Cơ chế phối hợp, kiểm soát giữa các Cơ quan tư pháp hình sự
Ngày đăng : 08:00, 13/12/2021
Là những cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong hệ thống bộ máy nhà nước ta, các cơ quan tư pháp hình sự tham gia vào các giai đoạn tố tụng hình sự thực hiện chức năng, nhiệm vụ giải quyết các vụ án hình sự. Các quan tư pháp hình sự gồm: Cơ quan điều tra (CQĐT), Viện kiểm sát, cơ quan Thi hành án (cơ quan Thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an và cơ quan Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp). Ngoài các cơ quan tư pháp hình sự còn có một số cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như: Hải quan, kiểm lâm, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư…; hệ thống Công an các xã tham gia tiếp nhận các nguồn tin báo, tố giác tội phạm; hệ thống Ủy ban nhân dân các xã tham gia quá trình giám sát thi hành án hình sự đối với các đối tượng được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ. Việc thực hiện phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp hình sự và một số cơ quan khác trong quá trình giải quyết vụ án hình sự là rất quan trọng, được quy định cụ thể trong chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan tại Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tổ chức Công an nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật thi hành án dân sự, Luật thi hành án hình sự… và các thông tư liên ngành về quan hệ phối hợp. Trong khi thực hiện chức năng nhiệm vụ của mỗi ngành, các cơ quan tư pháp hình sự đều có sự độc lập, tuân theo pháp luật và chịu sự kiểm soát lẫn nhau. Đồng thời, các cơ quan tư pháp hình sự còn phối hợp chặt chẽ để đạt hiệu quả chung là giải quyết vụ án hình sự đúng đắn, nhanh chóng, kịp thời, xử lý nghiêm minh mọi hành vi phạm tội và tội phạm, không xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Bên cạnh việc kiểm soát, phối hợp giữa các cơ quan tư pháp hình sự với nhau trong quá trình giải quyết vụ án hình sự còn có sự kiểm soát của các cơ quan Đảng với vai trò cấp ủy địa phương, lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ trực thuộc trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng ngành và với Hội đồng nhân dân các cấp để phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. Việc kiểm soát, phối hợp giữa các cơ quan tư pháp hình sự ở nước ta thực hiện theo cơ chế đa chiều, đa cơ quan với các phương pháp, cách thức khác nhau. Cụ thể là:
Giữa Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát:
Hoạt động kiểm soát, phối hợp với giữa CQĐT và Viện kiểm sát được thể hiện rõ nhất trong việc thực hiện các chức năng điều tra, thực hành quyền công tố kiểm sát hoạt động điều tra của hai cơ quan trên khi thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) trong các giai đoạn tố tụng như: Hoạt động tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố; hoạt động Viện kiểm sát phê chuẩn các lệnh, quyết định của CQĐT; hoạt động thực hiện các yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát; hoạt động kiểm sát kết thúc điều tra... Cụ thể:
Bộ luật Tố tụng hình sự quy định Viện kiểm sát không có thẩm quyền kiểm sát Công an cấp xã trong hoạt động việc tiếp nhận nguồn tin về tố giác tội phạm nhưng Viện kiểm sát có quyền kiểm sát CQĐT trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin, tố giác tội phạm trong đó có nguồn tin từ Công an cấp xã chuyển đến. Thực tế, có nhiều đơn vị xây dựng quy chế phối hợp, CQĐT và Viện kiểm sát cùng phối hợp nắm nguồn tin thông qua hoạt động kiểm tra bắt xét (kiểm tra hành chính giữa cấp trên với cấp dưới trong ngành Công an) để nắm bắt và kiểm sát các căn cứ bắt giữ của Công an cấp dưới. Thông qua các kỳ kiểm sát trực tiếp hàng năm Viện kiểm sát sẽ kiểm sát toàn bộ hoạt động tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm của CQĐT. Nếu phát hiện sai phạm, Viện kiểm sát sẽ ban hành kiến nghị hoặc kháng nghị tùy từng tính chất mức độ nghiêm trọng sai phạm của CQĐT.
Ngay sau khi CQĐT phát hiện hành vi phạm tội, Viện kiểm sát phối hợp cùng CQĐT tiếp cận tài liệu, hồ sơ, cùng tham gia một số hoạt động điều tra với CQĐT như: Gặp hỏi người tố giác, người bị tố giác, người bị thiệt hại, người chứng kiến để cùng CQĐT đánh giá chứng cứ, phân loại đối tượng trước khi áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ hình sự hoặc phê chuẩn lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Trong quá trình điều tra, CQĐT có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát. Ở giai đoạn chuẩn bị kết thúc điều tra, CQĐT và Viện kiểm sát, cụ thể là Điều tra viên và Kiểm sát viên sẽ phối hợp cùng đánh giá chứng cứ thống nhất các vấn đề trong vụ án để kết thúc điều tra hoặc gia hạn thời hạn điều tra...
Giữa Viện kiểm sát với Tòa án:
Mối quan hệ phối hợp và kiểm soát giữa Viện kiểm sát với Tòa án cũng tương tự như với CQĐT được quy định tương đối rõ ràng, cụ thể trong BLTTHS khi giải quyết vụ án hình sự. Viện kiểm sát có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, Hội đồng xét xử; có quyền kiến nghị, kháng nghị đối với các quyết định, bản án của Tòa án khi có vi phạm pháp luật hoặc có sai sót trong việc đánh giá chứng cứ, quyết định hình phạt. Ngược lại, Tòa án cũng có quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung cho Viện kiểm sát để kiểm soát lại việc đánh giá chứng cứ của Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án hình sự khi có bị cáo kêu bị oan hoặc có dấu hiệu sai sót trong việc đánh giá chứng cứ, bỏ lọt tội phạm. Trường hợp Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm, Tòa án vẫn trái quan điểm thì có quyền kiến nghị trong bản án.
Đối với một số trường hợp Tòa án và Viện kiểm sát có quan điểm đánh giá chứng cứ khác nhau thì Tòa án, Viện kiểm sát hai cấp phối hợp tổ chức họp liên ngành để đánh giá chứng cứ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Giữa Viện kiểm sát với cơ quan Thi hành án:
Hoạt động kiểm soát, phối hợp giai đoạn thi hành án được chia làm 02 nhóm. Nhóm thi hành án hình sự được thể hiện thông qua công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù với các hệ thống nhà tạm giữ, lưu giam, trại tạm giam, trại giam thuộc ngành Công an quản lý và công tác kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ do Ủy ban nhân dân cấp xã giám sát, quản lý. Nhóm thi hành án dân sự được thể hiện thông qua công tác kiểm sát thi hành án dân sự đối với việc thi hành các phần hình phạt bổ sung, án phí, bồi thường dân sự, xử lý vật chứng trong bản án đã tuyên có hiệu lực pháp luật của hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.
Với cơ quan Thi hành án hình sự và Uỷ ban nhân dân xã:
Viện kiểm sát xây dựng kế hoạch kiểm sát trực tiếp việc tạm giữ (theo ngày, tháng, quý, năm, đột xuất); tạm giam (theo quý, năm, đột xuất); chấp hành án phạt tù hoặc chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ (theo quý, năm). Đồng thời, phối hợp tham gia Hội đồng xét giảm thi hành án cùng với Tòa án và các trại giam trên địa bàn để tạo điều kiện cho người phạm tội được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước và sớm được tái hòa nhập cộng đồng. Quá trình kiểm sát, nghiên cứu các hồ sơ thi hành án thấy căn cứ xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, diện đối tượng được xét giảm, chế độ tạm giữ, tạm giam… chưa đảm bảo thì kiến nghị với Tòa án, trại giam về những thiếu sót, sai phạm ít nghiêm trọng, kháng nghị đối với những vi phạm nghiêm trọng hoặc nhắc nhở đối với sai phạm, thiếu sót không đáng kể hoặc do lỗi hành chính tư pháp.
Viện kiểm sát cũng tiến hành kiểm sát việc giám sát của Uỷ ban nhân dân cấp xã đối với các bị án treo, cải tạo không giam giữ trên địa bàn. Quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ, Viện kiểm sát và các cơ quan Thi hành án hình sự, Uỷ ban nhân dân cấp xã thường xuyên phối hợp nắm bắt tình hình của từng ngành, nếu có khó khăn, vướng mắc thì cùng tổ chức họp đánh giá và đưa ra các biện pháp tháo gỡ cụ thể; cùng xây dựng quy chế phối hợp với sự tham gia của các cơ quan thuộc Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp cùng tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát trực tiếp tại các cơ sở giam giữ để đảm bảo tính khách quan, thận trọng trong các hoạt động này, hạn chế thấp nhất việc sai sót, bảo đảm quyền con người đặc biệt là những người bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.
Với cơ quan Thi hành án dân sự:
Việc phối hợp, kiểm soát giữa cơ quan Thi hành án hình sự với Viện kiểm sát chủ yếu trong các hoạt động xử lý vật chứng các vụ án hình sự, thi hành phần án phí, hình phạt bổ sung là phạt tiền, vấn đề dân sự và biện pháp tư pháp khác trong vụ án hình sự. Định kỳ, Viện kiểm sát tiến hành kiểm sát trực tiếp tại Cục/Chi cục Thi hành án dân sự cùng cấp để kiểm tra, tổng hợp những thiếu sót, sai phạm trong hoạt động thi hành án dân sự. Viện kiểm sát cũng phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp trong hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của các đối tượng phải thi hành án để làm căn cứ miễn, giảm hoặc cưỡng chế thi hành án. Việc tổ chức cưỡng chế thi hành án khi người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án, có biểu hiện chống đối thì cơ quan Thi hành án tổ chức xây dựng kế hoạch cưỡng chế thi hành án chi tiết, cụ thể. Đồng thời cũng tranh thủ ý kiến góp ý của Viện kiểm sát và cơ quan Công an (lực lượng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp) để đảm bảo việc cưỡng chế thi hành án an toàn, hiệu quả.
Quá trình kiểm sát thi hành án dân sự nếu phát hiện các sai sót nhỏ, mang tính chất thủ tục hành chính thì Viện kiểm sát chủ động nhắc nhở Chấp hành viên của cơ quan Thi hành án sửa chữa, khắc phục. Đối với những vi phạm ít nghiêm trọng mang tính hệ thống thì tập hợp để kiến nghị chung. Đối với vi phạm nghiêm trọng thì Viện kiểm sát sẽ kháng nghị buộc dừng ngay việc thi hành án để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Giữa các cơ quan tư pháp hình sự với cơ quan Đảng, chính quyền địa phương:
Việc phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan tư pháp hình sự với các cơ quan Đảng, chính quyền dựa trên các quy định của Hiến pháp thì Viện kiểm sát, Tòa án phải báo cáo công tác của mình trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các ngành tư pháp ở địa phương là độc lập và tuân theo quy định của pháp luật. Tùy từng địa phương sẽ xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan nội chính (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan Thi hành án...) để cùng thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy địa phương, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và thực hiện tốt chức năng của mỗi ngành. Tại các buổi giao ban tháng/quý (tùy từng đơn vị bố trí theo thời gian nhất định), thường trực cấp ủy địa phương sẽ tổ chức cuộc họp khối nội chính. Theo đó, các đơn vị nội chính bao gồm các cơ quan tư pháp hình sự sẽ phát biểu nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình và liên quan đến công tác phối hợp với các ngành khác. Trên cơ sở đó, với vai trò lãnh đạo cơ quan cấp ủy địa phương sẽ thống nhất các biện pháp để các cơ quan nội chính, cơ quan tư pháp hình sự thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình./.