Thủ tướng chủ trì Phiên họp thứ nhất Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Ngày đăng : 19:46, 30/11/2021

(Kiemsat.vn) - Thủ tướng khẳng định chủ trương thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia được xây dựng trên 3 trụ cột: Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Chiều nay (30/11), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chủ trương thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia được xây dựng trên 3 trụ cột: Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại Quyết định số 942/QĐ-TTg, ngày 15/6/2021 xác định, phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện; phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt để hình thành Chính phủ số vào 2025.

Thủ tướng nhấn mạnh, phiên họp đầu tiên của Ủy ban hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng. Để bảo đảm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định kiện toàn, đổi tên Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Đây là minh chứng thể hiện cho sự quyết tâm hành động; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định xây dựng Chính phủ số là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đây cũng là xu thế tất yếu, vừa nâng cao tính công khai, minh bạch, giải trình của Chính phủ, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển đất nước Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị, các thành viên Ủy ban Quốc gia, Bộ trưởng, Trưởng ngành cho ý kiến cụ thể, chỉ ra những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và những bài học kinh nghiệm. Đồng thời, đề ra kế hoạch, giải pháp thiết thực nhất để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số đặt ra 53 chỉ tiêu định lượng đến năm 2025.

Năm 2022 có 18 chỉ tiêu quan trọng đề xuất ưu tiên nguồn lực triển khai, trong đó có phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng rộng toàn dân; phổ cập danh tính số toàn dân; phổ cập an toàn thông tin mạng toàn dân; phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; phổ cập dạy học trực tuyến; phổ cập chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; phổ cập hóa đơn điện tử; phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổ số và phổ biến kỹ năng số; thúc đẩy toàn diện tất cả các phương thức thanh toán số; thúc đẩy thương mại điện tử...

Phát biểu tại phiên họp, Ông Đỗ Tiến Sĩ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, Đài TNVN là cơ quan truyền thông chủ lực của Chính phủ với 4 loại hình báo chí, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo in, việc chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, quan trọng và cần thiết để phục vụ nhanh, luôn, kịp thời, chính xác tới khán thính giả cả nước những thông tin cần thiết về thời sự, chính trị, tổng hợp, đời sống xã hội. Đài TNVN đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số và có nhiều chương trình tuyên truyền về chuyển đổi số.

Bên cạnh đó xây dựng hạ tầng kỹ thuật truyền thông, hạ tầng công nghệ số và nền tảng công nghệ thông tin chuyên việc, bảo mật an toàn, hiệu quả; xây dựng hệ sinh thái tin bài phát và đăng tải, xử dụng trên mọi loại hình báo chí hiện đại; làm việc mọi lúc mọi nơi, quản lý văn bản tài liệu trên nền tảng số. Tổng giám đốc Đài TNVN cũng đưa ra những kiến nghị tới Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi nghe các ý kiến của các Bộ nghành và địa phương, Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

"Tập trung hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách thử nghiệm ứng dụng giải pháp, công nghệ mới một cách sáng tạo, phù hợp. Cần sớm xây dựng, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật.

Về Chính phủ số, cần đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, xã hội; đẩy mạnh triển khai các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, thúc đẩy chia sẻ, kết nối giữa các hệ thống; đổi mới phương thức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nội khối hành chính các cấp, ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt hoạt động của cơ quan nhà nước, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành.

Các bộ, ngành, địa phương sớm triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số quốc gia cho giai đoạn mới, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số nhanh, bền vững, toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm. Nhanh chóng chuyển đổi số tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, sử dụng công nghệ số và dữ liệu số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tích cực hoàn thiện cơ sở dữ liệu; đầu tư, quan tâm, thúc đẩy triển khai chương trình phát triển công dân số; tích cực hợp tác giữa các địa phương tránh tình trạng cục bộ, phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết".

Về kế hoạch chuyển đổi số quốc gia năm 2022: Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo bước đột phá, dẫn dắt, lan toả, thúc đẩy chuyển đổi số toàn quốc trong giai đoạn mới. Thủ tướng nhất trí về mặt chủ trương với 18 nhóm nhiệm vụ và một số chính sách thúc đẩy chuyển đổi số theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022 có trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu rõ ràng, hoạt động thực chất, hiệu quả, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường vai trò của Tổ công tác giúp việc Ủy ban, đồng thời bảo đảm nguyên tắc Ủy ban không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở ý kiến góp ý tại phiên họp, Bộ Thông tin và Truyền thông thông hoàn thiện, lấy ý kiến của các thành viên Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ký ban hành./.

Vov.vn