáo nộp lại tiền là hành vi khắc phục hậu quả do chính các bị cáo gây ra. Nếu bị cáo không khắc phục, thì HĐXX cũng sẽ buộc các bị cáo khắc phục hậu quả", đại diện VKS trình bày.
Tuy nhiên, trong vụ án này, không riêng bị cáo nhóm tội “tham ô tài sản”, mà các bị cáo còn lại đều được VKS xem, áp dụng mức hình phạt dưới khung. VKS đã xem xét toàn diện, tính chất, phân hóa vai trò, hậu quả gây ra trong vụ án của từng bị cáo trong suốt quá trình điều tra và tại tòa.
Vì vậy, VKS giữ nguyên quan điểm như đã đề nghị với các bị nhóm tội “tham ô tài sản” đối với 7 bị cáo, trong đó, bị cáo Lê Tấn Hùng có mức hình phạt cao nhất từ 14 – 16 năm tù, thấp nhất là bị cáo Đỗ Sĩ Hoài Thanh 5 – 6 năm tù.