Hớn Quản (Bình Phước): Phân lô bán nền đất nông nghiệp tràn lan - Chính quyền không biết?
Ngày đăng : 23:16, 02/12/2021
Khoảng 5 năm về trước, Bình Phước được biết đến là một địa phương với bạt ngàn cánh rừng cao su xanh ngắt, là thủ phủ của trái cây đặc sản đào lộn hột. Chỉ sau vài năm thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển hướng ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành nhiều dự án khu công nghiệp; lợi dụng việc đó, một số cá nhân, doanh nghiệp đã “hô biến”, “phù phép” cho các khu vực đất nông nghiệp thành khu dân cư tự đặt tên, để kinh doanh bất động sản trái quy định pháp luật.
Theo thống kê của Phóng viên (PV), hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 118 dự án xây dựng nhà ở (khu dân cư - KDC) nhưng trong đó chỉ có 38 dự án được phê duyệt. Còn lại 80 dự án không đủ điều kiện chuyển quyền sử dụng đất với tổng diện tích lên đến 3.420,145ha. Nếu tính bình quân 500m2/lô thì có đến 68.000 lô đất chưa đủ điều kiện để mở bán.
Vị trí một dự án KDC đã mở bán tại huyện Hớn Quản. |
Khảo sát thực tế tại các thị trấn Tân Khai, Tân Quan, Tân Hưng, Tân Lợi, Quang Minh… thuộc huyện Hớn Quản - nơi đang mở bán các dự án KDC tự phát như: Dự án Tân Hưng Sky Center (do Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát Land phân phối); dự án Tân Lợi Triệu Đô (do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Địa ốc Triệu Đô phân phối)…
Một dự án KDC nằm giữa rừng cao su. |
Các dự án này hầu hết đều có nguồn gốc đất là đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm. Một số nhà đầu tư bất động sản đã “lách luật” mua diện tích đất bám mặt tiền đường hiện hữu với số lượng vài ha rồi tách sổ, chuyển đổi một phần đất nông nghiệp thành đất thổ cư. Núp bóng doanh nghiệp trục lợi với chiêu bài: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tên cá nhân nhưng doanh nghiệp tổ chức rao bán, và được đánh bóng thành một cái tên dự án mỹ miều, vẽ ra sơ đồ phân lô rồi chào bán khắp nơi, mỗi lô đất có diện tích khoảng 100m2 đất ở, 200m2 đất nông nghiệp với giá bán từ khoảng 400 triệu đồng đến hàng tỷ đồng...
Quảng cáo bán đất khắp nơi ... |
Quan sát các dự án kiểu tự phát, PV ghi nhận hiện trạng không có hạ tầng, giao thông, cây xanh… đúng quy định pháp luật, có nhiều nơi cố tình đổ đá, dải nhựa thay đổi hiện trạng đường đất hiện hữu để mục đích thổi giá đất, qua mặt các cơ quan chức năng.
Chủ đất tự làm vỉa hè để chào bán. |
Chỉ ra thủ phạm của tình trạng phân lô bán nền trái phép tràn lan, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoRea) cho biết: Chính tâm lý của khách hàng ham mua đất với giá rẻ; vì vậy, giới đầu nậu, cò đất và một số ít doanh nghiệp bất động sản bất lương đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin của khách hàng. Có những trường hợp đã cấu kết với một số cán bộ chính quyền cấp cơ sở, hoặc có trường hợp do chính quyền cấp cơ sở buông lỏng công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
Lợi dụng bất cập của Luật Kinh doanh bất động sản, các đầu nậu sử dụng các phương thức như: Thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ; thỏa thuận góp vốn; hợp đồng ký gửi; thỏa thuận hợp tác kinh doanh... theo quy định của pháp luật dân sự, với giá trị đặt cọc lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng.
Luật sư Hoàng Văn Huy – Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết: “Việc phân lô bán nền tràn lan vi phạm nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng… Tất cả những trường hợp này theo quy định của pháp luật nhẹ thì chỉ xem xét xử phạt hành chính, nếu nặng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự...”.
Để tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân của tình trạng trên, PV đã liên hệ làm việc với chính quyền một số xã trên địa bàn huyện Hớn Quản; tuy nhiên, phần lớn chính quyền đều tìm cách né tránh, có xã trả lời: Việc tách đất nông nghiệp xã không được biết, Phòng Tài nguyên và Môi trường và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai làm; xã thấy hiện tượng phân lô xảy ra thì chỉ báo cáo bằng miệng với các phòng ban chuyên môn chứ không làm văn bản…
Có xã lại cho rằng: Việc đổ nhựa lên mặt đường đất hiện hữu là do xã thấy hợp lí thì cho làm (?).
Sự đùn đẩy, né tránh của chính quyền cơ sở khiến dư luận cho rằng, thực trạng phân lô, bán nền tràn lan trên địa bàn huyện Hớn Quản như hiện nay có nguyên nhân là sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lí của chính quyền địa phương, từ chính quyền các xã đến chính quyền huyện Hớn Quản.
Dư luận cho rằng, các cấp lãnh đạo tỉnh Bình Phước cần khẩn trương chỉ đạo, kiểm tra, đấu tranh, ngăn chặn những cá nhân, doanh nghiệp bất động sản đang thực hiện phân lô bán nền, huy động vốn có dấu hiệu trái pháp luật; tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại cho khách hàng và gây mất an ninh, trật tự xã hội, thất thoát nguồn tài nguyên đất, làm cạn kiệt quỹ đất quy hoạch trong tương lai gần... Đồng thời, xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm minh sai phạm của các cấp chính quyền cơ sở.
PV tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong kỳ sau.